Câu chuyện đằng sau nhân quả (phần 1) – Quãng đời đen của đại ca
Có những câu chuyện nhân quả khiến người ta giật mình kinh sợ. Nhưng cũng có những câu chuyện nhẹ nhàng, những câu chuyện rất thật từ cuộc sống. Nhân quả không chỉ là những phép màu, nó còn là cái gì gần gũi hơn thế nữa, chỉ cách nhau có một cái quay đầu…
Tôi gặp Thắng đại ca trong trại giam, trước ngày anh được giảm án, nhân dịp Quốc khánh. Thắng đại ca vào tù mà đi dép cỏ, hút thuốc lá 3 số. Tất cả đều do bọn đàn em ở ngoài gửi vào. Quản giáo đại ca giang hồ không dễ.
Thắng thuộc làu hai Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự. Vào tù thì ai cũng phải học luật pháp, nhưng các tù nhân chỉ học qua quýt thôi còn Thắng thì mượn 2 bộ luật ấy về phòng học thuộc lòng. Giỏi về côn quyền, gan dạ chưa thể trở thành đại ca. Ngoài bản lĩnh và côn quyền, đại ca còn hơn bọn đàn em ở cái đầu. Nếu quản giáo làm điều gì đó không đúng luật là Thắng phản ứng ngay. Một cán bộ quản giáo có con trai bị trật khớp tay khi ở trường mầm non. Thắng thăm hỏi anh này: “Xin được chia sẻ với cán bộ về chuyện của cháu hôm qua. Nhà trẻ Hoa Hồng là một cơ sở tốt, nhưng thằng cu nhà anh rất hiếu động. Và cháu cũng chỉ bị trật khớp cổ tay thôi. Vợ con Thắng làm gì ở đâu, anh ta cũng biết hết… “Được giảm án đợt này, ngoài Thắng đại ca, còn bao nhiêu người nữa là đàn em của Thắng”, tôi hỏi một cán bộ quản giáo. “Ngoài Thắng ra, còn 10 phạm nhân nữa. Tất cả bọn họ trước đây đều phạm tội trộm cướp. Đây là những người hay tái phạm nhất. Có trường hợp tuần trước được giảm án, tuần sau đã bị bắt và vẫn tội trộm cướp”. “Người ta nói ngựa quen đường cũ, nhưng bản chất không phải thế mà là do sinh kế. Ra tù họ sống bằng gì? Không có miếng ăn là lại đi trộm cướp. Ở đây các phạm nhân được dạy nghề rèn, nghề mộc, nghề may. Nhưng ra khỏi trại, họ không sống được với những nghề đó. Kiếm một cái cưa, một cái đục để làm nghề mộc không khó, nhưng làm cái gì, đóng giường tủ gì và bán ở đâu, bán cho ai mới là cái khó. Phải có người tổ chức thành xí nghiệp, thành phân xưởng hẳn hoi, tổ chức đầu vào và đầu ra cho họ thì họ mới sống được. Và việc này chỉ doanh nghiệp mới làm được chứ chính quyền không làm được. Nhưng nếu chính quyền dùng Ngân sách Nhà nước, cấp cho doanh nghiệp và giao nhiệm vụ cho họ thu hút số lao động này thì họ sẽ sống được và không đi trộm cướp nữa. Đã trộm cướp là thể nào cũng phải vào tù, có thể thoát được 1 vụ, 10 vụ chứ không thể thoát được cả trăm vụ”.
Thắng đại ca vào tù cũng vì tội cướp giật. Lâu nay, phụ nữ đi ra đường ai cũng biết đề phòng bị giật túi. Họ không đeo túi ở vai mà mắc ở xe rất cẩn thận. Một chị đeo cái túi ở xe máy theo cách này. Thắng đại ca nhìn thấy. Riêng cái túi da cá sấu đã có giá rồi. Thắng quay xe lại, vờ chạm khẽ vào xe của chị kia, chị ta bị ngã, khi đứng dậy được thì cái túi đã biến mất rồi.
(Còn nữa)
Khánh Hoàng
Theo giadinh.net