TẠI SAO LUYỆN TÂM?
Có lẽ các bạn đã gặp nhiều người có học võ một thời gian, lên đến đai xanh hay đai nâu chẳng hạn, rồi nghỉ học. Các bạn sẽ nhận ra một điều hiển nhiên là những người đó không bao giờ nói: “Tôi biết võ.” Khi có dịp trong lúc trò chuyện, có lẽ họ sẽ nói: “Hồi trước tôi có học Karate, tới đai xanh.” Điều này có nghĩa là, mọi người đã học qua võ một thời gian rồi nghỉ, đều biết là mình không biết. Không thể nói là mình có võ hay biết võ, mà chỉ có thể nói mình có học đến đai gì đó.
Tại sao?
Tại vì học chỉ một chút, chưa đến nơi đến chốn, thì vẫn chưa là biết. Hơn nữa, nghỉ học thì chỉ một thời gian là tay chân trở lại cứng ngắc và chậm chạp chẳng khác gì người chưa học.
Học luyện tâm cũng vậy. Nếu bạn chỉ học láp nháp rồi không quan tâm nữa, bạn sẽ là người chưa biết và chẳng hơn được người chưa học một chút nào. Trái tim của bạn lại trở thành chai cứng, chậm chạp và thiếu nhạy cảm như những người chưa học bao giờ.
Vấn đề lớn của chúng ta là hình như cực kỳ ít người học đứng đắn về trau luyện trái tim của mình. Đa số thỉnh thoảng đọc vài câu quotes hay vài bài spam nhau trên Internet. Vậy thôi. Chẳng mấy bạn bỏ ra thường xuyên, một ngày 15 phút, chỉ 15 phút để trau dồi trái tim mình. Mỗi ngày 15 phút, ngồi yên trước khi ngủ để hít thở tập tĩnh lặng, hay để ôn lại lòng mình – hôm nay mình làm gì tốt và gì xấu.
15 phút mỗi ngày là ví dụ thực tập cực nhỏ, vì cho những bạn sắp là thầy hay là đã là thầy, thì chúng ta nói nối kết với Chúa/Phật 24 giờ một ngày. Nhưng mình chỉ muốn nói đến 15 phút mỗi ngày để bạn xem lại bạn có trong số đó không, để ít nhất bạn có thể nói: “Tôi có luyện tâm hằng ngày”. Còn nếu bạn không làm gì và chỉ đọc, thì hãy tính là bạn chưa hề luyện tâm.
Các bạn có lẽ thắc mắc, sao anh nhắc chuyên này hoài vậy? Tại vì, hai lý do. Trước hết, đây là căn bản. Nếu bạn muốn mềm dẽo, phải bắt đầu tập yoga mỗi ngày 15 phút là ít nhất. Không tập là tiếp tục không biết. Thứ hai, ngay cả rất nhiều người luyện tâm cả đời vẫn tham sân si đầy mình – họ có thể không tham tiền, nhưng vẫn tham danh tiếng, chức vị, và sự trọng vọng của mọi người. Người luyện tâm không tử tế vẫn có thể tự lừa dối mình như thế. Nếu bạn hoàn toàn không tập, thì bạn biết bạn đang đứng ở đâu.
Tất cả mọi môn học đều có chỗ vi diệu của nó: yogy thì người dẽo như cao su, vũ sư thì có thể nhảy lên không uốn éo thân mình rất đẹp, võ sư thì có thể ném người bay xa vài thước, nhạc sĩ thì có thể làm dòng nhạc lững lờ như dòng sông hiền dịu hay ầm ầm ào ạt thác ghềnh… Nhưng muốn đển chỗ vi diệu đó bạn phải học đến mức thầy.
Tâm của bạn quan trọng hơn tất cả mọi môn học bạn có thể học ở đời, vì tâm của bạn là chính bạn. Luyện tâm là luyện chính mình, chính tư duy, thái độ, bản tánh của mình. Nếu tâm không là điều quan trọng nhất cho đời ta, mình chẳng còn biết có gì quan trọng hơn.
Đã hàng nghìn năm môn luyện tâm gần như thất truyền. Trong các đền thờ, nó trở thành mê tín và là khí cụ quyền lực của con người. Trong trường học và gia đình, nó chỉ còn là vài công thức cho trẻ em như đi thưa về trình, hãy yêu người nghèo, đừng ăn trộm… và cho người lớn có thể là những công thức cực ác như là con gái có chửa hoang thì cạo đầu bôi vôi và người trong làng gặp phải tảng lờ như không thấy, hoặc một người chống vua thì phải tru di tam tộc. Trong khi đó thì giáo dục tham sân si, ganh đua giành tiếng, giành tiền, giành đất, ghen tị, dối trá… thì hầu như là giáo dục thường trực, trước mắt, em nào lớn lên cũng có đủ cơ hội để học 24 giờ một ngày, từ trong nhà ra đến ngoài đường.
Thế mới hiểu tại sao càng tân tiến về vật chất thì con người có vẻ như càng đi ngược về đạo đức – bom đạn ngày nay có thể hủy diệt trong một ngày điều mà những đoàn quân ngày xưa phải phá trong một năm, hay rất nhiều năm, nếu ta nhớ đến thảm họa bom nguyên tử ở Okinawa; lừa gạt ngày nay có thể đi trên Internet để lừa cả nghìn người một lúc, không phải từng người một như trước kia; chính trị gia ngày nay hầu như nói dối hay nói một nửa là nguyên tắc, nói thật thì chẳng mấy người, và nói thật chắc cũng chẳng được ai bầu hay cắt cử vào nhiệm vụ chính trị nào…
Nhưng căn bản của con người thì vẫn là căn bản, dù người ta có muốn sống tồi tệ cách nào. Căn bản của con người vẫn không thay đổi 1mm qua mấy ngàn năm, vì mấy ngàn năm chỉ là một cái chấm trong dòng thời gian vô tận của vũ trụ.
– Căn bản của con người là nếu bạn yêu người, thành thật, khiêm tốn, bạn sẽ mang lại hạnh phúc cho bạn và những người kề cận bạn (vợ chồng, bố mẹ, anh chị em, bạn bè, láng giềng, đồng nghiệp).
– Con người dù si mê và gian ác đến mức nào cũng có thể thấy được ánh sáng khi họ gặp ánh sáng. Chính ánh sáng của một số nhỏ trái tim Bồ tát của thế giới qua mỗi niên đại đã giữ thế giới khỏi rớt hẳn vào địa ngục cho đến ngày nay.
– Con người không sống một mình mà sống với thế giới của Chúa/Phật bên mình. Luyện tâm là con đường để nối kết với Chúa Phật. Để làm gì? Để ánh sáng của mình thêm mạnh cho thế gian si mê.
Có thể bạn đã nghĩ rằng khởi sự học luyện tâm là chỉ để cho riêng bạn. Nhưng sự thật bạn nhận ra rất sớm là luyện tâm cho mình và cho mọi chúng sinh. Thế giới cần mọi tia sáng lớn nhỏ mà chúng ta có thể tạo ra.
Chúc các bạn luôn tinh tấn.
Mến,
Hoành
© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com