Ôm em bé bị thương trong ta

Trở về ôm lấy em bé bị thương

Nhiều người trong chúng ta trong thời thơ ấu đã từng đi ngang qua những giai đoạn rất khó khăn và chúng ta đã bị tổn thương nặng. Ta thường thường không có ước muốn nhớ lại những giai đoạn khổ đau đó. Trong ta có cơ chế tự tồn, cơ chế tự vệ. Nó vùi chôn những kỷ niệm đau thương ấy ở trong những vùng rất xa thẳm của tâm thức.

ôm-em-bé

Mỗi lần chúng ta tiếp xúc với những kỷ niệm đau buồn thì ta chịu không nổi, vì vậy cho nên cái cơ chế tự tồn cứ tìm cách chôn vùi những kỷ niệm kia vào trong đáy sâu của tâm thức. Khi có một người nào tới khơi dậy mối thương tâm của ta thì ta khóc, ta đau, ta buồn, ta không ăn cơm được trong một ngày, hai ngày, ba ngày. Nhưng phương pháp chạy trốn không phải là phương pháp hay nhất, không phải là thượng sách.

Trong đạo Bụt, chúng ta được dạy rằng chúng ta phải thực tập chánh niệm, chúng ta phải chế tác năng lượng của chánh niệm, phải trở về ôm lấy đứa trẻ đang bị thương trong ta. Đứa trẻ đó có thể đã bị thương tích rất nặng. Nhưng vì ta không có đủ sức mạnh, cho nên mấy chục năm vừa rồi ta chỉ muốn trốn tránh và không dám gặp mặt nó. Vì vậy đứa trẻ bị thương tích trong ta tiếp tục đau khổ, nó không được thừa nhận, nó đòi hỏi sự thừa nhận, nó đòi hỏi sự săn sóc. Nhưng chúng ta đã làm ngược lại chuyện đó. Chúng ta luôn luôn trốn tránh nó, tại vì chúng ta sợ khổ.

Phương pháp đạo Bụt là thực tập như thế nào để chế tác được năng lượng chánh niệm. Với năng lượng chánh niệm đó, chúng ta không cần phải sợ hãi nữa, chúng ta có thể trở về gọi đích danh đứa bé ở trong ta ra, và chúng ta ôm ấp lấy nó. Chúng ta phải nói chuyện với nó. Có năng lượng chánh niệm rồi thì ta có khả năng ôm ấp được nó. Trước hết là nhận diện: Này em bé trong tôi đang bị thương tích, tôi biết em còn đó. Trong những năm vùa qua, tôi rất tệ bạc, tôi bỏ em một mình bơ vơ với những vết thương nặng nề của em. Bây giờ, tôi đã trở lại. Xin em cho phép tôi ôm em vào lòng. Tội nghiệp em quá! Phải nói chuyện với nó. Phải ôm ấp nó. Nếu cần thì cả hai chị em cùng khóc với nhau. Nếu cần thì cả hai anh em cùng khóc với nhau. Trong thiền tọa cũng được. Ngồi một mình ở trong rừng cũng được. Hãy nói chuyện với nó bằng ngôn ngữ vắng lặng. Trong rừng, mình có thể nói chuyện với nó, mình có thể gọi nó bằng em. Nó với mình không hai mà cũng không phải là một.

Trong chúng ta có những người đã thực tập theo pháp môn đó và sau một thời gian thực tập thì đã có sự thuyên giảm, có sự chuyển hóa, có sự trị liệu. Sau đó thì liên hệ giữa mình và những người anh, người chị, người em, người bạn của mình tự nhiên trở thành ra dễ dàng. Khi đã trở về chữa trị cho đứa trẻ bị thương trong ta rồi, thì ta có đủ sức mạnh có khả năng hiểu và thương nhiều hơn, tại vì những người chung quanh ta, người chị kia, người em kia, người anh kia, có thể cũng đang có một đứa bé bị thương tích nặng nề trong họ, và ta có thể giúp người đó được. Cho nên, sau khi đã chữa trị cho mình rồi, ta thấy liên hệ giữa ta và những người khác trở thành tốt đẹp hơn, dễ dàng hơn, bởi vì ta đã có nhiều hiểu biết, thương yêu và bình an hơn.

mục-đích-của-việc-lập-gia-đình

Chúng ta thấy đứa bé bị thương trong ta không phải chỉ là ta, có thể đó là mẹ ta. Tại vì mẹ ta, trong suốt đời của bà, cũng đã từng khổ đau. Mẹ ta có thể chưa được gặp chánh pháp, chưa biết được phương pháp trở về để ôm lấy đứa trẻ bị thương trong mẹ. Vì vậy cho nên, đứa bé bị thương trong ta cũng chính là mẹ ta đang bị thương, hay là cha ta đang bị thương, ta phải ôm lấy nó. Trong khi ôm lấy đứa bé trong ta, ta ôm lấy hết tất những đứa bé trong quá khứ của nhiều thế hệ, ta vỗ về và trị liệu cho chúng. Sự thực tập này không phải là sự thực tập cho cái ngã của riêng ta, mà là sự thực tập cho không biết bao nhiêu thế hệ của tổ tiên và của tương lai. Cho nên khi đã ôm ấp được đứa bé bị thương trong ta, ta cũng ôm ấp được mẹ ta, ta cũng ôm ấp được cha ta, tại vì có thể cha ta đã từng khổ đau, mẹ ta đã từng khổ đau, và những đứa trẻ trong họ chưa bao giờ được thừa nhận, ôm ấp, được trị liệu cả. Ta làm chuyện này cho cha, làm chuyện này cho mẹ, làm chuyện này cho ngoại, cho nội.

Nếu ta không làm bây giờ, thì bao giờ ta mới làm?

Làng Mai không phải là một trường học, nơi chúng ta tới tiếp nhận một mớ kiến thức để sau này đi dạy hay đi làm. Tại Làng Mai chúng ta có thể thực tập được sự ôm ấp và chuyển hóa đứa trẻ bị thương tích trong ta. Trong ta, đứa trẻ bị thương tích luôn luôn có mặt, đang luôn luôn trông chờ, và ta đã bỏ bê nó từ lâu. Bây giờ ta phải trở về, phải nhận diện, phải công nhận sự có mặt của nó, phải ôm ấp lấy nó, phải cùng khóc với nó và phải dùng năng lượng chánh niệm để mà trị thương cho nó.

Trong ánh sáng của kinh Trung Đạo Nhân Duyên, ta biết rằng em bé đó, em bé bị thương trong ta, không phải chỉ là ta mà cũng là em bé của những thế hệ khác. Nó là em bé bị thương của mẹ, nó là em bé bị thương của cha, nó là em bé bị thương của bà ngoại, của ông ngoại. Ta tu là ta tu một lần cho tất cả các tổ tiên của ta. Em bé đó ở đâu? Em bé đó đang nằm trong tất cả các tế bào của cơ thể. Không có tế bào nào của ta mà không có em bé đang nằm trong đó, những tế bào của danh và những tế bào của sắc. Tâm thức của chúng ta được làm bằng những tế bào, thì trong mỗi tế bào của tâm thức, trong mỗi tâm hành, đều có em bé đó đang nằm co, bơ vơ, bị thương tích nặng.

Ta phải trở về. Ta không cần đi tìm đâu xa. Ta không cần đi tìm về quá khứ, ba trăm triệu năm về trước. Ta không cần đi tìm về những thời đại thạch khí. Ta không cần đi tìm về thời ấu thơ, hoặc là thời ông cố, ông ngoại. Tại vì tất cả những dữ liệu đó, tất cả những sự thật đó, tất cả những đau thương đó, tất cả những em bé bị thương đó hiện bây giờ đang nằm trong giây phút hiện tại, trong từng tế bào của danh và của sắc. Ta chỉ cần đi về và tiếp xúc là ta thấy được. Cũng như tuệ giác của tổ tiên, tuệ giác của Bụt, hạnh phúc của Bụt cũng có mặt trong từng tế bào của cơ thể ta. Ta phải biết trở về. Ta lợi dụng những yếu tố đó, những hạnh phúc đó, những tuệ giác đó, để chế tác năng lượng chánh niệm, năng lượng thương yêu, mà ôm ấp lấy đứa trẻ bị thương. Đau thương nằm ở trong từng tế bào, và hạnh phúc, tuệ giác cũng đang nằm trong từng tế bào của ta. Bụt đã trao truyền, Tổ đã trao truyền, Thầy đã trao truyền cho ta tuệ giác đó. Ta trở về. Với hơi thở, với bước chân, ta chế tác năng lượng của chánh niệm, của tuệ giác. Và với năng lượng đó, ta ôm ấp và thừa nhận đứa trẻ bị thương trong ta.

 

Nguồn: langmai.org

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay