Hãy trân trọng những người bạn yêu thương khi bạn còn có thể
Đã bao giờ bạn để thời gian trôi qua mà không kịp nói với người bạn thương yêu biết rằng họ là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn chưa? Hãy trân trọng và thể hiện tình cảm của bạn khi còn có thể, đừng để mình phải hối tiếc vì đã không đủ quan tâm hay không đủ can đảm để giữ lấy những người mà mình yêu quý.
Thực sự, để thương một người cho “tới nơi tới chốn” của chữ thương (yêu) không hề dễ chút nào. Vì thế mà từ cổ chí kim, người ta vẫn ca cẩm về tình yêu, bảo đó là thứ tình cảm khiến con người khổ sở, nhưng rồi, ai cũng khó vượt qua “lưới tình”, bởi ai cũng “thà chịu khổ chớ hông chịu lỗ”. Khổ suy cho cùng cũng là một… kiểu lỗ khác, bởi ta đã “đầu tư” sự bình yên của mình vào cuộc tình, để rồi nhận lại một sự không bình yên (quá lớn), đôi khi dai dẳng cả một đời, thậm chí nhiều đời.
Ta luôn là người “đầu tư” kém cỏi bởi vì ta chưa hiểu được tình yêu, ta để cho sức hút của ham muốn, ghen tuông chi phối, làm chủ hành động và ngộ nhận về chữ “yêu” vốn đẹp ấy, rồi vội nghĩ, vội thốt ra, vội làm những việc nhân danh tình yêu – đưa đến kết quả không như ta mong muốn và nghĩ ngợi ban đầu.
Thực ra, khi yêu, ai cũng mong sẽ mang lại hạnh phúc cho người mình thương và cũng từng vô cùng hạnh phúc khi thấy người thương mình vui vẻ, hạnh phúc – nhưng tháng ngày trôi qua, vì những thói quen sai lầm tiềm ẩn trong ta đã “đưa lối dẫn đường” – khiến ta nghĩ, nói, làm những việc thật là nông nổi, đến khi ngộ ra rồi ta mới thấy mọi thứ quá muộn mằn.
Khi đó, có thể người thương của ta không còn nữa, có thể tình cảm của cả hai đã không còn vẹn nguyên như thuở ban đầu và tệ hại hơn, ta và người đã trở mặt thành oán cừu nhau.
Chính vì “nguy cơ” quá lớn của tình yêu nên những người chọn con đường hạnh phúc dài lâu sẽ không chọn tình cảm này làm lẽ sống. Theo đó, người xuất gia học đạo (dù là tôn giáo nào) cũng đều “sống một mình” và luôn an bình với lựa chọn ấy, không mảy may tơ tưởng tình xưa, càng không ham hố thiết lập mối quan hệ tình cảm mới.
Thực ra, ngay khi vị xuất sĩ chọn tình yêu và bị tình yêu lứa đôi làm chủ thì vị ấy liền dính mắc, dù mang thân xuất gia nhưng không khác gì người tại gia. Tôi nói với bạn điều này vì có lần bạn hỏi, người xuất gia có tình yêu đôi lứa không?
Trở lại việc “bạn đang yêu” – đó là một sự thật đang là – nên bạn cần sống với sự thật đó một cách tốt nhất. Bạn không thể “đứng núi này trông núi nọ” theo nghĩa vừa muốn làm vị xuất sĩ, vừa muốn có tình yêu như người thế gian; và còn theo nghĩa, vừa yêu người này nhưng đồng thời cũng lén phén thương một người khác.
Hãy trân trọng tình cảm mình đang có và với người đang cùng bạn đi qua những khúc quanh của cuộc đời. Vì, như ai đó nói, trên bước đường bạn và người ấy đi, bạn sẽ gặp vô số những người dễ thương hơn người đang đồng hành, thế thì, không lẽ bạn cứ thay đổi hoài người thương, rồi để xúc cảm yêu đương cứ mải bềnh bồng kiểu đó?
Hạnh phúc là sự an trú, nhận diện sự thật để sống tốt nhất với sự thật đó. Đừng như chú chó trong câu chuyện nhà thiền, vì loay hoay không biết chọn hướng nào làm bờ để cập bến thì sẽ phải chết chìm giữa dòng sông.Chúc bạn luôn bình an trong lựa chọn của mình, dù là yêu đương, lập gia đình hay làm người xuất sĩ. Và khi đã lựa chọn yêu thì phải yêu cho có chất liệu của một người học Phật, làm được vậy thì bạn cũng đang thuyết pháp, đang làm một hoằng pháp viên, để người ta nhìn vào và thấy, người con Phật yêu trong sự hiểu biết chơn chánh, biết tôn trọng nhau, tôn trọng chính mình vì đã quá hiểu nhơn-duyên-quả rồi!
Nguồn: thuvienphatgiaovietnam.com