Tại sao người ta cãi nhau, ghét nhau, bỏ nhau, ly dị nhau?
Chào các bạn,
Hai người mới gần nhau – như là người yêu, vợ chồng, bạn đồng phòng, người cùng nhóm làm việc – thường khám phá ra từ từ là có nhiều điều hai người không hợp nhau. Và đây là bắt đầu khó khăn cho liên hệ tình cảm. Chàng hay vất đồ bừa bãi, nàng rất ngăn nắp trong nhà. Chàng thích xem thể thao trên TV, nàng chỉ muốn xem ca nhạc. Chàng hút thuốc, nàng chịu không được mùi thuốc…
Không hợp nhau như thế là câu chuyện muôn thuở của loài người, và người ta cãi nhau, ghét nhau, bỏ nhau, ly dị nhau thường cũng là vì nhiều khác nhau như thế.
Tại sao?
Nếu ta nghĩ đến hai bánh xe răng cưa khít khao chạy sát nhau trong một cỗ máy, thì đó là “hợp”. Làm sao mình và người kia có thể chạy khít khao như hai bánh răng cưa như thế? Cơ hội để hai người gặp nhau như hai bánh răng cưa khít khao của một cỗ máy thì rất nhỏ. Mỗi người chúng ta như là một hòn đá gai góc, gặp một hòn đá gai góc khác, thì cơ hội để châm nhau, đẩy nhau, đụng nhau, làm phiền nhau, thường rất lớn so với cơ hội khít khao.
Tại sao mình dùng ví dụ của hai “hòn đá gai góc”? Tại vì đa số mọi người là những hòn đá gai góc – chúng ta có những cách tư duy đã quen, những nguyên lý sống cứng chắc, những sắp đặt hằng ngày ngăn nắp, nói chung là mọi sự rất cứng chắc. Bây giờ gặp người kia cũng có những cách tư duy, nguyên lý, và cách sắp đặt, nhưng những thứ này lại khác các thứ của mình, nhiều thứ lại còn chỏi lại với của mình 180 độ. Mà vì mình quen với cung cách của mình rồi, nên mình rất bảo thủ và cứng chắc với cung cách của mình. Thế cho nên “hòn đá gai góc” là vậy.
Nhưng, chúng ta hy vọng là với thời gian ta sẽ giúp người kia thay đổi tốt hơn, để có thể khít khao với ta.
Và người kia cũng hy vọng là sẽ thay đổi được ta khít khao hơn theo thời gian như thế.
Vậy thì, chúng ta đang có 2 dũng sĩ giác đấu đứng nhìn nhau, người này tìm cách thay đổi người kia. Thế thì đây sẽ là một cuộc chiến hấp dẫn cho hàng nghìn khán giả trong đấu trường, vì cả hai dũng sĩ đều chuẩn bị để tấn công, tấn công, chẳng ai lo phòng thủ, đừng nói là chịu thua.
Các bạn, có lẽ bạn sẽ hạnh phúc hơn, nếu bạn 60 tuổi. Khổng tử nói “lục thập nhi nhĩ thuận” – sáu mươi tuổi thì tai nghe gì cũng thuận. Tức là ai nói sao mình nghe cũng thuận tai, vì mình có thể hiểu được tại sao người ấy nói vậy, trong tâm người ấy tư duy thế nào, và ai cũng có lý của họ, và mình hiểu được điều đó.
Rất tiếc là bạn chỉ 26, 36, 46, thì làm sao đây?
Bạn có thể tư duy như nước được không? Nước luôn mềm và có thể sống khít khao với bất kỳ viên đá nào có hình thù hay gai góc thế nào. Nước luôn chảy đến và ôm quanh mọi viên đá một cách khít khao.
Nước không có hình thù riêng của nước – không có cái tôi định hình – mà nước có hình thù của bất kì cái gì đựng nước, dù có là cái ly cái chén hay là dòng suối, dòng sông, biển cả.
Đó là “không tôi”, vô ngã – không là viên đá – và từ tâm, yêu người, bao bọc lấy người theo hình dáng của người.
Có lẽ điều này còn khó đạt hơn là 60 tuổi, vì nhiều người 60 vẫn không đạt được “nước”. Nhưng bạn không muốn đợi 30, 40 năm nữa để được 60, và vẫn có thể không đạt được “nước” lúc đó. Bạn muốn là “nước” bây giờ.
Các bạn, trong Kinh Pháp Hoa, Tiểu Long Nữ 8 tuổi thành Bồ tát trong một sát na. Lục tổ Huệ Năng không biết đọc không biết viết, chỉ nghe câu kinh “Không trụ vào đâu thì sinh tâm Bồ đề” mà giác ngộ ngay. Những chuyện này không phải chỉ là chuyện tưởng tượng, mà có thể là chuyện thật với bạn.
Hãy nghĩ về cuộc đời vô thường ảo ảnh này, hãy nghĩ về loài người si mê ôm cứng lấy những thành kiến và nguyên lý ảo tưởng trong đầu, hãy nghĩ về trái tim Phật của mình tinh khiết như nước và nhẹ nhàng uyển chuyển như nước, rất có thể là bạn sẽ sáng tỏ để thấy đường và quyết định sống như nước. Chỉ trong một sát na chuyển hóa.
Nếu chúng ta nhìn kỹ để thấy được “tánh” (bản chất thật) của trái tim mình – Phật tâm – có lẽ chỉ trong một sát na bạn sẽ bỏ tất cả mọi công thức, thành kiến, nguyên tắc, bám víu trong đầu – tất cả sụp đổ như một tòa nhà làm bằng các con bài – để chỉ còn trái tim thanh thoát của mình, tự do như nước chảy.
Hiện tượng này không khó như nhiều người nghĩ. Chỉ cần nhìn kỹ cuộc đời và nhìn kỹ tâm mình, như nó thực sự là (as it really is).
Chúc các bạn chuyển hóa trong một sát na.
Mến,
Hoành
© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use