Bức thư của một thiền sinh Cơ Đốc Giáo

Hôm Noel, có một bà thiền sinh người Pháp viết cho thầy một lá thư và thầy muốn chia sẻ với quý vị, nhất là quý vị tới từ Việt Nam. Vị thiền sinh này là người Pháp và có gốc rễ Cơ Đốc Giáo. Đọc thư này mình sẽ thấy rõ ràng là trong khi mình ở tại Tây Phương để hành đạo, mình phải biết rõ gốc gác văn hóa và mình phải có một thái độ cởi mở và hiểu biết thì mới có thể thành công được.
Bức thư của một thiền sinh Cơ Đốc Giáo
Kính thưa Thầy!

Đã mấy tuần nay con muốn viết thư cho Thầy. Lá thư đã thành hình trong trái tim con rồi nhưng con đã đợi đến đêm Noel tĩnh lặng này để viết ra trên giấy. Nhưng làm sao con có thể sử dụng được chữ nghĩa để diễn tả được cái rung động trong toàn châu thân con. Niềm vui đang khởi dậy trong con. Niềm an lạc mà con trông chờ bao nhiêu năm nay bây giờ mới bắt đầu có mặt trong con. Con bắt đầu tiếp xúc được với pháp môn của Thầy từ ngày mùng 6 tháng 10 năm nay qua những quyển sách của Thầy. Trong nhật ký của con, vào ngày đó con đã vẽ bên lề của trang nhật ký một ngôi sao xanh sáng chói.

Tuổi thơ của con đã in dấu đủ mọi thứ bạo động và con đã sống lay lắt với một cảm giác rằng cuộc đời này là một cái gì vô nghĩa, quá nặng nề. Đến tuổi 16, con tiếp xúc được với Ki-tô Giáo, không phải là do ai dạy mà do chính con cảm nhận được một cách trực tiếp từ trái tim. Con nghe Chúa Ki-tô dạy rằng tất cả vạn hữu đều phát sinh từ tình thương. Và mục đích, ý nghĩa của cuộc sống là để biểu lộ tình thương và hoàn tất tình thương đó. Con tin vào lời nói đó.

Nhưng Thầy ơi! Ánh sáng đó bắn lại cho con nhiều điều vô lý mà con không thể nào hiểu được. Con đi tìm tới các vị linh mục để tham vấn thì các vị dạy con rằng phải yêu Thiên Chúa với tất cả trái tim và trí năng của mình. Phải yêu người khác như yêu mình. Họ dạy con như vậy. Đối với con, điều này khó thực hành quá tại vì trong con có rất nhiều hạt giống của sự hận thù, muốn tự tử, muốn tự tiêu diệt mình. Hơn nữa, trong Thánh Kinh lại có những đoạn khép kín mà con không thể nào có chìa khóa mở ra được, không thể tìm hiểu được. Những giải thích của các vị linh mục không làm thỏa mãn được những đói khát tâm linh trong con.

Theo những lời giải thích của các vị thì tình thương, sự hiểu biết cũng như sự an lạc là những gì thuộc về tương lai, hoặc là ở một chỗ khác, ở một nước Chúa, một Thiên quốc nào đó mà chúng ta chỉ có thể đi vào sau khi ta chết. Với lại ta cũng không chắc là mình có thể tới được đó nếu như những điều kiện của ta không đủ. Và vì vậy những lời giảng đó không đem lại cho con năng lượng để yêu quý sự sống mà làm cho con muốn chết cho mau để sớm được đi vào trong đất nước hứa hẹn kia mà thôi. Vì thế mà con đã bỏ Thiên Chúa Giáo ra đi. Con đã rơi trở lại vào trong nỗi niềm tuyệt vọng của con.

Tuy nhiên, con vẫn tin rằng không phải Chúa Ki-tô đã dạy như vậy. Nhưng thực sự thì Chúa Ki-tô đã dạy điều gì? Con có linh cảm là giáo lý chân thực của Chúa Ki-tô có đó nhưng làm sao con có thể chọc thủng được bức màn giáo lý để đi tới sự thực đó được. Nhờ theo học một lớp Yoga nên con có dịp tiếp xúc với nền đạo học Đông Phương. Nền đạo học Đông Phương này đã cứu con. Giáo lý bất nhị của đạo Bụt cho con thấy cái gọi là Thiên quốc đang nằm trong trái tim của chính mình và mình có thể tiếp xúc với nó ngay bây giờ. Và có một con đường để thực hiện điều đó.

Khi nghe được điều này thì trong lòng con bừng dậy một niềm tin, một niềm hạnh phúc. Con lập tức áp dụng giáo lý đó vào ngay trong đời sống của con với tất cả năng lượng của trái tim mình. Con đã sử dụng hơi thở ý thức để yểm trợ và con bắt đầu thích ngồi yên. Nhưng trong con vẫn còn có sự xâu xé trong khi thực tập. Con hỏi: Vậy thì Chúa Ki-tô của con đóng vai trò gì trong sự thực tập này hay không? Con không thể nào bỏ được Chúa Ki-tô, không thể tự chọn lựa con đường cho chính mình.

Con đi trên con đường của đạo Bụt nhưng một chân thì bước theo Chúa. Chúa mà con đã đi tìm cầu trong ánh sáng của tất cả những gì con đã học hỏi để có thể hiểu được ý Ngài, để cho lời dạy của Chúa được biểu lộ trong đời sống hàng ngày của con. Còn chân kia thì bước theo các bậc hiền nhân của Ấn Độ và những thiền sư Nhật Bản. Những lời dạy đầy ánh sáng của họ đã trở thành món ăn mà hằng ngày con ngấu nghiến. Con thấy cả hai con đường đều quan trọng đối với con nhưng con không thể chọn được một trong hai và con có cảm tưởng là con phụ bạc với cả hai con đường.

Thầy ơi! Chính trong trạng thái bị ray rứt đó thì Thầy đã tới với con. Con muốn nhắc lại, muốn viết lại một lần nữa cho rõ: chính trong lúc đó Thầy đã đến với con. Và với những lời dạy mà con đang thiếu thốn, những lời dạy mà con có thể hiểu và có thể gọi tên ra được. Những lời dạy thật đơn sơ. Cái mà con thiếu là cái này đây: an trú trong hơi thở ý thức, an trú trong chánh niệm, tức là đang an trú trong Chúa Thánh Thần, trong hơi thở thánh linh mà cũng là an trú trong Thiên quốc, trong giây phút hiện tại. Điều đó là điều mà con học được. Tức là hai cái chỉ là một mà thôi. An trú trong hơi thở ý thức, an trú trong chánh niệm cũng là an trú trong thánh linh, cũng là an trú trong Thiên quốc. Con tìm ra được điều đó nhờ Thầy dạy. Cái thấy đơn sơ và mầu nhiệm đó làm con quá đỗi ngạc nhiên. Con đã phải trải qua biết bao nhiêu công phu, nhọc nhằn và tìm kiếm; để  bây giờ cho một sự thực đơn giản, hiển nhiên như vậy có thể tới với con. Nhưng không sao. Điều quan trọng là cái mầu nhiệm đó đã tới trong cuộc đời của con.

Hai con đường bây giờ đã trở thành một. Một sự thật rất mầu nhiệm. Những lời con nói ra có vẻ tầm thường quá nhưng làm sao để có được những lời có thể diễn tả được năng lượng sáng chói mà con đang thể nghiệm và nói ra được cái mà ngay trong giây phút hiện tại con biết là con đang biết. Con không còn nhọc công đi tìm kiếm nữa. Con không chạy để theo đuổi một cái gì nữa và điều đó đã mang lại bình an cho trái tim con. Sự thực tập hàng ngày làm cho sự sống của con tràn đầy hạnh phúc.

thich-nhat-hanh-chaymoc

Tháng 8/2014, Đức Giám mục Sánchez Sorondo – đặc phái viên của Đức Giáo hoàng Francis – đến Làng để chính thức mời Thầy đến Vatican tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo do Vatican tổ chức để kêu gọi thế giới chống nạn buôn người
 

Con thực tập như thế này: thất niệm thì tuy bên ngoài có vẻ như mình còn sống nhưng bên trong đã chết. Và khi mình có chánh niệm tức là mình thực sự đang sống. Trong khi ngồi thiền con thực tập như thế này: Thở vào, con hỏi ai cho con sự sống? Thở ra, con quay về nương tựa nơi thánh linh, tâm ý của con được tắm vào trong dòng nước tẩy tịnh của thánh thể và con đang được đổi mới trong từng hơi thở ra.  Và con trồi lên phục sinh lại trong từng hơi thở vào. Con thấy con được sinh ra trở lại giữa những người đang chết. Con biết là trong đời sống hàng ngày, con chỉ cần nắm lấy hơi thở chánh niệm. Nếu có quên thì đó chỉ là con rối cử động theo tập khí suy nghĩ, hành động, gieo rắc khổ đau vào những người mà mình muốn thương yêu. Con rối mà ta thường giao cho làm những việc mà nó không thể nào làm được. Khi nào có tỉnh thức, có chánh niệm, con nghĩ và tin rằng lúc đó thánh linh đang điều khiển, đang cầm cương. Trong trường hợp này, tư duy và hành động được chỉnh lại cho phù hợp với hoàn cảnh. Con thấy rằng chỉ trong sự thực tập cắm rễ đó con mới có khả năng thương lấy mình và thương được những người khác mà thôi.

Thầy ơi! Bao nhiêu năm nay con sóng bé nhỏ của con đang trôi nổi trên đại dương. Khi thì lăn lóc trong đam mê và hận thù; khi thì chìm xuống trong vực sâu, lạc đường và biến mất. Nhưng bây giờ đây, con sóng đó đang được múa ca. Và dòng sông của Thầy đã chảy vào trong dòng sông của con; và dòng sông của con cũng đang múa ca và đang được ca múa. Múa ca khúc hát mà những dòng sông khác đã từng múa ca. Chỉ cần múa ca trên đại dương với niềm biết ơn vô tận.

Con viết những dòng này từ trái tim của con và gửi đến trái tim của Thầy với tất cả niềm tôn kính.

Đây là lá thư của vị thiền sinh đó. Khi đọc một lá thư như vậy, mình thấy rất rõ là khi mình đem tới một cái gì để hiến tặng, mình nên biết phải làm thế nào để nhận diện những gốc rễ văn hóa và tâm linh của người được hiến tặng. Nếu không thì phẩm vật hiến tặng của mình sẽ không có giá trị. Khi Cơ Đốc Giáo truyền vào Việt Nam thì các nhà truyền giáo khuyên mình nên bỏ đạo Bụt và nên bỏ sự thờ cúng ông bà. Và như vậy làm cho mình mất gốc rễ. Một con người mất gốc rễ thì không bao giờ có hạnh phúc. Mình phải thấy được điều đó.

Khi chúng ta đang có mặt ở Tây phương, tiếp xúc với các bạn Tây phương thì chúng ta không nên lặp lại lỗi lầm đó. Chúng ta phải để cho họ cắm rễ vào trong văn hóa và trong tôn giáo của họ. Những phương pháp thực tập của chúng ta có thể làm cho họ trở về gốc rễ của họ, làm mới gốc rễ đó. Vậy cho nên lá thơ này đã phản chiếu rất thực con người của xã hội Tây phương. Thầy chia sẻ cho quý vị để quý vị thấy rõ là nếu mình đang ngồi trên đất nước Tây phương thì mình phải thấy được và công nhận được giá trị của nền văn hóa, của truyền thống tâm linh của Tây phương. Như vậy mình mới có khả năng chia sẻ sự thực tập của mình một cách thành công.

Nguồn: langmai.org

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay