Các loại hạt giống trong tâm ta là những gì? Làm sao nhận diện được chúng?

Bài tụng 2: Các loại hạt giống

Hạt giống có đủ loại
Sinh tử và niết bàn
Mê ngộ và khổ vui
Danh xưng và tướng trạng.

hạt giống

Hạt giống có đủ loại: đủ loại có nghĩa là không có hạt giống nào mà không có. Có hạt giống yếu, có hạt giống mạnh, có hạt giống lớn, có hạt giống nhỏ, đủ thứ hết. Có hạt giống sinh tử, có hạt giống niết bàn, có hạt giống đau khổ, hạt giống hạnh phúc. Trong bài tụng thứ nhất chúng ta có nói đến hạt giống trung kiên và hạt giống phản bội. Có hạt giống trung kiên không có nghĩa là không có hạt giống phản bội.

Sinh tử và niết bàn: Ta có hạt giống của sinh tử và hạt giống của niết bàn. Sinh tử ở đây có nghĩa là trôi lăn, hụp lặn trong khổ đau chứ không có nghĩa là sinh ra rồi chết đi. Luân hồi có nghĩa là khổ cách này rồi khổ cách khác. Trôi lăn trong sinh tử, trong cõi luân hồi, không phải đợi năm sáu chục năm mới sinh tử một lần. Mỗi ngày chúng ta có thể sinh tử hàng triệu lần. Sinh tử trong thân, sinh tử trong tâm. Trong một giờ mà ta có thể sinh tử biết bao nhiêu kiếp. Chết rất nhiều lần trong một giờ đồng hồ, khổ đau vô lượng. Sinh tử là khía cạnh khổ đau của sự sống trong đó có sự sợ hãi, căm thù, buồn khổ.

Niết bàn là ngược lại, là chấm dứt sinh tử, là không sợ hãi, là mát mẻ, vững chãi. Niết bàn là chấm dứt vòng luân hồi đau khổ. Giải thoát không tới từ bên ngoài, cũng không phải là thứ gì ai cho ta, kể cả Bụt. Hạt giống giác ngộ giải thoát có sẵn trong tâm thức ta, đó là Phật tánh, là khả năng giác ngộ mà chúng ta ai cũng có, chỉ cần nuôi dưỡng là nó hiện khởi ra.

Chúng ta rất khó vượt thoát được cái vòng sinh tử. Cha mẹ chúng ta đau khổ nên truyền lại cho ta những hạt giống tiêu cực và đau khổ. Nếu chúng ta không nhận biết và chuyển hóa được những hạt giống bất thiện trong tâm thức, thì chắc chắn chúng ta sẽ truyền xuống cho con cháu chúng ta. Sự trao truyền liên tục các hạt giống sợ hãi và khổ đau đó tạo nên cõi Ta bà. Đồng thời cha mẹ chúng ta cũng truyền cho ta những hạt giống hạnh phúc. Khi thực tập chánh niệm, hàng ngày ta có thể nhận biết và tưới tẩm các hạt giống thiện đó trong ta và trong người khác.

Chúng ta có đủ hạt giống của sinh tử, hạt giống của niết bàn. Hai loại hạt giống đó không hẳn chống báng nhau, đánh giặc với nhau. Đừng tưởng tượng là niết bàn và sinh tử đang đánh giặc trong ta. Đừng tưởng hoa và rác đang đánh giặc với nhau. Nhìn sâu thì chúng ta thấy rằng trong rác có hoa. Nếu khéo thì chúng ta có thể biến rác thành hoa. Trái lại trong hoa có rác. Nếu không khéo, không sống trong chánh niệm thì hoa biến thành rác rất mau chóng. Không những hoa biến thành rác mà ngay trong hoa có rác và ngay trong rác cũng có hoa. Chúng ta không thấy vì nó chưa biểu hiện đó thôi. Nếu là người phàm phu thì phải đợi mười ngày mới thấy hoa là rác. Còn người thực tập tỉnh thức thì thấy ngay trong hoa có rác. Người mê nhìn hoa chỉ thấy hoa mà thôi, người ngộ thì thấy trong hoa có rác và không sợ rác vì biết rằng không có rác thì làm gì có hoa. Cho nên cầm hoa trong tay thì biết ơn rác chớ không hẳn phải thù hận rác. Hoa không thù rác, chỉ có chúng ta u mê mới thù rác.

Chúng ta nhìn Bụt và nghĩ rằng Bụt với Ma là hai kẻ thù không nhìn mặt nhau. Đó là ta nhìn với con mắt phàm tục. Nếu ta nhìn bằng con mắt tỉnh táo thì ta thấy rằng Bụt và Ma Vương có thể nắm tay nhau đi thiền hành rất là thân ái. Ngày xưa tác giả đã viết một bài về cuộc gặp gỡ giữa Bụt và Ma Vương (sách Nẻo Về Của Ý).

Trong kinh Đại Thừa có nói “Niết bàn sinh tử thị không hoa” có nghĩa là niết bàn và sinh tử là hoa đốm giữa hư không. Trước hết, chúng ta có ý niệm sai lầm, cho là niết bàn và sinh tử chống báng nhau. Thật ra thì phải sử dụng chất liệu sinh tử để làm ra niết bàn và sử dụng niết bàn làm chất liệu để làm ra sinh tử. Cũng giống như hoa và rác. Rác là chất liệu để làm thành hoa và hoa là chất liệu để làm thành rác. Đau khổ là chất liệu có thể tạo ra hạnh phúc. Nếu thấy được như vậy thì không còn sợ hãi nữa, không còn trốn chạy nữa. Những người chán sinh tử để tìm niết bàn phải học để thấy rằng chỉ có thể tìm niết bàn ở trong sinh tử.

Một thiền sinh hỏi Thiền sư Thiện Hội đời Lý: “Thầy dạy con phải tìm đạt cho được cảnh giới không sinh tử thì con phải đi tìm cảnh giới không sinh tử ở đâu?” Vị thiền sư trả lời: “Con tìm ngay ở chỗ sinh tử”. Đó là một thái độ rất khôn ngoan. Vì anh trốn chạy rác nên không bao giờ anh tìm ra hoa cả.

Nếu biết sử dụng ba chìa khóa mà Bụt trao cho là vô thường, vô ngã, niết bàn để mở cửa thực tại thì sẽ tìm thấy an ổn, vững chãi ngay trong sợ hãi, sầu khổ. Trong kinh Đại thừa có câu nói đáng giật mình, mà nhiều người không hiểu: “Phiền não tức bồ đề“. Biết được điều đó thì không còn sợ phiền não nữa. Thường thì phiền não là ngược lại với bồ đề, phiền não là u mê, tham giận, kiêu căng, bồ đề là giác ngộ, vững chãi. Cho nên khi nói rằng “muốn đi tìm an lạc, muốn đi tìm niết bàn thì phải diệt cho hết phiền não đi đã” là chưa thấy được nguyên tắc hành đạo, chẳng khác gì người làm vườn vừa có cọng rác nào là đem vứt đi hết tới khi cần phân để trồng trọt thì không còn chi.

Mê ngộ và khổ vui: Chúng ta có hạt giống của đủ thứ khổ và hạt giống của đủ thứ vui. Có những niềm vui sâu sắc, có những niềm vui cạn cợt che giấu những nổi khổ lâu dài. Chúng ta có hạt giống mê nhưng cũng có hạt giống ngộ. Sống trong đời ai mà không đi qua những cơn mê. Nhưng mê hoài rồi cũng đến khi tỉnh. Có tỉnh tức là có ngộ. Sở dĩ tỉnh được là vì có hạt giống ngộ trong mình. Theo giáo lý Duy Biểu thì chúng ta có sẵn hạt giống ngộ trong mình. Đôi khi những khổ đau do cơn mê giúp chúng ta tiếp xúc được những hạt giống của ngộ và chúng ta tỉnh dậy. Mê và ngộ không hẳn là thù địch. Người ta thường nói đại nghi thì đại ngộ, đại mê thì đại tỉnh.

Danh xưng và tướng trạng. Danh xưng  (lakṣaṇa) là một loại hạt giống. Tướng trạng (samjñā-lakṣaṇa – Perception) là một loại hạt giống khác. Danh xưng là tên gọi của sự vật. Trong tàng thức có đủ thứ hạt giống về tên gọi. Hạt giống danh xưng gọi cái này là núi, cái kia là sông. Tàng thức chứa nhiều danh từ: danh từ Bụt, danh từ ma, danh từ cha, danh từ mẹ. Đó là những hạt giống về danh xưng. Đối với loài người thì những hạt giống về danh xưng rất quan trọng. Mỗi hạt giống về danh xưng làm phát khởi những hạt giống về tướng trạng. Danh xưng gốc từ nhĩ thức (aural consciousness), tướng trạng gốc từ nhãn thức (visual consciousness). Ví dụ trong tàng thức chúng ta đang có hạt giống danh xưng Paris mà cũng là hạt giống tướng trạng Paris. Nếu có người nói đến chữ Paris tức là họ động đến hạt giống danh xưng Paris và đồng thời động đến những hạt giống tướng trạng Paris trong ta như là tháp Eiffel, nhà thờ Notre Dame.

Tướng trạng, đối tượng của tri giác, có thể rất xa với sự thật, có thể hoàn toàn do sự tạo dựng, tưởng tượng của tâm thức. Chúng ta không biết được, không thấy được ranh giới của sự thật về những gì mà ta tiếp nhận bằng tri giác. Ví dụ như khi nói đến danh từ Bụt thì trong ta hiện ra hình ảnh về Bụt. Hình ảnh về Bụt đó phát xuất từ một hạt giống chúng ta tiếp nhận khi nhìn một tượng Bụt lúc còn bé thơ hoặc những điều mà đã đọc được về Bụt. Nội dung của tri giác đó về Bụt được cất chứa trong tâm chúng ta. Nhưng mà hình ảnh về Bụt đó có phải là hình ảnh của Bụt tự thân hay chỉ là hình ảnh của Bụt trong tâm mà chúng ta đã gán cho Bụt mà thôi?  Lúc ba bốn tuổi chúng ta có một ý niệm về Bụt. Lớn lên đi chùa được nghe dạy về Bụt thì ý niệm ngây thơ về Bụt không còn nữa và chúng ta có một ý niệm khác hơn, có vẻ rõ rệt hơn về Bụt. Nhưng chưa chắc ý niệm đó đã phù hợp với thực tại.

Những đối tượng của tri giác cất giữ trong tâm thức thường do tâm thức tạo tác nhiều hơn là sự thật. Có thể là chúng ta rất thương kính Bụt và nghĩ rằng khi gặp Bụt chúng ta sẽ lạy xuống liền và đi theo Ngài không rời một giây phút nào để nghe Ngài thuyết pháp, dạy dỗ. Nhưng có thể rằng ngày mai gặp Bụt ở ga xe lửa St. Foy La Grande thì chúng ta không muốn nhìn, tại vì chúng ta có một hình ảnh khác về Ngài. Bụt mà chúng ta gặp ở St. Foy La Grande có thể là Bụt thật nhưng chúng ta không thèm để ý tới. Chúng ta tin chắc là Bụt thì phải có hào quang, phải khoác áo vàng. Tới chừng gặp Bụt mặc áo sơ mi thì chúng ta không chịu. Bụt gì mà mặc áo sơ mi? Bụt gì mà không có hào quang? Có thể mình chưa biết Bụt ra sao cả. Mình chỉ nghe nói về danh từ về Bụt và dựng lên một hình ảnh về Bụt khác xa với thực tại về Bụt.

Một ví dụ khác: người mà ta thương, đối tượng của sự thương yêu của chúng ta có thể không giống với người trong thực tại. Chúng ta tạo tác ra hình ảnh này hình ảnh nọ về người đó, lý tưởng hóa người đó, thấy người đó đẹp hơn trong thực tại. Khi ghét cũng vậy, chúng ta tạo tác ra một hình ảnh về người đó trong ta. Nghe đến tên người đó thì đùng đùng nổi giận và những hình ảnh dễ ghét có thể không phù hợp với thực tại của người đó.

Ngay đến nhận thức đối với chính chúng ta cũng vậy. Chúng ta có thể có tri giác rất sai lầm về chính chúng ta. Có khi chúng ta tự thù ghét, tự khinh miệt mà thật ra có thể không như vậy. Chúng ta có những khả năng, những tài ba mà vì những trở lực ngăn che nào đó mà ta chưa phát triển được đó thôi.

Chúng ta chất chứa rất nhiều hình ảnh sai lầm và sống trong một thế giới đầy dẫy những sai lầm và ảo tưởng. Vậy mà chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta đang tiếp xúc thật sự với thế giới, với loài người và những loài khác. Tri giác (tưởng) đưa vào tâm thức nhiều hạt giống về danh xưng và tướng trạng và chúng ta sống với thế giới đó. Chính cái thế giới mà chúng ta tự tạo tác bằng những ảo giác đó đã ngăn che không cho chúng ta tiếp xúc với sự thật khi đối diện sự thật. Lý Thường Kiệt, Tổng Thống Mitterand, núi Alpes là những danh xưng mà mỗi khi có các danh xưng đó thì chúng ta tin tưởng rằng chúng ta có cái thực tại mà danh xưng đó đại diện. Đó là điều rất là sai lầm. Những nhận thức, tri giác sai lầm mang tới rất nhiều khổ đau. Chúng ta đoan chắc rằng các tri giác của mình là chính xác và hoàn hảo, nhưng thường chúng không phải như vậy.

Tướng và tưởng

Tướng là hình ảnh về thực tại. Hình ảnh đó có được là do tưởng, do tri giác. Tưởng (tri giác) có hai phần: chủ thể (tưởng) và đối tượng (tướng). Chủ thể sai lạc thì đối tượng cũng sai lạc. Đối tượng méo mó thì chủ thể cũng méo mó. Tri giác sai lầm tạo nên không biết bao nhiêu là vấn đề. Chúng ta hiểu lầm, nhận lầm. Tất cả những đau khổ đều phát sinh ra từ những nhận thức sai lầm về sự vật. Chúng ta có biết được bao nhiêu đâu! Chúng ta chỉ có một số danh từ, một số hình ảnh quá xa lạ và sai lạc. Vậy mà chúng ta cương quyết là đã biết rõ rồi, đã nắm vững về sự thật cả rồi! Tất cả những đau khổ đều từ đó mà phát sinh, từ những tri giác sai lầm mà phát sinh. Người ấy ghét mình, không thèm nhìn mình, người ấy không công nhận sự có mặt của mình, người ấy muốn tiêu diệt mình. Toàn là những tạo tác cường điệu của tâm thức mà thôi.

Luôn luôn phải khiêm nhường tự hỏi: tri giác tôi đã chính xác chưa? Có chắc vậy không? Nó gần với sự thật được mấy mươi phần trăm? Luôn luôn phải cho mình một không gian và một thời gian để cho tri giác của mình được sâu sắc vững chãi hơn. Thiền tập là để đi tới những tri giác chính xác hơn.

Tự tướng, cộng tướng

Có nhiều loại tướng. Có khi ta nói đến sáu tướng, có khi nói đến bốn tướng và có khi nói đến hai tướng. Ở đây chúng ta chỉ nói đến hai tướng là tự tướng và cộng tướng.

Ví dụ như con ngựa. Ngựa là cộng tướng. Bất cứ con ngựa nào cũng đều được gọi là ngựa. Nhưng khi nói tới ngựa Kiền Trắc hoặc ngựa Xích Thố thì không thể coi là cộng tướng được vì mỗi con ngựa có đặc trưng riêng và chỉ có một giống ngựa tên Kiền Trắc hay Xích Thố mà thôi. Triết học Trung Hoa nói “Ngựa trắng không phải là ngựa”. Tại vì có nhiều loại ngựa: ngựa ô, ngựa nâu, ngựa vàng… Ngựa trắng là một loại ngựa quá đặc biệt, nó không phải là ngựa nữa. Ngựa là tướng chung nhưng ngựa trắng có tướng riêng. Chúng ta sẽ từ từ đi vào ý niệm về tướng chung và tướng riêng trong những bài tụng sau.

Duy biểu học

Thích Nhất Hạnh

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay