Con Đường Chuyển Hóa : hiểu để hướng Phật đúng cách

Đức Phật là vị giáo chủ duy nhất trên thế gian không nhân danh thần linh hay Thượng đế mà chỉ hướng nhân Theo Đức Phật, vị trí con người là tối thượng, là chủ nhân của chính mình. Con người có khả năng làm việc thánh thiện thì có thể thành Phật. Vì thế, trong kinh Trường a-hàm, quyển 1, Ngài dạy: “Này các Tỳ-kheo! Hãy tự mình làm chỗn nương tựa của chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác”.

Phát xuất từ tư tưởng của Đức Phật, nên đạo Phật được xác nhận như là một học thuyết về con người tự chủ tự do tuyệt đối. Chính tư tưởng tự do này đã giải thoát con người ra khỏi sự ràng buộc của các thế lực thần quyền, vô minh tà kiến. Mặt khác do vì xác định con người là tối thượng, là tự chủ, cho nên không có vấn đề gì mà con người không giải quyết được bằng vào sự nỗ lực vượt bực của chính mình.

Trên căn bản đó, đạo Phật không tán đồng thái độ hoài nghi hay ỷ lại. Do dự không quyết tâm trong việc thanh lọc thân tâm, không giúp gì cho việc tiếp cận chân lý. Đức Phật khuyên chúng ta phải quán các pháp để thực hành chân lý. Khi thực hành rồi, chúng ta không nên nghi ngờ, mà cần phải nỗ lực thanh tịnh nội tâm để được an lạc.

Con Đường Chuyển Hóa : hiểu để hướng Phật đúng cách

Cuộc đối thoại giữa Đức Phật và những người bộ lạc Kalama là một thực tế sống động. Một hôm, những người Kalama đến hỏi Đức Phật:
-Thưa Gotama! Có một số du sĩ, Bà-la-môn đến Kesaputta. Họ thuyết minh và phát huy giáo lý của mình, nhưng họ bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý người khác. Bạch Ngài, đối với những người ấy, chúng con nghi ngờ phân vân: “Trong những du sĩ Bà-la-môn này, ai nói đúng sự thật, ai nói không đúng sự thật?”.

Đức Phật nói:
-Này quý vị Kalama! Tất nhiên quý vị có những nghi ngờ, phân vân quý vị đừng tin nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển… đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình. Khi nào quý vị tự mình biết rõ: “Các pháp này là bất thiện, là đáng chê, là bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau, quý vị hãy từ bỏ chúng. Các người hãy thực nghiệm những gì ta đã dạy và khi biết rõ đó là thiện, là tốt thì các người hãy chấp nhận và tin theo”.
Đối với người nào có thái độ nghi ngờ chân lý thì Đức Phật ân cần dạy: “Người nào thấy được chân lý, đạt được chân lý và nhập vào chân lý thì người ấy không còn nghi ngờ. Với trí tuệ chân chính, người đó thấy sự vật đúng như sự thật.”

Ngoài ra tinh thần bao dung tha thứ, biết chia sẻ quan điểm với người khác là một nét đặt thù của Phật pháp. Đức Phật thường dạy các đệ tử nên tôn trọng các tư tưởng, các lý thuyết khác với tư tưởng tôn giáo mình.

Một hôm, đệ tử tại gia của Phật tên Ưu-bà-li bỏ thầy cũ xin quy y với Đức Phật, thay vì bảo Ưu-bà-li chỉ tôn sùng mình, Ngài đã khuyên ông ta phải giữ lễ và tôn trọng thầy cũ của ông ta.
Theo truyện A-dục vương, quyển 1 ghi: “Sau khi vua A-dục thấy kỳ tích của Tỳ-kheo Vị Hải và được Tỳ-kheo kể lại việc Đức Phật thọ ký. Sau khi Ngài nhập diệt, 100 năm sau có vua A-dục ra đời hộ trì chánh pháp”. Từ khi, vua A-dục gặp được Tỳ-kheo Vị Hải không tàn bạo giết hại sinh linh nữa mà quay về hộ trì chánh pháp, lấy từ bi cai trị đất nước và ban hành sắc lệnh tôn trọng bảo vệ các tôn giáo khác khắp lãnh thổ Ấn Độ.

Theo tinh thần bao dung này, con người không nên có thái độ nhân danh cái này để tiêu diệt cái khác. Theo Đức Phật, chân lý không có nhãn hiệu, người đi tìm chân lý phải loại trừ các thành kiến cố chấp để tâm hồn không bị hạn chế vướng mắc, không có hàng rào ngăn cách giữa mình và người. Thái độ cố chấp tự tôn “Chỉ có đây là chân lý, mọi cái khác đều sai lầm”, hoàn toàn trái ngược với giáo pháp của Đức Phật. Hành giả của đạo giải thoát phải là người có trí tuệ sáng suốt, không bao giờ mang tâm niệm bảo thủ, bởi vì khi ôm giữ một cái gì ta không thể tiến bộ được.

Con Đường Chuyển Hóa : hiểu để hướng Phật đúng cách 1

Trong kinh Kim Cang Đức Phật dụ người đi bè sang sống rất là sâu sắc. Khi người qua sông cần nương chiếc bè, lên đến bờ rồi thì bỏ bè lại. Cũng thế, khi chúng ta còn mê thì cần chiếc bè để qua bờ giác, đến bờ giác rồi, chúng ta cũng bỏ bè mà đi. Vì thế, Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo các ông nên biết, Ta nói pháp ví như chiếc bè, Pháp còn bỏ, huống hồ là phi pháp.”

Như thế, các chướng nạn cố chấp bảo thủ đã vượt qua, chúng ta cần có quan điểm thực tiễn trong cách sống. Đây là một khía cạnh nhân bản khác được chứa đựng trong giáo pháp của Đức Phật. Ngài không ru ngủ, không mê hoặc, không hứa hẹn viễn vong đối với đệ tử. Ngài thường dạy: “Giáo pháp của ta đến để thấy biết, chứ không phải để tin theo”.

Những vấn đề vô hình viễn vong, không có lợi cho sự giải thoát, hay chỉ thỏa mãn nhu cầu của tri thức đều bị Đức Phật bác bỏ. Bởi vì, những vấn đề đó không thiết thực lợi ích cho con đường giải thoát tu chứng. Qua câu chuyện người bị trúng tên độc, Phật đã nhắn nhủ: “Những gì ta đã giải thích thì coi như đã được giải thích và những gì Ta đã không giải thích thì sẽ xem như là không được giải thích. Những gì Ta không giảng giải vì chúng không có ích lợi, không quan hệ đến đời sống thánh thiện. Còn những gì Ta đã giảng giải bởi vì chúng có liên quan đến đời sống thánh thiện, đến sự khổ, nguyên nhân của khổ, chấm dứt sự khổ, đạt được an tịnh Niết Bàn”.

Tóm lại, những ai dấn thân trên con đường học Phật, hướng thiện đi tìm chân lý giác ngộ, hướng thiện cuộc đời, bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng là phải hiểu toàn bộ hệ thống giáo lý của Đức Phật như là một phương pháp giáo dục, một nghệ thuật sống, nhắm phát huy đạo đức trí tuệ con người, một tiến trình giác ngộ hoàn toàn nhân bản và hữu ích lâu dài cho cá nhân cũng như cộng đồng xã hội.

Thật sai lầm nếu ta chỉ biết đi tìm các giá trị bên ngoài để phát triển xã hội mà xem nhẹ yếu tố bên trong, tức là con người hoàn thiện. Bao giờ con người còn hướng ngoại, còn tha hóa, còn không làm chủ được mình thì xã hội vẫn bất an, không có tiến bộ. Tất cả cảnh khổ này đều do con người tao ra, xuất phát từ tham vọng, hận thù, si mê và tà kiến.

Hạnh phúc thay! Con đường giác ngộ ta đang thực tập!
Hạnh phúc thay! Biết xả bỏ mọi thứ nhân danh!
Hạnh Phúc thay! An lạc cho mình và người…!

Nguồn: hoalinhthoai.com

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay