Cách lập bàn thờ Phật tại gia

bàn thờ Phật

Người cư sĩ tại gia, không ít thì nhiều, thường hay đến chùa để lạy Phật, nghe Pháp, tụng Kinh, thân cận Thiện-tri-thức để tập hướng mình đến đời sống tu hành giải thoát. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian rãnh rỗi đến chùa bởi những bộn bề lo toan của đời sống thế tục. Do đó, lập bàn thờ Phật tại gia có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tu hành tinh tấn của người cư sĩ. Qua bài Pháp này, hành giả sẽ hướng dẫn cách lập bàn thờ Phật sao cho đúng Pháp trang nghiêm.

1. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Thờ Phật phải thành tâm. Gia chủ phải giữ gìn Ngũ giới, đặc biệt là không sát sinh tại tư gia. Nên tập chay tịnh vào ngày mùng 1, ngày rằm và các ngày vía Chư Phật – Bồ Tát (nhiều hơn hoặc nếu trường chay thì càng tốt). Giữ gìn thân-khẩu-ý trong sạch, tham thiền, niệm Phật, lạy sám hối, làm lành lánh dữ…
Đặt bàn thờ Phật ở sảnh giữa nhà, cao khỏi đầu, áp lưng vào tường vững chắc. Bàn thờ quay ra cửa (hướng) chính của căn nhà, tức bất kỳ ai, người sống cũng như đã khuất, vừa bước vào nhà là thấy ngay bàn thờ Phật mà thành tâm phụng lễ. Điều này không chỉ lợi lạc cho mọi người trong gia đạo (người còn sống) mà còn cả chúng sanh trong các cảnh giới vô vi (trong đó có người đã khuất), nếu gia chủ tu hành chân chánh
Tuyệt đối không hướng bàn thờ Phật đối diện với lò, bếp, dây treo quần áo, phòng ngủ, nhà vệ sinh hoặc những nơi xú uế, bất tịnh. Không dựa bàn thờ Phật vào tường nhà tắm, nhà vệ sinh, cầu thang. Không thờ Phật trong phòng ngủ (bất tịnh).
Trường hợp nhà nhiều tầng thì nhứt thiết phải lập bàn thờ Phật tại tầng trệt. Đó là điều trọng yếu.
– Nếu gia chủ có điều kiện, ngoài bàn thờ Phật tại tầng trệt, có thể lập thêm bàn thờ Phật tại tầng trên cùng (không kể những tầng trung gian) thì càng quý và lợi lạc hơn.
– Nếu không thể lập bàn thờ Phật tại tầng trệt (do kiến trúc nhà, do những điều phạm kỵ giảng ở trên) thì hãy lập bàn thờ Phật tại tầng trên cùng (không kể những tầng trung gian).
Nếu có bàn thờ gia tiên thì phải đặt bàn thờ gia tiên ở tường nhà bên trái hay tường nhà bên phải của bàn thờ Phật, do Phật là Bậc Viên Giác, là Thầy của tất cả chúng sanh khắp Thập phương Tam cõi. Nếu thờ chung với nhau (bàn thờ Phật ở trên, bàn thờ gia tiên ở dưới; hoặc đặt các bát nhang trên cùng 1 bàn thờ…) thì khi ta lạy Phật, vô tình gia tiên cũng thọ nhận cái lễ lạy đó dù muốn hay không và điều này là hoàn toàn trái phạm. Cũng như ở thế gian, lẽ tự nhiên có tôn ti ngôi thứ từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cháu… thì chúng sanh phàm phu sao có thể sánh ngang hàng với Chư Phật được. Việc thờ Phật ở tường giữa nhà đối diện với cửa chính, thờ tổ tiên ông bà ở tường bên (trái hoặc phải) là tỏ lòng tôn kính Phật, khế hiệp với hạnh nguyện Phổ Hiền “Nhất giả lễ kính Chư Phật”, là hiếu kính với gia tiên, thuận với lẽ tự nhiên trật tự xưa nay và tránh được những điều không hay do lập bàn thờ Phật không đúng Pháp (do nhân quả tự chiêu cảm mà ra chứ chẳng có Phật nào thưởng phạt). Nếu không làm được những điều trên thì chúng ta nên cẩn trọng ở việc lập bàn thờ Phật.
Nếu lập bàn thờ Phật thì không thờ Thần, Thánh (Mẹ sanh Mẹ độ, Quan Thánh…) nữa vì họ vẫn còn là chúng sanh trong Lục đạo luân hồi, chưa giải thoát tử sanh. Đã quy y Tam Bảo thì trọn đời chỉ một lòng kính hướng Phật, không thờ phụng lễ lạy Thần, Thánh nào cả vì chỉ có Chư Phật mới độ tâm chúng sanh rốt ráo mà thôi. Mà tâm là cội nguồn của tội – phước mình gieo tạo, từ đó, tùy “nhân” chiêu cảm “quả báo” khổ – vui trong đời sống ở hiện tại và cả vị lai; do đó, nơi sự tướng lập bàn thờ Phật mà gia chủ hãy tầm về Tự Tánh, trưởng dưỡng Đạo-tâm, tu hành cho toàn thiện thì nghiệp chướng ắt tự tiêu trừ, chuyển khổ hóa vui, gia đạo an lạc, huệ mạng lâu bền. Rõ thấy:
– Tất cả vạn sự đều thuận theo nhân – quả chí công là chơn lý tuyệt đối thì tâm đức của mỗi người trong gia đạo biểu hiện qua thân – khẩu – ý mới chủ phần quyết định họa hay phúc… chớ không phải do nơi Thánh Thần thưởng phạt ưa ghét. Tâm xấu ác, bất thiện thì thờ phụng Thánh Thần vô ích, hỏi ai độ cho, bởi nhân quả công bằng! Còn tâm lành, “nhân” thiện thì lẽ tự nhiên chiêu cảm “quả” ngọt chắc chắn mà thôi.
– Để chuyển mê tâm, giải nghiệp chướng thì chỉ có hướng Phật tu hành là cách duy nhất rốt ráo mà thôi. Vì vậy, đã thờ Phật thì không được thờ thêm Thần Thánh nào cả. Ngoại trừ: Thổ Địa độ cho đất đai nhơn trạch, sanh nở của phụ nữ, nhà cửa tại tư gia mình đang sống; Thần Tài độ cho tài lộc từ công việc mình đang mưu sinh; Thần Táo (Táo Quân, Ông Táo) độ về họa phúc và bếp núc trong gia đạo thì do ảnh hưởng theo phong tục lệ thường từ xưa, khả dĩ có thể tiếp tục thờ vậy.
– Hình, tượng Thần – Thánh không thờ nữa thì quý cư sĩ có thể gởi vào Chùa chớ đừng bỏ nơi bất tịnh mà phạm kỵ không nên. Trước bàn thờ Thần Thánh, quý cư sĩ thắp hương, niệm Phật (3 lần) rồi khấn rằng: “con tên…, tuổi…, nay phát tâm quy y Phật, lập bàn thờ Phật để tu hành nên xin gởi hình, tượng của chư vị Thần Thánh vào chùa, mong chư vị hoan hỷ”, xong niệm Phật (3 lần) rồi cắm nhang vào bát hương. Sau khi nhang đã tàn thì gởi hình tượng Thần Thánh vào chùa, còn bàn thờ thì vừa niệm Phật vừa gỡ bỏ rồi đốt đi
Ngoài ra, bàn thờ Thông Thiên được đặt ở sân trước cửa chính của căn nhà thường được xem là bàn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Điều này chỉ đúng nếu gia chủ tu theo Thiên đạo (Tiên, Thần, Thánh) mà thôi. Nếu gia chủ là cư sĩ Phật tử thì đây là ngộ nhận sai lầm, bởi đó là bàn thờ Chư Phật 10 phương. Lý do của sự ngộ nhận trên có thể vì chưa rõ biết, hoặc vì Thông Thiên bị đọc nhại đi thành Ông Thiên (Ông Trời) nên lâu dần thành lệ, sinh ra tưởng lầm. Lưu ý:
– Bàn thờ Thông Thiên thờ Chư Phật 10 phương nên không có hình tượng Phật đặt trên bàn thờ mà chỉ có bát hương, dĩa trái cây (đặt ở bên trái), tịnh thủy (đặt ở giữa) và bình hoa (đặt ở bên phải) cúng dường Chư Phật 10 phương mà thôi.
– Bàn thờ Thông Thiên cũng như bàn thờ Phật trong nhà, gia chủ phải thành tâm lễ bái, cúng dường. Luôn giữ bàn thờ sạch sẽ, trang nghiêm.

2. LẬP VÀ BÀY TRÍ BÀN THỜ PHẬT

Bàn thờ Phật nên bày trí sao cho đơn giản mà trang nghiêm, tránh cầu kỳ rối rắm. Cần chuẩn bị:
– Bát hương: đặt ở giữa bàn thờ. Bát hương không nên quá đầy tro. Ngày 15 âm lịch hàng tháng có thể rút bớt chân hương cho sạch sẽ.
– Chuông: khi niệm Phật xong, thắp nhang lên bát hương rồi gõ 3 tiếng chuông.
– Bình hoa: tốt nhất là dùng hoa sen, hoa huệ, hoặc cây sống đời cũng được vì nó có thể sống lâu. Để bình hoa ở bên phải bàn thờ Phật nếu nhìn từ ngoài vào.
– Dĩa đựng trái cây: dĩa đựng trái cây cúng dường Phật không được dùng cho bàn thờ gia tiên hay dùng cho việc khác (tương tự cho các bàn thờ khác, không dùng qua lại lộn xộn). Chỉ dâng hoa quả cúng dường Phật mà thôi, tuyệt đối không cúng mặn. Không sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ… để dâng cúng trên bàn thờ Phật mà tạo nghiệp. Trái cây dâng cúng Phật nên chọn trái tươi ngon, cần chất lượng chứ không trọng số lượng. Khi sắp trái cây lên dĩa nên quay cuống lá lên trên, tránh để ngược cuống xuống dưới mà trái với tự nhiên. Đặt dĩa trái cây ở bên trái bàn thờ Phật nếu nhìn từ ngoài vào.
– Tịnh thủy: dùng nước sạch để cúng dường Phật. Cũng vậy, không được dùng ly đựng nước cúng dường ở bàn thờ Phật cho bất kỳ việc nào khác. Tịnh thủy đặt ở giữa hay bên trái bàn thờ, cạnh dĩa trái cây.
– Tượng Phật, Bồ Tát: đa phần thỉnh ở các cửa hàng chuyên về hình tượng Phật. Tùy tâm, có thể thờ Tam Thế Phật (Đức A Di Đà – Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni – Đức Di Lặc), hoặc Tây Phương Tam Phật (Đức A Di Đà, Đức Quán Thế Âm, Đức Đại Thế Chí), hoặc chỉ đơn giản là hình tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật hay A Di Đà Phật (đặt ở giữa bàn thờ) và mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát (đặt ở bên trái bàn thờ, nhìn từ ngoài vào). Ngoài ra, có thể thờ thêm chư Bồ Tát để hiển hạnh nguyện vô lượng, như:
. Đức Văn Thù: Đại Trí Huệ.
. Đức Phổ Hiền: Đại Hạnh.
. Đức Địa Tạng: Đại Nguyện.
. Đức Hư Không Tạng: Đại Đức (Giới, Cúng Dường).
. Đức Kim Cang: Đại Lực (Bồ Đề Tâm).
Hình tượng Phật, Bồ Tát nên chọn sao cho khuôn mặt, diện mạo cân đối, toát lên vẻ Từ Bi Hỷ Xả, trang nghiêm thoát tục. Sở dĩ nói vậy vì một số người đúc tượng, vẽ hình Phật “không” có tâm nên sản phẩm họ làm ra nhìn rất mất thẩm mỹ, thậm chí khuôn mặt cau có, mày nhăn, môi chúm… không mang nét Từ Bi Hỷ Xả vốn có của nhà Phật. Quý cư sĩ nên lưu ý.
Thỉnh Phật, Bồ Tát ra khỏi cửa hàng là đi thẳng về nhà ngay, không ghé dừng lại giữa đường ở bất kỳ nơi đâu. Khi về đến nhà lập tức thượng an vị Phật lên bàn thờ, không để trên bàn hay ghế… Do đó, gia chủ cần chuẩn bị mọi thứ trên bàn thờ Phật cho chu đáo trước khi thỉnh tượng Phật về an vị.
Không cần thiết phải đưa hình tượng Phật vào chùa cho quý Tăng Ni tụng kinh, khai quang điểm nhãn. Thờ Phật quý tại tâm thành, tu Phật quý tại thực hành tinh chuyên y lời Phật dạy. Nếu không có tâm thì khai quang điểm nhãn chẳng ích lợi gì. Ngược lại, tâm lành trang nghiêm thì chư Phật – chư Hộ Pháp ắt sẽ gia trì, lẽ tự nhiên bàn thờ Phật tại gia sẽ rất trang nghiêm, linh hiển mà không cần bất cứ lễ nghi nào khai quang điểm nhãn cả.
Trường hợp hình tượng Phật đang thờ mà bị hỏng rách quá, nếu muốn thỉnh hình tượng mới về thờ thì nên gởi hình tượng cũ vào chùa. Ngoài ra, nếu hình tượng thờ lâu năm bị cũ do thời gian chứ không bị hư rách gì nhiều thì không được sanh tâm phân biệt, “bỏ cũ lấy mới”, câu chấp nơi giả tướng mà mang tội, bởi Phật không có hình tướng là hình tượng ta đang thờ. Chính hình tượng Phật được thờ phụng lâu năm từ tâm thành chơn chánh của người con Phật mới thật sự là Pháp Bảo quý giá, bởi được sự gia trì của chư Phật khắp 10 phương nên càng lâu thì càng quý vô cùng. Quý cư sĩ lưu ý.
Phật chẳng có tướng nơi hình, tượng đang thờ. Lập bàn thờ Phật là nương nơi sự tướng mà tu Phật, hành theo hạnh Phật, tầm về Tự Tánh Phật của chính mình. Thờ một vị Phật tức thờ thập phương ba đời Chư Phật. Niệm Phật danh một vị Phật tức đồng niệm Phật danh thập phương ba đời Chư Phật. Vì vậy, tùy tâm duyên mà thỉnh vị Phật mình kính hướng nhưng tuyệt đối không sanh tâm ý phân biệt cao thấp, chọn Phật này, bỏ Phật kia… mà phạm thượng. “Năng lễ, sở lễ, Tánh không tịch”, nếu có thể liễu triệt Lý Tánh nêu trên thì việc thờ kính Phật, tu hành sẽ lợi lạc vô cùng trên đường giác ngộ.

bàn thờ Phật Cách lập và sắp xếp bàn thờ Phật và gia tiên

3. LỄ AN VỊ PHẬT

 Ngày thượng an vị Phật nên chọn vào ngày mùng 1, ngày rằm, hay ngày vía chư Phật, chư Bồ Tát.
Khi đã chuẩn bị mọi thứ xong, bày trí sẵn sàng (như đã giảng ở trên) mới thỉnh hình tượng Phật về để an vị. Nhớ rằng thỉnh ở cửa hàng ra là về thẳng ngay tư gia mà thượng Phật lên bàn thờ, làm lễ an vị. Thắp 1 hoặc 3 nén hương, mọi người trong gia đạo quỳ trước chư Phật (bàn thờ Phật) mà khấn rằng:
– Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
– Chúng con tên… Pháp danh… Tuổi…
– Nay quỳ trước Phật đài, chúng con xin đảnh lễ an vị Phật tại tư gia… Nguyện hồng ân Tam Bảo 10 phương gia hộ cho mọi người trong gia đạo chúng con nói riêng, pháp giới chúng sanh nói chung được khai tâm mở trí, sám hối nghiệp chướng bao đời, thấm nhuần Phật Pháp mà tu hành tinh tấn đúng theo Chánh Pháp Phật…
– Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Đó chỉ là gợi ý điển hình, Quý cư sĩ có thể tùy tâm mà khấn nguyện sao cho đúng Pháp. Tuyệt đối không thờ Phật để cầu danh lợi, con cái, giàu sang phú quý… mà rơi vào tà kiến, nghiệp mang. Tất cả đều phải thuận theo luật nhân-quả, khế hợp với tâm Từ Bi Hỷ Xả – Vô ngã – Vô cầu của nhà Phật thì việc thờ Phật mới đúng Pháp trang nghiêm, tự khắc sẽ được chư Phật – chư Hộ Pháp 10 phương gia trì tu tiến.
Phải giữ bàn thờ Phật luôn sạch sẽ. Nên dâng hương lạy Phật mỗi ngày 2 lần, khoảng 6 giờ sáng và 6 giờ tối. Nếu kết hợp lạy sám hối với công phu thực hành tham thiền, niệm Phật, trì chú thì không gì quý bằng.
Nguồn: daotrangtuphat.com

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay