Đi qua cầu hiểu tới cầu thương

Chúng ta đã gây ra những nỗi khổ niềm đau cho nhau tại vì chúng ta không hiểu được những nỗi khổ niềm đau của nhau.

Đi qua cầu hiểu tới cầu thương

Quý vị đã đọc cuốn “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Exupéry chưa? Hoàng tử bé (Le petit prince) trong một tác phẩm khác của ông ta thì với nhan đề là “Cõi người ta” (Terre des homes). Ông có viết một câu: “Yêu nhau không phải ngồi đó để nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”. Câu nói này rất đúng và rất hay. Nghĩa là khi mình đã là người yêu của nhau, mình phải có chung một lý tưởng. Câu nói đó ý là như vậy. Tôi nghĩ rằng mình cũng có thể nhìn nhau được. Trước hết là mình nhìn nhau và thấy được vẻ đẹp của nhau. Nếu không đẹp thì mình cưới nhau làm gì. Anh là hoàng tử còn em là nàng công chúa của anh. Rất đẹp. Yêu nhau mình có quyền ngồi đó nhìn nhau, để xác nhận, để thưởng thức cái đẹp của người mình yêu. Đồng thời, khi nhìn nhau mình cũng nhìn thấy những nỗi khổ, niềm đau của nhau. Chúng ta không ai không có nỗi khổ, niềm đau. Có thể những nỗi khổ, niềm đau đó được bố mẹ hay ông bà trao truyền. Nhiều khi bận rộn quá nên mình không có thì giờ để lắng nghe và tìm hiểu những nỗi khổ niềm đau của mình. Khi thấy được nỗi khổ niềm đau của người kia thì tự nhiên tình thương  và lòng từ bi của mình được phát sinh. Đây là điều mình học được trong đạo Bụt.

Khi đã tiếp xúc được với nỗi khổ niềm đau thì năng lượng từ bi phát khởi. Năng lượng của từ bi có khả năng trị liệu và nuôi dưỡng. Khi nhìn người yêu không phải là chỉ nhìn thấy cái đẹp, cái lành của người yêu. Mình cũng thấy được những khó khăn, những nỗi khổ, niềm đau của người yêu. Mình muốn nói hay muốn làm một cái gì đó cho người yêu mình bớt khổ. Đó gọi là Bi. Từ có nghĩa là hiến tặng niềm vui còn Bi có nghĩa là làm vơi nỗi khổ. Từ là maitri, còn Bi là karuna. Tình yêu đích thực có Từ và có Bi. Từ là hiến tặng hạnh phúc và Bi là làm vơi nỗi khổ. Khi nhìn người yêu, mình công nhận sự có mặt quý giá của người yêu là mình hiến tặng niềm vui cho người đó. Khi mình nhìn thấy nỗi khổ, niềm đau của người yêu và mình nói một câu gì đó hay làm một việc gì đó để làm vơi bớt  nỗi khổ, niềm đau thì đó gọi là Bi.

Trong đạo Bụt, giáo lý về thương yêu rất sâu, rất rõ. Hai yếu tố đầu là Từ và Bi. Khi nhìn nhau, mình không chỉ thấy những điểm tích cực của nhau mà mình còn thấy được những điểm tiêu cực, những nỗi khổ, niềm đau của nhau. Khi mình hiểu được những nỗi khổ, niềm đau đó thì mình càng thêm thương. Mình muốn làm cái gì để cho người yêu bớt khổ. Nếu mình không nhìn nhau thì mình đâu có thấy được nhau, mình không hiểu được. Khi không có hiểu thì không có thương.

Trong đạo Bụt, mình được học rất rõ là thương được làm bằng hiểu. Nếu anh không hiểu thì anh không thương được. Nếu cha mà không hiểu con thì không thể nào thương con. Phải hiểu, phải thấy được những khó khăn, những đau khổ của con thì mới thương được. Nếu không thì chỉ có la rầy và đánh mắng. Con cũng vậy. Con mà muốn thương cha thì phải thấy được những khó khăn, bức xúc, nỗi khổ và niềm đau của cha thì mới thương cha được. Cho nên rất rõ là thương được làm bằng hiểu. Nếu quý vị không hiểu được những nỗi khổ, niềm đau, khó khăn của người kia thì đừng nói là tôi yêu anh hay tôi yêu em. Không thể thương được nếu mình chưa hiểu. Quý vị có thể hỏi người kia như thế này: “Này em, em có nghĩ rằng anh đã hiểu được em hay chưa? Nếu anh chưa hiểu được em thì em giúp anh đi. Nói cho anh nghe những nỗi khổ, niềm đau của em.” Đó là tu.

Mình thương con thì mình phải hiểu được những nỗi khổ niềm đau của con. Nếu cứ tiếp tục rầy la, trừng phạt thì đó không phải là thương. Mình yêu người bạn hôn phối của mình thì mình phải lắng nghe, phải tìm hiểu những nỗi khổ, niềm đau, những khó khăn của người đó và luôn luôn phải hỏi. Có thể là mình chưa hiểu được chính nỗi khổ niềm đau của mình thì làm sao mình hiểu được nỗi khổ niềm đau của người kia. Cho nên phải có sự truyền thông, phải có sự trao đổi thường trực để có thể hiểu nhau. Khi có hiểu thì mới có thương. Vậy cho nên thương nhau mình có thể ngồi nhìn nhau được chứ, miễn là đừng ngồi suốt ngày mà thôi!

Khi nói “nhìn về một hướng” tức là hai người đồng tâm đồng chí với nhau. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Đó là cùng nhìn về một hướng. Trong trường hợp này thì bà với ông cùng nhìn về một hướng, nhưng hướng này là hướng tivi. Nhìn về một hướng để cho đỡ khổ. Vì mình không nhìn nhau được cho nên mình phải đồng ý với nhau nhìn về hướng tivi cho bớt khổ. Đó là một bi kịch.

Khi chúng ta nhìn nhau và thấy không có hạnh phúc cho nên chúng ta phải cùng nhìn về hướng tivi cho bớt khổ. Những lúc như vậy thì bà hãy hướng về ông, bà hỏi: “Anh ơi, anh tắt giùm em cái tivi đi. Em có chuyện quan trọng muốn hỏi anh.” Ông tắt tivi đi và xoay lại thì bà bắt đầu hỏi câu hỏi đó: “Này anh, anh có biết tại sao mà tụi mình có đủ hết: nhà có, xe có, công ăn việc làm có, cái gì cũng có đủ mà tại sao mình không có hạnh phúc không?” Và nếu hai người ngồi đó mà nhìn cho kỹ thì sẽ tìm ra nguyên nhân. Tại chúng ta đã không biết cách nuôi dưỡng tình yêu. Chúng ta đã gây ra những nỗi khổ niềm đau cho nhau tại vì chúng ta không hiểu được những nỗi khổ niềm đau của nhau.

Khi hai vợ chồng không thương nhau, không hiểu nhau thì làm sao dạy được các con? Ở giữa hai thế hệ có một khoảng cách. Nhất là khi mình sinh sống ở một đất nước lạ với nền văn hóa khác. Các con của mình đã đi vào trong xã hội Tây phương và học được những thói quen của người Tây phương. Cách sống của người Tây phương có những điều hay nhưng cũng có những cái dở. Mình thuộc về một văn hóa khác, con mình thuộc về một văn hóa khác, do đó cho nên sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái trở nên khó khăn. Ông bà có thì giờ để ngồi chơi với các con không? Mình là người trẻ mình có bao giờ hỏi bố: “Bố ơi, hồi còn bé bố chơi cái gì? Bố kể cho con nghe đi” . Là bố, hồi còn bé những trò chơi ngày xưa của mình như thế nào thì mình kể cho các con của mình nghe. Bây giờ các con của mình nó chơi những trò chơi rất khác những trò chơi của mình ngày xưa. Hai cha con bàn với nhau như vậy, kể cho nhau nghe những trò chơi như vậy của hai thế hệ. Cái đó rất đẹp.

Đi qua cầu hiểu tới cầu thương

Bố có thể trao truyền cho con những trò chơi rất đơn giản nhưng đem lại nhiều niềm vui. Mẹ cũng vậy. Ngày xưa, mẹ có những trò chơi rất đơn giản mà cũng có rất nhiều hạnh phúc. Mẹ không chơi những trò electronic games như con. Nếu hai mẹ con bàn với nhau và trao đổi được với nhau như vậy thì rất tốt. Từ từ khoảng cách giữa hai nền văn hóa sẽ được thâu ngắn lại. Khi có thời gian thì mẹ hãy hỏi con: “Ở trường tụi con sinh hoạt như thế nào? Tụi con chơi như thế nào? Con thích cái gì? Con không thích cái gì?” Nếu ông bà không có thì giờ để ngồi với con trai, con gái, để hỏi chuyện các con, để hiểu được những khó khăn, nỗi khổ niềm đau của nó thì làm sao có được sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái? Đừng tưởng rằng các con còn trẻ, nó không có vấn đề. Không có. Tuổi trẻ bây giờ có rất nhiều vấn đề. Nó cũng có nỗi khổ, niềm đau của nó. Vậy nên sự truyền thông giữa cha với mẹ, giữa cha mẹ và con cái là chuyện rất quan trọng. Nếu quý vị bận rộn quá, chỉ lo đi tìm những tiện nghi vật chất thì quý vị sẽ không làm được việc đó. Hạnh phúc của mình không chỉ do vật chất mà có.

Ở Làng Mai chúng tôi sống rất đơn giản. Không ai có tiền lương, không ai có nhà riêng, có xe riêng. Cái gì cũng chung hết. So với sự sống của những người cư sĩ thì chúng tôi tiêu thụ rất ít. Chúng tôi ăn chay và chúng tôi trồng rau lấy một phần. Tuy nhiên chúng tôi có thì giờ để ngồi với nhau, để nói chuyện với nhau, để than thở với nhau, để nói với nhau về những nỗi khổ niềm đau của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng sự truyền thông rất quan trọng. Chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi không có hạnh phúc, không có đoàn kết, không có tình huynh đệ thì chúng tôi không nên đi mở những khóa tu. Vì mình không có hạnh phúc thì làm sao mà mình mở khóa tu, giúp cho người khác họ có hạnh phúc?

Vì vậy cho nên tôi nghĩ là chúng ta phải sắp đặt trở lại cách sống của chúng ta. Nếu cần thì chúng ta làm việc ít lại, không cần phải có đồng vào đồng ra thật nhiều thì mới có hạnh phúc. Sống đơn giản lại. Chuyện sống đơn giản chúng tôi làm được. Sống đơn giản như vậy nhưng mà hạnh phúc rất lớn. Nhất là khi mình thấy người ta tới tu học, người ta chuyển hóa, người ta hòa giải với nhau thì mình hạnh phúc lắm, thấy đời sống của mình có ý nghĩa. Tôi mong rằng quý vị sẽ sắp đặt lại cách sống của quý vị. Hai vợ chồng có thể ngồi lại và bàn tới những chuyện ngoài những chuyện tiện nghi vật chất và tình cảm thông thường. “Anh ơi, trong đời, hồi anh còn trẻ anh có những ước mơ nào? Nói cho em nghe đi. Chúng mình có thể làm chung được không? Chúng mình có thể thực hiện được không hay là chúng mình phải nhờ các con làm cho mình?”.  Nếu chúng ta có thì giờ để bàn tới những cái gọi là ultimate concerns như vậy thì rất hay. Và các con, các con phải có thì giờ để hỏi bố mẹ: “Bố mẹ ơi, bố mẹ có giấc mơ nào mà bố mẹ chưa thực hiện được không? Bố mẹ muốn các con thực hiện giấc mơ của bố mẹ hay không?”. Đó là những cái rất là đẹp.

Khóa tu mùa hè năm nay có một thiền sinh từ Hà Tĩnh tới. Cô ấy được nghe tôi giảng lần đầu tiên tại khách sạn Melia ở Hà Nội và cô ta đã tới tham dự khóa tu mùa hè tại Làng Mai. Sau khi nghe tôi nói đề tài này thì cô hỏi: “Thầy ơi, thầy có giấc mơ nào mà thầy chưa thực hiện được không? Chúng con sẽ thực hiện cho thầy.” Cô muốn áp dụng liền ngay lập tức giáo lý vừa mới được học. Tôi trả lời như thế này: “Cám ơn con. Thầy có một sự may mắn là thầy chưa bao giờ đánh mất liên lạc với tuổi trẻ. Tuy rằng 30 năm nay thầy không dùng điện thoại”. Điều đó là sự thật. Tôi không dùng điện thoại 30 năm nay, vậy mà liên hệ của tôi với thế hệ trẻ không bao giờ bị đứt đoạn. Tôi có rất nhiều đệ tử trẻ, tuổi 12, 13, 15, 20, 25, 30. Rất trẻ. Đừng tưởng rằng phải có telephone, phải có email thì mới có liên lạc. Không cần. Mình phải có khả năng lắng nghe, phải có khả năng hiểu thì tự nhiên có sự kết nối. Nó có cái connection. Tôi có thể ngồi chơi với những người trẻ, tôi có thể ngồi chơi với con nít. Với những người trẻ, những buổi ngồi chơi đó nuôi dưỡng cho mình và cho những người trẻ.

Chìa khóa ở chỗ là mình thực tập được sự lắng nghe. Mình thấy được những nỗi khổ niềm đau của người kia, dẫu người kia là một người đang còn rất trẻ. Tôi trả lời cho cô thiếu nữ từ Hà Tĩnh tới là: “Thầy có sự may mắn là chưa bao giờ đánh mất liên hệ với người trẻ. Và thầy có sự may mắn thứ hai là thầy đang thực hiện được giấc mơ của thầy mỗi ngày. Giấc mơ của thầy rất đơn sơ. Hồi 9 tuổi, lần đầu tiên Thầy thấy một bức hình, hình của Đức Thế Tôn ngồi trên một bãi cỏ ở bìa của một tờ báo tạp chí Phật Học. Đức Thế Tôn ngồi trên cỏ nhưng Ngài ngồi một cách thoải mái, rất an lạc. Bức họa đó gây cảm hứng cho Thầy. Tự nhiên cậu bé nhỏ xíu nghĩ rằng: bây giờ mình làm thế nào để được giống như người này, ngồi rất thoải mái, rất an lạc. Và ý muốn đi tu để trở thành một người như vậy đã manh nha ở nơi cậu bé. Lớn lên Thầy đọc lịch sử và thấy đời Lý, đời Trần, những triều đại mà đất nước của mình có nhiều hạnh phúc, các vị Vua đều biết tu tập. Vua Lý và Vua Trần đều tu tập rất giỏi. Sử gia Hoàng Xuân Hãn nói rằng đời Lý, đời Trần là những đời thuận từ và hòa bình nhất trong lịch sử Việt Nam. Vua tôi thương nhau và trong nước đồng một lòng.

Chúng ta hãy nhớ lại thời mà Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai của mình là Trần Anh Tông và đi xuất gia trên núi Yên Tử. Thời đó Phật giáo Việt Nam rất thịnh hành. Vua cha thì trở thành người xuất gia tu ở trên núi, chăm sóc về khía cạnh tâm linh của đất nước. Vua con thì ngồi trên ngai vàng để chăm sóc về phương diện chính trị. Đạo đức và chính trị đi đôi với nhau và hồi đó đất nước rất mạnh. Hồi đó nước mình vừa đánh tan được sự xâm chiếm của phương Bắc.

Giấc mơ của thầy là làm sao tu để giúp làm mới cho Đạo Bụt. Đạo Bụt hồi đó rất cũ và xưa, còn nhiều mê tín, dị đoan. Giấc mơ của thầy là làm sao tạo ra một Đạo Bụt mới, phù hợp với người trẻ và người trí thức. Hiện tại bây giờ mình đang có một Đạo Bụt, một pháp môn tu tập thích hợp với tuổi trẻ. Đạo Bụt đó đem ra để giảng dạy và áp dụng ở Âu Châu và ở Mỹ Châu. Người trẻ tuổi và người trí thức theo học rất đông. Khi đem về Á Châu, Thái Lan, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam thì tuổi trẻ, người trí thức cũng theo học rất đông. Như vậy là giấc mơ của thầy đã thành công. Thầy thấy rằng ngày nào cũng được làm những việc mình thích làm thì đâu còn ước mơ gì hơn nữa. Mỗi ngày mình thấy ước mơ của mình đang được thực hiện và nếu con muốn thì con có thể nối tiếp chí nguyện đó của thầy. Tức là nuôi dưỡng chí nguyện đó, đem đạo Bụt mới này ra để giúp chuyển hóa xã hội ở trong nước cũng như ở ngoài nước.

Nói tóm lại là mình đừng bị bận rộn quá vì những lo toan, vì những nhu yếu về tiện nghi, vật chất. Mình phải thay đổi cách sống. Mình có thể tiêu thụ ít hơn nhưng mình có thì giờ nhiều hơn để chăm sóc cho nhau, để tái lập truyền thông với nhau, để hòa giải với nhau và để chăm sóc con cháu. Như vậy thì hạnh phúc mới có thật và mình mới có thể trao truyền những gì tốt đẹp của mình cho con cháu. Như tôi thấy, nếu mình có từ bi, nếu mình có hạnh phúc, nếu mình có giải thoát, nếu mình có an lạc thì mình trao truyền lại những cái đó cho thế hệ tới. Đó là cái quý nhất. Đó là thành tựu giấc mơ lớn nhất của đời mình.

Tôi thấy các loài thảo mộc cũng làm như vậy, các loài động vật cũng làm như vậy. Mỗi thế hệ động vật, mỗi thế hệ thực vật đều có những kinh nghiệm và nó trao truyền những kinh nghiệm đó qua gen cho những thế hệ sau. Mình cũng vậy. Nhờ sự tu học, nhờ những kinh nghiệm mà mình chế tác được nhiều tình thương, nhiều sự hiểu biết, nhiều hạnh phúc, hỷ và lạc. Đó là những cái rất quý và mình có thể trao truyền lại cho con cháu của mình để con cháu sẽ trao truyền lại cho con cháu của chúng. Trao truyền lại cho con cháu gia tài và vật chất, điều đó không quan trọng. Khi mình trao truyền lại cho con cháu nếp sống đẹp trong đó có hạnh phúc, có từ bi, có hiểu biết, có tình yêu thì đó mới là cái quý giá nhất.

Nguồn: langmai.org

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay