Tại sao khi chở khách qua sông, cô lái đò lại đòi tiền nhà sư gấp đôi?
Cô lái đò đưa khách qua sông. Đò cập bến cô lái thu tiền từng người. Sau hết đến nhà sư. Cô lái đò đòi tiền gấp đôi.
Nhà sư ngạc nhiên hỏi vì sao?
Cô lái mỉm cười:
– Vì thầy nhìn em…
Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.
Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đòi tiền gấp ba. Nhà sư hỏi vì sao?
Cô lái cười bảo:
– Lần này thầy nhìn em dưới nước.
Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.
Lần khác nhà sư lại qua sông. Vừa bước lên đò nhà sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định.
Đò cập bến cô lái đò thu tiền gấp năm lần. Nhà sư hỏi vì sao?
Cô lái đáp:
– Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến em.
Nhà sư trả tiền và lên bờ.
Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy nhà sư nhìn thẳng vào cô lái đò.
Đò cập bến, nhà sư cười hỏi lần này phải trả bao nhiêu?
Cô lái đáp:
– Em xin đưa thầy qua sông, không thu tiền.
Thiền sư hỏi:
– Vì sao vậy?
Cô lái cười đáp:
– Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa. Do vậy em xin đưa thầy qua sông mà thôi.
Quả thật cái tâm luyến ái bên trong của con người mới là vấn đề cần phải giải quyết chứ không phải là dáng vẻ bên ngoài. Phần lớn chúng ta chỉ chú ý dáng vẻ bên ngoài nhưng ít ai chú ý đến cái tâm sâu thẳm bên trong. Dù thân xa lánh thế tục nhưng tâm còn nhớ nghĩ thì cũng chưa phải là giải thoát. Mắt tuy nhắm nhưng tâm còn nghĩ về, thì sóng ngầm cuộn xoáy tâm can còn dữ dội hơn.
Câu chuyện giữa nhà sư và cô lái đò đối đáp mỗi lần qua sông thể hiện cho một quá trình tu tập và chuyển hóa tư tưởng. Diễn biến đó cũng là quá trình tâm lý chuyển hóa thành tâm linh. Sau cùng là sự đạt đạo cao nhất của nhà sư: nhìn thẳng vào thực tại mà không hề có tư tưởng dính mắc, suy nghĩ, luyến ái. Còn các lần trước hết dính mắc bằng mắt thì đến dính mắc bằng tâm. Ở đời hễ còn dính mắc thì còn phải khổ lụy.
Nhà sư trả tiền cho cô lái đò cũng cho thấy rằng hễ tâm ta còn tạo nghiệp dính mắc thì sẽ có cái giá phải trả cho chính nó. Đó là triết lý sống dành cho tất cả chúng ta.
Sưu tầm