Câu chuyện đằng sau nhân quả (phần 8) – Tìm cách kinh doanh
Có một chủ nợ gọi đến số máy vệ sĩ nhờ đòi một khoản nợ 12 tỷ đồng. Đây là nợ khó đòi nên tỷ lệ được chia đều cho cả 2 bên, chủ nợ và đội vệ sĩ. Mọi người trong đội rất mừng, vì chẳng phải bỏ vốn, chẳng kinh doanh gì mà có 6 tỷ đồng.
Nhưng những món quá béo bở như thế trên thương trường rất hiếm, hầu như không có. Tôi nói với Thắng: “Đây là một dịch vụ nguy hiểm. Nếu con nợ không trả hoặc không có khả năng trả thì bọn em tính sao? Đánh người ta, bắt cóc người ta hay tịch thu gia sản của người ta? Cả ba cách này đều đẩy bọn em vào tù”. Thắng cười rất hồn nhiên: “Người ta không trả thì thôi. Bọn em gác kiếm rồi, không dùng tới bạo lực nữa”. Và cuộc đòi nợ ấy đã thất bại hoàn toàn. Con nợ là một chủ doanh nghiệp tư nhân. Anh ta ký hợp đồng mua gom cà phê cho một công ty xuất khẩu nông sản và đã nhận 12 tỷ đồng. Vào thời điểm ký hợp đồng, giá cà phê mua vào được tính ngang giá thị trường. Nhưng lúc đó cà phê đang rớt giá. Vì thế anh chàng này chưa mua ngay mà đợi giá cà phê xuống thêm nữa mới mua. Nhưng không ngờ sau đó giá cà phê lại tăng vùn vụt, nếu mua thì anh ta sẽ lỗ nặng. Nếu khôn ra, anh ta muối mặt xin lỗi bên A, chịu nộp một khoản tiền phạt thế là xong. Nhưng anh ta lại không làm thế mà dùng 12 tỷ đồng đầu tư vào bất động sản, định lấy tiền lãi từ nhà đất để trang trải hợp đồng với bên A. Nhưng rồi thị trường nhà đất lại đóng băng. Anh ta thua lỗ thêm một lần nữa và không có khả năng trả nợ. Khi Thắng đến đòi nợ thuê thì con nợ nói: “Ông giết tôi thì giết chứ tiền thì tôi không có”. Thắng nói rất thật thà: “Trong dịch vụ này tôi được hưởng 6 tỷ đồng. Tôi cho ông hẳn 5 tỷ đồng, nghĩa là ông chỉ phải trả 7 tỷ đồng là hết nợ chứ không phải trả 12 tỷ đồng”. “Kể cả 7 triệu đồng lúc này tôi cũng không có”. Thế là đại ca chịu thua. “Dịch vụ đòi nợ thuê không ổn. Các con nợ toàn là những người gặp khó khăn, mình không thể dồn người ta vào chân tường. Nhưng em phải tìm hướng kinh doanh. Quân của em máu cờ bạc ghê lắm, nếu đem tiền kiếm được chia hết cho chúng nó thì chúng nó sẽ ném vào xới bạc hết. Chưa kể bị cháy túi mà còn có nguy cơ phải vào tù”. Thắng nói như vậy và anh đã tìm cách kinh doanh. Thắng đã chọn phương án kinh doanh giao thông tĩnh. Ở các nước tiên tiến, giao thông tĩnh chiếm tỷ lệ 4% so với giao thông động. Còn ở ta thì tỷ lệ này mới ở 0,4%, thị trường cho Thắng còn rất rộng. Thắng thuê những khoảng trống dưới các gầm đường cao tốc trên cao, đổ mặt bằng bê tông làm các bãi gửi xe. Dịch vụ này lập tức thu hút nhiều khách hàng và đội vệ sĩ có thu nhập tương đối. Quan trọng hơn là Thắng tạo được thêm việc làm. Mỗi lần giải quyết một vụ trộm cắp thì các can phạm đều hỏi Thắng một câu: “Đại ca làm thế này thì chúng em sống bằng gì?”. “Đến đội của tao làm, không lo chết đói đâu”. Vì thế mà biên chế của đội vệ sĩ ngày càng phình to ra. Phương án kinh doanh giao thông tĩnh đã giải quyết được rất nhiều chỗ làm. Nhàn cư vi bất thiện. Nếu rỗi rãi thì những kẻ chuyên trộm cướp này sẽ nghĩ ra nhiều trò lắm và trò nào cũng dính tới pháp luật. Phương án kinh doanh của Thắng thế là tốt, một mũi tên trúng hai đích.
(Còn nữa)
Khánh Hoàng
Theo giadinh.net