5 lời dạy của đức Khổng Tử xưa, những lời dạy ngàn năm không cũ
Những lời dạy từ ngàn xưa không cũ. Người thông thái biết lắng nghe sửa đổi để tìm cầu chân lý. Kẻ dại bỏ ngoài tai còn cười ngu si. Ai thông thái, ai dại khờ, cuộc sống sẽ trả lời hết cả thôi!
Phàm là sự việc trong thiên hạ đều do con người gây nên, tuy thế, có những việc tuyệt đối không nên làm, theo lời dạy của Đức thánh nhân Khổng Tử.
Khổng phu tử hoặc Khổng tử là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu. Ông được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông.
Hạt nhân tư tưởng mà Khổng Tử đề xướng và truyền bá trong các lớp môn sinh là “NHÂN”, chữ Nhân theo quan niệm của Ông mang một ý nghĩa rộng lớn, gắn bó chặt chẽ với ĐẠO – Đạo Đức – lòng yêu thương con người, yêu thương vạn vật.
Mục tiêu giáo dục của Khổng Tử: là đào tạo, bồi dưỡng người “Nhân”, “Quân Tử” để làm quan, điều hòa mâu thuẫn giai cấp, “khôi phục lễ nghĩa” trong xã hội đầy rối ren. Xét về mặt chính trị về cơ bản có vẻ bảo thủ, , nhưng về giáo dục thì mang tính tiến bộ và vượt thời đại.
Trong “Khổng Tử gia ngữ” có ghi chép lại một điển cố như thế này. Một hôm, Quốc vương nước Lỗ thỉnh giáo Khổng Tử: “Ta nghe nói rằng, mở rộng nhà về phía đông là một việc không may mắn có phải không?”
Ông nói: “Ta nghe nói thiên hạ có năm loại sự tình khác nhau là ngàn vạn lần không được làm, nhưng việc mở rộng nhà về phía đông lại không nằm trong số ấy.”
Vậy năm loại sự tình xấu mà Khổng Tử dạy, ấy là gì?
1. Vì lợi ích của bản thân mà làm tổn hại người khác – bản thân sẽ không may mắn
Chính là hại người ích ta, sẽ khiến bản thân nhận phải những điều không may mắn. Điều này cũng chính là phù hợp với Thiên lý “thiện ác hữu báo”. Làm hại người khác để chiếm lợi cho mình là làm điều ác, không những không may mắn mà còn khiến bản thân phải chịu quả báo.
2. Không quan tâm chăm sóc người già, chỉ quan tâm chăm sóc con trẻ –gia đình không may mắn.
Đây cũng là một câu nói có ý nghĩa rất lớn trong việc khuyên răn người đời. Vì sao làm như vậy lại khiến gia đình không may mắn? Người ta ví mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái giống như cây và quả. Quả của cây chính là con cái, còn gốc cây chính là cha mẹ, rễ cây chính là ông bà, tổ tiên…
Nếu như chúng ta muốn cái cây này lớn lên tươi tốt, sai quả ngon ngọt thì phải đem nước và chất dinh dưỡng chăm bẵm cho cây. Lẽ nào lại đem chất dinh dưỡng cung cấp cho quả?
3. Loại bỏ người hiền tài, dùng người bất tài – đất nước không may mắn
Người hiền tài không được phân công nắm giữ những việc lớn, việc phù hợp, thay vào đó lại sử dụng người bất tài thì đây là điềm báo tương lai xấu cho một đất nước, một quốc gia.
4. Người già không dạy, người trẻ không học – phong tục bị hủy hoại
Người già là những người có nhiều kinh nghiệm, thông hiểu luân lý đạo đức làm người, cần phải dạy bảo con cháu thành người có đạo đức, người tốt.
Nhưng nếu người bề trên không dạy bảo người trẻ mà người còn trẻ tuổi thì lại ngạo mạn, không muốn thỉnh giáo người lớn tuổi thì phong tục sẽ không được kế thừa và đi xuống.
5. Thánh nhân ở ẩn, kẻ ngốc nắm quyền – thiên hạ gặp họa
Bậc thánh hiền là những người tài giỏi, có trí huệ, có đức hạnh, một khi họ không được trọng dụng, không được quốc gia coi trọng, lời nói ra cũng không được dùng thì bởi vì họ là những người không vì danh, không vì lợi nên sẽ chọn cách đi ở ẩn, không màng đến chuyện của thiên hạ. Khi ấy, những người bất tài, vô dụng nắm quyền lãnh đạo thì thiên hạ ắt sẽ gặp họa.
Vì vậy, bản thân thực sự không may mắn, không có điềm lành cũng không phải nhất định bởi vì phong thủy của gia đình không tốt.
Cổ nhân có câu: “Phúc nhân cư phúc địa, phúc địa phúc nhân cư” Ý nói, một nơi vốn có phong thủy không tốt thì khi người có đức hạnh ở, sau một thời gian, phong thủy của nơi ấy sẽ trở nên tốt. Còn nếu một nơi có phong thủy rất tốt, nhưng một người không có đức hạnh ở thì sau một thời gian phong thủy cũng biến thành xấu. Cho nên, “may mắn, điềm tốt” không hoàn toàn dựa vào ngoại cảnh.
Nguồn: Phunutoday