Cúng thí tháng Bảy, người chết có nhận được không?
Việc cúng thí trong tháng 7 đã trở thành thông lệ của rất nhiều người. Từ đầu tháng 7 âm lịch, rất nhiều nhà đã rục rịch chuẩn bị. Không chỉ cúng trong nhà mà còn ở ngoài đường, ngoài cửa hàng…vân vân. Có nhà còn cũng từ đầu tháng bảy cho đến rằm hay hết tháng. Rằm tháng 7 đã trở thành ngày để con cháu làm cỗ cúng lễ tổ tiên, là dịp để cả nhà sum vầy, là dịp để tỏ lòng hiếu kính (còn gọi là lễ vu lan) cha mẹ theo truyền thống đạo Phật. Nhưng, bạn đã bao giờ tự hỏi: “Việc cúng lễ như vậy có thực sự tốt? Ông bà tổ tiên nhà ta có thực sự được thụ hưởng?”
Dân gian gọi tháng 7 là “tháng cô hồn”, trong tháng này, rất nhiều gia đình tổ chức lễ cúng thí cho người thân đã mất. Nhưng thật sự thì người chết có nhận được những vật phẩm cúng thí đó hay không thì không phải ai cũng biết…
Đầu tiên xin nói ngay rằng, “tháng 7 là tháng-cô-hồn” chỉ là một quan niệm dân gian chứ hoàn toàn không có trong quan niệm Phật giáo. Theo nhiều tài liệu thì “tháng cô hồn” có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Cụ thể người Hoa quan niệm rằng, từ ngày 2 tháng 7 Âm lịch hàng năm, địa ngục sẽ mở cửa cho ma quỷ tự do trở về dương thế, đỉnh điểm là vào ngày Rằm tháng 7.
Tuy nhiên trong Phật giáo, tháng 7 là “tháng báo hiếu”, trong tháng có “Lễ hội Vu lan báo hiếu” vào ngày Rằm. Lễ hội này xuất phát từ câu chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ được ghi lại trong Kinh Vu Lan. Còn Phật hoàn toàn không đề cập đến chuyện Diêm vương mở cửa Quỷ môn quan như những gì mà dân gian truyền miệng lâu nay.
Như vậy, mùa Vu lan báo hiếu trong tháng 7 là dịp giáo dục cho hàng Phật tử và con người nói chung về lòng hiếu thảo nói chung và, lòng biết ơn với những người đã khuất. Đó là một ý nghĩa rất nhân văn và cao cả của Phật giáo vào dịp Rằm tháng 7. Thế nhưng, quan niệm “tháng cô hồn” đang phổ biến trong dân gian hiện nay đã khiến ý nghĩa thiêng liêng ấy biến tướng thành mê tín theo hướng cầu cúng linh đình.
Trở lại chuyện cúng thí cho người chết, lâu nay, trong dân gian nhiều người vẫn tin rằng, khi còn sống dùng những vật gì thì khi chết người ta cũng dùng như vậy. Và đa số tin rằng, những lễ vật cúng thí cho người thân đã khuất thì họ đều nhận được và được hưởng thụ.
Tuy nhiên, đó là một quan niệm vô cùng sai lầm.
Cụ thể, trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng rất rõ về điều này trong một phẩm kinh. Phẩm kinh ấy như sau: vào thời đức Phật còn tại thế, có một Bà la môn đến thắc mắc với Phật rằng, gia đình ông vừa làm ma chay, lễ cúng thí cho quyến thuộc vừa mới mất thì người đó có thọ hưởng được lễ cúng hay không?
Đức Phật đã trả lời với vị Bà la môn rằng: Người nào sau khi thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục, súc sanh, người hay Thiên giới thì những người này được nuôi sống và tồn tại với những món ăn tương ứng với cảnh giới đó chứ không nhận được đồ do người sống cúng thí, dù là cúng thí với tín tâm.
Đức Phật nói thêm rằng, có một đối tượng có thể nhận được lễ phẩm cúng thí của người sống đó chính là khi người chết bị đọa vào đường ngạ quỷ. Phẩm kinh có ghi lại lời Phật rằng: “Người nào thân hoại mạng chung, sinh vào cõi ngạ quỷ thì người ấy sẽ được nuôi sống và tồn tại với các món ăn nào mà các bạn bè, thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống muốn hướng cúng cho họ; tại đấy, những người đó sống với những món ăn đó, tồn tại với những món ăn đó”.
Tóm tại, theo đức Phật Thích Ca thì chỉ những ai khi còn sống làm nhiều điều xấu, ác, sau khi chết bị đọa vào ngạ quỷ, tức là làm thân ma quỷ thì người đó mới có thể thọ nhận được đồ cúng thí của người sống; còn đối với tất cả các đối tượng còn lại thì không nhận được.
Như vậy, qua lời dạy này của Phật thì ta còn rút ra vài điều như sau:
– Đầu tiên, cúng thí chính là cách người sống bố thí cho người chết. Và người chết chỉ có thể thọ hưởng được đồ cúng là những đồ ăn mà họ ăn được chứ không nhận được những thứ khác… Chính vì thế mà khi cúng thí cho người khuất, ta không nên cúng vàng mã, càng không nên cúng những loại vàng mã như nhà cửa, xe cộ, quần áo, điện thoại, tiền… mà thay vào đó là chỉ nên cúng đồ ăn, thức uống, hoa trái mà thôi.
– Kế đến, sự thật là không một ai biết được người thân của mình sau khi chết sẽ đầu thai vào cõi nào. Vậy câu hỏi đặt ra là ta có nên cúng thí ra sao thì đúng?
Nhà Phật dạy rằng, dù là đối tượng nào, có nhận được thức ăn do người sống cúng thí hay không thì đối tượng ấy vẫn thọ nhận được phước báo do người thân làm phước và thành tâm hồi hướng cho họ. Chính vì vậy, ngoài việc cúng thí cho người chết bằng những vật thực thông thường thì người thân cần phải làm phước, bằng cách dùng tâm thanh tịnh của mình cúng dường chư Tăng Ni, bố thí cho người nghèo khổ; làm các thiện sự như xây cầu, làm đường,…
Những việc làm bố thí, cúng dường đó không chỉ giúp chúng ta hồi hướng một phần phước báo cho người thân đã khuất mà đó còn là cách giúp tăng trưởng phước báo cho chính bản thân mình!
Nguồn: Phunutoday.vn