3 chữ Nhẫn – Thiện – Ngộ và những điều suy ngẫm
Đời người, mấy ai hiểu hết 3 chữ Nhẫn – Thiện – Ngộ. Nên hay không nên, làm hay không làm…Tất cả là ở bạn. Những lời dạy được đúc rút từ bao tâm huyết của cổ nhân chẳng phải để chơi. Những lời tâm huyết là để thực hành…
Khi đắc ý, hài lòng đừng quá cuồng vọng, cuồng tất sẽ kiêu, mà kiêu thì tất sẽ bại, là mầm mống dẫn đến thất ý.Khi thất ý đừng quá bi thương, bởi vì bi thương thì sẽ yếu lòng, yếu lòng tất sẽ suy sụp, một khi không gượng dậy nổi thì chính là không tôn trọng sinh mệnh của mình.
Mọi sự nên tùy duyên, không nên cưỡng cầu, thuận theo tự nhiên, thích ứng với mọi hoàn cảnh, mới có thể khiến tâm tình tốt đẹp.
Mọi việc trong đời, cần xét xem nên làm thì hãy làm, không nên làm thì không nên làm là được rồi.
Đừng quá khắt khe, đòi hỏi ở người khác, những việc bản thân không muốn thì đừng áp đặt lên người khác. Đừng quá khắt khe với bản thân, những việc không muốn cũng đừng áp đặt bản thân, hãy để tự nhiên.
Con người cao ở “nhẫn”. Trong mọi việc đều có thể “nhẫn” thì phẩm chất sẽ tự nhiên cao.
Con người quý ở “thiện”. Trong cuộc đời luôn tích đức, làm việc thiện thì mới là đáng trân quý.
Con người hơn nhau ở chỗ “ngộ”. Một người có thể hiểu thấu nhân sinh thì mới là kiệt xuất, hơn người.
Đời người, “công danh lợi lộc” chỉ như mây khói thoảng qua, có thể tiêu tan bất cứ lúc nào, duy chỉ có “tiếng thơm” là lưu truyền mãi ngàn năm.
Người mà “hạ thấp người khác để nâng mình lên” hay “nâng mình lên nhằm hạ thấp người khác” thì đều chỉ là tiểu nhân, không được người đời tôn trọng.
Người mà khiêm tốn, cung kính, “nâng người hạ mình” mới là điều mà người quân tử hướng tới.
Người đa nghi tất sẽ sinh thị phi. Người nhiều lo lắng thì sẽ sinh phiền não. Người nhiều suy tư, hoài niệm sẽ sinh ra u buồn. Người quá nhiều oán hận sẽ sinh ra căm phẫn, uất ức.
Một khi tâm bình thì khí tất sẽ thuận, tâm loạn thì mọi sự tất sẽ rối.
Tâm thái một người bị mất cân bằng thì mọi sự tất sẽ bị lệch.
Đối với người thiện, người tốt thì phải cung kính, đối với người ác, người xấu thì phải nghiêm khắc. Đối với bạn thì phải độ lượng, đối với người tài thì phải khiêm tốn, đối với người hèn yếu thì phải khoan dung, giúp đỡ.
Một người không khắc chế dục vọng thì sao có thể dưỡng được đức?
Trong cuộc đời, mọi việc phải biết điểm dừng thích hợp, vui không thể vui tột cùng vì “vui quá hóa buồn”, phúc một khi hưởng tận thì sẽ sinh họa.
Vạn vật nhờ nước tẩy rửa mà sạch sẽ, không tẩy tất sẽ ô uế. Vạn vật nhờ ánh mặt trời chiếu rọi mà tươi đẹp, không thì tất sẽ suy yếu. Vạn vật nhờ tĩnh lặng mà thanh sạch, không tĩnh tất sẽ hỗn loạn, không thật.
Vạn vật trong xã hội loài người đều phải ở trong bồi dưỡng, hun đúc mà có phẩm chất tốt đẹp hơn. Con người cũng vậy, sống trên đời phải thời thời khắc khắc, nhắc nhở bản thân tu dưỡng thành người thượng đẳng, cao quý!