Xây dựng gia đình và niềm tin tôn giáo. Phải chẳng hai điều này luôn xung đột?

Phải làm sao khi người bạn thương và muốn xây dựng gia đình lại không cùng tôn giáo với bạn? Những khó khăn bạn có thể gặp phải và cách giải quyết sao cho êm thấm vfa hạnh phúc. Đâu là nền tảng của yêu thương gia đình?

HỎI: Tôi là một nữ Phật tử thuần thành, cách nay khá lâu P đã ngỏ lời thương tôi, không những anh ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong học tập mà cả trong cuộc sống. Hơn nữa, gia đình tôi rất có thiện cảm với P vì sự hiền lành, chịu khó, siêng năng và nhất là cùng đạo Phật. Tôi cũng dành cho P nhiều thiện cảm, quý mến lẫn kính trọng nhưng chưa chấp nhận lời tỏ tình vì còn đang đi học. Sau khi ra trường đi làm, tôi đã thực sự rung động, yêu thương một người khác, tên C và người ấy cũng rất thương tôi.

Chỉ ngặt một nỗi là C không cùng tôn giáo với tôi nên không biết sau này thế nào? Với lại gia đình tôi cũng lo cho tôi vì sự bất đồng tôn giáo có thể gây ra nhiều trở ngại trong cuộc sống. Gia đình khuyên tôi nên xây dựng tình cảm và kết hôn với P để tránh những rắc rối về sau cho bản thân và con cái, nhất là trong vấn đề tín ngưỡng tôn giáo. Hiện tại tôi rất phân vân chưa biết nên quyết định thế nào? Xin cho tôi vài lời khuyên.

Tình yêu, hạnh phúc gia đình và niềm tin tôn giáo

ĐÁP: 

Tình yêu và sự cảm mến là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau. Theo như tâm sự của bạn thì con tim bạn đã mách bảo rằng trong hai người thanh niên ấy, bạn chỉ yêu một mình C mà thôi. Tình yêu là nền tảng của hôn nhân, do đó, nếu thiếu vắng tình yêu thì khó có thể tạo dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Bạn yêu và muốn tiến đến hôn nhân với C nên trăn trở, ưu tư trước sự góp ý của gia đình chứng tỏ bạn là người chính chắn, thực sự trưởng thành.

Trong hoàn cảnh của bạn, yêu thương C và chỉ quý mến, kính trọng P là chuyện bình thường. Tuy nhiên, bạn và C không cùng tôn giáo, nên thận trọng và chính chắn trước lúc đi đến hôn nhân là việc cần thiết. Trước hết, là một Phật tử, bạn nên biết rằng đạo Phật tuyệt đối tôn trọng tự do tín ngưỡng cá nhân, không hề ngăn cấm tín đồ kết hôn với người ngoại đạo đồng thời cũng chẳng có chủ trương, khuyến khích và thậm chí lợi dụng hôn nhân để lôi kéo, dụ dẫn người ngoại đạo về với Phật giáo. Do vậy, dù không cùng tôn giáo nhưng nếu yêu thương, hiểu biết và tôn trọng nhau thật sự thì bạn và C có thể tiến tới hôn nhân.

Vấn đề đặt ra ở đây là quan điểm của C về sự khác biệt tôn giáo của hai người thế nào? Nếu kết hôn mà bắt buộc phải theo tôn giáo của C thì bạn phải nên cẩn trọng suy xét, nếu cần có thể hủy bỏ chuyện hôn nhân. Vì điều này đã bộc lộ sự ích kỷ, xúc phạm và thiếu tôn trọng của C đối với bạn, bởi niềm tin tôn giáo của một người là điều thiêng liêng, sâu kín và bất khả xâm phạm. Còn nếu vì tình yêu mà C đành thỏa hiệp, thay đổi niềm tin thì C là người thiếu tự trọng và chẳng được mấy lợi ích thậm chí là mầm mống của tai họa vì niềm tin ấy không có lý tưởng, không chánh tín.

Do đó, để thực sự yêu thương và tôn trọng nhau thì trước hết các bạn nên giữ vững niềm tin tôn giáo của riêng mình. Chính sự tôn trọng tuyệt đối tín ngưỡng của mỗi cá nhân trong gia đình là biểu hiện cụ thể của việc thương yêu, hiểu biết, thông cảm và tôn trọng nhau thật sự. Trong thực tế, có khá nhiều gia đình vẫn sống hạnh phúc trong bất đồng tôn giáo vì họ đã tuân thủ được các nguyên tắc trên. Để làm được điều này, không ai có thể làm giúp ngoại trừ nỗ lực của chính tự thân các bạn. Đối với con cái cũng vậy, các bạn phải cho con cái tiếp xúc với hai tôn giáo một cách tự nhiên. Khi đến tuổi trưởng thành, tự thân con cái của các bạn sẽ lựa chọn và quyết định lấy niềm tin, tín ngưỡng và tôn giáo của chính mình.

Về phía gia đình, lo lắng, góp ý và định hướng cho bạn trong hôn nhân là tình thương, là trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Tuy nhiên, gia đình chỉ có quyền khuyên bảo, góp ý mà hoàn toàn không có quyền ngăn cấm hoặc ép buộc bạn trong hôn nhân. Gia đình khuyên bạn đến với P là một sự hợp lý trong tư duy của họ nhưng nó là nghịch lý trong sự rung động chân thành của con tim bạn. Nếu bạn và C đủ sáng suốt và nghị lực để tìm ra điểm chung trong bất đồng thì bạn hãy thuyết phục gia đình để đến với C. Còn nếu giữa bạn và C chưa thực sự quán triệt vấn đề về niềm tin tôn giáo thì bạn phải cần thời gian để xem xét, hết sức tỉnh táo, không nên vội vàng; và càng không nên đến với P theo lời khuyên của gia đình nếu bạn không thực sự yêu anh ấy.

Chắc chắn rằng khi hai người không cùng tôn giáo sống chung với nhau tất nhiên có nhiều điều bất lợi. Điều đáng để hai người lưu ý nhất là trong thời gian đầu chung sống, nhờ tình yêu và khát vọng cuả tuổi trẻ có thể khỏa lấp những khác biệt về niềm tin. Đến lúc về già, khi mà những đam mê luyến ái lắng xuống, sức sống tâm linh trỗi dậy thì những mâu thuẫn, bất hoà, xung đột xưa nay vốn âm ỉ bắt đầu xuất phát. Chính điều này có thể dẫn đến đổ vỡ, bất hạnh và xung đột niềm tin nghiêm trọng khó có thể cứu vãn. Chỉ những ai thực sự yêu thương, hiểu biết, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau thì mới có thể vượt qua.

Hôn nhân là một việc trọng đại của đời người, trong đó không thể thiếu tình yêu và sự hòa hợp, đồng điệu giữa hai tâm hồn. Các bạn hãy sáng suốt, tìm ra giải pháp tốt nhất để bảo vệ tình yêu. Hãy luôn luôn ghi nhớ tình yêu chi phối và ảnh hưởng đến cuộc sống các bạn trong một đời nhưng tôn giáo có ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của các bạn trong muôn đời.

(Theo Phật pháp bách vấn, tập I)

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay