Thờ tổ tiên, đốt vàng mã, cầu cơ, lên đồng mê tín hay truyền thống?
Thắp hương trên bàn thờ tổ tiên không phải là một hành động mê tín
Ở các nước Á châu cũng như ở Tây phương, người ta nghĩ có hai cõi: Một cõi gọi là cõi âm, là nơi những người đã chết đang sống bên kia (the Nether World) và một cõi gọi là cõi dương, là nơi chúng ta đang sống bên này. Đây là một tín ngưỡng có tính cách phổ quát trên thế giới. Hầu hết chúng ta đều nghĩ có một cõi mà trong đó chúng ta đang sống, sau khi chết chúng ta đi sang cõi kia gọi là cõi âm. Và chúng ta tìm đủ mọi cách để thiết lập sự liên lạc giữa cõi dương và cõi âm.
Người Á châu gọi cõi âm là cửu tuyền hay chín suối (the World of Nine Sources). Người ta cũng gọi nơi đó là suối vàng, và chúng ta thao thức muốn thiết lập liên hệ với cõi đó để có thể nói chuyện với tổ tiên, với ông bà, cha mẹ đã khuất.
Ở Việt Nam, chúng ta có phong tục thờ cúng tổ tiên. Mỗi nhà, dù nghèo đến đâu đi nữa thì cũng có một bàn thờ để thờ ông bà. Trên bàn thờ có đặt một lư hương, và có thể có hình ảnh của người đã khuất bóng như ông bà nội, ông bà ngoại, người đại diện cho cõi âm. Từ mấy ngàn năm nay chúng ta thực tập tiếp xúc với cõi đó bằng cách mỗi ngày chúng ta tới trước bàn thờ tổ tiên, dâng hương và khấn nguyện. Công việc này mất khoảng một hay hai phút. Trong giờ phút đó, chúng ta có cơ hội tưởng nhớ và thiết lập liên hệ giữa chúng ta với ông bà tổ tiên ở cõi bên kia.
Có lần tôi thuyết trình ở Học Viện Chính Trị Hồ Chí Minh, trong số người tham dự có rất nhiều nhà khoa học và lý thuyết gia Marxist. Tôi nói rằng: Hành động tới trước bàn thờ đốt một cây hương, tiếp xúc với tổ tiên không phải là một hành động mê tín mà là một hành động rất khoa học. Trong khi chúng ta lau bụi trên bàn thờ tổ tiên, đốt hương và cắm vào bát hương thì lòng của chúng ta hướng về tổ tiên, chúng ta làm vững mạnh sự liên hệ của mình với tổ tiên. Sức khỏe của con người, nhất là sức khỏe tinh thần tùy thuộc ở chỗ ta có gốc rễ hay không. Con người không có gốc rễ là một con người không lành mạnh. Vì vậy mỗi ngày ta để một hay hai phút tiếp xúc với tổ tiên là để củng cố và làm vững chãi lại sự liên hệ giữa ta và tổ tiên. Đó là một hành động rất khoa học giúp ta giữ vững được sức khỏe tinh thần. Vì vậy các ngài đừng cho đó là một hành động mê tín.
Đốt vàng mã không phải là một hành động mê tín
Một nhà khoa học phát biểu rằng chuyện đốt vàng mã quả thật là mê tín! Tôi nói không phải như vậy! Có một tâm tình nào đó nằm dưới hành động đốt vàng mã, tiền bạc, nhà cửa, xe hơi, máy tính để những người bên cõi âm có thể sử dụng. Bề ngoài trông như mê tín nhưng bên trong chứa đựng một tâm tình rất đẹp. Tại sao người ta làm như vậy? Vì người ta tưởng nhớ, thương tiếc những người thương đã qua đời. Đó là phương cách để biểu hiện những tâm tình rất tốt đẹp như sự hiếu thảo, sự thương nhớ. Những đức tánh đó rất quí, nếu để mất đi thì con người không còn văn minh nữa và đau khổ rất nhiều. Vì vậy hành động bề ngoài trông như mê tín dị đoan như đốt vàng mã, đốt tiền giấy đó chất chứa một cái gì rất cao đẹp của truyền thống. Đó là sự tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn.
Vì vậy, trong khi chưa tìm ra được phương pháp khác mà quí vị lại bắt người ta bỏ phương pháp đốt vàng mã thì đồng thời quí vị cũng làm cho người ta bỏ đi những cái đẹp trong tâm hồn của họ.
Tìm những phương thức để thay thế
Năm 1962 tôi viết đoản văn “Bông hồng cài áo”. Những sinh viên của các trường đại học Sài Gòn đã tổ chức lễ “Bông hồng cài áo” đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Đó là một hành động rất đẹp! Chúng ta tổ chức một buổi lễ rồi mời bố mẹ tới để tỏ bày lòng hiếu thảo của mình. Mỗi người sẽ được cài lên hai bông hoa, nếu bố mẹ còn sống thì mình được cài hai bông hoa màu hồng, nếu một trong hai người đã qua đời thì mình được cài một bông màu hồng và một bông màu trắng, nếu hai người đều mất rồi thì mình được cài hai bông màu trắng. “Bông hồng cài áo” cũng là một nghi lễ nhưng không có vẻ mê tín. Từ năm 1962 đến nay cũng đã nửa thế kỷ rồi, lễ “Bông hồng cài áo” đã thay thế được một phần nào cho tục đốt vàng mã.
Tôi nói với các nhà khoa học và các lý thuyết gia Marxist tại Học Viện Chính trị Hồ Chí Minh: “Chừng nào quí vị chưa tìm ra được những phương thức mới để nuôi dưỡng những tình cảm đẹp đẽ đó thì quí vị đừng nên bài bác những cái mà dân chúng đang làm”. Và các vị đã thấy được điều này. Trước đó các quan chức rất sợ đốt nhang, sợ người ta thấy mình đang khấn vái trước bàn thờ. Nhưng sau buổi gặp gỡ đó thì các nhà chính trị ở Việt Nam bắt đầu công khai thờ cúng tổ tiên và thắp hương trước quần chúng. Điều đó rất hay! Khi dự hội đền Hùng, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đều đứng ra thắp hương một cách thoải mái mà không sợ người ta cho là mê tín dị đoan. Đó là một trong những đóng góp của chuyến về thăm Việt Nam năm 2005 của thầy và tăng đoàn Làng Mai.
Hai cõi chỉ là một
Tại Làng Mai, chúng ta đi sâu vào giáo lý đạo Bụt. Chúng ta đã khám phá ra rằng, cõi âm và cõi dương thật ra chỉ là một. Có một dòng sông, nhưng không có sự chia cách. Nếu biết cách ta có thể tiếp xúc với người thương, cha mẹ, tổ tiên ngay trong giây phút này mà không cần phải đi qua cõi kia. Khoa học cũng đi trên con đường đó. Khoa học cũng tìm cách để nối lại những hố ngăn cách. Ngày xưa người ta tưởng vật chất và năng lượng là hai cái khác nhau, vật chất không phải là năng lượng, năng lượng không phải là vật chất. Nhưng bây giờ khoa vật lý học đã tìm ra sự thật, đã nối kết được và nói rằng: Vật chất và năng lượng không phải là hai cái tách rời nhau ra mà có. Năng lượng có thể trở thành vật chất và vật chất có thể trở thành năng lượng. Đó là luật bảo tồn năng lượng của nhiệt động học. Như vậy là không còn ranh giới giữa năng lượng và vật chất. Khoa học đã có cái nhìn bất nhị (non-dualistic) giữa vật chất và năng lượng.
Khoa học cũng đã khám phá ra rằng giữa từ (magnétisme) và điện (électricité) cũng không có ranh giới. Từ chính là điện và điện chính là từ. Hai cái là hai mặt của cùng một thực tại. Có một dòng sông, nhưng không có ranh giới giữa bên này và bên kia. Âm thanh và không khí cũng không phải là hai cái khác nhau. Khi những phân tử của không khí rung động thì tạo nên âm thanh, vì vậy âm thanh và không khí là một. Sức nóng và vật chất cũng vậy, những phân tử của vật chất di động mạnh tạo thành sức nóng. Khi chúng ta nấu nước trong microwave thì những phân tử nước di động rất nhanh tạo ra sức nóng. Vì vậy sức nóng và vật chất là một.
Khoa học đang đi trên con đường thống nhất và lấy ra rất nhiều ranh giới giữa cái này và cái kia. Xưa nay từ mấy ngàn năm chúng ta cứ tưởng trời và đất là hai thực tại khác nhau. Ta tưởng tượng trên trời có một triều đình, triều đình đó lo chuyện trên trời nhưng đồng thời cũng lo chuyện dưới đất. Thiên (trời) và địa (đất) khác nhau. Nhưng khi tìm ra được luật “hấp dẫn phổ biến” (gravitation universelle) thì chúng ta biết rằng cả trời và đất đều bị luật hấp dẫn phổ biến cai quản. Chúng ta tìm ra sự thật là trời ở ngay dưới đất và đất ở ngay trong trời. Trời là một phần của đất và đất là một phần của trời. Hãng Air France có câu quảng cáo rất hay, không biết do thi sĩ nào đã làm ra: Faire du ciel le plus bel endroit de la terre (Làm cho trời trở thành một nơi đẹp nhất của đất). Như vậy đất và trời không phải là hai, đất và trời là một, không có ranh giới giữa đất và trời.
Nếu học Phật và đi sâu vào thì chúng ta thấy không có ranh giới giữa cõi âm và cõi dương. Nhìn kỹ cõi dương ta thấy cõi âm nằm ngay trong đó, và ta có thể tiếp xúc, liên hệ, nói chuyện được với những người ở cõi âm.
Có bao giờ quí vị đã nhìn kỹ một đám mây chưa? Đám mây có thể là màu vàng, màu hồng, màu trắng hay màu đen. Một lúc nào đó đám mây biến thành cơn mưa và chúng ta nói rằng đám mây chết. Ta nói đám mây chết vì chúng ta không còn thấy đám mây trên trời nữa. Nhưng đám mây thật sự không bao giờ chết. Đám mây chỉ trở thành tuyết hay thành mưa mà thôi. Đám mây đi luân hồi. Nhìn cho kỹ chúng ta có thể nói chuyện với đám mây: “Đám mây ơi, ta biết nhà ngươi sẽ không chết! Nhà ngươi sẽ trở thành tuyết, thành mưa, thành nước đá, nhưng nhà ngươi không bao giờ có thể chết được. Ngày mai nếu nhà ngươi không có mặt trên trời thì ta cũng sẽ không than khóc vì ta biết nhà ngươi không bao giờ chết, và ta có thể tìm ngươi trong hình thức mới là tuyết, là mưa hay là dòng sông”. Đó là sự quán chiếu.
Các nhà khoa học cũng biết như vậy. Họ đã tìm ra luật bất sinh bất diệt của vật chất và năng lượng. Luật thứ nhất của nhiệt động học nói rằng chúng ta không thể nào sáng chế ra hay tiêu diệt được năng lượng và vật chất. Vật chất có thể trở thành vật chất khác, vật chất cũng có thể trở thành năng lượng. Năng lượng có thể trở thành năng lượng khác và năng lượng có thể trở thành vật chất nhưng bản chất của năng lượng và vật chất là không sinh cũng không diệt. Đó là điều chúng ta đọc trong Tâm Kinh Bát Nhã: Tự tánh của các pháp là không sinh không diệt, không thêm không bớt. Điều này rất khoa học!
Cầu cơ, lên đồng
Ở Việt Nam, vì chúng ta thương tiếc những người đã khuất nên ta tìm đủ mọi cách để liên lạc và nói chuyện với những người đã khuất. Chúng ta dùng nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp cầu cơ và phương pháp lên đồng.
Trong truyền thống lên đồng có nhiều cái hay và có nhiều tính chất nghệ thuật. Lên đồng, tiếng Anh là going into trance, đã có cả ngàn năm ở Việt Nam. Chúng ta muốn liên hệ với bà mẹ núi rừng. Ở Việt Nam người ta tin có một Đức Mẹ, Đức Mẹ này không phải là mẹ của chúa Jésus. Đức Mẹ này là mẹ của chúng ta từ trên rừng gọi là Mẹ Thượng Ngàn hay Mẫu Thượng Ngàn (la mere savrée des forêts). Chúng ta cũng có một bà mẹ khác ở dưới nước. Không có rừng thì chúng ta không sống được mà không có nước chúng ta cũng không sống được. Vì vậy nước là một bà mẹ gọi là bà Mẹ Thoải hay Mẫu Thoải. Thoải là thủy, tức là nước. Bà mẹ rừng khi hiện ra thì luôn mặc áo màu xanh, còn bà mẹ nước thì mặc áo trắng. Ở Việt Nam có nhiều đền chùa thờ hai bà mẹ đó: Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Nhiều khi chúng ta cầu mẹ về dạy cho ta phải sống như thế nào để có an lạc, hạnh phúc trong gia đình và trong xã hội. Vì vậy chúng ta có những cậu đồng và những cô đồng.
Người lên đồng phải ăn chay nằm đất nhiều ngày, tắm gội sạch sẽ cho thật tinh khiết để Mẫu Thượng Ngàn hay Mẫu Thoải nhập vào. Mẫu có thể ca hát, nhảy múa, ban ra những lời khuyên nhủ cho chúng ta. Chúng ta rất khao khát được nghe những lời khuyên nhủ đó. Những người khuất mặt có thể trở về để dạy cho chúng ta.
Sư cô Chân Không kể chuyện là một hôm trong gia đình tổ chức cầu cơ, cầu bố của sư cô về để nói chuyện với những thành phần trong gia đình. Sư cô hỏi bố:
– Không biết ba cất giấy khai sinh của con ở đâu mà con tìm hoài không thấy?
Bố sư cô trả lời và sư cô đi tìm được giấy khai sinh đó.
Dân Việt Nam chúng ta có khuynh hướng muốn tiếp xúc với những người thương đã mất để nói chuyện. Người tới dự buổi hầu đồng phải tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo rất đẹp, ngồi im lặng và bắt đầu nghe nhạc. Những bài chầu văn làm cho mọi người buông bỏ hết những vướng bận của đời sống hàng ngày để tập trung tư tưởng vào thế giới huyền bí. Mọi người đều lâng lâng, và trong khung cảnh đó năng lượng tập thể làm cho thần linh nhập vào con người của cậu đồng hay cô đồng và người đó sẽ đứng dậy múa, hát hay ban bố những đạo từ giúp cho ta sống như thế nào để có hài hòa trong gia đình và trong xã hội. Lên đồng, tuy rằng có mê tín nhưng có đạo đức, cũng có những cái đẹp, những cái hay trong đó. Vì vậy quí vị đừng vội lên án những phương thức lên đồng cầu cơ.
Thích Nhất Hạnh
Nguồn: langmai.org