Nhiều người vẫn loay hoay với câu hỏi: Có nên thờ Phật trong nhà không?
Một người bạn hỏi tôi về việc có nên thờ Phật trong nhà không? Nếu có, thì để bàn thờ hướng nào, ra sao. Tôi cũng nhận được một số câu hỏi rải rác tương tự về nhiều vấn đề khác nhau và tôi không thể trả lời.
Ông Phật là một người đặc biệt nên khi nghiên cứu về ông, tôi đặt ông ra ngoài khái niệm “Phật giáo”. Cả một đời thuyết pháp chưa khi nào ông nói tới phải thờ cúng ông ra sao, phải tôn sùng ông thế nào. Những gì cô đọng nhất trong kinh sách luôn tóm gọn vào chữ KHÔNG. Cái trống rỗng trong căn phòng của bạn vẫn luôn ở đó, nó không biến đi đâu mất. Nó chỉ bị chiếm chỗ bởi đồ đạc mà bạn kê xếp, mà bạn gọi là “của tôi”. Giáo lý của ông từ đơn giản, tới phức tạp đều chỉ cho bạn thấy cái không gian trống rỗng đó, và bạn có định vứt bỏ những thứ “của tôi” hay không là tùy bạn.
Văn hóa cúng bái, tôn sùng, lễ lậy, xem bói gieo quẻ, … không phải là cách của ông Phật. Nên các bạn nếu có làm thế, đừng gán với ông Phật.
Sinh thời có người hỏi Phật: ông xem tôi sẽ đi về cõi nào khi chết? Phật bảo, ông có thể sẽ tới cung Đâu suất. Một người khác hỏi Phật tương tự, ông trả lời: ông không đi về đâu hết, ông không từ đâu tới và cũng chẳng đi về đâu. Một số người hỏi, câu trả lời chỉ là sự im lặng.
Kinh người bắt rắn là một kinh khá thú vị trong Phật giáo. Kinh kể về chuyện môn sinh Arittha hiểu sai lời Phật nên thực hành sai pháp. Phật gọi tới để chỉ ra một nguyên tắc đơn giản, nếu bắt rắn mà tóm vào đuôi, sẽ bị đầu rắn quay lại cắn. Nghe pháp cũng vậy, hiểu sai để thực hành pháp sai cũng nguy hiểm như bắt rắn. Trong mọi pháp môn, chưa có người thầy nào dậy trò mình về giáo pháp của mình như vậy. Kinh người bắt rắn là kinh duy nhất như thế.
Đến giờ, nhiều người vẫn nghĩ Niết bàn (Nirvana) là một vùng trời khác, cõi cực lạc ở đâu đó. Trong khi Niết bàn chỉ đơn giản là trạng thái “hạnh phúc với hiện tại” mà con người trong thân xác vật lý có thể chứng nghiệm được nó. Không cần phải đi tới đâu, chỉ cần bỏ bớt đồ đạc ra khỏi phòng, bạn sẽ thấy khoảng trống luôn có ở đó. Không cần phải làm gì cả, chỉ cần buông bỏ những suy nghĩ “của tôi” ra khỏi tâm trí, bạn sẽ được chứng nghiệm “niết bàn” ở trong chính bạn.
Khái niệm về bánh xe pháp, về luân hồi, về linh hồn, về các tầng cõi tâm linh không phải được bắt đầu bởi ông Phật. Ở Ấn độ thời đó, những khái niệm này vẫn luôn có. Trong Ấn độ giáo, Brahma (Phạm Thiên) được coi là chúa tể của vũ trụ, sáng tạo ra tất cả. Linh hồn con người là một phần tách ra khỏi Brahma, trượt xuống qua nhiều cấp độ và dừng lại ở con người, trải qua luân hồi để trải nghiệm, và lại nhập vào Brahma để tiếp tục sáng tạo mới.
Nghiệp (karma) cũng được nhắc đến trong Áo nghĩa thư (Upanisad) từ trước khi Phật ra đời. Trong đó đã nhắc tới niềm tin về việc trầm luân trong bánh xe nghiệp, và chỉ khi nào thoát khỏi luân hồi, con người mới hết khổ. Khái niệm “linh hồn bất tử” là phổ biến với đa số thời đó. Nhiều pháp môn tôn giáo xoáy sâu vào vấn đề này, và làm cho nó trở nên phức tạp, khó hiểu cũng như ám ảnh lâu dài. Nhưng với Đạo Phật chính thống thì không phải như vậy.
Theo kinh Vệ Đà, thì các Thần đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Họ quyết định vui buồn, khổ đau hay hạnh phúc của con người. Có bốn loại kinh vệ đà (artharvaveda, rigveda, samaveda và yajurveda) chứa đựng trong đó những thuật chú, hướng dẫn cầu nguyện, hướng dẫn thực hành thánh lễ. Mục tiêu để cầu xin hạnh phúc, để mong sự che chở từ các vị thần linh.
Ông Phật ra đời sau tất cả (Vệ đà, Áo nghĩa thư, Ấn độ giáo), ông không bác bỏ những kinh sách trên, nhưng không đi vào những chi tiết như Thượng đế, Thần linh, Linh hồn bất tử, … Ông chủ trương một phương pháp tự thân, bằng hơi thở, bằng bước chân, bằng từng hành động – lời nói – suy nghĩ của mỗi người. Dẫn đến những chứng nghiệm phúc lạc, những chứng nghiệm niết bàn, ngay trong những khoảnh khắc sống động với hơi thở.
Kinh Kim cang (Kim cương) là một kinh sách quan trọng bậc nhất trong các kinh sách của Phật giáo. Vì với nó, chữ KHÔNG được hiểu một cách sâu sắc nhất có thể. Nó đúng là lưỡi gươm cắt đứt mọi bám chấp, mọi lý thuyết vướng bận tâm trí. Nó giúp cho người hiểu nó bước vào một thế giới thiền định tĩnh lặng tuyệt đối. Nơi thế giới của những điều kỳ diệu vẫn đang diễn ra xung quanh ta, chỉ có điều chúng ta không thấy.
Ông chủ trương sống với giây phút hiện tại, với cơ thể hiện tại, với hơi thở hiện tại, với cuộc sống hiện tại. Hiểu và làm chủ bản thân để hướng đến sự tích lũy trải nghiệm cho quá trình nở hoa.
Nó khác hoàn toàn với việc con người sống trong hiện tại nhưng chỉ lo cho quá khứ đau buồn, nghĩ về tương lai thiên đường hay địa ngục chờ đón. Còn những linh hồn, lại chỉ khắc khoải chờ mong sự quay trở lại với cơ thể con người để tiếp tục trải nghiệm.
Từ hàng nghìn năm nay, thế giới người sống không lo sống chỉ hướng về thế giới người chết. Còn thế giới của những linh hồn lưu lạc không biết làm gì hơn ngoài việc hướng sự quan tâm về thế giới con người, nơi họ đã từng sống. Hai thế giới này chơi trò đuổi bắt không ngừng nghỉ, và họ vẫn không định dừng lại.
Tôi đã đi một quãng đường rất xa để nói với các bạn điều này. Hãy sống và trải nghiệm với chính bản thân mình trong từng giây phút. Hãy là người quan sát với tràn đầy yêu thương và tha thứ. Hãy từ bỏ việc phán xét đúng sai, tốt xấu. Và bạn sẽ chẳng cần phải thờ cúng bất kỳ ai.
Hãy sống chân thật với chính bản thân mình, chỉ thế thôi.
Facebook: Minh Không