Tu là biết vượt qua những Thương Ghét phàm tình

Ða số người thường, suốt ngày sống trong sự thương ghét. Người nào vừa ý, hợp ý mình thì thương, kẻ nào trái ý mình thì ghét. Thương thì chăm lo, chiều chuộng, ôm giữ. Ghét thì hất hủi, xa lánh, đẩy ra.

Khi thương trái ấu cũng tròn,
khi ghét bồ hòn cũng méo.
Thương thì thương cả đường đi,
ghét thì ghét cả tông ti họ hàng.

Thương ghét phàm tình

Tất cả những nghiệp ân oán, oan gia đều do thương ghét mà ra, bởi vì thương là sự biểu lộ của tâm tham, và ghét là sự biểu lộ của tâm sân. Do đó thương ghét càng nhiều thì tham, sân càng tăng và đương nhiên dẫn đến đau khổ và bất an.

Khi bắt đầu biết đạo thì tập diệt trừ tánh tham và sân vì biết đó là nguyên nhân của đau khổ. Nhờ từ bỏ tánh tham, sân nên tâm trở nên bình đẳng, không thương người này ghét người kia. Nhờ tâm bình đẳng nên bớt luyến ái gia đình, vợ chồng, con cái, cha mẹ, và bớt thù ghét người dưng nước lã, kẻ thù.

Nếu tiếp tục tu hành như vậy, từ bỏ tham, sân thì tâm càng trở nên bình an, vắng lặng. Đến đây, nếu không khéo thì sẽ trở nên gỗ đá, cây khô, không còn tình người. Do đó cần phải bước qua giai đoạn kế tiếp là quay lại nhìn chúng sinh.

Khi tâm được bình an, vắng lặng, nhìn lại bà con thân thuộc thì thấy mọi người đều mải mê lặn hụp trong đau khổ, trong vòng lẩn quẩn của thương ghét, và từ đó khởi lên một tình thương mà đạo Phật gọi là từ bi.

Tình thương này không còn bóng dáng của tâm tham nên không có ái luyến, dính mắc. Tính chất của nó hoàn toàn khác hẳn với cái thương (có tham) của
phàm phu. Đây là loại tình thương của bồ tát, người đã hiểu đạo và tu tập để thoát ra ngoài vòng thương ghét thường tình thế gian. Vì thế sau khi hiểu đạo thì chỉ còn tình thương. Thấy ai cũng là bà con thân thuộc của mình từ nhiều kiếp, và thấy ai cũng đáng thương hết.

– Gặp gỡ trong đời một chữ duyên
Trân trọng bên nhau phút hiện tiền
Người đến, ân cần cho hết dạ
Người về, thôi vướng bận niềm riêng.
(Như Nhiên)

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay