10 thói quen sẽ giúp cuộc sống của bạn ngập tràn hạnh phúc
Hạnh phúc hay sự thành công trong cuộc sống đều nằm ở suy nghