Hướng dẫn cách thức vào chùa lễ Phật
Chùa là một cảnh thanh tịnh trang nghiêm. Khi vào chùa, dĩ nhiên Phật tử phải giữ tròn tâm thành và lễ nghi. Dẫu có gặp mấy kẻ giả tu phá giới, ẩn dương nương Phật, mượn Thiền môn làm kế sanh nhai, lợi dưỡng thì có luật nhân quả cảm ứng chí công, Phật tử chẳng nên chấp vì lẽ đó mà quên lễ nghi ở ngôi Tam Bảo.
Theo phong tục của Phật giáo, trước khi vào lễ bái, Phật tử xin phép Thầy trụ trì ở chùa và bỏ giày dép ở bên ngoài, không được vô lễ mang giày dép đến chỗ thờ phượng.
Vào Tổ đường, đến trước bàn thờ Tổ, niệm: Chí tâm đảnh lễ Nam mô Tây Thiên Tứ Thất, Đông độ nhị tam, Việt Nam Chư Tôn Lịch-đại Tổ Sư Bồ Tát Ma-ha-tát (niệm 3 lần, đánh 3 chuông, lễ 3 lạy).
Lễ Tổ xong, đi lên Chánh điện là chỗ thờ Phật. Nhớ phải đi theo phép “hữu nhiễu” nghĩa là khi đi lên Chánh điện, giữ bên tay mặt đối với Chánh điện.
Trước Chánh điện, niệm hương rồi khởi lễ:
1. Chí tâm đảnh lễ: Tận hư không, biến pháp giới, vi trần sát độ trung, quá khứ, hiện tại, vị lai, thập phương Chư Phật, Tôn-Pháp, Hiền-Thánh-Tăng thường trụ Tam Bảo. O (1 lạy)
2. Chí tâm đảnh lễ: Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật. O (1 lạy)
3. Chí tâm đảnh lễ: Tây phương Giáo Chủ Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật. O (1 lạy)
Như thế là tròn bổn phận lễ Phật trước Chánh điện. Nên nhớ: muốn xoay lưng để xá thì trước phải lui chân mặt, khi xoay trở phải xoay theo phía tay mặt, khi xoay rồi, kéo chân mặt để khít gót với chân trái.
Trong khi lạy, đứng trước hay đứng sau cũng đều bình đẳng cả, miễn Phật tử giữ một lòng chơn niệm, thành kính và thanh tịnh, đạo pháp cảm ứng giao thông, tất nhiên có linh nghiệm theo chí nguyện.
Khi có người đang lạy, không nên vô lễ đi ngang qua trước đầu người đó.
Lễ Phật ở Chánh điện rồi, trở lại Tổ đường cũng phải theo phép “hữu nhiễu”.
(trích Tu Phật Nghi Thức Yếu Lược – Thiền sư Thích Từ Quang)