Thiền là gì? Hành thiền thế nào cho đúng? Thiền giúp gì cho cuộc sống của bạn?

Thiền là gì? Thiền tập không phải chỉ là mấy ông thầy tu núi ngồi im ru một chỗ chẳng làm gì. Thiền cũng không phải cái gì cao siêu hòng học tập thần thông phép thuật. Thiền chỉ là một phương pháp giúp ta trở lại với chính mình. Làm lắng, làm trong lại chính mình. Để ta có thể sống với cái tâm chân thật an tĩnh nhất.

Trong cuộc sống bận rộn hàng ngày, nhiều lúc chúng ta bỏ quên một thứ gì đó, cố nghĩ xem để nó ở đâu, nhưng những công việc trong ngày bao nhiêu thứ lại tới tấp đến mà chúng ta phải giải quyết, khi đó, càng cố nghĩ để tìm thì càng căng đầu, càng mệt. Cho đến cuối ngày, lúc xong xuôi hết mọi việc, thảnh thơi thì tự nhiên lại nhớ ra đồ mình để quên. Từ đó suy ra, những công việc hàng ngày làm cho tâm mình bị xáo trộn, khuấy động nên mình không sáng. Khi chúng ta lắng lại tất cả những tư tưởng lăng xăng trong đầu để tâm được an định, sáng suốt thì ngay trạng thái đó là thiền.

thien-hanh-lang-mai

1. Thiền là gì?

Từ tầm nhìn đúng, hành động đúng, sẽ đưa đến kết quả đúng như ý muốn. Khi làm một công việc gì, thông thường chúng ta phải biết trước rồi làm sau, như vậy sẽ có kết quả tốt. Như quý vị muốn đi từ đây ra đằng kia thì đầu tiên phải mở mắt trước, thấy đường rồi mới đi, còn nếu cứ nhắm mắt mà đi thì chắc chắn sẽ bị té. Vì quý vị muốn ngồi thiền cho nên quý Thầy sẽ nói sơ qua lý do tại sao chúng ta ngồi thiền, ngồi như thế nào, có những sự chuẩn bị gì, rồi trong khi ngồi chúng ta phải dụng công như thế nào…. Khi quý vị nắm vững, hiểu rõ rồi thì khi ngồi sẽ có sự phấn chấn, có lòng thiết tha, từ đó sự tu hành sẽ dễ tiến bộ hơn. Cụ thể là trước tiên mình phải hiểu thiền là gì, sau đó ứng dụng tọa thiền mới có kết quả tốt.

Giả sử hôm nọ khí trời oi bức căng thẳng, người không được khỏe, trong nhà có việc xích mích không vui, ra đường gặp toàn những việc vớ vẩn không đâu, lên công sở, ra chợ bị đồng nghiệp bạn bè hiểu nhầm hoặc quấy phá…, khi ấy, nếu mình phải xem một tập tài liệu gì đó, hoặc phải đọc một cuốn sách hay phải xem một tờ báo, quý vị thấy có dễ hiểu hay không? Đọc thì đọc chữ thôi chứ ý này nó đá ý kia rất khó tiếp thu một cách trọn vẹn. Qua đó cho chúng ta thấy, nếu để những thứ lăng xăng lộn xộn trong đời nó chi phối trong đầu mình thì nó sẽ làm cho trí tuệ chúng ta bị mờ tối và con người chúng ta không được ổn định.

Một hôm khác thức dậy với một sức sống tràn trề, mọi chuyện trong nhà ổn định, vui vẻ, khí trời mát mẻ dễ chịu, ra đường yên ả, mọi việc tại công sở đều được trôi tròn, đồng nghiệp thân thiện đáng quý, nhân khi rảnh rỗi, quý vị cầm một tờ báo hay một quyển sách mình thích lên đọc thì có dễ hiểu hay không? Không những dễ hiểu mà chúng ta còn hiểu sâu, phát minh ra những điều mới lạ, thâu gọn hết ý bài văn muốn nói gì nữa là khác. Vậy thì khi tâm mình ổn định, lóng lặng, chính là lúc trí tuệ mình được phát huy cao. Và ngay khi tâm lóng lặng, tinh thần tươi sáng, người mình ổn định, trí tuệ phát huy, ngay đó, quý Thầy tạm đặt cho nó cái tên gọi là Thiền.

Hoặc là trong cuộc sống bận rộn hàng ngày, nhiều lúc chúng ta bỏ quên một thứ gì đó, cố nghĩ xem để nó ở đâu, nhưng những công việc trong ngày bao nhiêu thứ lại tới tấp đến mà chúng ta phải giải quyết, khi đó, càng cố nghĩ để tìm thì càng căng đầu, càng mệt. Cho đến cuối ngày, lúc xong xuôi hết mọi việc, thảnh thơi thì tự nhiên lại nhớ ra đồ mình để quên. Từ đó suy ra, những công việc hàng ngày làm cho tâm mình bị xáo trộn, khuấy động nên mình không sáng. Khi chúng ta lắng lại tất cả những tư tưởng lăng xăng trong đầu để tâm được an định, sáng suốt thì ngay trạng thái đó là thiền.

Ví dụ như có một cốc nước đang bị đục, chúng ta có đổ thêm nước trong vào thì nó vẫn đục. Muốn nước trong, không có cách gì hơn là để yên cái cốc đó cho những cặn đục lắng xuống dưới thì nó sẽ tự trong. Như vậy, trong cái đục vốn đã có cái trong, tại vì chúng ta lắc động nên nó đục vậy thôi. Tâm của chúng ta cũng vậy, tự tâm của mỗi người vốn sáng, nhưng vì theo trần cảnh, không biết cách lắng lại nên đục đi, từ đó làm cho mình bực bội, mệt mỏi, tối tăm, rối ren, lăng xăng, lộn xộn, gặp việc gì cũng khổ đau, đó là chúng ta sống với tâm phàm phu tầm thường của chúng sanh. Nếu chúng ta lắng lại tất cả thì trạng thái tâm thể LẶNG MÀ SÁNG hiện tiền, ngay đó là THIỀN.

Khi vua Trần Thái Tông trốn vào núi Yên tử tu hành gặp Quốc sư Phù Vân (hiệu Tĩnh Lự), Quốc sư hỏi: “Lão tăng đã lâu ở chốn sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng, cắn hạt dẽ, uống nước suối, dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay bệ hạ bỏ ngôi vị nhân chủ, nghĩ đến cảnh núi rừng hoang dã này, ắt hẳn muốn tìm cầu việc gì phải không?” Vua nghe nói cảm động nên thưa: “Trẫm còn thơ ấu đã sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Lại nghĩ rằng, sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường cho nên mới vào đây chỉ muốn cầu thành Phật, không muốn tìm cầu gì khác.” Quốc sư nói: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Tâm lặng mà biết, đó chính là Phật thật. Nếu bệ hạ ngộ được tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài.

Ngài Tĩnh Lự nói: “Tâm lặng mà biết, đó chính là Phật thật.” Vậy thì, cái lắng lại mà hằng sáng biết đó là ở ngay nơi chúng ta hay do Phật cho? Phật chỉ đưa cho ta chìa khóa để mở ra thôi chứ không thể cho ai được. Thiền cần một sự thể nghiệm nơi mỗi người, chứ không phải chỉ học hiểu suông. Học hiểu là để làm, để thực hành. Vì vậy, chúng ta cần phải HIỂU và THỰC TẬP TỌA THIỀN.

2. Đối diện để chuyển hóa

Thiền là gì?Tất cả chúng ta đi trong sanh tử chịu khổ là vì cái gì thúc đẩy? Vì nghiệp trói buộc nên chúng ta thọ thân. Ví dụ khi chúng ta chưa biết hút thuốc thì thấy đắng, rất khó chịu, nhưng khi hút một thời gian quen rồi thì thấy ngon. Hút lâu ngày quen quá rồi, hôm nào không có điếu thuốc là thơ thẩn, tìm mọi cách để có được một điếu thuốc hút. Sức mạnh khiến mình phải đi tìm đó là sức mạnh của nghiệp, nên gọi là nghiệp lực. Nghiệp là tập lâu thành thói quen. Hàng ngày quý vị huân tập bao nhiêu thói quen rồi, chỉ cần nhắm mắt lại là thói quen về nhiều lắm, làm cho mình lộn xộn và chạy theo. Ví dụ như khi quý vị chưa đến đây, chưa gặp quý Thầy, nếu có ai hỏi về Thiền viện, quý vị có hình ảnh gì trong đầu không, có thấy quý Thầy không? Chưa đến là chưa biết nên khi nhắc đến thì chúng ta không có hình ảnh gì trong đầu cả.

Hôm nay đến đây rồi, ngồi nghe giảng, nói chuyện, khi về lại nhà mình có ai hỏi về chuyến đi thì những hình ảnh này có hiện lên trong đầu quý vị không? Có, quý vị có muốn xóa đi cũng không được. Gặp, tạo tác là có huân trong đầu rồi, dù mình không sờ mó được mà nó vẫn có. Đây là một ví dụ điển hình cho tất cả các hành động của chúng ta hàng ngày. Một chuyến đi về khi được khơi gợi lại thì thấy rõ ràng không mất. Vậy thì tất cả các việc làm hàng ngày quý vị huân tập, liệu có bỏ qua được không? Tất cả việc làm hàng ngày, hành xử đối đãi đúng sai thiện ác đều huân tập trong đầu không bao giờ mất, đến khi chúng ta chuẩn bị chết là nó về ồ ạt, làm cho mình bị rối.

Quý vị muốn biết lúc sắp chết nó có về hay không thì bây giờ mình cũng có thể làm một thí nghiệm để thử. Hôm nào đó mình dẹp hết việc làm, đóng cửa phòng ở một mình, không có điện thoại, tivi, sách báo gì cả, chỉ ở không thôi, không được làm gì cả. Đến bữa thì có người mang cơm để bên ngoài, chờ cho người ấy đi khuất rồi mình mới ra lấy cơm vào ăn. Sống như thế khoảng ba đến bảy ngày thì sẽ thấy những gì từ tấm bé đến giờ nó sẽ đua nhau kéo về ào ạt, rõ ràng mồn một không thiếu sót tí nào, thậm chí khi nó về nhiều quá sẽ làm cho chúng ta cảm thấy hoảng sợ, mất tự chủ.

Quý Thầy đã nhập thất và đã từng trải qua trạng thái này rồi. Khi đóng cửa nhà mà các huân tập nó đã đua nhau kéo về rồi huống nữa lúc sắp lâm chung là lúc đóng lại cánh cửa cuộc đời, cuộc đời chúng ta kết thúc và cánh cửa được khép một cách tuyệt đối thì nó sẽ ồ ạt dồn nhau ập về đến dường nào. Nếu mình làm ác nhiều thì khi đó sợ, hốt hoảng, không tự chủ và đi vào đường xấu. Nếu làm lành nhiều thì thấy nhẹ nhàng, vui vẻ và sanh đường lành. Như chúng ta đang sống trên một vùng biển, tình cờ có chuyện đi xa, ở nhà bị sóng thần cuốn sạch không còn gì cả. Lúc ấy nếu người không có công trạng gì với cuộc đời, bị chấn động mạnh dẫn đến tinh thần không ổn định thì bị lang thang trôi dạt làm thuê làm mướn, đi vào nơi khổ sở mà mình không có quyền quyết định gì được cho mình.

Nếu người có công với xã hội, mọi người sẽ đưa ra nhiều căn hộ khác nhau cho chúng ta có quyền chọn lấy một căn, chúng ta sẽ chọn lấy căn nào mình thích, đúng không? Việc theo nghiệp thọ sanh cũng tương tự như vậy. Người làm ác thì lúc sắp lâm chung hốt hoảng bị cuốn đi đường dữ không cưỡng lại được. Người làm lành thì sẽ có được nơi vui cho mình đến đúng với nghiệp mình đã tạo thành thói quen. Nếu quý vị không tu thì sẽ theo luồng đó, nhưng có tu là đứng đằng sau những cái đó một chút, quý vị tỉnh trở lại để nhìn nó thì tự nhiên nó là một khối bên ngoài, mình là giác nên tự chủ được, buồn vui tách ra ngoài, đi đâu là quyền của mình, không bị những thứ buồn và vui, thích hay không thích chi phối. Đó là người đã có căn bản bước đầu chập chững biết sống bằng thiền và làm chủ phần nào trong sự sống chết. Khi quý vị thực tập thiền, quý vị sẽ có khả năng sống đó, làm chủ ngay khi sống và đến khi chết cũng vậy.

Khi có thời gian rảnh khoảng 1-2 ngày, quý vị đóng cửa ngồi thiền, không tiếp xúc với ai, quý vị sẽ thấy những ký ức trào về trong mình ghê gớm lắm. Khi đó mình nghĩ rằng, tại sao đi ra ngoài mình thấy an lạc, thấy vui, mà đóng cửa lại ghê gớm vậy? Tu mà dễ sợ hơn là sao? Hàng ngày chúng ta tiếp xúc bị những rối ren che mắt mình. Chúng ta đóng cửa để tu, thấy nhiều không có nghĩa là tu bị lạc, mà vì hôm nay mở mắt nên mới thấy những cái gì đang có trong tâm mình. Để rồi một lần đối diện chúng ta chuyển hóa, thay đổi, lặng trở lại cho những thứ đó tiêu đi.

Đến khi chết, những thứ đó đã được thanh lọc rồi, nếu có về thì mình cũng đã thấy rồi, đã gặp rồi, đã quá quen rồi và đã giải quyết rồi và mình yên ổn. Lúc ấy nếu sức giác mạnh thì mọi thứ chỉ như mây qua đỉnh núi, gió qua ngọn tùng, không có gì chi phối được. Nếu yếu, quý vị thấy điều gì chưa tốt thì ghi nhận và sẽ sửa đổi sau, điều gì tốt thì sẽ phát huy nữa, thấy liền xem nhẹ và cho qua, không để cho những thứ đó chi phối mình thì chúng ta sẽ tự chủ phần nào.

Như đống hồ sơ ở văn phòng, hàng tuần chúng ta đều giải quyết gọn gàng rồi lưu hồ sơ theo tháng, theo năm một cách ngăn nắp thì 10 năm sau, khi thanh tra đến kiểm tra, lấy ra dễ không? Rất dễ. Đó là tự chủ. Còn chúng ta cứ để ùn một đống đó, khoảng 10 năm sau thanh tra lại thì rất khó tìm được vì đã thành một mớ rối bòng bong. Thanh tra có nói lỗi gì mình cũng phải chịu, vì không tìm được căn cứ để giải thích và mất tự chủ. Cũng như vậy, nếu trong ngày quý vị có ít nhất 15, 30 phút, 1 tiếng hay nhiều hơn để đối diện với nội tâm mình, giống như hồ sơ đã được kiểm tra rồi.

Quý vị không cần suy nghĩ, cứ lặng lại thì nó sẽ hiện ra, cứ gạn lại thì những gì dơ sẽ nổi lên, mình nhìn thấy cái nào không phải thì sám hối, sửa đổi, điều nào được thì phát huy, cái nào không phải không trái thì bỏ qua. Làm được như vậy giống như quý vị kiểm tra sổ sách hàng ngày, kiểm tra hết rồi thì tới khi nhắm mắt, chắc chắn chúng ta sẽ tự chủ được. Dù các niệm khởi có còn hay hết, có về hay đi thì chúng ta cũng đã kiểm tra rồi, không còn bàng hoàng, không bỡ ngỡ, không bối rối và không sợ hãi nữa, vì hàng ngày đã đối diện và chuyển hóa rồi. Còn nếu không như vậy, khi nó ụp về một lúc nhiều quá quý vị sẽ rối rắm, hốt hoảng và sợ hãi lắm.

Có nhiều vị nói, từ hồi nhỏ đến giờ sống hết lòng với gia đình, bạn bè, không nghĩ gì cho mình cả, tự nhiên có một ngày mọi người quay lưng lại với mình, không hiểu mình, khi đó thấy trống trải, cô đơn, không biết nương tựa nơi đâu. Nhưng thực ra, nếu mà cảm nhận được như vậy thì đó là người có phước. Vì sao vậy? Chúng ta dù muốn dù không, ai rồi ít nhất trong đời cũng phải đối diện với trạng thái cô đơn một lần, chính là lần cuối cùng chia tay cuộc đời để ra đi. Khi quý vị già, yếu, bệnh, chết, thân nhân có giúp mình được không? Của cải đầy nhà có giúp mình được không? Tất cả chia tay hết, một mình mình ra đi.

Nếu như chúng ta có một lần buồn khi còn trẻ, còn khỏe mạnh, chúng ta mới ý thức, nếu bây giờ không đối diện thì nay mai cũng phải đối diện mà thôi, có ai trốn được đâu? Bị người hất hủi là chuyện phủ phàng, nhưng với mình thì phải cám ơn đã cho mình một cơ hội để kịp nhận ra nổi cô đơn ấy khi còn thời gian, tinh thần và sức khỏe để giác ngộ, chuyển hóa. Đó là cơ hội tốt để chúng ta trưởng thành và không lầm trong cuộc sống. Cho nên bây giờ còn trẻ, còn sức khỏe, còn trí tuệ, còn thời gian thì mình phải nhận biết và chuẩn bị những gì cần làm cho mình. Cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè, của cải, mình cảm thấy quan trọng nhưng rồi cũng có ngày phải bỏ lại. Tất cả những gì bên ngoài đều là duyên trần, mình không bỏ nó thì có ngày nó cũng bỏ mình.

Đừng dại dột mà dính mắc thái quá, giao cả sứ mạng cho một cái không bền để rồi chúng ta phải khổ. Phải ý thức rằng, trong cuộc sống tương đối này cũng cần có sự tương giao ở một mức độ nào đó, nhưng đừng để nó chi phối mình lớn quá, đừng lệ thuộc lớn quá để một ngày nó chia tay mình thì mình khổ. Cái chính là phải trở về với tâm rõ ràng sáng biết của mình. Khi trở về rồi, chúng ta định tĩnh, sáng mạnh, khi đó cái gì đến chúng ta cũng sẵn sàng đối diện với tất cả những thứ phải đối diện, không có gì làm ngăn ngại. Xem nhẹ bớt mọi thứ trong đời, tất cả chỉ là bình thường, không tâm thì tự nhiên được sáng trong, yên ổn và an lạc. Cuộc đời sống như vậy là đã sang một trang mới rồi. Người này khi nhắm mắt chắc chắn sẽ nở nụ cười an vui.

Tọa thiền chính là lúc đối diện với chính mình để thanh lọc, chuyển hóa và làm chủ được tâm mình. Được như vậy thì ngay khi ở thế gian mình bình ổn, lúc chết được tự tại, an vui. Ví dụ như quý vị đi trên một sa mạc nắng nóng, có ai cho một ly nước lạnh, uống có ngon không? Rất ngon. Khi về lại thành phố, ăn uống đầy đủ, những gì ngon nhất đã ăn uống rồi, ai cho một ly nước lạnh quý vị uống thấy ngon không? Cũng bình thường. Như vậy, ly nước lạnh vẫn là ly nước lạnh, nhưng quá ngon khi chúng ta đói và khát, và sẽ trở nên bình thường khi chúng ta no.

Cuộc đời này cũng thế, hơn thua, được mất, phải trái, tất cả mọi thứ nó chỉ là một ly nước lạnh. Nhưng mình lại cho nó quan trọng bởi vì chúng ta đang đói với thượng vị an định, trí giác, chưa cảm nhận và sống qua, không có gì khác hơn những thứ hơn thua được mất đó nên chúng ta cho nó là quan trọng. Thử gẫm lại thời còn bé, đã có lúc chúng ta có những cuộc cải lộn chiến thắng người khác vinh quang lừng lẫy.

Bây giờ có tuổi rồi ngồi gẫm lại xem có đem ra cái chiến thắng ấy ra sử dụng vào đâu được không? Không xài được. Mới thấy nó không có gì đáng quan trọng, nhưng khi ấy vì còn non dại nên chúng ta quan trọng nó một cách thái quá và khổ vui theo nó một cách vô ích. Gẫm xa hơn nữa là khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, những thứ ấy đều để lại, không đem theo được thì thử hỏi nó có giá trị gì không? Nếu không có lần ngồi gẫm xem lại cho kỹ để nhận ra thì chúng ta sẽ tiếp tục làm người non dại muôn đời trong ngôi nhà trí giác chân thật chính mình.

Vì chúng ta không có cái gì hơn những thứ tầm thường trong đời nên bị nó cuốn hút và làm cho mình khổ. Nếu chúng ta có cái gì hơn nó thì nó sẽ trở thành tầm thường. Khi chúng ta sống trở về với tánh giác mạnh mẽ rồi thì sẽ có niềm an vui vô thượng, những thứ bên ngoài này quý vị không cần bỏ mà tự nhiên nó mất giá trị, không còn đủ giá trị tác động lên thân và tâm mình nữa. Không cần bỏ mà nó tự mất giá trị, có và không giống nhau, ngay đây quý vị đã được giải thoát. Thực tập tọa thiền đúng pháp chính là giúp quý vị trở về với sức giác đó. Khi sức giác đủ lớn, đủ mạnh, tự nhiên quý vị sẽ có được niềm vui, trí tuệ sáng, định tĩnh cao, niềm an lạc lớn. Chính lực đó sẽ giúp cho chúng ta giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại, nơi chợ búa, công sở, gia đình. Khi những thứ bên ngoài không còn đủ giá trị làm mình lung lay nữa thì chính là lúc chúng ta đã được giải thoát rồi. Nếu chúng ta đã no cái thượng vị thiền rồi thì những cái còn lại tự nhiên sẽ chia tay mình, dù có đối diện hay không đối diện cũng không dính dáng. Công năng tọa thiền rất lớn là vậy.

Quay trở lại, chúng ta sanh tử là do nghiệp, mà nghiệp là do thân, miệng, ý tạo. Ý khởi nghĩ, miệng nói, thân làm theo, tạo nghiệp, có sanh tử, có khổ đau. Nếu ý không nghĩ thì thân, miệng có làm được gì không? Cho nên trị ngay nơi ý. Khi ý vừa khởi lên mà đi theo thì tạo nghiệp trong sanh tử. Bây giờ ý khởi lên, chúng ta lắng lại, không theo, không tạo nghiệp thì dứt sanh tử. Tọa thiền, lắng những niệm tưởng lại là một biện pháp dứt nghiệp. Đức Phật nói Niết Bàn là củi hết, lửa tắt. Tọa thiền có giá trị lớn như vậy, nhưng đơn giản và thực tế vô cùng.

3. Nhận biết để chuyển hóa

Thiền là một danh từ có rất nhiều người mượn để làm hình thức che dấu những cái khác ở bên trong. Vì vậy, khi tu thiền, quý vị cũng phải nắm vững những điều cơ bản, nếu không dễ bị chữ thiền này làm lòa mắt, khiến chúng ta thực hành sai. Đó là lý do nhiều người nói tu thiền điên. Muốn kiểm tra có đúng hay không, phải từ tâm mà nghiệm biết. Cơ bản là các phương thức làm lắng lại các vọng niệm, tâm mình tự sáng ra, đó là đúng. Còn nếu tìm cầu một điều gì đó ở bên ngoài thì không đúng. Con mắt của chúng ta chỉ thấy các vật bên ngoài mà không thể tự thấy được con mắt.

Như vậy, thấy là thấy cái gì bên ngoài rồi chứ không phải thấy con mắt. Con mắt không thể thấy con mắt mà chỉ có thể thấy cái ly, bông hoa, đồng hồ… Chỉ là khi thấy hoa, đồng hồ thì biết con mắt mình đang sáng chứ không thể thấy được con mắt của mình. Cũng vậy, khi thấy một cái gì đó, dù đó là hào quang hay ánh sáng lạ thì nó đều là cái bên ngoài, không thật, không phải là tâm mình. Nếu chính thực là tâm mình thì chỉ có thầm nhận chứ làm sao mình lại thấy trở ngược lại cái tâm của mình được! Trên thế gian này, vật chất quý nhất là vàng ngọc, nhưng nếu nghiền nát bỏ vào mắt thì có thấy xốn không? Con mắt vốn tự thể là trong suốt, nó không nhận thêm bất cứ một thứ gì dù đó là vật quý nhất trên thế gian này. Cũng vậy, bản tâm chúng ta vốn tự lặng trong, thanh tịnh, vốn không một vật. Ánh sáng, hào quang hay bất cứ cái gì bên ngoài cũng chỉ giống như mạt vàng làm xốn thêm con mắt mình mà thôi. Tâm nó không nhận tất cả những thứ đó.

Cho nên các Ngài nói, khi ngồi thiền, gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma. Phật hay ma trong khi mình ngồi mà thấy chẳng qua chỉ là ảo tưởng thôi, ma cũng có thể hóa thành Phật để dụ dỗ mình. Cho nên Phật là tự tâm, không phải tìm cầu bên ngoài. Nếu tu tập đúng, mình trở về tâm Phật nơi chính mình. Còn nếu mong cầu Phật tới thì ma sẽ hóa hiện đến lôi kéo mình làm quyến thuộc của ma. Khi tọa thiền, những gì diễn ra đều là giả. Thấy cái gì đó bên ngoài dù là hay cũng không phải tâm mình, thêm vào chỉ làm tâm bị ô nhiễm thêm mà thôi. Tổ Huệ Năng nói: “Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ”. Đức Phật dạy, ngoài tâm mà cầu Phật thì đó là ngoại đạo. Ngồi thiền mà thấy ánh sáng này, hào quang nọ, đó là hiện tượng bên ngoài, không dính dáng đến bản tâm, chỉ cần không để ý đến thì nó qua. Còn nếu thấy vậy rồi nghĩ mình đã chứng thánh là sai, dễ dẫn đến bệnh hoạn. Cho nên không biết tu thiền mới là điên, còn nếu biết thì rất tốt.

4. Buông xuống

Thiền là gì?Bây giờ đi thẳng vào việc thực tập. Tu thiền nói khó, thực ra không phải khó. Quý vị nghĩ tâm mình ở đâu, nơi mình hay nơi người khác? Nơi mình thì mình có quyền lấy lại dễ dàng. Chung quanh mình có vàng bạc, châu báu, nhà cửa…, quý vị thử bỏ đi có được không? Vẫn có thể bỏ được. Rồi bà con thân thích, quý vị đóng cửa một ngày dưỡng bệnh, không gặp ai hết, cũng bỏ được. Gần nhất là thân mình đây, quý vị đừng nghĩ đến nó nữa, thử bỏ một chút có được không? Được. Vì có cái để bỏ mà. Rồi tâm của mình, nghĩ đúng, nghĩ sai, nghĩ phải, nghĩ trái, một lúc nào đó không nghĩ nữa, bỏ cũng được. Của cải vật chất, bà con thân quyến, bạn bè, thân tâm suy nghĩ, quý vị thử bỏ hết, ngồi lắng lại, đừng suy nghĩ gì hết, quý vị có nghe thấy quý Thầy nói không?

Có nghe. Mình lắng trở lại vẫn nghe được, quý vị có dẹp đuổi cái nghe này đi được không? Không, mà cụ thể là chúng ta đang nghe thấy rõ ràng, đúng không? Ngay cái thấy, cái nghe chưa động đây, là quý vị đang sống bằng cái thấy biết của thiền. Những cái gì bỏ được, chúng ta đã bỏ rồi, còn một cái không thể bỏ được, muốn bỏ cũng không được, thì cái đó mới trung thành với chúng ta. Cái gì bỏ được thì không trung thành, có ngày nó sẽ ra đi. Còn cái không bỏ được thì chính nó luôn là mình, chính thực là mình.

Có vị Tăng đến hỏi Thiền sư Tùng Thẩm ở Triệu Châu:
– Khi một vật chẳng đem đến thì thế nào?
Sư đáp:
– Buông xuống đi.

Một vật đã chẳng đem đến, tức là không còn có gì cả, nhưng vì sao ông Thầy này lại còn thấy có vấn đề để hỏi? Nếu còn có một vấn đề gì đó để hỏi là còn có một vật rồi, buông nó xuống luôn đi! Khi buông sạch rồi, không còn gì để buông nữa, thì nhìn lại coi, ai đang biết hỏi đáp một cách rõ ràng đó? Ngay đó khéo thể nhận lấy thì toàn thể hiện bày.

Khi gạn tất cả mọi thứ, còn một tánh sáng lặng chưa từng động, ngay đó mà sống thì đó là thiền. Cho nên Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Buông xuống! Buông xuống! Cái buông chẳng được, chính là kẻ ấy.” Cái buông cũng không được, bỏ cũng không được, nó chưa hề bị sanh diệt chính là cái chân thật của mình. Sống ngay đó là phải. Như vậy chúng ta mới thấy sự tu tập thiền là sống bằng tâm đó. Tu thiền là gạn những cái huyễn hóa để nhận lại cái thật, sống với cái đó thì quý vị không muốn giải thoát cũng tự giải thoát. Khi quý vị an định, tâm sáng, trí sáng, tất cả mọi thứ tràn đầy niềm vui rồi thì những cái thế gian tự nhiên mất giá trị với mình, không còn đủ sức tác dụng chi phối mình, ngay đó tự mình là giải thoát, không tìm cầu một cái gì đó bên ngoài. Sự giải thoát có ngay trong cuộc sống cho đến lúc chết cũng vậy thôi. Khi nhắm mắt xuôi tay, tất cả mọi thứ bỏ lại, đối diện mọi thứ trong trạng thái tĩnh, lực đó làm chủ nghiệp và chúng ta muốn đi đâu là quyền chúng ta. Đây là năng lực cơ bản ban đầu của người tu thiền.

Từ từ thực tập rồi quý vị sẽ thấy. Khi ngồi thiền mà chúng ta chưa biết dụng công thì tự nhiên nhiều thứ nó chi phối mình. Nhưng khi biết rồi, chỉ cần giác trở lại thì những thứ đó tự nó tiêu tan, không còn. Việc này không khó, có khó chăng là tại chúng ta chưa tập quen nên thấy khó trở về, còn tập quen lâu ngày thuần thục rồi thì rất dễ, vì ngay nơi chính mình chứ không phải ở đâu hết.

5. Dụng công chánh thống thiền

Kế nữa đi vào thực tế, trong bốn oai nghi, đi cũng thiền, đứng cũng thiền, ngồi cũng thiền, nằm chúng ta cũng có thể thực tập được, nhưng ngồi vẫn là một tư thế thù thắng giúp cho chúng ta có sức tỉnh cao, mạnh mẽ và có hiệu quả nhất. Cho nên cần phải thực tập tọa thiền là vậy. Khi ra chợ chúng ta vẫn ứng dụng được, chỉ cần tỉnh trở lại, không theo cảnh thì chúng ta đã sống với thiền rồi. Cho nên vua Trần Nhân Tông nói “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Khi đi, khi nói chuyện, trên tất cả mọi thứ chúng ta luôn tỉnh trở lại, luôn lặng sáng để làm tất cả việc thì lúc đó là thiền rồi. Nhưng nếu muốn có công phu mạnh mẽ, hiệu quả cao hơn, thời gian tu tập nhanh thuần thục hơn thì chúng ta phải tọa thiền. Ngồi là thế tốt nhất, ưu việt nhất nên muốn tu tiến, chúng ta cần phải ngồi thiền.

Nếu quý vị nghe nhiều, hiểu nhiều mà không thực tập thì nói chỉ uổng công mà thôi. Quý Thầy nói nhiều mà quý vị không thể nghiệm thì cũng chịu, giống như đến ngân hàng, đếm bao nhiêu tiền mà về nhà không có gạo ăn. Mình đang bị bệnh, đến bác sĩ kê thuốc để uống cho hết bệnh, quý vị mua thuốc về nhưng không uống thì có lành bệnh không? Cũng vậy, nghe nói nhiều, hiểu nhiều mà quý vị không thực tập thì một thời gian sau, chắc chắn quý vị cũng sẽ cảm thấy nhàm chán với những thứ lý thuyết này thôi. Chúng ta chỉ cảm thấy hân hoan, nhận ra giá trị chân thật khi tự thân chúng ta dụng công, thể nghiệm. Cho nên, thực tập tọa thiền là điều cần thiết. Chỉ khi thực tập tọa thiền, thể nghiệm, nhận chân được giá trị đích thực thì chúng ta mới thích thú, phấn chấn trong công phu tu tập, mới có duyên sâu với chánh pháp, đời đời sanh ra sức giác này sẽ nhắc thức mình sớm giác ngộ, tiếp tục tu hành, không bị lầm đường lạc lối.

Thiền là gì?

Muốn tọa thiền tốt, chúng ta phải chuẩn bị trước khi tọa thiền. Nếu ăn no thì phải nghỉ ít nhất đến hai tiếng đồng hồ sau rồi ngồi thì mới tốt. Còn nếu đang no mà ngồi liền thì thần kinh phải tập trung làm việc với bao tử khiến cho chúng ta cảm thấy buồn ngủ hoặc là nặng nề ì à ì ạch, rất khó tập trung, hơi thở bị thô phù làm cho mình tán loạn nhiều hơn, ngồi sẽ bị mệt. Vì vậy, ăn uống xong hai giờ sau quý vị mới nên thực tập ngồi thiền. Thứ hai, trong khi ngồi, nếu chúng ta ăn đồ ngọt, đồ béo nhiều quá thì dễ bị nặng nề, dễ bị đau chân.

Kế nữa, khi chuẩn bị ngồi thiền, quý vị nên nhớ giờ này là giờ của mình, mình cần phải tập trung làm việc của mình. Trong một ngày 24 tiếng đồng hồ mình đã sống cho người khác rồi thì tối hoặc khuya, còn một ít thời gian, mình phải làm cho được việc của mình. Khoảng nửa giờ trước khi chuẩn bị ngồi, quý vị nhớ đi đứng cho nhẹ nhàng, ăn nói hạn chế, những chuyện đúng sai trong gia đình, xã hội, công việc làm ăn mình buông bỏ, đừng để trong đầu nữa, tốt nhất là chúng ta nằm buông thư, thư giãn, tâm mình buông, không nghĩ gì hết. Thân mình cũng vậy, buông lỏng các cơ, cho đến hơi thở cũng buông thở nhẹ nhàng, tự nhiên quý vị sẽ nhận thấy khinh an.

Sau đó quý vị đứng dậy đi ngồi thiền thì sẽ dễ an định. Còn nếu trước khi ngồi thiền mà quý vị tranh thủ quá, đi cho nhanh, tính toán công việc, tất cả mọi thứ cứ đang còn lăng xăng lộn xộn mà bắt chân lên ngồi thiền thì hơi thở sẽ hổn hển, không yên được. Rồi các chuyện cứ tấn công mình hoài, ngồi mấy tiếng đồng hồ giống như một đợt bị tra tấn mạnh làm cho mình rối lên, nhúc nhích, mệt mỏi…, không có an vui. Khi bắt đầu ngồi xuống cũng vậy, tất cả mọi động thái đều nhẹ nhàng, còn nếu làm mạnh và thô tháo quá sẽ không hỗ trợ được tốt cho mình khi ngồi thiền. Cho nên muốn ngồi thiền hiệu quả chúng ta phải có các bước chuẩn bị tốt trước khi ngồi.

Kế nữa là thế ngồi, nếu quý vị ngồi khom thì hơi thở không thông, lâu ngày sẽ có trạng thái giống như bị đau bao tử. Khi bị như vậy, cứ ngồi thẳng, thở cho sạch hơi, mọi thứ thông thì sẽ hết các triệu chứng, không có gì trở ngại. Còn nếu ngồi mà căng thẳng quá, vì muốn ngồi cho thẳng mà ngực bị ểnh về phía trước quá thì sẽ có tác dụng phụ là dễ bị sân, nghe tiếng động là bực mình, nghe hơi bị tức ngực…, Khi có các triệu chứng đó thì biết mình ngồi bị sai thế, phải chỉnh lại thế ngồi cho ngay thẳng, buông thỏng, thỏa mái, bình thường, hơi thở suốt thông thì các triệu chứng phụ sẽ hết, đừng cố gồng cho thẳng rồi ưởng ngực về phía trước quá sẽ không tốt.

Về cách dụng công, cái chính vẫn là trở lại nội tâm của mình, nhưng mà ban đầu do chưa thuần nên hay bị loạn động nhiều quá, thì đầu tiên dùng cách đếm hơi thở. Hít vô, thở ra đếm một, hít vô, thở ra, đếm hai, đếm đến mười thì bỏ, đếm lại từ đầu. Nếu đếm nửa chừng mà bị lộn hoặc bị quên thì cũng đếm lại từ đầu. Khi đếm hơi thở thuần rồi, quý vị cảm thấy thân tâm tương đối nhẹ nhàng, hơi thở thông, số đếm không bị lộn, vọng niệm thưa dần thì chúng ta chuyển qua tùy tức, hít vào hoặc thở ra, hơi thở đến đâu chúng ta biết đến đó, biết theo hơi thở một cách rõ ràng.

Khi tùy tức thuần thục rồi thì qua bước thứ ba là biết vọng, biết những niệm khởi đó là giả, không có tâm dẹp đuổi, không đè nén mà chỉ là không theo. Đến khi dụng công thuần thục, quý vị xem lại coi, ngay khi biết những niệm đó là giả, không theo, thì “biết” đó là chúng ta “biết theo” vọng niệm hay là chúng ta “tự biết“? Ví dụ như khi thấy bông hoa thì phần đông chúng ta biết về bông hoa, biết theo bông hoa và khi không có bông hoa thì mình không biết. Còn nếu chúng ta tự biết thì đang sáng rõ, mình đang thấy thì khi có hay không có bông hoa mình vẫn đang thấy biết rõ ràng đây. Khi quý vị thấy mà thấy biết theo bông hoa, thấy niệm mà biết theo niệm, biết về một niệm nào đó thì niệm có rồi mình mới biết theo, thế là chạy theo đuôi niệm và như thế sẽ bị vọng niệm dẫn mình hoài, không thắng được là vậy.

Cho nên ban đầu thì tạm dùng cái biết này để vọng niệm nó không lừa gạt và dẫn mình đi. Đến khi dụng công khá rồi thì trăm ngàn muôn thứ có đến, quý vị chỉ cần an tịnh lại, lóng lặng lại và tâm mình đang tự sáng biết rõ ràng đây thì mọi thứ tự tiêu tan, cháy hết, ngay đó quý vị đang sống bằng bản tâm chân thật chính mình. Sống bằng tâm thái đó thì ngay khi biết là chân tâm mình đang hiện tiền, ngay đó chúng ta đã bắt đầu sống được với thiền rồi.

Quý vị cứ yên lòng thực tập từ từ, rồi quý Thầy sẽ chỉ, đừng gấp quá, giống như mình đang tập đi chập chững thì cứ đi từ từ, khi tiến nhanh hơn một chút, quý Thầy sẽ dìu thêm, chứ đi chập chững mà ham chạy thì sẽ bị té.

Xưa kia, Mã Tổ Đạo Nhất hàng ngày chuyên tọa thiền, Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng thấy vậy biết đó là bậc pháp khí (người hữu ích trong Phật pháp) nên đi đến hỏi:
– Đại đức ngồi thiền để làm gì?
Đạo Nhất thưa:
– Để làm Phật.
Sau đó, Sư lấy một cục gạch đến trên hòn đá ở trước am Đạo Nhất ngồi thiền mà mài. Đạo Nhất thấy lạ hỏi:
– Thầy mài gạch để làm gì?
Sư đáp:
– Mài để làm gương.
– Mài gạch đâu có thể thành gương được?
– Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?
– Vậy làm thế nào mới phải?
– Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?

Ngồi kiết già đó mà không biết dụng tâm thì cũng không thể gọi là thiền. Cái thân có nhúc nhích là do cái tâm ở bên trong. Bây giờ ngồi để làm Phật mà không nắm vững cách dụng tâm thì làm sao thành Phật được. Thân này là chiếc xe, mà tâm là con trâu. Chiếc xe thì vô tri vô giác mà con trâu mới có tri giác và mình điều khiển được. Ngồi là một phương pháp hỗ trợ để chúng ta định tâm tốt nhất, ngồi đó là một tư thế để điều trị tâm thì mới chính là ngồi thiền chứ không phải ngồi là thiền.

Không phải thấy ai bắt chân lên ngồi kiết già là thiền, mà phải hỏi ngồi để làm gì, ngồi như thế nào và dụng công như thế nào, gạn kỹ thì mới biết là đúng hay không. Cho nên cái dụng công chính vẫn là từ tâm. Cụ thể là ban đầu khi mới tập ngồi, vọng tưởng nhiều quá cho nên chúng ta đếm hơi thở. Phương pháp này rất quan trọng, quý vị đừng bỏ qua. Nó sơ cơ, nhưng là nền tảng. Ban đầu ngồi chưa quen, hơi thở còn thô phù, hổn hển cho nên định lực chưa có và vọng tưởng sẽ nhiều. Khi quý vị đếm hơi thở là tạm thời mượn hơi thở để quên cái vọng tưởng kia. Dụng công như vậy một thời gian thì hơi thở của mình sẽ tự nhẹ lại, vi tế hơn, thân mình sẽ trở nên khinh an, dễ chịu. Chính cái nhẹ lại, khinh an, thưa dần vọng niệm sẽ giúp mình có sức làm chủ vọng niệm. Khi chúng ta đếm không lộn, thuần rồi thì qua tùy tức theo hơi thở. Theo hơi thở thuần rồi thì qua biết vọng, thấy vọng tưởng biết là giả nên không theo. Khi quen rồi mới xem lại biết là biết theo vọng niệm hay tâm tánh mình đang tự sáng biết. Khi thể nhận tâm mình đang tự sáng biết rồi thì ngay khi biết là chân tâm, là tánh Phật hiện tiền. Sống ngay đó là tu thiền chánh thống.

6. Điều hòa thân tâm khi tọa thiền.

Thường quý vị mới tập thì ngồi khoảng chừng 15 – 30 phút, trải qua khoảng 1-2 tuần thấy thuần thục muốn tiến thêm thì tăng lên 5 phút. Ít nhất phải một tuần sau mới tăng thêm 5 phút nữa. Nếu cảm thấy đau quá thì hai tuần sau rồi hãy tăng thêm. Khi tăng rồi, đừng có lùi lại, thì chúng ta sẽ tiến. Còn nếu ham quá, tăng một lần nửa tiếng, gồng quá vài bữa sau nghe đến giờ ngồi thiền thì liền có cảm giác chán ngán, hơi ớn ớn và sợ, như vậy là hư việc. Cho nên tăng phải có khoa học thì mới bền, và điều kiện để tiến nhanh nhất chính là phải có điều độ, liên tục. Giờ sáng, giờ tối, giờ nào quý vị cảm thấy có thời gian tự do cho riêng mình thì chọn giờ đó để ngồi, và tới giờ đó quý vị luôn tập trung để ngồi thì quý vị sẽ tiến. Còn bữa nay ngồi, mai không ngồi nữa thì sẽ tiến chậm hơn. Nếu quý vị giữ điều độ thì sẽ mau tiến, còn không điều độ thì vẫn tiến, nhưng chậm hơn. Trồng cây cũng vậy, ươm mầm rồi tưới điều độ thì cây sẽ lên, còn lâu lâu mới tưới một lần thì cũng lên nhưng yếu ớt.

Thứ hai, phải nhớ ngồi thiền là tự nguyện để an tâm mình chứ không phải là ai bắt buộc, cho nên giờ ngồi phải chủ động, mạnh mẽ, thì ngồi sẽ có kết quả. Còn ngồi giống như là ai bắt buộc, ngồi cho có thì ngồi là ngồi đó thôi chứ trâu hoang vẫn cứ chạy rong, không có hiệu quả.

Thứ ba, quý vị nên nhớ, con người chúng ta thường muốn có kết quả sớm quá, hễ làm gì là muốn phải có kết quả liền, khi không có kết quả thì chán, muốn bỏ. Nhưng nếu cái gì dễ quá thì không quý, khó mà làm được thì mới quý. Cái gì hay thì hay, nhưng phải có thời gian thực hành thì mới đạt đến được, nếu nôn quá thì dễ bỏ cuộc. Cho nên khi tu thiền, muốn tiến bộ, chúng ta phải có sự thiết tha, tức là mình mong muốn, thích thực tập cho được, giống như đói muốn ăn, khát muốn uống. Ngày xưa có nhiều vị khi đi tu, có người nói tu khó lắm thì chỉ trả lời một câu: Thích là làm được. Khó gì thì khó mà thích thì làm được.

Ngoài đời cũng có nhiều việc khó vô cùng, nhưng khi thích thì làm được. Tu tập cũng vậy, thích là chúng ta làm được. Từ cái thích đó, chúng ta phải có sự thiết tha, sau đó rồi phải có quả cảm, phải có sự gan dạ, dám làm. Thứ ba là phải trường viễn, không phải là một ngày một bữa mà tu là thực hành mãi, bất cứ khi nào chúng ta thực hành công phu là chúng ta đang ăn vị thiền, sống trong nhà thiền và chính cái tâm thiền đó sẽ giúp cho chúng ta lớn mạnh và giải quyết sanh tử. Lập được ba chí đó là chúng ta thành công. Còn nếu không thiết tha, làm cho có thì yếu, không tiến bộ nhiều. Chúng ta làm mà muốn được liền, nếu chưa được thì dễ nản, như vậy cũng không được. Còn nếu nhát gan quá, không tin tâm mình là Phật, không tin mình có khả năng thành Phật, ngồi mỏi chân một chút là muốn thả ra, buồn ngủ thì thả ra đi ngủ, đau chân một chút là sợ, không quả cảm, không dám làm thì sẽ không thành công.

Khi đau chân, nếu quý vị gồng thì sẽ càng đau, lúc đó không nên gồng mà ngồi thẳng, hít sâu thở nhẹ cho thân tâm lưu thông, đừng để ý đến cái đau thì tự nhiên cái đau sẽ tan biến. Ví dụ như khi có dao lam cắt vào tay mình, đầu tiên là đau. Bây giờ sẽ có hai cái nhìn về cái đau này, thứ nhất là kêu đau quá, lo lắng, biết theo cái đau mà quên tánh mình đang sáng biết thì cái đau sẽ nhân gấp đôi làm cho mình hoảng loạn. Còn khi đau, nếu mình đang tỉnh sáng để nhìn nó thì tự nó tách ra khỏi mình, mình đang sáng biết một cách rõ ràng thì cái đau sẽ giảm dần đến khi trong lặng bình thường, nó không còn dính dáng gì đến mình nữa. Khi đang lặng sáng để nhìn, tức là đang ở trong thiền để nhìn. Như thế cái đau này sẽ mất tác dụng với mình.

7. Thiền thấu tột trí vô sư

Khi đã thực tập ngồi thiền tương đối ổn rồi thì trong sinh hoạt hàng ngày quý vị cũng có thể ứng dụng công phu được. Nếu chờ ngồi mới thực tập, tới giờ tu mới dụng công thì ít quá. Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nếu khéo một chút, chúng ta cũng thực tập thiền được. Ngày xưa, khi lên xe, chúng ta nghĩ bao nhiêu việc phải làm, rồi sực nhớ lại từ nãy giờ lái xe mà không biết mình lái. Đó là mất mình, là quên thực tập thiền.

Bây giờ chỉnh lại, tỉnh sáng rồi mới chạy xe, thì mọi thứ trong lặng, rõ ràng, chạy xe rất an toàn, thơ thới. Đến công sở ngồi vào bàn làm việc cũng vậy, tỉnh trở lại hãy làm, có mặt mình hãy làm thì công việc thông suốt. Ra chợ, tỉnh lại rồi mua đồ. Vào bếp, tỉnh lại rồi nấu nướng…Tất cả mọi việc đều như vậy, tỉnh lại, nhớ lại rồi làm. Vận hành công việc khi đang tỉnh như vậy thì công việc vẫn đang vận hành mà không động. Đây là quý vị đang sống trong thiền mà làm và làm như thế thì tâm mình được an định, trí sáng, cuộc sống trở nên an vui, tươi mát hơn. Còn quên mình mà làm thì đang động, tâm mờ tối, trí rối loạn, dễ bị công việc chi phối và đưa đến khổ đau.

Thường chúng ta hay quan niệm mình có trí thông minh, có được sự hiểu biết là nhờ thầy cô giáo dạy dỗ cho mình. Nhưng nếu chỉ có thế thôi, chỉ nhờ dạy mới hiểu, chờ dạy dỗ mới có trí thông minh và thầy cô giáo có thể cho chúng ta sự thông minh một cách trọn vẹn, thì thầy cô giáo có thể giảng cho cái cột nhà hiểu được không? Không. Vì cái cột nhà nó không có khả năng hiểu. Nhưng nếu giảng cho quý vị nghe thì quý vị có hiểu không? Có, phải không? Bởi vì chúng ta có khả năng hiểu. Như vậy, trước khi hiểu những lời giảng này thì quý vị đã sẵn có cái khả năng tự hiểu nơi mỗi người rồi, thì mới hiểu lời dạy này. Cũng vậy, thầy cô giáo muốn dạy cho học sinh nên người thì trước tiên, con người ta đã có một khả năng tự hiểu trước, họ mới hiểu được lời dạy của thầy cô giáo. Vậy thì, mỗi người đều có khả năng tự hiểu, khả năng sáng, khả năng đó đang có ở nơi tất cả chúng ta.

Nhưng thông thường con người chúng ta chỉ lo học theo một phần bên ngoài mà bỏ quên đi khả năng nơi chính mình đó. Đây là cái sơ sót của con người và quý Thầy đi tu là để tìm lại cái phần bị bỏ rơi sót đó để được đầy đủ trọn vẹn hơn chứ không bỏ cái gì cả. Bỏ quên trí gốc này thì sống, làm việc, sinh hoạt…, tất cả mọi thứ đều động, không giải quyết được sự đau khổ trong đời. Chúng ta chỉ sống trong mộng mị, làm mọi việc mà như người trong mộng đang ngủ mê nói mớ, sống mà như chết. Nhận lại trí gốc này thì mọi thứ vẫn vận hành như vậy, nhưng với mình thì lặng trong, không động bao giờ. Ngay đó mới cảm nhận cuộc sống một cách trọn vẹn.

Khi quý vị đang nghe đây mà nghĩ đi chỗ khác là đã quên mất mình rồi. Cũng khi nghe nói đây, quý vị chú tâm nghe quý Thầy nói chuyện thì tưởng như là đang nhất tâm, an định. Nhưng lát nữa rời chỗ này đi ra ngoài thì quý vị có bị động trở lại không? Bị động liền, phải không? Cho nên, khi quý vị chú tâm như vậy ngỡ là nhất tâm, nhưng khi ra ngoài bị biến đổi thì mới biết đó chỉ là tướng tịnh do cột tâm mà có ra thôi. Tướng tịnh này nó đối đãi với cái động kia nên nó có còn, có mất, có sanh, có diệt. Mà tướng thanh tịnh này có còn, có mất thì nó chưa phải là cái tịnh tuyệt đối. Vì sao? Vì khi quý vị chú ý lắng nghe là vin theo lời này mà chú ý, đó là đã bỏ quên mất chính mình. Đây là bỏ nhà mà đi ra, mà đi ra là bị rơi vào sanh diệt, nên biết tướng tịnh đó chưa phải là chân thật.

Bây giờ quý vị đừng chú ý nữa, cũng trạng thái lặng mà sáng biết này, an trở lại nơi chính mình thì tự tánh đó nó sẽ tự động nghe một cách linh thông, không ngăn ngại. Bằng tâm đó, dù ngồi đây hay đi chỗ khác thì tánh thấy biết đó vẫn luôn hiển hiện, không động, không thiếu vắng bao giờ. Bản tánh này vốn nó tự tịnh, tự định. Chỉ sống trở lại thì tự tính chất nó là an định, muốn động cũng không được, chứ không phải làm cho trở nên an định. Nếu có làm cho được định thì cái định đó sẽ bị sanh diệt đổi thay và không thật. Ngay cái thấy biết chưa từng động đó là quý vị đã sống trọn vẹn với con người chân thật nơi chính mình rồi, là sống với khả năng căn bản thông minh của mình rồi. Bằng cái sáng biết đó để nghe lời giảng thì được cả hai, vừa sống về trí giác không động, bằng trí giác đó mà nghe thấy suốt thông một cách rõ ràng, thông minh hơn rất nhiều lần so với cái hiểu biết phân biệt có giới hạn kia. Còn bỏ quên cái đó mà nghe lời này thì chỉ được một nửa hiểu biết vọng động theo lời bên ngoài mà thôi, không phải là bằng trí gốc căn bản nơi chính mình để sáng biết không động.

Khi sống trở lại trọn vẹn với chính mình thì mọi việc sẽ tự luân lưu một cách thông suốt, hiệu quả nhưng không động. Ra chợ, ngồi làm việc, vào bếp nấu ăn…, quý vị nên tỉnh lại rồi hãy làm. Trong trạng thái tỉnh đó, quý vị đang sống bằng tâm thiền, thì những hành động đó tuy động mà tâm ta không động. Ngay trên công việc, trên cảnh mà không động thì đã có tác dụng của thiền rồi. Còn nếu như làm mà quên mình thì sẽ động, mà động là sanh tử, là khổ đau. Còn tỉnh lại là vô sanh, là được an lạc giải thoát. Ngay khi làm đó, quý vị đã chứng nghiệm được thiền rồi, cái trí đó tự mình sẵn có chứ không ai cho mình được. Đây gọi là trí vô sư, là trí gốc sẵn có không do thầy dạy. Còn trí do học hỏi được từ thầy mới có là trí hữu sư, đây là cái dụng bên ngoài thôi.

Trên chánh điện có câu “Vô sư trí vi tôn”, tức là cái trí thể vốn chưa từng sanh diệt, sẵn đủ nơi mỗi người không phải do thầy dạy mới có, trí đó là tôn quý hơn hết. Quý vị thực tập tọa thiền là sống bằng trí đó, hằng ngày quý vị tỉnh lại mà sống thì đang sống bằng trí đó, không bị thế gian làm mình động. Trí đó, linh thông, sáng suốt, vĩ đại hơn tất cả trí thế gian. Trí đó giúp cho ta làm chủ cuộc sống. Chính sức tự chủ đó, sức sáng đó, sức định đó là niềm an vui vô tận. Nó đủ lớn để các việc thế gian không đủ giá trị tác động lên mình. Ngay khi quý vị sống được như vậy là lòng mình tự mở ra, thương cho những người khác vì sao lại mê mờ mà không cảm nhận được như mình. Bằng cái trí sáng, thương về cái mê, đó là từ bi. Như vậy, ngay khi có trí thì từ bi có ra, còn quên trí mà nói từ bi thì không phải. Rời trí đó thì dù cho tình thương có bao la rộng lớn đến đâu, nó cũng chỉ là bác ái thôi, không phải từ bi. Như vậy, chỉ cần trở lại tâm thiền, sống với thiền thì tự nhiên những giá trị khác tự tròn đủ. Cho nên Ngài Huyền Giác nói: “Lục độ vạn hạnh thể trung viên” tức là sáu độ muôn hạnh, tự tròn đủ trong thể tánh mỗi người chúng ta là vậy.

Thích Tâm Hạnh
(Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã)

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay