Làm thế nào để giúp người thân bị bệnh nan y?

Hỏi: Kính thưa Thầy, có một người bị lâm bệnh ung thư đã nhiều năm, người ấy rất đau đớn khổ sở. Nếu sau khi người ấy đã bàn thảo với gia đình và Tăng thân của người ấy và được họ chấp thuận, thì người ấy có thể kết liễu cuộc đời của mình được không? Hành động ấy sẽ đưa tới những kết quả nào và có đi ngược với tinh thần Năm Giới – không sát hại, bảo vệ sự sống của giáo lý đạo Bụt không?

Làm thế nào để giúp người thân bị bệnh nan y?

Thầy: Đây là một câu hỏi khó. Trong thời Bụt còn tại thế, có những thầy bị bệnh, họ rất đau đớn, khổ sở. Bụt đã hướng dẫn nhiều phương pháp tu tập cho các thầy ấy thực tập trong những ngày còn lại của đời mình. Những lời dạy ấy đã được ghi chép lại trong tạng kinh. Chúng ta có thể học hỏi các kinh ấy để giúp cho những người khổ đau, đang vướng vào những chứng bệnh nan y và đang hấp hối. Chúng ta cũng có thể học cách áp dụng những lời dạy ấy vào trong đời sống hàng ngày của mình nếu mình đang có những nỗi lo sợ, ám ảnh về cái chết của bệnh tật.

Đức Thế Tôn đã hướng dẫn chúng ta những phương pháp thực tập cụ thể để làm thuyên giảm niềm đau trong thân và tâm của ta. Có những phương cách làm thuyên giảm những niềm đau về thân. Chúng ta nhận diện sự có mặt của niềm đau nhức về thể xác và ôm ấp, làm êm dịu niềm đau của ta mà không nên phóng đại nó vì nỗi lo sợ và tuyệt vọng. Đức Thế Tôn có dạy khi một người bị trúng tên, người ấy đau đớn vô cùng. Nhưng nếu có mũi tên thứ hai cũng lao trúng vào vết thương của mũi tên thứ nhất, thì cơn đau không phải chỉ tăng gấp đôi mà nó tăng lên gấp mười lần, hai mươi lần hoặc ba mươi lần hoặc nhiều hơn. Cũng thế, khi một người phóng đại niềm đau nhức về thể xác của mình bằng niềm lo sợ, giận hờn và tưởng tượng của mình, thì niềm đau ấy sẽ tăng lên gấp trăm ngàn lần. Vì vậy chúng ta cần phải trở về với hơi thở chánh niệm, thở vào và thở ra thật sâu sắc và nhận diện niềm đau của thể xác như nó đang là, mà không nên thổi phồng, phóng đại nó vì nỗi lo sợ, giận hờn và tưởng tượng của mình. Cái đó gọi là nhận diện đơn thuần, không sinh tâm lo sợ, chán nản và tuyệt vọng, không suy tưởng về nó.

hoa-trang

Nếu có một bác sĩ hoặc một người bạn biết về bệnh tình của quý vị, quý vị có thể nhờ người ấy nói cho mình biết rằng đây chỉ là niềm đau thuộc về thể xác. Bác sĩ chẩn đoán một cách chính xác về bệnh tình của mình và cho mình biết để mình yên tâm mà không vì quá lo sợ, tuyệt vọng mà phóng đại, suy tưởng ra thêm. Có những phương cách thực tập khác để đối trị với niềm đau, nỗi khổ của thân và tâm. Quý vị có thể phục hồi trở lại sự thăng bằng của nội tâm để có khả năng chấp nhận và ôm lấy niềm đau của mình. Khi biết thực tập tiếp xúc, tự tưới tẩm những niềm vui, những yếu tố tích cực, những hạt giống tốt, quý vị sẽ bớt khổ rất nhiều và sẽ cảm thấy rằng mình có thể sống hòa bình và an vui với niềm đau ấy. Khi quá khổ, quá tuyệt vọng, mình có cảm tưởng rằng mình không đủ năng lực để tự chăm lo cho chính mình. Nhưng khi có một người bạn đạo đến cầm tay mình, chuyền cho mình năng lượng thương yêu, chăm sóc và khích lệ, thì mình cảm thấy dễ chịu và có đủ khả năng để chấp nhận, ốm ấp niềm đau nỗi khổ của mình và vượt thắng được. Sự thật là trong tự thân của ta luôn có sẵn tiềm năng tự chữa trị rất lớn. Nếu ta trở về với tự thân để tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh, hiểu biết, thương yêu và trị liệu, thì những năng lượng tốt đẹp trong ta sẽ có cơ hội biểu hiện và giúp ta phục hồi lại sự thăng bằng trong cuộc sống. Ta sẽ có khả năng chấp nhận và ôm ấp niềm đau nỗi khổ của ta một cách dễ dàng mà không cần phải trốn chạy, loại trừ hay tuyệt vọng về chúng.

Tôi nhớ vào năm nọ khi chị của sư cô Chân Không đang bị hấp hối trên giường bệnh tại bệnh viện ở Mỹ, cái lá gan nhân tạo của chị sư cô đã bắt đầu bị hư sau hơn ba năm hoạt động. Trong giờ phút lâm chung, bà đau đớn khôn xiết. Cuối cùng bà rơi vào cơn hôn mê; chồng bà, con cái của bà và các bác sĩ, y tá đã cố gắng làm đủ cách để làm thuyên giảm niềm đau nhức trong bà nhưng đều bó tay. Trong cơn đau quằn quại, bà vặn vẹo, rên rỉ và khóc than không ngừng. Sau đó sư cô Chân Không tới, sư cô biết mình không thể nói chuyện được với chị  mình vì chị đang ở trong cơn hôn mê trầm trọng. Tuy thế, sư cô vẫn biết cách giúp chị mình. Sư cô biết chị từ nhỏ thường ưa tới chùa nghe các thầy, các sư cô tụng kinh, niệm Phật và những hạt giống ấy đã được gieo trồng trong tâm thức của chị từ nhỏ. Sư cô đã mang theo bên mình một băng cassette niệm danh hiệu của đức Bồ Tát Quán Thế Âm do các thầy, các sư cô Làng Mai niệm và mở lên cho chị nghe. Sư cô đặt ống nghe vào tai của chị rồi tăng âm thanh lên thật lớn. Mầu nhiệm thay, sau đó khoảng ba mươi giây, phép lạ đã xảy ra, chị của sư cô trở nên yên bình trở lại và từ lúc đó cho đến giây phút lâm chung, bà không còn khóc rên hoặc vặn vẹo nữa.

Tâm thức của chị sư cô đã được gieo trồng những hạt giống tốt, hạt giống tu tập, chánh pháp từ nhỏ đến lớn. Bà đã từng được nghe tiếng tụng kinh cho nên tâm thức của bà đã nhận ra được những lời tụng quen thuộc mà mình đã từng được nghe trong truyền thống tâm linh của mình. Những lời kinh tụng ấy đã trở thành nguồn suối an lạc, hạnh phúc và trị liệu cho đời sống của bà trong những năm tháng qua, trong khi đó những người thân chung quanh, trong đó có cả bác sĩ, y tá đã không biết làm thế nào để giúp bà tiếp xúc với những hạt giống tốt như thế trong tâm thức của bà. Những hạt giống này đã từ lâu không được chạm đến, không được tưới tẩm mỗi ngày nên chúng đã bị hao mòn và ngủ yên trong chiều sâu tâm thức, không có cơ hội phát triển và cũng không có ai có khả năng đánh thức chúng dậy. Và trong cơn đau nhức, sợ hãi, bà đã bị trấn ngự bởi những năng lượng của sầu khổ và tuyệt vọng. Những lời tụng kinh, niệm Bụt và Bồ Tát đã thâm nhập vào tâm thức bà và đã chạm tới được nguồn năng lượng tâm linh trong bà. Khi nghe được những lời tụng niệm ấy, tự nhiên bà tiếp xúc được với nguồn năng lượng lành mạnh, mầu nhiệm của Bồ Tát Quán Thế Âm – năng lượng của tình thương, an bình trong bà. Nguồn năng lượng ấy đã cho bà đủ sức mạnh để thiết lập lại sự an bình. Nhờ vậy mà bà đã có khả năng nằm yên cho tới lúc ra đi.

hoa-flower

Trong khi thân thể có những niềm đau nhức, chúng ta phải nhớ thực tập tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu như năng lượng của sự vững chãi, hạnh phúc và niềm tin; những hạt giống này luôn có sẵn trong mình và chung quanh mình. Ta cần phải tiếp xúc với những hạt giống ấy để có thể thiết lập sự thăng bằng, vững chãi và thảnh thơi trong ta. Nếu thực tập những lời dạy của đức Thế Tôn thành công, ta sẽ biết làm gì trong giây phút đó để giúp những người đang hấp hối hoặc đang khổ đau có thể phục hồi lại sự bình an hoặc giúp họ ra đi một cách nhẹ nhàng. Chúng ta đã được nghe, được đọc kinh Độ Người Hấp Hối trong cuốn Nhật Tụng Thiền Môn 2000 của Làng Mai. Kinh Độ Người Hấp Hối cống hiến cho chúng ta rất nhiều phương pháp thực tập cụ thể để ta thực tập và hướng dẫn những người đang hấp hối vượt qua giây phút khó khăn của cơn bệnh trong giờ phút lâm chung.

Mỗi khi đức Thế Tôn hoặc các đệ tử lớn của Ngài viếng thăm những người đang hấp hối, các Ngài luôn luôn biết mình phải làm gì để giúp những người đang hấp hối phục hồi lại sự thăng bằng, vững chãi để họ vượt được cơn đau nhức của thể xác và thoát được nỗi sợ hãi về tử sinh. Phép thực tập là tưới tẩm những hạt giống lành mạnh, thương yêu và hạnh phúc trong người kia. Phép thực tập này luôn luôn đem lại hiệu quả tốt. Chính tôi cũng thực tập phương pháp này mỗi ngày và luôn luôn có hiệu quả, đem lại rất nhiều lợi lạc. Khi hỏi rằng nếu đời sống của mình có quá nhiều khổ đau, bế tắc, không thể chịu đựng được nữa, nhất là khi thân mình phải mang những chứng bệnh nan y, đau đớn vô cùng thì mình nên chọn cái chết hay không nếu có sự chấp thuận của những người thân trong gia đình và tăng thân? Hành động ấy sẽ đem lại những kết quả nào? Theo tôi, chúng ta nên cố gắng hết lòng tìm cách chữa trị trước. Chúng ta phải tin vào khả năng tự chữa trị của bản thân ta.

Có một hôm, sau khi giúp đỡ cho người cư sĩ đang hấp hối, đức Thế Tôn trở lại Núi Thứu để hướng dẫn, dạy dỗ cho các thầy. Ngay ngày hôm sau Ngài hay tin người cư sĩ mà Ngài cố gắng cứu giúp đã dùng con dao để tự sát. Cố nhiên ông ấy đã được bớt khổ, bớt đau nhức rất nhiều sau khi được gặp Bụt. Ông đã thực tập hết lòng theo những lời chỉ dẫn của Ngài. Trong khi ở bên cạnh đức Thế Tôn, ông ta cảm nhận được năng lượng từ bi và nâng đỡ rất lớn của Bụt và năng lượng ấy đã giúp ông ta thiết lập được sự vững chãi và đức vô úy trong tâm, mặc dầu thân thể đang rất đau nhức. Sau khi đức Thế Tôn rời khỏi nơi ông ta cư ngụ, ông ta không thể một mình duy trì được niềm an lạc ấy, vì thế ông đã tự sát. Khi đức Thế Tôn hay được tin ấy, Ngài rất lấy làm thương tâm và Ngài đã gởi một số các thầy đến nơi ông ấy ở để chăm lo việc mai táng. Đó là tất cả những gì tôi có thể chia sẻ với quý vị trong lúc này: Hành động của Bụt chứa đầy lòng thương yêu ngay trong khi ông ấy đang còn sống và sau khi ông ra đi.

(Trích từ tác phẩm: “Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay