Có bao nhiêu Mỵ Châu vẫn còn đang mải mê ngược xuôi trầm luân trong muôn ngàn kiếp
Tôi lớn lên trong làn hương Phật tự. Mấy chục năm dài những tưởng chỉ có một phương trời Cổ Ấn trong lòng, nhưng hình như không phải chỉ có vậy. Tự chỗ sâu kín nhất của một trái tim đầy ắp phàm tình, thực ra vẫn còn đó một góc riêng thật độc lập cho cái gọi là tình quê.
Dòng sử Việt đúng là có những bến bờ thơ mộng mà ở tuổi này cứ nhắc đến thì tôi vẫn cứ thấy xao xuyến. Dù có thể đó chỉ là một thứ huyền sử truyền kỳ, nhưng tôi yêu thì cứ yêu. Vì đó là chỗ về của một thứ tình trần. Ở đó có câu chuyện về một nàng công chúa Tiên Dung ngẫu nhiên tìm thấykẻ tình chung trên một bờ cát ven sông, rồi chuyện về hai người sau đó đã trở thành một gợi ý lớn cho dân mình về một hướng đời không quẩn quanh trong vòng cơm áo. Lại có câu chuyện về một chàng Trương Chi yêu không phải chỗ, để kết cuộc còn buồn hơn cả chuyện người Tiêu Lang bên Tàu. Rồi thì huyền thoại về nguồn gốc Việt với mối lương duyên của một Âu Cơ từ núi với một Lạc Long Quân từ biển để rồi mở đầu cho một định mệnh khốc liệt của con cháu đời sau phải vì vận nước hắt hiu mà ra biển tìm cha hay lên rừng tìm mẹ, thực hiện một “cuộc bỏ phiếu bằng chân” chưa từng có trong mấy nghìn năm Việt sử. Và thật lạ lùng, với riêng tôi, nổi bật trong những giai thoại truyền kỳ đó lại là câu chuyện về một Mỵ Châu nạn nhân đầu tiên của một chuyện tình phản gián trên xứ Việt. Câu chuyện về Mỵ Châu đã kết thúc bằng câu nói của thần Kim Quy với phụ vương của nàng: Giặc chính là kẻ ngồi sau lưng bệ hạ!
Ý nghĩa sâu thẳm của câu nói này đã buộc tôi phải nhìn kỹ lại khả năng minh triết của người Việt xưa. Giữa bao câu chuyện quẩn quanh những tình yêu trai gái dung tục rồi ân oán tình thù cùng vô số tiên với bụt nhan nhản đây kia trong khắp những truyền thuyết dân gian, thì theo tôi đây mới chính là một trong vài chỗ độc đáo nhất của cái gọi là văn hiếnnghìn năm của dân Việt. Câu nói đó hoàn toàn có thể là một khẩu quyết không những cho hành giả Phật giáo, những tướng lãnh ngoài trận mạc, doanh nhân trên thương trường, chính khách trên chính trường, mà còn là bất cứ ai đang góp mặt trên trái đất này. Bởi vấn đề lớn nhất của mỗi người chúng ta thường chẳng phải ở đâu xa, nó có thể là chung quanh hay thậm chí ngay trong lòng mình. Tôi nhớ một danh nhân người Mỹ nào đó cũng đã nói một câu có ý nghĩa tương tự: Những vấn đề ở phía trước ta và sau lưng ta xem ra chẳng thấm tháp gì so với những vấn đề bên trong ta!
Cái bi kịch lớn nhất của giai thoại Mỵ Châu, theo tôi, chỉ là một chữ Vô Tri của người trong cuộc. Chữ đó có thể hiểu là sự thơ ngây, nhẹ dạ, chủ quan, của hai nhân vật chính trong truyện là An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu. Kẻ tin con, tin rể và người tin chồng. Câu chuyện về họ đã gợi nhớ cho tôi một bài học giáo lý cổ điển: Hình như nỗi đau nào cũng khởi đi từ bóng tối của nhận thức!
Rõ ràng, thiên hạ yêu được nhau không phải vì hiểu nhau mà là vì hiểu lầm về nhau và không thấy rõ nhau. Cứ chăm bẳm ngó nhau bằng một cái nhìn tinh tường sắc sảo thì có lẽ hôn nhau còn khó, nói gì là cưu mang gồng gánh nhau một đời. Thậm chí, trễ hơn một chút, lúc đã lấy nhau rồi, chỉ cần biết rõ người kia nghĩ gì về mình hay ai đó ngoài ra mình thì tôi e không một cuộc hôn nhân nhân nào còn có thể tiếp tục. Cũng may, chẳng ai biết gì ráo, thế là cứ dối nhau mà sống, cứ dại khờ mà tin yêu nhau, chịu cực gánh nhau suốt mấy chục năm trời hiu hắt.
Nhiều lúc tôi cứ ngẫm nghĩ một mình những chuyện không đâu rồi cười với riêng mình như một gã điên. Trời ạ, nếu biết từng người thiên hạ đã nghĩ sao về mình có lẽ tôi không sống nổi. Nếu có thể biết trước nơi chốn và thời gian mình sẽ chết, thiên hạ chắc chắn sẽ thay đổi rất nhiều. Nếu trong từng phút có thể nhìn rõ triệu lần những da và tóc của ai đó được cấu tạo như thế nào có lẽ chẳng còn ai có thể vẽ tranh hay làm thơ ca ngợi ái tình. Nhiều và nhiều lắm những chuyện mà chúng ta không biết và không nhìn thấy. Dĩ nhiên tôi không bảo những trường hợp trên đây là Vô Minh. Tôi chỉ muốn qua đó nhắc lại ý tưởng rằng chẳng biết gì thì dễ sống hơn, nhưng sống không hiểu biết thì cũng dễ chết hơn!
Tôi nhớ từng nói ở đâu đó rằng hành trình làm người hay cả cuộc đi từ phàm sang thánh luôn đòi hỏi nhiều cái biết khác nhau. Cái biết đầu tiên để mà tìm ra cái thương hay ghét. Biết thêm chút nữa thì gì cũng buông. Khổ thay, thiên hạ thường dừng lại ngay sau cái biết đầu tiên nên không thể đi xa hơn, rồi cứ vậy mà lẩn quẩn một vòng tròn nhỏ xíu nhưng dai dẳng và dằng dặc suốt bao đời.
Trong giáo lý Duyên Khởi của Phật giáo, cuộc luân hồi của vạn loại chúng sinh là một vòng tròn khép kín, không có chỗ bắt đầu hay kết thúc. Từ đó, bất cứ mắt xích nào trong 12 Duyên Khởi cũng có thể là chỗ bắt đầu. Vô Minh hay Xúc, Thọ, Ái,… đều được cả. Đức Phật luôn tùy duyên mà thuyết pháp. Nhưng có thể nói rằng cách chọn Vô Minh làm mắt xích đầu tiên để nói về dòng sinh tử vẫn là hình thức phổ biến, nổi tiếng, được nhớ đến nhiều nhất. Lý do ư? Chỉ vì như đã nói, cái mơ hồ trong nhận thức rõ ràng là một tâm điểm quan trọng trong bất kỳ sự tình rối rắm nào trong đời. Trong giáo lý nguyên thủy, tất cả phàm phu cứ mang cái chủng tử dại khờ ngộ nhận làm hành trang đi khắp muôn cõi. Nỗi dại khờ đó cứ như con rắn trong Thánh Kinh đã xui Adam và Eva ăn trái cấm. Tôi thờ Phật nên dĩ nhiên chẳng tin chuyện đó, nhưng rất lấy làm thú vị khi biết thêm rằng con rắn kia trong Thánh Kinh là một biểu tượng của cái gọi là trí khôn. Nó khôn nhưng xúi người khác làm bậy. Vô Minh trong Phật giáo hình như cũng vậy. Đó là cái khả năng bươn chải, quơ quào của chúng sinh như là một phản ứng tất nhiên trước những niềm đau nỗi khổ. Khi khổ quá, loài nào cũng tận lực bật dậy để tìm lối thoát. Nhưng trước sau chỉ là những lối thoát tạm bợ: Hoặc gây tạo ác nghiệp để đi vào ác đạo, hoặc tu nhân tích đức để sống hưởng thụ hạnh phúc nhân thiên, hay có khá hơn một tí là ly dục tu thiền để về Phạm cung sống lãng quên đời. Mãn thọ về trần thì đâu lại vào đó. Những lối thoát đó đều do Vô minh bày vẽ cả.
Chung quy, trầm luân là một cuộc đi nghìn trùng của những lần dại khờ lầm lỡ. Chỉ trong thơ ngây người ta mới có thể yêu lấy kẻ thù, ôm ấp cái hại mình và quay lưng với chính bản thân. Như Mỵ Châu đã cả tin người tình Trọng Thủy, như An Dương Vương đã trao hết niềm tin cho chàng rể quý phương ngoài. Lại cũng mượn ý kinh mà nói, ai trong chúng ta cũng nuôi hàng tá kẻ thù trong nhà. Ai trong chúng ta lại chẳng là người nuôi ong tay áo. Đó chính là những mầm loạn ngay trong lòng mình. Ai người học Phật lại không biết đến một ông vua tên A-xà-thế thời đức Phật. Cái tên A-xà-thế là chữ phiên âm từ chữ Ajātasattu hay Ajātasatru, Hán dịch là Vị Sanh Oán, kẻ thù chưa chào đời. Cũng gần tương tự như tích chàng Oedipe trong truyện cổ Hi-Lạp, nhà vua Bimbisāra được dự báo là sẽ chết dưới tay đứa con trai còn đang nằm trong bụng hoàng hậu, nhưng chính cái phụ tử thâm tình đã buộc ông làm ngơ mọi sự để rồi về sau bị con mình tống ngục và hành hạ đến chết. Vua đặt cho hoàng tử cái tên gọi Ajātasattu kia để nhắc con về cái thâm tình phụ tử, mà cũng là chút kỷ niệm về lời tiên tri thảm khốc mà ông thiệt bụng chẳng muốn tin, nhưng xót xa thay, nó linh như sấm. Ngẫm lại mà xem, ai trong chúng ta lại chẳng có ít nhất một đứa con Vị Sanh Oán trong lòng mình chứ. Ở đây, nó chính là nỗi thơ ngây chết người trước những hoàn cảnh lẽ ra rất cần đến một khả năng trưởng thành. Thế là từng người, từng tập thể, từng xứ sở đã dắt nhau về huyệt mộ khi mà nhân gian cứ sống trong bóng tối của ngộ nhận và manh động.
Tới đây tôi chợt nhớ một lần trò chuyện với ai đó về ý nghĩa của hạnh phúc trong tinh thần Phật giáo. Khi được hỏi có sự khác biệt nào giữa sự hạnh phúc của người tu hành và một người thế tục, tôi nhớ đã trả lời rằng hạnh phúc thế gian luôn đòi hỏi một tá những thứ điên cuồng, mờ ám, mông muội thì mới có được. Tất thảy những hạnh phúc trên bàn ăn đến phòng ngủ đều thế cả. Tỉnh táo quá, công khai quá, sáng suốt, bình tĩnh quá thì khó có nổi một niềm vui thế tục nào. Ngược lại, hạnh phúc hay sự an lạc của người tu tập luôn cần đến sự sáng suốt, tỉnh táo, bình tĩnh, quang minh lỗi lạc. Những yếu tố này càng nhiều thì sự an lạc càng lớn. Vì chân hạnh phúc không thể song hành với vô minh. Và như ai cũng thấy, hành động trong bóng tối thì rất khó kiểm soát được hậu quả, dù nó có ngọt ngào đến mấy.
Hôm nay ai sang Quảng Châu bên Tàu cũng có thể đến viếng mộ Triệu Đà người đã tạo ra một trong những chuyện tình đau lòng mà cũng ly kỳ nhất trên thế giới. Nhưng gẫm kỹ lại thì cần gì phải đặt chân đến đó khi mà có ai quanh ta lại chẳng là một Mỵ Châu. Nghĩa là Trọng Thủy, Triệu Đà cũng quẩn quanh đâu đó mà thôi. Dù chuyện đau lòng nào trên đời cũng khởi đi từ những nhầm lẫn, nhưng theo tôi, cái thê thảm và cay đắng nhất vẫn là thứ vô minh tự nguyện. Chết kiểu đó có rã hết hình hài thì cặp mắt chưa chắc đã chịu nhắm cho. Lúc ấy ai còn hơi sức đâu mà hét lớn hai câu thơ của Cao Bá Quát ở pháp trường ngày đó!
Toại Khanh