Đức Phật dạy cho chúng sinh hiểu phải yêu thương nhau như thế nào
Tình yêu là điều kỳ diệu từ trái tim. Phàm đã là chúng sinh, vạn vật trên cõi đời này đều không thoát khỏi loại cảm xúc này. Yêu là một bản bản năng chưa hoàn thiện. Phật khuyên:Tình yêu cũng phải học và thường xuyên trau dồi.
Phật nói rằng, yêu cũng phải học. Vì nếu chỉ có bản năng ham thích, chỉ có sự đòi hỏi và vắt kiệt năng lực nhau, thì sớm muộn gì tình yêu nam nữ ấy cũng sẽ lụi tàn.
Đại Đức Minh Niệm (tác giả cuốn Hiểu về trái tim), hiện đang hướng dẫn thiền và tâm lý trị liệu tại Hoa Kỳ đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc về một vấn đề được rất nhiều người trẻ quan tâm, đó là lời Đức Phật dạy về tình yêu nam nữ thế nào.
Đại Đức Thích Minh Niệm phân tích:
– Tình yêu chân thật bây giờ cũng không chốn dung thân. Người trẻ đến với tình yêu chỉ vì nhu yếu, cần được yêu và cần có người để yêu, để thỏa mãn bản năng, để cho có chỗ dựa tinh thần, để trang trí cho cái tôi, để khỏa lấp nỗi cô đơn trống trải, để làm cho giống hay đối phó với những người xung quanh. Họ dần quên đi ý nghĩa cao đẹp của tình yêu, đó là sự hiến tặng và chia sớt, là sự nâng đỡ và bao dung. Yêu nhau, họ chỉ mang đến cho nhau những cảm giác thỏa mãn trong nhất thời nhưng lại gieo rắc nỗi khổ niềm đau cho nhau triền miên khôn xiết.
Đúng ra, yêu cũng phải học. Vì nếu chỉ có bản năng ham thích và cuồng nhiệt thôi, chỉ có sự đòi hỏi và vắt kiệt năng lực nhau thôi, thì sớm muộn gì tình yêu ấy cũng sẽ lụn bại. Chán chường rồi từ bỏ. Từ bỏ không được thì làm khổ nhau. Nhiều người trẻ lớn lên chỉ biết có học hành, chỉ biết kiếm tiền, chỉ biết làm đẹp bề ngoài, chỉ biết gây sự chú ý cho người khác, chứ họ không có khả năng lắng nghe, cảm thông hay nhường nhịn ai cả. Họ không nghĩ rằng muốn thương yêu ai đó thì phải buông bỏ bớt cái tôi ích kỷ của mình. Mà dù có biết cũng không làm được, vì họ đâu có chịu rèn luyện kỹ năng và hàm dưỡng tâm hồn. Họ không có hơi sức để làm những chuyện đó.
Tình yêu mà được xây dựng trên nền tảng của sự vị kỷ, của sự lợi dụng, của sự thỏa mãn nhục dục, thì tình yêu ấy không có sức sống, không có thật. Đó chỉ là sự trá hình. Vì khi yêu thương thật lòng một ai đó thì ta sẽ không bao giờ để cho họ khổ, chứ nói gì muốn làm cho họ khổ.
4 chất liệu chính của tình yêu chân thật là từ, bi, hỷ, xà.
Từ (maitri) là sự hiến tặng những gì đem tới giá trị hạnh phúc cho người mà họ yêu thương.
Bi (karuna) là sự chia sẻ những nỗi buồn hay những nỗi đau khổ của họ.
Hỷ (mudita) là sự nâng đỡ và khuyến khích những ước muốn của nhau.
Xả (upeksha) là sự khoan dung và bỏ qua được những thiếu sót hay lỗi lầm của người mình yêu thương.
Nếu tổng hợp được cả 4 khả năng này thì tình yêu có thể đạt đến mức không biên giới, có thể yêu thương nhau mà không cần điều kiện gì cả và gọi là tứ vô lượng tâm. Khi đó tình yêu không còn là dành cho nhu cầu của bản thân nữa mà là yêu vì đối tượng mà mình yêu.
Yêu nhau mà lúc nào cũng chỉ dính chặt với nhau chứ không quan tâm gì tới bất kì mối quan hệ xung quanh nào thì đó chính là tự cô lập tình yêu của mình. Chúng ta nếu không biết nuôi dưỡng những yếu tố phi tình yêu thì đó chính là đang tự hủy hoại tình yêu của chính mình. Vì vậy mà Đức Phật khuyên bảo chúng ta nên thực tập giới, chỉ nên trao thân với người mà mình thực sự thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn và nguyện vọng của cuộc đời mình. Nếu không làm được thì tình yêu sẽ bị giới hạn trong nhục dục và sẽ chịu sự đau đớn khi không thể giữ được người đó. Giữ giới chính là giữ gìn cho nhau.
Phật dạy:
• Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm.
• Bạn có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc, vì chia ly là lẽ tất nhiên.
• Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành.
• Hận thù người khác là một mất mát lớn nhất đối với mình.
• Tình chấp là nguyên nhân của khổ não, buông tình chấp mới được tự tại.
• Thời gian sẽ trôi qua, để thời gian xóa sạch phiền não của bạn.
• Quảng kết chúng duyên, chính là không làm tổn thương bất cứ người nào.
• Có lòng thương yêu vô tư thì sẽ có tất cả.
• Đến là ngẫu nhiên, đi là tất nhiên. Cho nên bạn cần phải “Tùy duyên mà hằng bất biến, bất biến mà hằng tùy duyên”.
• Chỉ cần đối diện với hiện thực, bạn mới vượt qua hiện thực.
• Người không biết yêu mình thì không thể yêu được người khác.
• Cảm ơn đời với những gì tôi đã có, cảm ơn đời những gì tôi không có.
• Nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên xin đừng oán trách nó. Tình yêu không nợ chúng ta điều gì, nên đừng đổ tội cho nó.
Những lời Phật dạy về tình yêu, hãy khắc cốt ghi tâm và chiêm nghiệm suốt đời. Tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình, tình yêu bè bạn, đều cần đến cả.
Nguồn: Phunutoday.vn