Những tâm thức trong ta, có tâm thức riêng, có tâm thức là do cộng đồng tạo ra

Bài tụng 5: Hạt giống riêng và chung

Từ gia đình bè bạn
Nơi xã hội học đường
Hạt giống nào cũng có
Tính cách riêng và chung.

Tâm thức

Gia đình, bè bạn, xã hội, học đường, quốc gia, tất cả vũ trụ, đều là những biểu hiện của các hạt giống trong tâm thức cộng đồng. Làng Mai đây cũng vậy, cũng là biểu hiện của tâm thức tất cả chúng ta, những người sống trong làng. Tâm thức của mỗi người chúng ta luôn bao gồm những hạt giống riêng và những tâm thức chung về Làng Mai. Làng Mai trong người này khác với Làng Mai trong người kia.

Khi tiếp xúc với xã hội chúng ta tiếp xúc với đủ hạng người và tiếp nhận đủ thứ hạt giống. Gia đình là xã hội đầu tiên, tiếp đến học đường cũng là một xã hội. Nhìn sâu vào tàng thức ta sẽ thấy rất nhiều hạt giống của gia đình, của thầy bạn và của bao nhiêu người khác trong xã hội.

Nếu bạn thân của mình mà khổ đau, trồi sụt lên xuống thì mình cũng khổ đau, trồi sụt lên xuống. Không phải là mình bắt chước nhưng nó đi vào trong mình, nó âm thầm huân vào hồi nào không hay. Cách ngôn có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là vậy.

Chỉ cần nói chuyện độ chừng một giờ với một người có nhiều đau khổ, sợ hãi, có nhiều căm thù thì chúng ta có thể cảm thấy tâm thức như bị tê liệt, “không muốn làm ăn gì nữa.” Chúng ta tiếp nhận những hạt giống bi quan, khổ đau từ người đó và nếu không tu thì chúng ta sẽ tiếp nhận và huân tập những hạt giống khổ đau của người đó vào trong tâm thức mình. Trong một trung tâm tu học, để giúp cho những người đang đau khổ, vị giáo thọ phải cẩn thận lắm mới được. Phải chánh niệm về tình trạng sức khỏe của tâm thức mình trong khi lắng nghe để khuyên răn những người đó. Vị giáo thọ phải cẩn thận, không nên thân cận nhiều với những người có quá nhiều khổ đau, có quá nhiều hạt giống bất an. Nếu tu mà đang còn yếu thì phải “chọn bạn mà chơi” để có thể tiếp nhận những hạt giống an lành, hạnh phúc. Chỉ khi nào đã khá vững vàng rồi thì mới có thể tiếp xúc với những người khổ đau và có thể giúp họ. Đây không phải là kỳ thị mà là biết rõ khả năng của mình, biết rõ ranh giới giữa khả năng thu nhận và chuyển hóa những đau khổ, bất an  của người kia và nguy cơ bị những đau khổ, bất an của người ấy tràn ngập tâm thức mình. Khả năng giúp người của ta có giới hạn. Đừng nên đi quá giới hạn của mình. Sau khi lắng nghe để giúp đỡ một người đang khổ rồi thì phải có dịp thực tập thiền hành, tạo cơ hội và thì giờ tiếp xúc với những tươi mát, trị liệu, an lạc trong và xung quanh mình. Phải biết tu cho mình, nếu không thì sẽ đánh mất mình. Phải đưa vào thân tâm những yếu tố của sự an lạc, mạnh khỏe thì mới nắm vững nghệ thuật giúp người lâu được. Một bác sĩ tâm thần (psychiatrist) cũng phải hành xử như vậy.

Tự tướng và cộng tướng

Tất cả những hạt giống đều có hai tính cách: riêng (tự tướng) và chung (cộng tướng). Nghĩa là mỗi hạt giống đều có tính cách cá nhân và cộng đồng. Hạt giống tuy là riêng nhưng chúng mang theo hạnh phúc, khổ đau, tài ba, vụng về do sự trao truyền từ gia đình, từ học đường, xã hội, từ dòng họ, tổ tiên. Không có hạt giống nào hoàn toàn chung hay hoàn toàn riêng. Đó là tính chất tương tức, mọi sự đều có tương quan với nhau. Chúng ta cần vượt lên trên ý niệm riêng và chung đó.

Ví dụ như tài cắm hoa đẹp. Hạt giống tài năng đó có thể là từ ông bà tổ tiên trao truyền cũng có thể từ bạn bè, từ học đường hay từ sách ảnh nghệ thuật. Hạt giống tài năng đó vừa là của chúng ta vừa là của bạn bè, học đường, xã hội, vừa là riêng vừa là chung. Nhận thức về cái đẹp của một bức họa, một kiến trúc, hay một chiếc áo dài cũng vậy. Nhận thức đó phản ảnh quan niệm thẩm mỹ của chúng ta và đồng thời phản ảnh quan niệm thẩm mỹ của ông bà hay xã hội chúng ta.

Một ví dụ khác là món dưa cải kho đối với chúng ta rất ngon. Cái ngon của món dưa cải kho vừa có tính cách riêng vừa có tính cách chung. Ông bà chúng ta ăn món đó nhiều đời rồi chúng ta được huân tập ăn dưa cải kho cho nên khi nói tới dưa cải kho thì chúng ta thích. Nhưng đối với những người Tây phương ăn dưa cải kho vào họ không thấy ngon. Trong khi đó những thứ phó mát rất đắt tiền mà người Tây phương rất thích nhưng người Việt nam ăn vào thấy khó chịu. Thành ra cái ngon, cái dở, cái đẹp, cái xấu tùy thuộc vào tính chất riêng và chung của hạt giống.

Hạt giống như vậy thì tâm thức cũng như vậy. Tâm thức là dòng sông của các hạt giống nên tâm thức cũng có tính cách riêng và chung. Vì vậy chúng ta có danh từ tâm thức cộng đồng và tâm thức cá nhân.

Tâm Lý Học Tây phương (một khoa học khá trẻ trung, khoảng hơn 100 tuổi) đã nói đến tâm thức cộng đồng và tâm thức cá nhân. Nhà tâm lý học Carl Gustav Jung (1875- 1961) đã nói đến tâm thức cộng đồng. Karl Jung đã từng có cơ hội tiếp xúc với đạo Bụt Tây Tạng. Trước đó Tây phương có nhà tâm lý học Sigmund Freud (1856- 1939) đầu tiên khai thác về vô thức (tương đương với tàng thức A-lại-gia). Cố nhiên Jung bị ảnh hưởng của Freud nhưng Jung đã đi xa hơn và đã nói đến tâm thức cộng đồng. Chúng ta có thể thấy trước rằng đạo Bụt sẽ tiếp tục ảnh hưởng Tâm Lý Học tây phương, và lề lối chữa trị các bệnh tâm thần bây giờ và sau này sẽ từ từ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Duy Biểu Học.

Khi nói tới tâm thức cộng đồng chúng ta thường nghĩ tới tâm thức cộng đồng của cùng một thời gian mà thôi. Chúng ta cho rằng tâm thức cộng đồng này là tâm thức của những người sống cùng một thời đại với chúng ta. Nói khác đi, chúng ta nghĩ tới một tâm thức cộng đồng mang tính chất không gian hơn là thời gian. Nhưng trong đạo Bụt, tâm thức cộng đồng không phải là tâm thức cộng đồng trong không gian mà là tâm thức cộng đồng trong suốt chiều dài của thời gian. Điều này có nghĩa là những hạt giống trong tâm thức cộng đồng không những phản chiếu cái nghe, cái thấy, cái nhìn, cái hiểu của những người đương thời mà của các thế hệ quá khứ. Cho nên chủng tử bản hữu rất quan trọng. Chúng ta không những mang trong ta xã hội của chúng ta mà cả những xã hội của các thế hệ tổ tiên.

Phạm vi của kinh nghiệm chỉ là phạm vi của hạt giống trao truyền (tân huân). Trong Duy Biểu ngoài hạt giống trao truyền còn có hạt giống sẵn có (bản hữu). Vì vậy cho nên Duy Biểu Học vượt khỏi biên giới của chủ nghĩa Duy Nghiệm. Tổ tiên của chúng ta đã thâu thập kinh nghiệm và trao truyền lại cho chúng ta dưới hình thức những hạt giống mà khi sinh ra chúng ta đã có sẵn, khi ta mới đầu thai trong bụng mẹ, ta nhỏ xíu như một hạt mè hay hơn nữa. Nhưng đừng khinh thường. Cái hạt nhỏ đó chứa đựng tất cả các hạt giống của vô lượng vô biên kinh nghiệm của bao thế hệ đi trước. Cái vô cùng nhỏ chứa cái vô cùng lớn. Thấy được điều đó rồi, thấy được rằng cái thai nhỏ hơn hạt mè mà chứa đựng thời gian vô cùng và không gian vô biên rồi, thì chúng ta mới thấy rằng việc giữ gìn một thai nhi là quan trọng biết mấy. Khi mà ý tưởng phá thai phát hiện thì vũ trụ rung rinh, bởi vì cái bào thai nhỏ như hạt mè kia chứa đựng bao nhiêu thế hệ tổ tiên đi trước và bao nhiêu thế hệ con cháu tương lai. Vậy mà trong thời đại chúng ta chuyện phá thai là chuyện cơm bữa.

Thích Nhất Hạnh/langmai.org

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay