Người biết cách ăn là người biết đặt gánh nặng sinh tử xuống

Người nào biết cách ăn là người biết đặt gánh nặng sinh tử xuống cho chính mình ngay trong đời nầy và đời sau. Người ấy không còn ăn theo bản năng, không còn ăn theo nghiệp mà ăn theo bản nguyện. Ăn là để làm ruộng phước cho đời và để cho người đời kết duyên với bản nguyện làm thăng hoa cuộc sống.

Sau bữa ăn trưa, tôi hỏi một vị Tăng sĩ trẻ, Thầy đã ăn xong chưa? Vị ấy trả lời – dạ! con đã ăn xong. Tôi cười và nói, Thầy chưa ăn xong đâu, ngày mai Thầy lại tiếp tục ăn lại, nên ăn xong là khó lắm, ăn là một gánh nặng của tất cả con người chúng ta, Thầy à!

Ta ăn xong bữa nầy lại sinh ra bữa ăn khác, ta ăn xong cái này lại sinh ra cái ăn khác, cứ như vậy mà ta suốt cả cuộc đời lận đận với việc ăn; không những vậy mà từ đời nầy qua kiếp khác ta cũng đều bị lận đận bởi cái ăn của chúng ta.

Cũng từ việc ăn, mà nhân cách ta trở thành trác việt và cũng từ sự ăn mà nhân cách ta trở thành thấp kém, tầm thường; từ sự ăn mà ta bước lên địa vị của các bậc Thánh hiền và cũng từ sự ăn mà ta bị rớt xuống hố sâu, vực thẳm của cuộc sống.

Cách ăn và sự giải thoát

Sự ăn của ta không đến do từ trời cao ban phát và cũng không đến với ta do từ lòng đất vọt lên hiến tặng, mà nó đến với ta từ nơi nghiệp thức nhân duyên do quan hệ sinh tử của mỗi chúng ta. Muôn loài và vạn vật cũng đều như vậy, tùy theo nghiệp thức nhân duyên liên hệ với sinh tử như thế nào, thì chúng biểu hiện các loại thúc ăn và cách ăn đúng như thế ấy.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm thô và biểu hiện cách ăn một cách thô tháo.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm tinh tế và biểu hiện cách ăn một cách tinh tế đối với các thực phẩm ấy.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm xúc cảm thô tục và biểu hiện cách ăn xúc cảm một cách thô tục và manh động đối với những thực phẩm ấy.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm xúc cảm tinh tế và biểu hiện cách ăn xúc cảm một cách tinh tế và lắng sâu.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm tư niệm thô động và biểu hiện cách ăn tư niệm một cách thô động và manh động đối với những thực phẩm ấy.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm tư niệm tinh tế và biểu hiện cách ăn tư niệm một cách tinh tế và sâu lắng.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm nhận thức thô động và biểu hiện cách ăn nhận thức một cách thô động và manh động.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm nhận thức tinh tế và biểu hiện cách ăn nhận thức một cách tinh tế và lắng sâu.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm thiền định thô phù và biểu hiện cách ăn thiền định một cách thô phù.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm thiền định tinh tế, lắng sâu và biểu hiện cách ăn thiền định một cách tinh tế và lắng sâu.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm tư tưởng thô phù và biểu hiện cách ăn tư tưởng một cách thô phù.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm tư tưởng tinh tế, lắng sâu và biểu hiện cách ăn tư tưởng một cách tinh tế và lắng sâu.

Có những loài chỉ nuôi dưỡng đời sống bằng những thực phẩm tư tưởng và không phải tư tưởng một cách thô động hay tinh tế và biểu hiện cách ăn bằng tư tưởng và không phải tư tưởng một cách thô động hoặc tinh tế.

Trong các loại thực phẩm và trong các cách ăn ấy, có những loài chúng sanh nặng cái nầy mà nhẹ cái kia, có những loài chỉ liên hệ và sử dụng một hoặc hai loại thực phẩm và có khả năng biểu hiện một hoặc hai loại cách ăn, hoặc là đi, hoặc là đứng, hoặc là nằm, hoặc là ngồi, hoặc là chạy nhảy, hoặc ăn bằng cách nghĩ đến những thực phẩm và cảm nhận,… Nhưng nuôi dưỡng đời sống loài người chúng ta, thì chúng ta gồm có đủ các loại thức ăn và có khả năng biểu hiện đủ cả các loại cách ăn ấy.

Vì vậy, cách nuôi dưỡng đời sống con người khá phức tạp so với các loài vật khác. Và cũng vì vậy mà những sinh hoạt trong đời sống con người khá phức tạp so với những sinh hoạt của các loài khác. Con người có khả năng tiếp thu đầy đủ mọi loại thực phẩm và có khả năng biểu hiện đầy đủ mọi cách ăn.

Nên, con người cũng có khả năng tạo ra nhiều phước đức và cũng có khả năng tạo ra nhiều tội lỗi cho chính mình; con người vừa có khả năng che chở và bảo hộ muôn loài trên trái đất, và con người cũng vừa có khả năng sát phạt và hủy diệt muôn loài trên trái đất.

Nên, hễ còn nghiệp thức sinh tử, thì ta còn phải lệ thuộc vào sự ăn để tồn tại. Muôn loài và ngay cả vạn vật cũng đều như vậy.

Những bậc có trí trong đời, họ biết chọn lựa thực phẩm để ăn và họ biết sử dụng cách ăn để tiêu thụ thực phẩm, nhằm nuôi dưỡng đời sống của họ một cách hợp lý.

Họ biết chọn lựa thức ăn trên nền tảng của đức tin và họ biết tiêu thụ thức ăn qua đức tin của chính họ.

Họ biết biến thức ăn đi kèm với đức tin và họ biết biến đức tin có mặt với thức ăn trong đời sống hiện thực của chính họ.

Họ tiêu thụ thức ăn mỗi ngày đi kèm với niệm. Nghĩa là họ nhìn sâu vào và ghi nhận những thực phẩm mà họ đang tiêu thụ hàng ngày để họ biết những gì nơi thực phẩm ấy đang giúp đỡ họ và những gì nơi thực phẩm ấy đang và sẽ gây thiệt hại cho chính họ.

Những thực phẩm nào gây thiệt hại cho đời sống của họ trong hiện tại và ngay cả tương lai, thì họ ghi nhận một cách rõ ràng và tìm cách loại bỏ. Những thực phẩm nào giúp cho đời sống của họ có sự nhẹ nhàng, thanh thoát trong đời sống hiện tại và ngay cả tương lai, thì họ lại ghi nhận một cách rõ ràng và tìm đủ mọi cách để duy trì và phát triển.

buong-xa

Họ tiêu thụ thực phẩm bằng tất cả định tâm của chính họ. Trong khi tiêu thụ thực phẩm, thì thực phẩm với họ là một và họ với thực phẩm không phải là hai. Nhờ biết cách tiêu thụ thực phẩm như vậy, nên họ làm chủ được những xúc cảm trong lúc ăn, khiến cho những tham ái đối với những thực phẩm trong lúc ăn không có điều kiện để khởi lên và tâm họ hoàn toàn không bị kẹt vào những điều kiện liên hệ tiêu thụ thực phẩm. Họ hoàn toàn có tự do đối với những gì mà họ đang liên hệ ấy.

Và họ tiêu thụ thực phẩm đi kèm với sự quán chiếu thường trực của tuệ giác. Họ biết rõ những thực phẩm nầy không thể tự có mà có là do nhiều yếu tố khác tạo thành.

Thực phẩm ta đang tiêu thụ, chúng có từ đất, nước, gió, lửa, không khí; từ tâm thức và khả năng lao tác của mọi người và mọi vật. Nếu ta thiếu tín tâm đối với Phật-Pháp-Tăng, thì ta không xứng đáng để tiêu thụ những phẩm vật nầy. Nếu ta thiếu sự nỗ lực và tinh cần đối với tín tâm ấy, thì ta không xứng đáng để tiêu thụ những phẩm vật nầy. Nếu ta thiếu căn bản phẩm hạnh của đạo đức, đối với tín tâm ấy, thì ta không xứng đáng để tiêu thụ những thực phẩm nầy. Nếu ta thiếu định tâm đối với tín tâm ấy, thì ta không xứng đáng để tiêu thụ những thực phẩm nầy. Nếu ta thiếu tuệ tâm đối với tín tâm ấy, thì ta không xứng đáng để tiêu thụ những thực phẩm nầy. Nếu ta thiếu Bồ đề tâm và từ bi tâm đối với tín tâm ấy, thì ta không xứng đáng để tiêu thụ những thực phẩm nầy.

Trong khi ăn hay tiêu thụ thực phẩm, vị ấy do quán chiếu như vậy, mà tín tâm đối với Tam bảo luôn luôn hiện tiền, khiến khi vị ấy tiêu thụ thực phẩm, tâm tham ái của vị ấy vắng mặt nơi xúc giác và cảm giác; khiến cho những tâm chấp thủ của vị ấy vắng mặt nơi xúc giác và cảm giác; và khiến cho các tư niệm đối với tham ái và chấp thủ của vị ấy hoàn toàn vắng mặt. Không những những tham ái và chấp thủ của vị ấy hoàn toàn vắng mặt, mà những chấp thủ ngã và ngã sở cũng như những ý niệm về ngã và phi ngã; những ý niệm pháp và về phi pháp của vị ấy cũng hoàn toàn vắng mặt. Ngay khi ấy, vị ấy hoàn toàn có tự do và giải thoát trong khi ăn.

Vị ấy thực tập tiêu thụ thực phẩm như vậy mỗi ngày, khiến cho mỗi ngày đi qua là mỗi ngày làm cho hạt giống giải thoát và tự do từ tâm thức của vị ấy lớn lên và thuần thục viên mãn.

Và bấy giờ vị ấy có thể tuyên bố:

Ngã sanh dĩ tận
Phạm hạnh dĩ lập
Sở tác dĩ biện
Bất thọ hậu hữu.
Nghĩa là:
Tái sanh tôi đã hết
Phạm hạnh đã lập thành
Điều đáng làm, làm xong
Không tiếp nhận đời sau.

Nên, người nào ăn hay tiêu thụ thực phẩm với tín tâm thanh tịnh, với sự tinh cần thanh tịnh, với niệm tâm thanh tịnh, với định tâm thanh tịnh, với tuệ tâm thanh tịnh, với bồ đề tâm và từ bi tâm thanh tịnh, khiến cho các loại thực phẩm không còn làm rung động và cuốn hút tâm thức của vị ấy. Vị ấy có khả năng đặt gánh nặng sinh tử xuống trong lúc ăn hay trong lúc đang tiêu thụ các thứ thực phẩm ở trên đời và bước những bước thong dong trên con đường giải thoát và giác ngộ.

Do đó, vị ấy ăn không còn ăn theo bản năng, không còn ăn theo nghiệp mà ăn theo bản nguyện. Ăn là để làm ruộng phước cho đời và để cho người đời kết duyên với bản nguyện làm thăng hoa cuộc sống.

Người nào biết ăn hay tiêu thụ thực phẩm như vậy, là người biết đặt gánh nặng sinh tử xuống cho chính mình ngay trong đời nầy và đời sau, và họ có khả năng làm nở những bông hoa xinh đẹp cho xã hội con người.

(HT Thích Thái Hòa)
Nguồn: chuaminhthanh.com

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay