Em ơi, còn lại gì, ngoài một đời chia ly…
“… em ơi, còn lại gì, ngoài một đời chia ly…”
Trong căn nhà nhỏ cuối hẻm có hai người phụ nữ đang ngồi ăn sáng và trò chuyện với nhau.
– Cô, có thai ba mươi tuần sanh được chưa cô? Con muốn sanh mổ vào tuần sau, thầy bói coi nói, đó là ngày tốt nếu lấy đứa bé ra vợ chồng con sẽ làm ăn phát đạt.
Nhỏ Lan hỏi xong nhìn cô Phụng đợi câu trả lời. Cuộc sống ứ đầy trong con hẻm nhỏ và sâu.
Người ta muốn cho nhà mình rộng hơn một chút, tiện nghi hơn một chút, nên cứ cố lấn ra ngoài, thay vì bỏ bớt những vật dụng không cần thiết trong nhà đi, vô tình đã làm con đường trước cửa hẹp lại và nghẹt cứng. Khu phố càng thêm bức bối, ngột ngạt. Tìm một làn gió, tìm một chút hương hoa cũng chẳng có.
Hình như rất ít người hiểu được rằng khi không gian sống bên ngoài và bên trong mỗi chúng ta bớt bừa bộn bớt chất chứa, chúng ta sẽ nhẹ nhàng và thong dong hơn.
Cô Phụng, là một y sỹ về hưu, điềm đạm trả lời đứa cháu gái :
– Trời ạ. Con sao vậy, Thảo? Sao không để sanh tự nhiên. Cái gì đến nó đến, hên xui gì con.
Nói xong, cô Phụng đứng dậy. Nhưng … sao trước mắt cô bỗng tối sầm lại, người cô loạng choạng sắp té. Và rồi cô nôn vọt. Bao nhiêu thức ăn vừa vào tới dạ dày chưa kịp tiêu hóa đã được phun thành vòi trở ra.
– Cô. Cô … sao thế này?
Tiếng nhỏ Lan thất thanh, cả nhà nghe ồn, chạy bu lại, chí ít 10 người. Kẻ thì giật gió, kẻ đi kiếm chai dầu, kẻ gọi taxi, kẻ đi tìm bảo hiểm.
Tiếng còi xe cứu thương náo động khu phố. Tiếng người thân hoảng hốt kèm vào. Tiếng xì xầm của những người hàng xóm. Phải đến 15 phút mới ra được khỏi con hẻm chật. Phải thêm 15 phút nữa mới đến bệnh viện.
– Bị bao lâu rồi?
Người bác sĩ trực hôm đó hỏi. Cô Phụng ú ớ không thành lời.
– Có bệnh gì trước đây không?
– Dạ, Tăng Huyết Áp, nhưng mà hổng có uống thuốc đều, vì cô ấy là y sỹ nên tự biết khi nào cần uống thuốc.
– Ừm. Đôi khi chúng ta tự giết mình bằng sự hiểu biết nửa vời của chúng ta.
Đúng là như vậy, trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cứ tưởng mình đã biết mọi thứ, đã hiểu mọi điều … nên đã ngăn cản chúng ta mở trái tim ra đón nhận cuộc sống trong khi cuộc sống thì mênh mông vi diệu.
Ngày thứ 1 : Bệnh nhân còn tỉnh, nói đớ, liệt nửa người trái. Kết quả chụp CT scan sọ não : Xuất huyết bao trong, nhân bèo, xuất huyết não thất diện rộng. Hội chẩn bác sỹ ngọai thần kinh, bác sĩ ICU… tất cả đều kết luận : Bệnh nặng, tiên lượng tử vong.
Ngày thứ 2 : Bệnh nhân mê, rối lọan điện giải. Được đặt máy thở, cho vận mạch.
Người nhà nói : Không tin được, mới đây vợ tôi, mẹ tôi, cô tôi còn tỉnh táo còn nói chuyện rất uyên bác.
Trên cuộc đời này có nhiều thứ không tin được. Làm sao biết ngày giờ nào vô thường đến gõ cửa? Làm sao biết ngày giờ nào mình trở về bụi tro? Làm sao biết những thứ mình suốt đời quằn quại tích góp rồi cũng sẽ thành hư vô?
Ngày thứ 3 : – Bác sỹ gắng kéo đi. Tôi thấy chị tôi còn nhúc nhích chân mà.
– Đó không phải là nhúc nhích. Đó là triệu chứng gồng cứng mất não.
– Không thể nào, chị ấy còn mở mắt nhìn tôi mà.
– Trời ạ, nói sao cho anh hiểu đây. Đồng tử của bệnh nhân đã dãn 4mm rồi, mất phản xạ ánh sáng rồi. Đó là sự chết não.
– Không thể nào, tim vợ tôi còn đập mà.
Mình vào nhận trực và ngồi giải thích tình trạng bệnh cho thân nhân. Nghe họ hỏi mà mình phải giấu tiếng thở dài vào lồng ngực.
Nhiều lúc chúng ta, phổi đang thở, tim đang đập nhưng cũng như bệnh nhân nằm đó, sống trong tình trạng chết não, mất hết phản xạ với cuộc sống, với những gì đã và đang diễn ra.
Chúng ta ăn cơm nhưng không nhận biết mình đang ăn cơm, vì cứ lo nghĩ ngày mai làm cách nào có thiệt nhiều tiền. Chúng ta đang đi dạo, nhưng không nhận biết mình đang đi dạo, vì cứ lo giận hờn thù hằn những người làm mình tổn thương. Chúng ta sống mà chưa bao giờ có mặt trong cuộc sống, chưa bao giờ buông mình nằm dài trên cỏ lặng im nghe đàn chim sẻ hót líu lo, cho âm thanh du dương tuôn chảy vào lòng.
Thầy Ananda cũng thế, suốt ngày đêm bên cạnh Bụt, nhìn Bụt sống thong dong tự tại, nghe Bụt nói biết bao nhiêu kinh, và ghi vào trong đầu không sai mảy may một chữ… nhưng thầy Ananda chưa bao giờ nhận biết về những điều đó.
Bao nhiêu lần Bụt quay lại chỉ để nói với thầy : Này con, con có thấy núi Linh Thứu đẹp lắm không? Con có nhìn thấy những đồng ruộng bao la kia không? Con có thấy những triền đê dài thoai thoải, chạy phân chia những thửơ ruộng vàng?
Này con, vạn vật sao mà đằm thắm quá!
Con cứ bên ta, mà con chẳng thấy ta? Con cứ sống mà con chưa bao giờ cảm nhận cuộc sống.
Cảnh chiều hoàng hôn hôm nay, ở đây, bây giờ thật đẹp. Những đốm hoa nắng rơi rơi trên dòng sông.
—
Thật, chúng ta đã chai lì, đã mất hết cảm xúc, mất hết phản xạ…
Rồi một ngày, chúng ta chới với khi hơi thở ngày càng ngắn lại, ngày càng khó đi.
Rồi một ngày, chúng ta vẫy vùng trong cơn hấp hối. Chúng ta chợt thèm sống, thèm ngồi dậy, thèm ăn bữa cơm chiều với trái khổ qua đắng nhặng. Thèm chạy tung tăng trên cánh đồng xanh mát. Thèm nghe gió mơn man trên da thịt. Thèm ngắm ánh trăng đêm chênh chếch nơi mái đình. Thèm nghe tiếng mõ tiếng đọc kinh dịu dàng.
Muộn mất rồi.
Cuối ngày thứ ba, mình thấy bệnh nhân đã cạn nguồn sống, mình hỏi ý kiến người nhà, xin về hay để chết hẳn rồi đưa vào nhà xác.
– Bác sỹ làm ơn. Tối nay hai giờ tôi sẽ xin cho chị tôi về. Vì ông thầy bói nói : Chết lúc hai giờ mới tốt, gia đình làm ăn sẽ giàu có.
Không biết bao nhiêu lần mình gặp cảnh ấy. Người ta cứ cố gắng chọn ngày tốt giờ tốt để sanh con. Ngày tốt giờ tốt để làm ăn. Ngày tốt giờ tốt để nên vợ nên chồng. Và cả ngày tốt giờ tốt để chôn cất người chết. Nhưng vô thường có chọn đâu ngày tốt giờ tốt. Thượng đế có chọn đâu ngày lành giờ an. Ngày mà vô thường đến bất ngờ lắm, chẳng ai chịu hiểu, chẳng ai chịu tin. Cứ đi tin những gì vớ vẩn. Nên mãi sống trong sự tù ngục do chính mình tạo nên.
Phải chi họ nói : Giờ đó hẻm vắng đưa xác người chết vô nhà dễ hơn.
Rồi đủ thứ thủ tục tẩm liệm, khấn vái, thầy bà, kinh kệ … Rồi còn đợi có mặt đủ người thân mới cho nhập quan. Có nhiều đám tang kéo dài cả tuần, mệt mỏi biết là bao. Chúng ta cứ phải chạy theo những tập tục, những hình thức cổ hủ “cho giống mọi người”.
Chân lý của mọi tôn giáo trên đời này, chỉ mong con người được tự do, được an lạc.
2 giờ đêm ngày thứ 4, mình ký hồ sơ cho bệnh nhân bệnh nặng xin về.
5 giờ sáng, một cơn mưa rào qua phố…
Và văng vẳng đâu đó câu hát “… Mười năm yêu đó, như cơn mưa rào, như giấc chiêm bao …”
Đúng là “như giấc chiêm bao”!
“Rủi may, sướng khổ
Đắng ngọt, vui buồn
Thoắt là hiện thực
Thoắt là chiêm bao…”