Nguồn gốc và ý nghĩa của tràng hạt trong Phật Giáo là gì? Sử dụng tràng hạt như thế nào cho đúng?
Tràng hạt đã không còn xa lạ với tất cả mọi người. Từ một dụng cụ để thực tập và duy trí chánh niệm hàng ngày. Tràng hạt đã dần đi vào đời sống hiện đại ngày nơi với ý nghĩa bảo vệ, cầu may mắn và bình an. Không chỉ vậy, với một số bạn trẻ, tràng hạt còn được coi là một loại trang sức đẹp, mộc mạc giản dị với ý nghĩa nhắc nhở họ hướng về Phật Pháp mỗi ngày. Dù có được dùng với mục đích gì, tràng hạt vẫn luôn mang trong mình sứ mệnh của nó, đã từ mấy ngàn năm trước…
Tràng hạt khởi nguồn từ Ấn Độ và đã trở thành một vật quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa của tín đồ các tôn giáo và trong xã hội Ấn Độ cổ. Với Phật giáo, tràng hạt là vật tùy thân giúp cho hành giả dễ dàng chú tâm vào đối tượng trì niệm, là một sợi dây xâu suốt các ý tưởng thành một trật tự, từ đó hành giả có thể đi sâu hơn vào các trạng thái của định để làm phát khởi tuệ giác.
Cũng như chuông, mõ, tràng hạt là một phương tiện trong muôn ngàn phương tiện tu tập của Phật giáo. Trong Phật giáo, mọi hình thức pháp khí hay vật thể đều là những phương tiện. Tuy nhiên, không phải vô cớ mà người ta bày ra. Dĩ nhiên, mỗi một hình thức của một vật thể đều có một ý nghĩa biểu trưng đặc biệt của nó.
Nguồn gốc của tràng hạt
Không chỉ Phật giáo mới đề cập đến chuỗi hạt và hướng dẫn việc sử dụng chuỗi hạt để đạt được những giá trị trên con đường tu tập. Người ta có thể thấy, pháp môn lần tràng hạt niệm Phật của Phật giáo rất gần gũi với phương pháp lần tràng hạt trong lúc cầu nguyện của Bà la môn giáo, một lối cầu nguyện rất thịnh hành của những vị Bà la môn. Bên cạnh đó, người Ấn giáo theo phái thờ thần Siva cũng dùng một loại hạt gọi là rudrāka để xâu thành tràng hạt. Truyền thuyết kể rằng, có lần vị thần này ngắm nhìn thế gian, thấy chúng sinh sống trong nỗi khổ cực không sao nói hết nên đã đau lòng nhỏ xuống những giọt nước mắt, những giọt nước mắt này mọc thành cây rồi cho ra những hạt đỏ thẫm. Người ta đã lấy những hạt ấy làm thành tràng hạt để cầu nguyện trong sự tưởng nhớ đến tấm lòng từ bi của thần Siva. Hạt đó chính là hạt kim cương mà ngày nay chúng ta vẫn dùng để làm tràng hạt. Trong quan niệm của người Ấn Độ, vô hoạn tử và rudrāka đều là những loại hạt thiêng, có khả năng trừ ma chướng. Điều này có lẽ một phần do dược tính của chúng, như vô hoạn tử, còn có tên là bồ đề tử, là một vị thuốc chủ trị nhiệt, đàm, sát trùng…
Tuy nhiên, trong Kinh điển Phật Giáo, cái khởi nguyên của tràng hạt và lần chuỗi hạt khi niệm Phật, hầu hết đều căn cứ vào sự khai thị của Đức Phật đối với Vua Ba Lưu Ly đã được ghi chép lại trong Kinh Mộc Hoạn Tử. Kinh Mộc Hoạn Tử, chép rằng: Một thời Đức Phật cùng giáo đoàn của ngài du hóa trong núi Kỳ Xà Quật (Grdhrakùta), nước La Duệ Kỳ (Ràjagrha) quốc vương trong thời nạn ấy tên là Ba Lưu Ly, sai sứ giả đến chốn Phật để xin Thế Tôn đặc biệt rủ lòng thương xót, cho pháp yếu để có thể tu hành được dễ dàng và trong đời mai sau xa lìa được mọi khổ não. Đức Phật bảo sứ giả về thưa với nhà vua rằng: nếu nhà vua muốn diệt được phiền não chướng, báo chướng nên xâu một chuỗi tràng 108 hạt bằng hạt cây tra (mộc hoạn tử) và thường đem theo mình; khi đi, khi ngồi, khi nằm thường nên chí tâm, không phân tán ý, xưng danh hiệu: Phật, Pháp, Tăng mỗi lần, lần qua một hạt cây tra. Cứ như thế, lần lượt qua hạt này đến hạt khác, như: mười hạt, hai mươi hạt, trăm hạt, nghìn hạt, cho đến trăm nghìn vạn hạt. Nếu lần được đủ hai mươi vạn lượt, mà thân tâm không tán loạn, không có những siểm khúc, thời khi xả thân này được sinh lên cõi Diệm Thiên thứ ba. Lên đấy, y, thực tự nhiên, thường an lạc hạnh. Nếu lại lần đủ được một trăm vạn lượt, sẽ dứt hẳn được một trăm tám kết nghiệp, mới gọi là vị chứng được quả Tu-Đà-Hoàn (ngược dòng sinh tử), hướng đến đạo Niết bàn, dứt hẳn cội gốc phiền não và chức được quả vô thượng. Tràng hạt trong Phật giáo ra đời từ đấy. Các tăng sỹ thường mang theo bên mình tràng hạt như là một bảo bối, một pháp khí quan trọng để hỗ trợ họ trên con đường tu học Phật pháp.
Như vậy, có thể thấy, dù trong truyền thống văn hóa cổ xưa của Ấn Độ và trong các nền văn minh khác của nhân loại, chuỗi hạt đã có từ lâu và gắn với mỗi cộng đồng xã hội nó có một ý nghĩa biểu trưng hay giá trị thẩm mỹ khác nhau. Nhưng với Phật giáo, tràng hạt được đề cập với vai trò của pháp phương tiện, là pháp khí, là công cụ để hỗ trợ việc tu hành đạt giác ngộ.
(trích)
Yên Sơn
nguồn: http://btgcp.gov.vn