Quay đầu là bờ
Đất thiền viện rộng hai mươi mẫu Tây, và ngẫu nhiên được phân đôi bằng một con suối mùa nào cũng chảy xiết. Thầy cho làm một chiếc cầu gỗ nối liền hai bờ, đặt tên suối là Vọng Tuyền, rồi gọi bên đây suối là Bến Mê, bên kia là Bờ Giác. Bến Mê gồm nhà bếp, phòng ăn, khách xá, nhà kho, phòng y tế. Bờ Giác gồm chánh điện, thiền đường, tăng xá, giảng đường. Những hạng mục bên này nghe thiêng liêng vậy, nhưng thật lạ, bên Bến Mê bao giờ cũng đông đúc vui vẻ hơn !
Thiên hạ nhiều người có vẻ rất thích thú với cách thầy gọi tên hai khu đất, nhưng lâu ngày cơ hồ rất ít người còn nhớ tới ý nghĩa thật sự của hai tên gọi đó, chỉ xem chúng như những địa danh dân gian kiểu làng mơ, xóm mận.
Hôm đó ngày Chủ Nhật, sau buổi thiền tập đại chúng, thiền sư rảo quanh thiền đường thấy vắng hoe. Hỏi thị giả, vị nầy trả lời tỉnh bơ:
-Thưa, sáng nay người ta qua Bến Mê hết rồi ạ, bên đó đang đổ bánh xèo !
(Chuyện Phiếm Thầy Tu 2)