Không có con đường đi đến Niết bàn, Niết bàn chính là con đường
Trong đạo Bụt cũng vậy, trong bình diện sự thật ước lệ cũng có những sự thật có thể ứng dụng được. Nhưng đi sâu vào tiếp xúc với sự thật tuyệt đối thì ta tìm ra được những chân lý khác, và những chân lý khác đó ta cũng có thể áp dụng được. Ví dụ như ta đang ngồi đây, ta thấy chắc chắn là phía trên đầu ta là phía trên và dưới chân ta là phía dưới. Ta sẽ không đồng ý nếu có người nói ngược lại. Nhưng những người ngồi ở bên kia bán cầu thì thấy ngược lại: phía trên của ta là phía dưới của họ. Sự thật là không trên không dưới, cái dưới của anh là cái trên của tôi và cái dưới của tôi là cái trên của anh.
Chúng ta có thể áp dụng được cả hai loại sự thật. Nếu không áp dụng sự thật có trên có dưới thì ta không thể làm kiến trúc sư, vì ta phải xây tầng dưới trước rồi mới xây được tầng thứ hai. Nhưng sự thật không trên không dưới cũng có thể ứng dụng được. Ta cứ nghĩ là mình đi thẳng, thật ra là ta đi đường vòng rồi trở lại chỗ ban đầu của mình vì quả địa cầu tròn. Có hai loại sự thật mà loại nào ta cũng có thể ứng dụng được. Trong khóa tu này chúng ta phải rất cẩn thận, nghe một câu kinh hay một giáo lý ta phải có khả năng nhận diện câu kinh đó hay giáo lý đó thuộc loại sự thật nào.
Trên bình diện của sự thật ước lệ thì có khổ đau và hạnh phúc nhưng xuống bình diện của sự thật tuyệt đối thì khổ đau và hạnh phúc không thể tách rời nhau được. Cũng như ta không thể tách bùn ra khỏi hoa sen, lấy bùn đi thì cũng không còn sen. Trên bình diện sự thật tương đối ta có thánh và phàm, thánh thì khác phàm. Có người muốn thành thánh hoàn toàn nên muốn tiêu diệt chất phàm còn dư lại. Đó là cách suy tư và hành động theo tiêu chuẩn của sự thật ước lệ. Nhưng xuống tới bình diện sự thật tuyệt đối thì nếu không có chất phàm thì ta không thể nào làm ra chất thánh. Ta luôn luôn cần chất phàm để làm ra chất thánh. Không bao giờ ta có thể có 100% chất thánh mà không có chất phàm nào. Cũng như ta chỉ muốn có tay phải mà không có tay trái, nhưng hễ có tay phải thì có tay trái. Đó là luật tương tức, là cái thấy của bản môn: còn phàm thì còn thánh, hết phàm thì thánh cũng không còn.
Trên bình diện sự thật ước lệ thì diệt và đạo khác nhau nhưng xuống dưới bình diện sự thật tuyệt đối thì diệt (chỗ đến) và đạo (con đường) không phải là hai cái khác nhau. Ví dụ như chúng ta thường nói: There is no way to peace, peace is the way. Không có con đường đưa tới hòa bình, hòa bình chính là con đường. Ban đầu ta nghĩ có hòa bình và có một con đường đưa tới hòa bình, hòa bình khác với con đường. Đó là bình diện của thế tục đế. Xuống tới bình diện của thắng nghĩa đế thì hòa bình chính là con đường. Câu nói “không có con đường đưa tới hòa bình, hòa bình chính là con đường” rất quan trọng. Chúng ta phải áp dụng được câu nói đó thì mới có hòa bình thật sự. Tại vì nếu dùng những biện pháp bạo động, bá đạo để có hòa bình thì ta sẽ thất bại ngay từ trong trứng nước. Bất cứ một tư tưởng, một lời nói hay một hành động nào ta sử dụng cho hòa bình thì chính nó phải là hòa bình. Hòa bình chính là tư tưởng, là lời nói, là hành động của ta. Ta có hòa bình ngay trong giây phút hiện tại. Phương tiện và cứu cánh là một, không thể lấy phương tiện ra khỏi cứu cánh, cũng không thể lấy cứu cánh ra khỏi phương tiện. Đời sống của ta chính là hòa bình.
Niết bàn và con đường đi tới Niết bàn cũng vậy, trên bình diện thế tục đế ta thấy có Niết bàn và có con đường đi tới Niết bàn nhưng nhìn kỹ thì Niết bàn chính là con đường. Nếu ta thật sự sống theo Bát chánh đạo thì mỗi giây phút sống là Niết bàn. Ví dụ như từ Bordeaux đi Paris, nếu ở ga Saint Jean (Bordeaux) ta lên đúng xe lửa đi Paris thì lúc ta bước lên xe lửa đã là Paris rồi. Nhưng nếu lên nhầm xe lửa đi Marseilles thì ta sẽ không bao giờ tới được Paris. Paris nằm ở mọi điểm trên con đường Bordeaux-Paris, Paris có trong mỗi bước chân đi, còn như nếu ta đi ngược lại Paris-Bordeaux thì bước nào cũng là Bordeaux, Bordeaux hay Paris là tùy theo hướng của ta đi. Từ Bordeaux ta muốn đi Paris, nếu đi đúng hướng thì mỗi bước là Paris, còn nếu đi ngược hướng thì mỗi bước là Bordeaux. Vì vậy con đường và nơi đến là một. Nếu Bát chánh đạo được thực tập một cách đúng đắn thì mỗi giây phút đều có Niết bàn, mỗi giây phút đều có lắng dịu, thảnh thơi, an lạc, tự do. Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, v.v… nếu thực tập đúng thì mỗi giây phút đều là an lạc, hạnh phúc, tự do, lắng dịu. Đó là con đường, là Niết bàn. Con đường chính là Niết bàn.
Nguồn: langmai.org