Cách điều phục cơn giận dữ
Câu hỏi (của một em gái):
Thầy ơi, con không biết làm gì với cơn giận trong con. Khi cơn giận phát khởi, con có thể cảm nhận được sự có mặt của nó, cơ thể con nóng lên, mặt con đỏ bừng và đầu con thì rối bời…Con biết là con được trao truyền từ cha của con hạt giống nóng giận đó và con không muốn giống cha. Con muốn trở thành một con người dễ thương. Nhưng khi giận lên thì con không thể suy nghĩ được gì hết. Thầy hãy chỉ cho con nên làm gì khi con giận? Bởi vì lúc đó đầu óc của con dường như bị tê liệt và con không thể suy nghĩ được gì hết.
Thầy: Có những người rất dễ nổi giận, năng lượng bực bội, sân hận trong họ rất mạnh và dễ biểu hiện. Có thể là mười năm trước, người đó không nóng tính và dễ giận như bây giờ. Và điều đó có nghĩa là hạt giống giận trong người đó được tưới tẩm và không ngừng lớn lên mỗi ngày. Vì vậy, nếu ta thấy cơn giận trong ta quá lớn thì điều đó cũng có nghĩa là ta đã để cho hạt giống giận lớn lên trong ta. Vấn đề là ở thức ăn. Bụt đã dạy rằng không có gì có thể tồn tại nếu không có thức ăn. Và nếu cơn giận trong ta không ngừng lớn lên, đó là vì ta đang cung cấp thực phẩm, đang nuôi cơn giận trong ta mỗi ngày. Những gì chúng ta nghe, những gì chúng ta thấy đều đi vào trong ta và nuôi hạt giống giận lớn lên. Nếu ta biết làm thế nào để dừng lại, không nghe những điều đó, không xem những thứ đó, thì chúng ta có cơ hội ngăn không cho hạt giống giận lớn lên.
Điều này cũng đúng với những hạt giống khác như bạo động, sợ hãi, tuyệt vọng, v.v.Nếu bạo động, sợ hãi và tuyệt vọng trong ta lớn lên, đó là vì ta đã để cho chúng lớn lên. Trong đời sống hàng ngày, ta đã tiêu thụ như thế nào để nuôi cơn giận, sự sợ hãi và tuyệt vọng trong ta ngày một lớn lên. Khi ta đọc một bài báo trong một tạp chí nào đó tức là ta đang tiêu thụ, bởi vì bài báo đó có thể chứa đựng rất nhiều bạo động và hận thù, đọc bài báo đó chính là ta đang cung cấp thực phẩm cho hạt giống giận trong ta. Cũng tương tự như vậy, khi ta trò chuyện với một ai đó và những gì người đó chia sẻ toàn là giận hờn và thù hận thì trong khi nghe, ta đã để cho hạt giống giận trong ta bị tưới tẩm và nuôi dưỡng. Vì vậy mà chúng ta cần phải rất chánh niệm để không tiêu thụ những loại thực phẩm có khả năng nuôi dưỡng cơn giận trong ta. Đó là sự thực tập chánh niệm.
Những thực phẩm nuôi hạt giống giận có thể đi vào trong ta qua đường mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đó là vấn đề tiêu thụ. Chẳng hạn như Internet, khi ta vào mạng Internet, ta có thể tiếp xúc với rất nhiều những thức ăn không lành mạnh như thèm khát, bạo động, giận hờn, tuyệt vọng, và ta tiêu thụ những thực phẩm đó. Vì vậy mà điều đầu tiên ta cần thực tập đó là không cung cấp thực phẩm để nuôi dưỡng hạt giống giận. Không nhìn, không nghe, không làm những gì có khả năng làm cho hạt giống giận lớn lên. Chúng ta phải quyết tâm và đề ra những cách thức cụ thể để làm điều đó. Chẳng hạn như: ta nguyện rằng từ nay trở đi ta sẽ không nhìn, không nghe, không nói chuyện, không suy nghĩ về những điều có khả năng nuôi dưỡng hạt giống giận trong ta. Và ta phải nhờ bạn bè giúp đỡ, ta có thể nói với bạn bè rằng: “Xin các bạn hãy giúp tôi, tâm giận hờn trong tôi rất lớn, vì vậy xin đừng cho tôi bất kỳ một loại thực phẩm nào có thể nuôi dưỡng hạt giống giận trong tôi. Xin hãy yểm trợ cho tôi.” Chúng ta phải tự mình thực tập và đề nghị bạn bè yểm trợ chúng ta trong sự thực tập đó. Đây là điều đầu tiên chúng ta cần thực tập.
Điều thứ hai chúng ta cần làm, đó là quán chiếu về khổ đau, khổ đau trong chính chúng ta, khổ đau nơi cha, nơi mẹ, nơi vợ/chồng, hoặc con cái, v.v. Những người thân của ta có thể đã nói, đã làm những điều không được dễ thương đối với chúng ta. Nhưng đó không phải là vì họ muốn làm cho chúng ta khổ, mà bởi vì trong bản thân họ có quá nhiều khổ đau. Và họ chính là nạn nhân của khổ đau đó. Họ không biết xử lý những khổ đau trong chính mình. Và nếu nhìn thật sâu, chúng ta sẽ thấy được nỗi khổ, niềm đau nơi họ cũng như những gốc rễ của khổ đau đó. Ta sẽ nhận ra rằng họ chính là nạn nhân của những khổ đau của chính họ. Cái thấy đó sẽ làm phát khởi tình thương và lòng từ bi trong trái tim ta.
Từ bi là năng lượng duy nhất có khả năng làm trung hòa cơn giận, một loại thuốc giải độc giúp chuyển hóa cơn giận (antidote of anger). Vì vậy, điều thứ hai mà chúng ta cần thực tập, đó là nuôi dưỡng lòng từ bi. Một người không có từ bi là người có rất nhiều khổ đau. Nếu chúng ta biết cách nuôi dưỡng lòng từ bi thì năng lượng từ bi đó sẽ có khả năng trung hòa cơn giận trong ta và giúp làm vơi bớt khổ đau nơi người kia, bởi vì với lòng từ bi, chúng ta có thể nói và làm một điều gì đó đầy tình thương để giúp cho người kia bớt khổ. Con đường của đạo Bụt là con đường của từ bi. Không một ngày nào mà chúng ta không thực tập nuôi dưỡng lòng từ bi. Nếu lòng từ bi trong ta lớn lên mỗi ngày thì hạt giống giận trong ta sẽ tiếp tục được chuyển hóa. Mọi người ai cũng nên thực tập điều này.
Nếu cha mẹ của chúng ta không biết phương pháp thực tập thì với sự thực tập của mình, chúng ta sẽ giúp cho cha mẹ làm được điều đó. Khi chúng ta thực tập, chúng ta làm cho cơn giận trong ta ngày một yếu đi và năng lượng từ bi ngày một lớn, điều này sẽ nuôi dưỡng và mang lại nhiều lợi lạc cho cha mẹ của chúng ta. Vì cha mẹ không chỉ ở bên ngoài chúng ta mà còn nằm bên trong từng tế bào của cơ thể chúng ta. Vì vậy mỗi khi ta làm phát khởi lòng từ bi trong trái tim ta thì cha mẹ ở trong ta cũng đang được chuyển hóa nhờ vào năng lượng từ bi đó. Và khi chúng ta có con, chúng ta sẽ không tiếp tục trao truyền cho con mình hạt giống giận, bởi vì chúng ta đã thực tập và đã chuyển hóa được cơn giận trong ta. Chúng ta đã dừng lại được bánh xe luân hồi. Chúng ta chỉ trao truyền cho thế hệ tương lai hạt giống của hiểu biết và thương yêu mà thôi. Chúng ta đã chuyển hóa được năng lượng giận hờn trong ta thành năng lượng tích cực. Và đó là điều mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được ngay ngày hôm nay.
Thích Nhất Hạnh
Nguồn: langmai.org