Các loại “hạt giống” trong tâm ta từ đâu mà có?

Bài tụng 4: Các loại hạt giống

Có hạt giống sẵn có
Có hạt giống trao truyền
Huân tập thời ấu thơ
Cả thời gian thai nghén.

Các loại hạt giống

Trong tàng thức có tất cả các loại hạt giống. Tất cả các loại hạt giống ấy có thể phân biệt làm hai loại: hạt giống sẵn có và hạt giống trao truyền.

Hạt giống sẵn có (bản hữu chủng tử): Bản hữu là bẩm sinh, vốn có sẵn. Theo tuệ giác của Bụt, không có phút bắt đầu. Đạo Bụt luôn luôn nói về vô thủy (vô thỉ) vô chung. Điều này hơi khó hiểu vì chúng ta vốn sống trong khung thời gian và không gian do trí óc tạo ra. Nhưng Bụt nói rất rõ: thời gian và không gian là những sáng tạo của tâm thức. Thời gian và không gian làm ra nhau.

Trong Duy Biểu Học, thời gian, không gian và tâm thức là một. Những yếu tố tạo ra sự sống, vũ trụ, vạn vật gồm có: đất, nước, gió, lửa, không gian, thời gian, phương hướng và tâm thức. Có tám yếu tố, nhưng một yếu tố chứa đựng bảy yếu tố kia.

Khi Albert Einstein (1879-1955) nói rằng thời gian và không gian không phải là những thực thể độc lập, thời gian làm bằng không gian, không gian làm bằng thời gian; ông đã thấy được một phần tuệ giác của đạo Bụt. Nhưng Einstein không rõ một điều rằng tâm thức cũng là một yếu tố làm ra thời gian và không gian.

Khi bắt buộc vũ trụ phải có bắt đầu tức là giả định rằng không gian và thời gian là hai thực tại khách quan. Nhưng Duy Biểu cho biết rằng thời gian và không gian không phải là những thực tại khách quan. Chúng là những sáng tạo phẩm của thức.

Vì vậy thuyết tương đối của khoa học bây giờ giúp chúng ta hiểu được giáo lý vô thủy vô chung của đạo Bụt. Vì Khoa học là một khoa học thực nghiệm nên có uy tín và được người ta tin.  Nhưng mà Đạo học cũng là một khoa học thực nghiệm, thực nghiệm đây không phải về phần vật thể mà về phần tâm linh, và cũng đáng tin lắm. Tuy nhiên, người dạy đạo phải thực sự sống kinh nghiệm tâm linh đó thì mới có thể soi thấu ngọn ngành của tâm thức một cách thực nghiệm.

Hạt giống gọi là sẵn có vì nó không có cái bắt đầu (vô thủy). Nếu nói nó có sẵn từ lúc bắt đầu thì còn kẹt vào ý niệm về thời gian. Ta có thể nói “nó có sẵn từ lúc không bắt đầu”. Nói như thế để giúp thoát ra khỏi ý niệm về bắt đầu.

Hạt giống trao truyền:

Có những hạt giống được trao truyền (tân huân chủng tử) cho chúng ta. Ai trao truyền?  Những tài ba, đức hạnh cũng như những vụng về, khổ đau đều có thể do ông bà truyền lại. Chúng ta có những hạt giống của Lý Thường Kiệt, của Trần Hưng Đạo (trung thần, ái quốc) và của cả Trần Ích Tắc (phản quốc). Chúng ta có đủ hạt giống: hạnh phúc, khổ đau, tài ba, vụng về.

Điều này rất khoa học. Khoa di truyền học mới khám phá ra điều này gần đây, nhưng Bụt đã nói tới từ lâu rồi. Di truyền học cho ta thấy những hạt giống (DNA) trong thân và trong tâm của chúng ta có nguồn gốc từ tổ tiên, ông bà cách ta nhiều đời. Chúng ta mang trong ta những thế hệ tổ tiên ông bà. Hơn nữa các thế hệ tương lai cũng có sẵn trong chúng ta. Vì vậy khi chúng ta giải thoát an lạc thì tổ tiên ông bà ta cũng được giải thoát an lạc. Ta tu tập không riêng cho ta mà cho tổ tiên và những thế hệ tương lai.

