Tại sao chúng ta không còn giao tiếp với nhau nữa?

Tại sao sự truyền thông bị bế tắc?

Có những cặp cha con không giao tiếp được với nhau. Cha không muốn nhìn mặt con và con cũng không muốn nhìn mặt cha. Mỗi khi nghĩ tới con là người cha có sự bực tức, và đứa con khi nghĩ đến cha là có sự bực tức. Có những cặp vợ chồng cũng không giao tiếp được với nhau, không nhìn được mặt nhau. Mỗi khi nghĩ tới người kia thì không có hạnh phúc. Chúng ta đã làm ăn như thế nào để đi tới tình trạng này? Nếu đi tới tình trạng này rồi thì có thể có một đường thoát hay không?

nắm-tay

Ngày xưa, khi biết tin vợ mình có mang em bé thì trong lòng mình có sự rung động kỳ diệu. Mình cảm thấy hạnh phúc khi sắp được làm cha. Và đối với người thiếu phụ, khi được bác sĩ báo tin  mình có thai thì cũng có sự xúc động  lớn. Tuy em bé chưa sinh ra, nhưng mình đã có tình thương rồi. Khi có em bé ở trong bụng,  mình cảm thấy đời đẹp hơn, tươi hơn, có niềm vui hơn, và mình có thể nói chuyện với em bé mỗi ngày không chán. Tình thương rất là mầu nhiệm. Khi ăn cái gì mình cũng nghĩ rằng thức ăn này sẽ đi vào trong em bé, khi uống cái gì cũng nghĩ rằng cái mình uống sẽ đi vào trong em bé nên mình hết sức cẩn thận. Khi lo lắng cái gì cũng nghĩ rằng cái lo lắng của mình sẽ đi vào trong em bé cho nên mình tìm cách không có lo lắng, sợ hãi, buồn phiền. Và người cha cũng vậy. Người cha biết rằng nếu mình làm cho người vợ khổ đau, lo lắng thì sẽ hại cho em bé, cho nên người cha trở thành nhẹ nhàng hơn, nói năng dịu dàng hơn. Có sự thay đổi như vậy là tại vì cả hai người đều thương con. Như vậy tình yêu, tình thương với đứa con bắt đầu rất là đẹp. Vậy thì  tại sao bây giờ mình không nhìn được mặt con, nghĩ tới chuyện từ con, hay mỗi khi thấy mặt nó là nổi cáu? Tại mình không biết tu!

Ngày xưa, khi thấy người thiếu nữ đó mình rất cảm động. Đó là một nàng tiên đẹp từ bên trong đẹp ra. Mình cứ luôn nghĩ rằng: nếu cưới được người này thì mình mới có hạnh phúc được, và nếu thiếu người này thì đời sống không có gì vui và mình không thể nào sống được. Chỉ cần nhìn người đó là mình có hạnh phúc, chỉ cần nghe giọng người đó nói, dù là qua điện thoại, cũng đủ để có hạnh phúc rồi. Nhưng bây giờ tại sao mình không nhìn mặt nhau được, mình không nói chuyện với nhau được? Tại sao truyền thông bị bế tắc và mình nghĩ tới chuyện ly dị? Đó là câu hỏi. Cho nên cần phải có một cách sống, một cách nói năng và suy tư nào đó để giúp mình tái lập được truyền thông và xây dựng lại tình thương, để tìm lại được hạnh phúc ngày xưa.

Sở dĩ mình không nhìn được mặt người kia, không giao tiếp được với người kia là tại vì trong lòng mình có những cái gọi là nội kết. Nội kết là một danh từ Phật giáo, có nghĩa là những nút thắt, tiếng Anh gọi là knots. Khi người kia nói hay làm một điều gì đó tạo ra nỗi khổ, niềm đau trong lòng mình, mình không biết cách tháo gỡ nên đã để nó trở thành một cái cục, giống như cục sạn ở trong thận và nó còn đó hoài. Đó là nội kết, một nội kết khổ đau. Mình không có khả năng tháo gỡ nội kết đó, và người kia cũng không có khả năng giúp mình tháo gỡ cho nên cái nội kết đó còn mãi. Cái khổ đau do câu nói hay hành động của người kia tạo ra cứ còn mãi, và vài ngày hôm sau lại có thêm nội kết mới trong khi nội kết cũ chưa tháo gỡ được. Cứ như vậy sau nhiều tháng, nhiều năm thì mình có quá nhiều nội kết, và vì vậy cho nên mình không nhìn mặt người kia được. Mình sợ người kia sẽ nói, sẽ làm những điều gì nó tưới tẩm những nội kết cũ và nó sẽ tạo ra những cái nội kết mới. Trong chúng ta ít nhiều cũng có những nội kết. Nhiều nội kết do tự mình làm ra, do sự si mê của mình, người kia không làm mình khổ mà cứ tưởng rằng người kia muốn làm mình khổ. Và những nội kết do sự vụng về của người kia gây ra tạo thành những khối được kết tụ lại trong tâm mình và mình không tháo gỡ được, không chuyển hoá được.

Nguồn: langmai.org

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay