Tục lệ đốt vàng mã – Văn hóa tín ngưỡng nên hay không nên?
Tục lệ đốt vàng mã là một trong những tập quán cổ truyền và văn hóa tín ngưỡng của người phương Đông. Ở Việt Nam, vẫn còn có không ít người băn khoăn rằng hóa vàng mã thời đại bây giờ là nên hay không nên khi có rất nhiều những ý kiến trái chiều về tục lệ này.
Con cháu vì thương cha mẹ, sau khi cha mẹ chết, mua nhà cửa, xe cộ, tiền vàng đem đốt, cầu nguyện cho cha mẹ được hưởng. Nhưng ít ai biết rằng, việc này tạo ra ảo giác khiến người chết bị trói buộc, ở mãi cõi âm, không được siêu thoát.
Tục lệ đốt vàng mã đã có từ lâu đời, bén rễ, ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam. Trong bất cứ dịp lễ nào, từ ngày rằm, mùng một hàng tháng đến ngày Tết, ngày cúng giỗ tổ tiên ông bà…Nhà nào cũng mua vàng mã, tiền giấy về đốt.
Trả lời câu hỏi về việc đốt vàng mã, người đã mất có được hưởng không, Hòa Thượng Thích Thanh Từ nói:
“Nếu con cháu đốt giấy tiền vàng bạc rồi cầu nguyện cho cha mẹ hưởng, tôi e rằng ở tù chứ chẳng được hưởng. Tại sao? Vì mang bạc giả xuống diêm vương xài là bất hợp pháp. Nếu đốt nhà lầu xe hơi giấy, cầu cho thân nhân mình nhận về ở và đi, tôi cho rằng nếu ai làm như vậy là hại thân nhân của mình. Vì nếu họ nhận được thì họ có nhà lầu để ở, có xe hơi để đi, có tiền bạc để xài, đủ tiện nghi quá thì họ sẽ ở mãi cõi âm, không đi đầu thai. Đó là trường hợp thân nhân của mình lúc sống có chút phước lành.
Còn nếu là kẻ có tội thì chết đọa địa ngục bị giam nhốt hành hạ làm sao mà nhận tiền bạc nhà xe để xài? Đó là chưa nói đến nhà xe tiền bạc bị đốt thành tro thì dùng làm sao được? Thật là vô lý!”.Đồng quan điểm trên, TT Thích Nhật Từ cũng cho rằng, tục lệ đốt vàng mã là không phù hợp và không cần thiết.
“Nguồn gốc của phong tục đốt giấy vàng mã liên hệ đến nền văn hóa Ai Cập. Nền văn hóa này quan niệm rằng, cõi sống gồm 2 phương diện: dương thế và âm phủ. Dương thế thì tạm thời, mấy chục năm rồi kết thúc còn âm phủ thì đời đời kiếp kiếp. Cho nên các vị vua của đất nước Ai Cập huyền bí đã dùng quyền uy của mình tạo dựng ra những kim tự tháp hoành tráng nhất để khi chết vẫn được hưởng cuộc sống hạnh phúc, sung túc lâu dài. Quan niệm này dẫn đến việc các cung tần, mĩ nữ bị chôn sống sau khi nhà vua băng hà.
Người Trung Hoa chịu ảnh hưởng nền văn hóa của Ai Cập đã có những thay đổi. Thay vì chôn người thật, họ làm hình nộm. Thay vì chôn vàng bạc, ngọc ngà, châu báu dưới bia mộ thì người Trung Hoa làm bằng giấy vàng mã. Cho nên việc đốt nhà cửa, xe cộ, đồ dùng cho người chết hoàn toàn không phù hợp và cần thiết”.
Theo TT Thích Nhật Từ, ai có quan niệm này, khi chết chưa được đi đầu thai, mang theo quan niệm sai lầm, sẽ cảm thấy khổ đau cùng cực. Vì việc đốt giấy vàng mã tạo ra ảo giác khiến người chết bị trói buộc. Cho nên, thế giới vàng mã không có tác dụng mà còn gây hại cho người đã chết là như vậy.
Thượng tọa nhắc nhở, thay vì việc dùng tiền mua vàng mã để đốt, con cháu, gia đình hãy dùng số tiền này đi mua vật thực giúp cho người nghèo, người kém may mắn hơn mình rồi hối hướng cho người đã mất. Nếu làm được như vậy thì cả người sống và người chết đều có phước. Còn mua vàng mã, tiền giấy đốt thì không chỉ làm hại người chết mà người sống cũng mắc tội mê tín, lãng phí.
Muốn được về nơi an ổn sau khi chết thì không có cách nào khác là tu dưỡng nội tâm, thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý và làm nhiều việc lành.[ZArticle]Khi Phật còn tại thế, Maha Nam con của Cam Lộ Phạm Vương em nhà chú của đức Phật có đến hỏi rằng:
– Bạch Thế Tôn, bình thường con tu giữ năm giới, thọ bát quan trai, tu thập thiện, giả sử con chết bất đắc kỳ tử bởi một tai nạn xảy ra, sau khi chết con sẽ đi về đâu?
Phật trả lời bằng một ví dụ:
– Có một cây mọc từ đất lên, thân và cành cây nghiêng về một bên. Vậy khi cưa, thân ngã về bên nào?
Maha Nam đáp:
– Cây ngã về phía mà nó đang nghiêng.
Phật dạy tiếp:
– Cũng vậy, bình thường ông hay làm điều lành, khi chết tuy bị khủng hoảng, nhưng nghiệp thiện tích lũy nhiều sẽ hướng ông đến chỗ lành, không sao, đừng sợ.
Nguồn: thuongchieu.net