Giảng kinh xa lìa ái dục – Di Lặc Nạn Kinh (phần 1)

Giảng Kinh Xa Lìa Ái Dục

(Di Lặc Nạn Kinh)

Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ bảy, Đại Tạng Tân Tu 198 tương đương với Tissametteyya Sutta, Sutta-Nipàta 814-823

Đây là bài pháp thoại Thiền Sư giảng vào ngày 24.1.2010 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, Xóm Hạ, Làng Mai.

Có một thầy trẻ đến đặt một câu hỏi với Đức Thế Tôn liên quan tới vấn đề ái dục và đã được Đức Thế Tôn trả lời câu hỏi đó bằng tám bài kệ. Vị xuất gia trẻ này tên là Tissametteyya, dịch ra tiếng Hán là Đế Tu Di Lặc. Thầy Tissametteyya từng là đệ tử của một đạo sĩ Bà La Môn, nhưng sau khi gặp Đức Thế Tôn thì cả thầy lẫn trò đều quy y và trở thành đệ tử của Bụt. Sau đây là câu chuyện được kể lại trong Kinh Tập (Sutta Nipata) phẩm thứ Năm, gọi là phẩm Bỉ Ngạn (Para yana vagga):

Vị đạo sĩ Bà La Môn tên là Bhavari, ông đã gần 120 tuổi, rất am tường các kinh Vệ Đà và nắm vững tất cả các nghi lễ, giáo thuyết, phù chú của truyền thống Vệ Đà. Ông cũng có khá nhiều đệ tử. Hôm đó, đạo sĩ Bhavari đi hành đạo tại một thành phố ở miền Nam. Ông giảng rất hay, cuốn hút được đông đảo người nghe. Vì vậy dân chúng đã cúng dường cho ông rất nhiều tiền bạc và tặng phẩm. Được cúng dường nhiều, đạo sĩ Bhavari nghĩ tới chuyện tổ chức một buổi lễ chẩn tế lớn để phân phát tất cả những phẩm vật cúng dường cho người nghèo.

Trong buổi lễ, đạo sĩ Bhavari đã thuyết pháp và hành lễ theo truyền thống Vệ Đà. Khi buổi lễ chấm dứt, tất cả những phẩm vật cúng dường trong bao nhiêu ngày qua đều được đem đi phân phát hết. Buổi lễ hoàn mãn, đạo sĩ Bhavari ngồi trong thất thở một cách bình yên và rất lấy làm hoan hỷ. Lúc ấy có một vị đạo sĩ khác từ phương xa tới thăm, thân đầy cát bụi. Ông được tiếp đón, cho tắm gội và mời uống nước. Sau đó ông ta xin đạo sĩ Bhavari 500 đồng:
– Tôi nghe nói đạo sĩ vừa tổ chức một trai đàn chẩn tế rất lớn. Chắc là đạo sĩ có nhiều tiền lắm, vậy xin ông cho tôi 500 đồng. Tôi rất cần số tiền đó.
Đạo sĩ Bhavari nói:
– Hiện giờ tôi không còn một xu nào cả. Tất cả tiền bạc và phẩm vật cúng dường tôi đã sử dụng trong hội vô giá (1) và đã cúng dường hết, bây giờ tôi không còn một đồng nào cả.
Ông đạo sĩ kia rất giận và nói:
– Ông là người xấu! Tôi sẽ đọc một câu thần chú làm cho cái đầu của ông vỡ ra làm bảy miếng cho đáng đời cái sự keo kiệt của ông. Ông đã cúng dường cho rất nhiều người nhưng đến phiên tôi thì ông không cho một xu nào hết.

sắc dục

Nói xong ông ta đọc lên một câu thần chú và bỏ đi. Đạo sĩ Bhavari trước đây vốn rất tin vào phù chú và nghi lễ, nên ăn không ngon, ngủ không yên, đứng ngồi đều bất an, ngồi thiền cũng không được. Ông nghĩ phù chú của vị đạo sĩ kia có thể có kết quả và cái đầu của mình mai mốt có thể sẽ vỡ ra làm bảy miếng. Ông không có phương pháp gì để đối trị lại sự sợ hãi đó. Ông bất an trong vòng mấy ngày. Những giới cấm và những nghi lễ của truyền thống Vệ Đà rất nhiều. Chính vì mình tin vào phù phép nên khi người khác làm phù phép đối với mình thì mình cũng sợ. Hôm ấy, trong đêm khuya có một vị thiên giả hiện ra nói với đạo sĩ Bhavari:
– Đạo sĩ, tại sao ngài đau khổ như vậy? Người đạo sĩ kia chắc chắn không biết gì nhiều về cái đầu và về việc làm vỡ cái đầu đâu. Đôi khi ông ta chỉ dọa ngài thôi, tại sao ngài phải mất ăn mất ngủ vì chuyện đó?
Đạo sĩ Bhavari nói:
– Có thể ông ta biết cách trả thù. Ông ta đã đọc một câu chú với chủ ý làm vỡ cái đầu của tôi vì vậy nên tôi rất lo sợ.
Vị thiên giả nói:
– Có một người có thể giúp được ngài, người ấy có thể cắt nghĩa cho ngài thế nào là cái đầu và thế nào là việc làm cho cái đầu vỡ ra làm bảy miếng. Người ấy đang ở trong rừng tre gần thành Vương Xá. Đó là một vị thái tử con vua, từng xuất gia tu học và đã thành đạo. Nếu ngài tới tham vấn vị đó sẽ cắt nghĩa cho ngài, lúc đó ngài sẽ hết sợ.
Sau khi được vị thiên giả khai thị, đạo sĩ Bhavari rất hạnh phúc. Ông gọi các đệ tử của mình cùng đi theo làm một chuyến du hành lên miền Bắc gặp đạo sĩ Gotama, người đã tu khổ hạnh sáu năm, đã đắc đạo và đang hoằng hóa tại thành Vương Xá.

Đi theo đạo sĩ Bhavari có tất cả 16 vị đệ tử, tất cả đều còn rất trẻ, trong đó có cả Tissametteyya. Thầy trò hy vọng gặp được Gotama Sakya. Họ trèo non, vượt suối, qua bao ngày đường mới tới được Rừng Tre ở thành Vương Xá. Họ thấy Đức Thế Tôn đang ngồi, xung quanh có các thầy, rất im lặng. Câu mà họ thao thức muốn hỏi nhất là: Chuyện đọc một câu thần chú cho người ta vỡ đầu có thật hay không và mình nên đối xử với nỗi sợ hãi đó như thế nào? Đức Thế Tôn đã trả lời:
– Cái đầu tượng trưng cho khối si mê, một khối si mê rất lớn gọi là vô minh. Làm cho cái khối si mê đó vỡ ra không phải là dễ, phải có đủ năm loại năng lượng mới có thể làm cho cái đầu ấy vỡ ra và khi cái đầu vỡ ra mình sẽ có hạnh phúc. Năm loại năng lượng ấy là: Tín, tấn, niệm, định và tuệ. Nếu các vị không tu tập, không chế tác được năm loại năng lượng đó thì không thể nào làm vỡ cái đầu của chính mình được chứ đừng nói là làm vỡ cái đầu của một người khác.
Câu trả lời làm người ta ngạc nhiên. Cái đầu là gì? Cái đầu là khối si mê của chính bạn. Và vũ khí sử dụng để làm vỡ khối si mê ấy là năm lực: Tín, tấn, niệm, định và tuệ. Ta phải tu tập như thế nào để có đủ năng lượng mới có thể làm vỡ cái đầu. Nếu cái đầu si mê còn đó thì ta vẫn còn lo sợ, bồn chồn.

Sau khi câu hỏi được giải đáp, đạo sĩ Bhavari rất hạnh phúc. Mười sáu đệ tử của ông, người nào cũng có cơ hội được hỏi Đức Thế Tôn vài câu. Họ đều là những vị giáo thọ trẻ và rất hạnh phúc được gặp một vị đạo sư lớn như Bụt.
Thầy Tissametteyya cũng là một vị giáo thọ rất trẻ. Thầy đã có cơ hội được hỏi Đức Thế Tôn hai lần. Câu hỏi đầu tiên của thầy liên quan tới vấn đề ái dục. Câu hỏi này đã được Đức Thế Tôn trả lời rất cụ thể. Kinh này, tất cả những người xuất gia trẻ đều nên học thuộc lòng.

 

Bài kệ 1


Dâm dục trước nữ hình   婬欲著女形
Đại đạo giải si căn    大道解癡根
Nguyện thọ tôn sở giới   願受尊所戒
Đắc giáo hành viễn ác    得教行遠惡

Vướng mắc vào sắc dục là căn nguyên của bao si mê, lỗi lầm; những cái này ngăn, không cho mình tiếp tục đi tới trên con đường đạo rộng thênh thang. Xin Đức Thế Tôn giáo giới cho chúng con để chúng con có thể hành trì và lìa xa được mọi hệ lụy gây nên do sắc dục.

Dâm dục trước nữ hình: Chữ nữ ở đây phải được hiểu là đối tượng của sự mê đắm. Đối tượng đó, đối với người nam là người nữ, đối với người nữ là người nam, đối với người đồng tính là hoặc người nam, hoặc người nữ. Đối tượng ở đây có thể là đồng tính hay khác tính.
Đại đạo giải si căn: Vướng vào đối tượng đó là không còn cơ hội để đi tới. Đại đạo là con đường lớn. Si căn là gốc rễ của sự si mê. Vướng mắc vào ái dục là gốc rễ của bao nhiêu lỗi lầm, những vách cái ngăn không cho mình đi tới trên con đường đạo rộng thênh thang.
Nguyện thọ tôn sở giới: Xin Đức Thế Tôn giáo giới cho chúng con.
Đắc giáo hành viễn ác: Chúng con xin được tiếp nhận những lời giáo giới để có thể thực tập mà xa lìa được những hệ lụy do ái dục gây ra. Chữ ác trong văn mạch này được dịch là hệ lụy.

Một người tu khi bị vướng vào vòng ái dục thì không còn làm ăn gì được nữa, học không vào mà tu cũng không xong. Đối với người trẻ đây là một vấn đề lớn, cho nên thầy Tissametteyya đã đại diện cho tất cả các thầy và các sư cô trẻ để hỏi Bụt câu hỏi đó. Xin Ngài chỉ dạy cho chúng con cách thức tu tập để đừng bị vướng mắc vào năng lượng tình dục. Không phải chỉ vướng mắc vào người khác phái mà có thể vướng mắc vào người cùng phái. Câu hỏi rất rõ ràng và văn rất mới:
Bài kệ 2

Ý trước dâm nữ hình   意著婬女形
Vong tôn sở giáo lệnh   亡尊所教令
Vong chánh trí thùy ngọa  亡正致睡臥
Thị hành thất thứ đệ   是行失次第

Khi tâm ý đã bị ám ảnh bởi hình bóng một đối tượng ái dục rồi thì chúng con thường quên mất lời truyền dạy của Đức Thế Tôn. Chúng con đánh mất con đường chánh mà chúng con muốn đi, ngay cả những lúc còn ngủ nghỉ. Và chúng con cũng quên mất thứ tự trước sau trong công phu hành trì của chúng con.

Đức Thế Tôn dạy rất hay, nhưng một khi vướng vào ái dục con chỉ nghĩ tới đối tượng đó mà quên đi lời truyền dạy của Ngài.

Chúng con đánh mất con đường chính mà chúng con muốn đi, ngay trong lúc còn ngủ nghỉ: Khi ngủ, nghỉ mình không nghĩ tới chánh pháp, tới những lời dạy của Đức Thế Tôn, mà cứ tơ tưởng tới hình bóng đối tượng của ái dục. Và chúng con cũng quên mất thứ tự trước sau trong công phu hành trì của chúng con.
Chúng ta so sánh bản dịch từ chữ Hán này với bản dịch từ tiếng Pali.

Ý trước dâm nữ hình
Vong tôn sở giáo lệnh

Khi vướng vào hình bóng của ái dục thì mình quên đi những giáo lệnh của Đức Thế Tôn. Văn ở đây rất xưa, văn của đầu thế kỷ thứ ba. Chúng ta biết bốn bộ Kinh A Hàm chỉ bắt đầu được dịch từ thế kỷ thứ tư, thứ năm. Vong là quên mất, tôn là Đức Thế Tôn, sở giáo là những lời dạy dỗ. Vong tôn sở giáo là quên mất những lời dặn dò mà Đức Thế Tôn đã dạy.

Vong chánh trí thùy ngọa: Quên luôn những điều chánh ngay cả những lúc chúng con ngủ nghỉ, trong giấc mơ những đối tượng của ái dục cũng hiện ra.
Thị hành thất thứ đệ: đệ là thứ tự của sự hành trì. Trong khi hành trì mình quên mất trước có gì, sau có gì, quên mất thứ tự niệm-định-tuệ, giới-định-tuệ. Đây là câu hỏi của một người xuất gia trẻ có kinh nghiệm, thấy rằng khi bị vướng vào ái dục thì mình đánh mất rất nhiều. Câu hỏi này rất thực dụng và sau đây, từ bài kệ thứ ba là câu trả lời của Đức Thế Tôn:

Bài kệ 3

Bổn độc hành cầu đế    本獨行求諦
Hậu phản trước sắc loạn    後反著色亂
Bôn xa vong chánh đạo   犇車亡正道
Bất tồn xả chánh tà      不存捨正邪

Người xuất gia là người đi một mình với cái tâm ban đầu, là khám phá cho ra được Chân Đế, nhưng sau đó một thời gian có thể đi ngược lại với lý tưởng của mình một khi bị vướng vào ái dục. Cũng như cỗ xe kia không còn chịu đi trên con đường thẳng mà bắt đầu lăn xuống hố, người xuất gia ấy không còn khả năng phân biệt được chánh tà.

Mình có một cái tâm ban đầu rất đẹp, rất hùng tráng. Nhưng tâm ban đầu có thể bị sói mòn. Ta có thể đi lạc đường nếu ta để hình ảnh của ái dục len vào.
Cũng như cỗ xe kia không còn chịu đi trên con đường thẳng mà bắt đầu lăn xuống hố, người xuất gia ấy không còn khả năng phân biệt được chánh tà.
Khi có các bạn đồng tu tới nói: Này, sao mà anh bê bối vậy? Mình không nghe: Tôi có làm gì sai đâu? Tôi đâu có vướng mắc? Tôi mà vướng mắc hả? Đương sự không bao giờ chấp nhận là mình có vướng mắc, đương sự ương ngạnh.

Bổn độc hành cầu đế: Bổn là lúc ban đầu, là gốc rễ. Thuở ban đầu mình đi một mình (độc hành). Đi xuất gia là phải sống một mình như trong Kinh Người Biết Sống Một Mình. Độc hành là đi một mình. Cầu là tìm cầu, đế là sự thật. Người tu là người đi một mình để tìm sự thật, tìm chân lý. Đi một mình có nghĩa là tâm không vướng bận vào ai.

Hậu phản trước sắc loạn: Nhưng sau đó một khi đã vướng vào ái dục thì mình phản lại lý tưởng ban đầu của mình. Sắc loạn là ái dục gây ra những lộn xộn, những khó khăn hệ lụy. Trước là vướng vào, phản là đi ngược lại con đường mình đi.

Cái tâm ban đầu của ta rất đẹp, ta rất thiết tha với con đường giải thoát. Nhưng khi đã vướng vào ái dục rồi thì ta không chịu đi đường thẳng, ta đi lệch sang một bên rồi rơi tõm xuống hố. Các bạn tu có muốn kéo mình cũng không chịu lên. Khi đại chúng nhắc nhở, mình cảm thấy khó chịu nên mình đã bỏ chúng mà đi giống như chiếc xe trâu không còn đi trên con đường thẳng nữa.

Bất tồn xả chánh tà: Không còn biết phân biệt cái nào là đúng, cái nào là sai. Đại chúng nhắc nhở cho nhưng mình cứng đầu nhất định không nghe. Mình nói: Tôi biết tôi đang làm gì, anh chị đừng có xen vào. Trong trường hợp dị tính cũng thế mà trong trường hợp đồng tính cũng thế. Một sư chú với một sư chú, một sư cô với một sư cô, hay một sư chú với một sư cô cũng giống như nhau. Một khi đã vướng mắc rồi thì mình trở nên ngoan cố, nhất định không nghe lời chỉ giáo của sư anh, sư chị hay sư em. Mình có cảm tuởng những người kia dòm ngó và nói ra nói vào nhiều quá khiến cho mình bực nên mình rủ nhau đi ra ngoài ở riêng, như một chiếc xe trâu đánh mất con đường chánh, không giữ được hướng đi và không còn phân biệt được thế nào là đúng, thế nào là sai.

Đức Thế Tôn trả lời như vậy chắc hẳn vì Ngài cũng đã có một số kinh nghiệm về những đệ tử của Ngài. Những vị ấy cứng đầu quá! Khi đã vướng mắc sâu rồi thì họ cũng không nghe lời mình nữa, dù mình là thầy hay  là sư anh, sư chị của họ.

Bài kệ 4

Tọa trị kiến tôn kính   坐值見尊敬
Thất hành vong thiện danh    失行亡善名
Kiến thị đế kế học  見是諦計學
Sở dâm viễn xả ly      所婬遠捨離

Ngày xưa vị ấy đã từng được tôn kính vì giá trị đạo đức của mình, nhưng bây giờ vị ấy đã đánh mất cái tốt đẹp đó. Thấy được sự thật này, ta phải quyết tâm tu tập, quyết tâm xa lìa con đường ái dục.

Ngày xưa người ta rất thương mến, tôn kính mình tại vì mình tu tập nghiêm chỉnh, đàng hoàng. Tâm ban đầu của mình rất đẹp. Từ thầy cho đến sư anh, sư chị, sư em, và cả các vị cư sĩ, người nào cũng yêu mến, kính nể mình tại vì tâm ban đầu của mình quá đẹp, sự hành trì của mình quá hay. Bây giờ tại sao mình không còn được như thế nữa? Tại vì mình bị vướng!

Đức Thế Tôn dạy: Các con hãy nghĩ tới trường hợp của sư chú ấy, của thầy ấy, của sư cô ấy! Lúc ban đầu vị ấy thực tập đàng hoàng, được chúng thương, mọi người nể. Nhưng từ ngày bị vướng vào thì không còn ai thương, ai nể nữa vì vị ấy cứng đầu quá, nói không nghe. Người đó đã đánh mất những cái rất quí giá mà ngày xưa mình có. Thấy như vậy mình đừng đi theo vết xe của người ấy, mình đừng bắt chước người ấy.

Tọa trị kiến tôn kính: Trị là giá trị, ngày xưa mình hưởng được sự tôn kính, thương yêu của người khác. Tọa là cư trú, là có mặt, là có một giá trị nào đó.
Thất hành vong thiện danh: Nhưng bây giờ điều thiện lành ấy đã mất đi rồi
Kiến thị đế kế học: Thấy được sự thật đó thì phải tìm cách tu học và hành trì.
Sở dâm viễn xả ly: Viễn là xa lìa, tìm cách lìa bỏ con đường vướng mắc vào ái dục.

Bài kệ 5

Thả tư sắc thiện ác   且思色善惡
Dĩ phạm đương hà trí    已犯當何致
Văn tuệ sở tự giới    聞慧所自戒
Thống tàm khước tự tư  痛慚却自思

Ta hãy nên quán chiếu về cái lợi và cái hại của sắc dục, phải thấy được một khi đã vướng vào sắc dục thì ta sẽ đi về đâu. Phải lắng nghe những lời dạy tuệ giác liên hệ tới vấn đề này để đề cao cảnh giác. Phải thực tập chánh tư duy để thấy được những thống khổ và những hổ thẹn mà sắc dục có thể đem lại cho ta.

Thả tư sắc thiện ác: Chúng ta phải suy nghĩ, phải quán chiếu về cái lợi và cái hại của sắc dục. Sắc là sắc dục, thiện ác là cái lợi và cái hại của sắc dục.
Dĩ phạm đương hà trí: Phải thấy trước được rằng một khi bị vướng mắc thì mình sẽ đi về đâu? Mình đã chứng kiến có người  ngày xưa sống với tăng thân rất hạnh phúc, được đại chúng thương yêu. Bây giờ vị ấy vướng vào ái dục mà đánh mất tăng thân, bơ vơ một mình. Thấy như vậy mình không muốn bị trở thành nạn nhân của ái dục giống như người kia nữa. Đây là vấn đề quán tưởng. Mình có muốn giống thầy ấy, sư cô ấy hay không, đang đi một mình trong cuộc đời cô đơn và khốn khổ? Rất muốn trở về lại với tăng thân nhưng hổ thẹn không dám về. Sư chú, sư cô ấy đã đi mất rồi, bây giờ mỗi khi nghĩ tới những tháng ngày bình an, êm ấm khi còn được sống trong tăng thân vị ấy chỉ biết úp mặt vào gối mà khóc. Mình phải đặt mình vào địa vị của người ấy để thấy được vướng vào sắc dục sẽ đưa mình tới đâu, tự nhiên mình sẽ dừng lại.

Văn tuệ sở tu giới: Phải lắng nghe những giáo giới, những lời khuyên bảo trong hướng đi của trí tuệ để mình tự răn mình: Mình không muốn làm như sư cô ấy, như sư chú ấy. Mình không muốn đánh mất tăng thân. Mình không muốn đi đơn côi, lẻ loi một mình ngoài đời.
Thống tàm khước tự tư: Phải thực tập chánh tư duy. Tự tư là tự mình thực tập chánh tư duy, tự mình quán chiếu, suy nghĩ để thấy được niềm đau và sự hổ thẹn mà cái ấy đưa tới. Thống là niềm đau, tàm là nỗi hổ thẹn.
Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đọc lại năm bài kệ để lời kinh thấm sâu vào trong tàng thức:

1. Vướng mắc vào sắc dục là căn nguyên của bao si mê, lỗi lầm, những cái này ngăn  không cho mình tiếp tục đi tới trên con đường đạo rộng thênh thang. Xin Đức Thế Tôn giáo giới cho chúng con để chúng con có thể hành trì và lìa xa được mọi hệ lụy gây nên do sắc dục.
2. Khi tâm ý đã bị ám ảnh bởi hình bóng một đối tượng ái dục thì chúng con thường quên mất lời truyền dạy của Đức Thế Tôn. Chúng con đánh mất con đường chánh mà chúng con muốn đi, ngay cả những lúc còn ngủ nghỉ. Và chúng con cũng quên mất thứ tự trước sau trong công phu hành trì của chúng con.
3. Người xuất gia là người đi một mình với cái tâm ban đầu, là khám phá cho ra  được Chân Đế, nhưng sau đó một thời gian có thể đi ngược lại với lý tưởng của mình một khi bị vướng vào ái dục. Cũng như cỗ xe kia không còn chịu đi trên con đường thẳng mà bắt đầu lăn xuống hố, người xuất gia ấy không còn khả năng phân biệt được chánh tà.
4. Ngày xưa vị ấy đã từng được tôn kính vì giá trị đạo đức của mình, nhưng bây giờ vị ấy đã đánh mất cái tốt đẹp đó. Thấy được sự thật này, ta phải quyết tâm tu tập, quyết tâm xa lìa con đường ái dục.
5. Ta hãy nên quán chiếu về cái lợi và cái hại của sắc dục, phải thấy được một khi đã vướng vào sắc dục thì ta sẽ đi về đâu. Phải lắng nghe những lời dạy tuệ giác liên hệ tới vấn đề này để đề cao cảnh giác. Phải thực tập chánh tư duy để thấy được những thống khổ và những hổ thẹn mà sắc dục có thể đem lại cho ta
.
Chúng ta nên tham cứu so sánh kinh này với kinh của bản tiếng Pali. Đây là một trong những kinh Đức Thế Tôn dạy trong những năm đầu sau khi giác ngộ. Kinh rất thuần nhất và Đức Thế Tôn đang dạy cho Đức Bụt tương lai của chúng ta, Đức Di Lặc. Đức Di Lặc là ai? Đức Bụt tương lai chính là mình, là các sư cô, các sư chú trẻ. Mình phải tiếp nhận lời dạy này trực tiếp từ Đức Thế Tôn. Đức Bụt của thế kỷ chúng ta là Đức Bụt của thương yêu, mà thương yêu không phải là ái dục. Thương yêu và ái dục là hai cái khác nhau. Trong Năm giới mới mình đọc rất rõ: Tình yêu không phải là sắc dục.
Những vị cư sĩ có mặt hôm nay trong pháp hội đừng nghĩ rằng kinh này Đức Thế Tôn chỉ dạy riêng cho người xuất gia. Đức Thế Tôn đang dạy cho quí vị!

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay