Con đường tu – Con đường của sự khiêm nhường

Con đường tu là con đường của sự khiêm nhường, của nỗ lực vô hạn độ. Tenzin Palmo, ni cô Tây phương đầu tiên đã lập am thiền trên cao độ hơn 4000m ở Hymalaya…

Con đường tu - Con đường của sự khiêm nhường

Ba mươi năm trước, khi mới mười lăm, mười sáu tuổi, tôi đã cảm thấy mình có “căn tu”. Ở cái thời mà đi chùa là điều ít ai nghĩ tới, trừ dịp lễ tết, thì tôi đã coi nó như ngôi nhà thứ hai của mình. 20 tuổi, luận văn tốt nghiệp đại học tôi chọn đề tài: “Tam giáo đồng nguyên trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng”, đề tài mà chính các thầy cũng lắc đầu bảo quá khó. Cái thời trẻ nó vậy. Gần hai năm ròng rã tôi vùi đầu vào nghiên cứu đủ loại sách có thể tìm thấy lúc đó về Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo … Triết học và tôn giáo là loại sách tôi yêu thích nhất từ bé và tới giờ vẫn vậy.

Ba mươi năm, càng đọc lắm, biết nhiều, càng cảm thấy mịt mù. Gặp gỡ không ít người tu tập, từ Công giáo tới Phật giáo và các nhóm nho nhỏ hơn, từ Đông sang Tây, từ nước ngoài tới trong nước. Lời giảng có thể hay, nhưng khi nhìn thấy họ trong đời sống, tôi không khỏi nhiều lần ngán ngẩm. Chỉ khi cơ duyên đưa tôi vào con đường tu tập, tôi mới thực sự ngộ ra điều làm cho những kiến thức “lý thuyết” của mình cứ không đủ sức thuyết phục mình. Đó chính là sự thực hành miên mật, từng giây từng phút, nỗ lực không ngừng.

Con người tâm linh, con người tu tập, với tôi, là con người sống với ý thức rằng mình là một thực thể tinh thần vi tế, với những ràng buộc về thể xác tuy lớn, nhưng nó không thể nắm quyền quyết định cuộc sống của mình. Điều này để nói ra thì rất dài, nhưng tựu trung lại, tôi chỉ đơn giản thực hành một điều duy nhất: Mình chính là mình, sống, nói và làm đúng những gì mình đã nghĩ / nói ra.

Nói tình yêu thương thì rất dễ. Nhưng để thực hành từ bỏ sát sinh, ăn chay, tha thứ và ôm lấy những người làm mình tổn thương, kẻ thù của mình, để yêu một người mà không đòi hỏi sở hữu … thì lại là chuyện khác.

Nói bình an thì rất dễ. Nhưng để mỉm cười và thấy lòng mình tĩnh lặng khi người khác lăng mạ mình, chỉ trích mình, đạp đổ nồi cơm sinh kế của mình, mưu hại người thân của mình … thì lại là chuyện khác.

Nói tự do thì rất dễ. Nhưng để thấy được xiềng xích gông cùm mình từ chuyện phải lo giữ nhan sắc, lo thu hút người khác, lo bị mất uy tín, hay mở miệng là trích dẫn các thầy này sách nọ … thì lại là chuyện khác.

Nói sống vui thì rất dễ. Nhưng sống vui mà cái vui đó chỉ là tạm bợ, là phép thắng lợi tinh thần, kiểu đà điểu chúi đầu trong cát và không dám đối mặt với sự yếu kém của bản thân …. Thì cái vui đó sẽ được bao lâu?

Con đường tu là con đường của sự khiêm nhường, của nỗ lực vô hạn độ. Tenzin Palmo, ni cô Tây phương đầu tiên đã lập am thiền trên cao độ hơn 4000m ở Hymalaya, thiền định ròng rã 12 năm trong cô độc. Trong cuốn: “Am thiền trong băng tuyết”, khi được hỏi bà đã học được những gì sau 12 năm ấy, bà nói: “Không phải là được những gì, mà là đã từ bỏ được những gì”. Một câu nói ấy của bà, dạy tôi nhiều hơn vô số vị thầy khác.

Đối với tôi, chỉ dấu duy nhất để nhìn những người luôn nói “sống tâm linh”, hành thiền, dạy thiền … chính là nhìn vào cách họ thể hiện bản thân trước những vấn đề đến với mình.Nhìn vào cách họ làm những gì họ nói.

Thiền không phải là cứu cánh (mục đích), nó là phương tiện. Nó là con đường, nhưng con đường đó dẫn ta tới đâu, thì điều đó tùy thuộc ở bạn.
Trên con đường đó, với tôi, nếu chỉ được mang theo một bạn đồng hành duy nhất, tôi khuyên bạn nên mang theo sự khiêm nhường.

Facebook: Phuong Hoa Le

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay