Những triết lý sống tốt đẹp trong lễ Phật đản ở Tây Thiên
Tại Đại Bảo Tháp Tây Thiên (Vĩnh Phúc), dưới sự trụ trì của các sư Ni Tây Thiên, chương trình đại lễ mừng Đức Phật đản sinh, nhân mùa Phật đản – Vesak 2017 đã để lại nhiều suy ngẫm về triết lý sống trong tâm trí của hàng ngàn Phật tử tham dự.
Buổi lễ diễn ra trọn vẹn một ngày với nhiều nghi lễ Phật giáo: dâng hương hoa, lễ Tam bảo, đọc tụng kinh sách ngợi ca về cuộc đời và công hạnh của Đức Phật…
Nơi hướng đạo tâm hồn
Từ góc nhìn đời sống , mùa Phật đản chính là dịp để mỗi người cùng tri ân nhân đức và đạo hạnh của Đức Thế Tôn- người chỉ ra con đường giải thoát cho nhân loại. Trước lúc xuất gia tìm Thầy học đạo, cho đến ngày Đức Phật thành tựu đạo nghiệp và truyền dạy kinh pháp, Ngài là một con người hiện thực bằng xương thịt như chúng ta.
Sư ni Tây Thiên tái hiện khung cảnh vườn Lâm Tì Ni – nơi Đức Phật đản sinh
Cuộc đời Đức Phật là sự minh chứng sáng rõ, khơi gợi và chỉ dạy cho chúng ta rằng: Dù bạn là ai, xuất thân ở gia cảnh nào (nghèo khó, giàu sang) cũng đều có khả năng giác ngộ.
Dưới ánh sáng Phật học, một người đau khổ tột cùng cũng có thể vươn mình đi đến đời sống hạnh phúc, an lạc; hoặc như một kẻ tầm thường cũng có thể chuyển hóa đạt đến đời sống thánh thiện, cao thượng, thông qua tu học. Hành trình học đạo được bắt đầu ngay từ chính trong suy nghĩ và hành vi của mỗi cá nhân.
Đỉnh lễ tán dương công hạnh Đức Phật – 21 lễ
Phật tử Nguyễn Thị Sơn (70 tuổi, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) tâm sự, từ khi biết đến Phật pháp cuộc sống của bà có nhiều thay đổi, không còn bi quan, đau buồn nữa. Giờ đây mỗi lúc nhớ về người con trai không may mất sớm, tâm trí bà Sơn tĩnh tại hơn. Bà làm những việc thiện lành để tích phúc và cầu nguyện cho con trai được siêu thoát. “Đạo Phật là triết lý sống, giúp soi rõ chính nội tâm mình và giúp hướng đạo tâm hồn một cách gần gũi, thiết thực nhất…”, bà Sơn bộc bạch.
Nghi thức phóng sinh
Chị Hoàng Thị Hiệp (43 tuổi, Phúc Yên) cho biết đây là lần thứ 2 đến Đại Bảo tháp Tây Thiên lễ Phật. Là một tiểu thương, cuộc sống bận rộn song chị Hiệp cố gắng thu xếp công việc để dành trọn một ngày dự lễ và xin được nhà chùa cho quy y Tam bảo ngay trong ngày Phật đản hôm nay. Chị Hiệp bảo: “Nghe lời sư thầy giảng giải, tôi tin mình sẽ học và làm được nhiều hơn những điều thiện lành để trong cuộc sống luôn gặp điều tốt đẹp, con cái học hành chăm ngoan, công việc thuận lợi”.
Hương hoa, Phẩm vật dâng cúng Phật
Thầy Thanh Tịnh giảng: “Nền tảng của thực hành Phật pháp là dứt bỏ tất cả điều ác, thực hành hết thảy điều thiện, mang niềm an vui hạnh phúc cho mọi người, mọi loại xung quanh và cho bản thân”. Hiểu được điều này giúp chúng ta sống thuận hơn với vũ trụ, môi trường, hòa hợp an vui hơn…
Hàng ngàn người dân Phật tử dự lễ tại Đại bảo tháp Tây Thiên
Tạm xếp lại những bộn bề, lo toan đời sống, tất cả Phật tử cùng một lòng hướng về Phật pháp, chăm chú lắng nghe lời giảng của Sư thầy Thanh Tịnh về ý nghĩa căn bản của lễ mừng Phật đản và nghi lễ tắm Phật.
Thiêng liêng nghi lễ tắm Phật
Nghi lễ tắm Phật bao giờ cũng là phần kéo dài nhất trong lễ Phật đản vì hàng nghìn người có mặt- không ai muốn bỏ qua dịp may được tắm cho Phật. Sau khi đã tắm cho Phật, nước thơm trở thành nước thiêng được mọi người nâng niu từng giọt mang về nhà. Thầy Thanh Tịnh giảng: “Năng lượng của tâm trong lúc chúng ta không tham lam, giận dữ… cộng hưởng với sự gia trì của hàng ngàn lời phát nguyện thành Phật sẽ tạo thành một năng lực to lớn khiến nước tắm Phật trở thành nước linh thiêng, có thể chữa lành mọi bệnh tật, đem sự bình an đến cho mọi người, trẻ con uống sẽ thông minh học giỏi…”
Thiêng liêng nghi thức tắm Phật
Từ người già đến trẻ nhỏ đều thành kính, hân hoan dâng nước tắm Phật bởi ý nghĩa của nghi lễ này giống như lời nhắc nhở – mỗi chúng ta đều có một Đức Phật trong lòng. Ngày nào chúng ta cũng tắm thân thể, nhưng quên tắm cho tâm hồn của chúng ta. Vì thế trước tượng Phật, chúng ta hãy phát nguyện tắm sạch lòng mình để đức Phật bên trong mỗi người sẽ sớm đản sinh.
Minh Khang
Nguồn: baomoi.com