Giống như cây chanh tuy chưa có hoa, có trái nhưng hoa chanh, trái chanh đã có sẵn trong cây chanh, chỉ cần thời gian là biểu hiện. Cũng vậy, con cháu đã có sẵn trong ta, nếu chúng ta tu tập, có giải thoát thì tuy con cháu chúng ta chưa biểu hiện nhưng cũng đã thấm nhuần công trình tu tập và kết quả an lạc giải thoát của chúng ta. Cho nên một người tu tập thì cả tổ tiên dòng họ và ngay cả con cái đều được hưởng lợi lạc ngay trong hiện tại. Đó là cái nhìn của đạo Bụt. Chỉ cần nắm lấy một ngày thôi mà tu tập cho tinh tấn thì ngày đó sẽ mang lại an lạc hạnh phúc cho cả tổ tiên và con cháu. Tại vì một ngày chứa cả thời gian vô cùng và không gian vô tận. Nếu để cho một ngày trôi qua oan uổng thì tội nghiệp cho tổ tiên và tội nghiệp cho con cháu. Biết bao nhiêu người đã phí phạm để cho ngày tháng trôi qua oan uổng!

Những hạt giống trao truyền đó gọi là tân huân chủng tử (vāsanā). Huân là ướp vào, gieo vào. Tân là mới. Phân biệt ra hai loại hạt giống sẵn có và trao truyền khiến chúng ta nghĩ rằng chủng tử mới trao truyền đó chúng ta không có sẵn, chúng ta chỉ có khi mới được huân vào thôi. Điều này không đúng lắm. Những hạt giống trao truyền thật ra đã có sẵn trong ta nhưng không được quan trọng lắm. Trao truyền ở đây là trao truyền tác dụng làm cho những hạt giống đó trở nên quan trọng.

Một người không biết hát và nghĩ rằng mình không có hạt giống của sự ca hát. Nhưng khi về Làng Mai một thời gian thì chẳng những hát được mà còn thích hát nữa. Hạt giống chúng ta tưởng là tân huân thật ra đã có sẵn nhưng rất yếu, có khi cả hằng chục năm, trăm năm rồi chưa được tưới tẩm, và phát triển. Những hạt giống đó không thuần là trao truyền (tân huân) mà có phần bản hữu trong đó và nhờ các điều kiện thuận lợi (tăng thượng duyên) mà được phát triển.

Điều này phù hợp với những gì Bụt dạy về giác tính. Chúng ta thường nghĩ rằng giáo lý giải thoát giác ngộ học được của thầy của bạn là những điều vừa mới được trao truyền (tân huân) nhưng kỳ thật chúng ta đã có những hạt giống giải thoát và giác ngộ đó trong bản thân rồi. Thầy hay bạn chỉ giúp những điều kiện để chúng ta trở về tiếp xúc và làm cho các hạt giống đó lớn mạnh mà thôi. Buổi sớm mai sau khi giác ngộ thành đạo, Bụt có nói: “Lạ thay! Tất cả mọi chúng sanh đều có khả năng tỉnh thức, giác ngộ, hạnh phúc, an lạc, nhưng mà họ cứ trôi lăn trong khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác”. Nói như vậy có nghĩa là những hạt giống tỉnh thức giác ngộ đã có sẵn trong chúng ta cả rồi, Bụt và giáo đoàn chỉ giúp chúng ta trở về tiếp xúc với những hạt giống tỉnh thức giác ngộ mà thôi. Bụt và giáo đoàn chỉ giữ vai trò tăng thượng duyên mà thôi. Vì vậy khi phân biệt hai loại hạt giống cũng chỉ là tạm thời phân biệt để hiểu và để tu mà thôi, chứ hai loại hạt giống đó không chống đối nhau.

Huân tập thời ấu thơ, cả thời gian thai nghén:

Ngay khi còn ở trong bụng mẹ, thức A-lại-gia của thai nhi đã bắt đầu hoạt động, đã có thể tiếp nhận những hạt giống khổ đau hay hạnh phúc từ mẹ mình hoặc cha mình. Khi mang thai, một bà mẹ hằng ngày tiếp tục gieo vào tàng thức của mình và của em bé đủ mọi hạt giống, từ thức ăn thức uống, đến buồn vui, khổ đau, lo lắng…

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là những dòng sông đưa hạt giống vào tàng thức của cả mẹ lẫn con. Ăn là ăn cho hai người, uống là uống cho hai người, vui là vui cho hai người, khổ là khổ cho hai người. Cho nên những bà mẹ tương lai phải tu nhiều lắm, phải chánh niệm nhiều lắm mới được. Khi đi đứng, nằm ngồi, ăn uống, khi đọc sách, xem ti-vi, nói chuyện phải hết sức cẩn thận. Phải nuôi con từ lúc con chưa ra đời chứ không phải chỉ nuôi con từ lúc con còn bé. Người cha tương lai cũng cần phải có ý thức nhiều mới được. Mỗi cử chỉ vụng về, mỗi câu nói nặng, mỗi cái nhìn trách móc, mỗi cái  nhìn lạnh nhạt của cha đối với mẹ, em bé đều tiếp nhận hết. Những hạt giống khổ đau của một đời người bắt đầu từ khi còn trứng nước trong bụng mẹ. Những hành động thiếu chánh niệm của người lớn gieo vào tâm em bé có thể ảnh hưởng suốt cuộc đời em.

Chúng ta cần ý thức rằng tàng thức em bé rất mong manh nhưng luôn luôn có mặt đó và sẽ tiếp nhận tất cả những gì xẩy ra trong đời sống gia đình. Chúng ta cũng nên biết rằng khi em bé sinh ra, tuy chưa hiểu tiếng người nhưng không có nghĩa là em bé không thể tiếp nhận hạt giống từ cha mẹ. Khi cha mẹ nói chuyện với nhau, tình cảm được biểu hiện trong lời nói. Một câu nói mà có sự săn sóc thương yêu hay một câu nói đầy giận hờn, bực bội em bé đều cảm nhận được hết. Không khí hạnh phúc hay khổ đau trong gia đình, dầu em bé còn nằm trong nôi, đều cảm nhận được hết. Những kỷ niệm của thời ấu thơ rất sâu đậm.

Có những em bé bị bệnh tâm thần ngay từ khi còn nhỏ bởi vì cha mẹ làm khổ nhau khi em bé còn trong bụng mẹ và tiếp tục làm khổ nhau khi bé ra đời cho nên chúng sợ người lớn lắm. Ở Tây phương người ta quan sát những em bé trong một phòng riêng với nhiều đồ chơi và nhận thấy có một số em vui chơi rất tự nhiên với đồ chơi khi trong phòng không có người lớn nào, nhưng khi có người lớn bước vào thì các em bé ấy im lặng và mềm ra như một sợi bún. Tâm Lý Học Tây phương gọi các em bé đó là những em bé mềm (les enfants mous) tại vì người lớn đã làm cho chúng khổ ngay từ trong bụng mẹ nên  ngay khi sinh ra các em đã sợ người lớn.

Vì vậy chúng ta có thể áp dụng giáo lý về huân tập để tổ chức những lớp tu học cho các bậc cha mẹ tương lai để giúp họ biết cách cư xử với nhau, giữ gìn cho nhau trong tinh thần chánh niệm để sau này con cái họ khỏi khổ. Đưa ra đời một sinh mạng là một chuyện lớn. Có những người không tu không học mà sinh con quá nhiều, mỗi năm một đứa. Rốt cuộc có mười một, mười hai đứa. Hai vợ chồng đau khổ mà không biết tu tập giữ gìn cho nhau, trách móc giận dỗi nhau hoài, rồi gieo vào tâm thức mười mấy đứa con toàn là những hạt giống khổ đau. Lớn lên dĩ nhiên là những người con đó khổ đau và làm khổ đau những người khác. Các thế hệ tương lai nếu giỏi thì phải viết sách, phải  tổ chức các khóa tu tập để dạy dỗ cho các bậc cha mẹ tương lai, để cho họ có thể thấy được tầm quan trọng của nghệ thuật huân tập trong khi nuôi con, nghĩa là tránh gieo những hạt giống khổ đau mà chỉ gieo những hạt giống hạnh phúc vào tâm thức con.

Thích Nhất Hạnh/langmai.org

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay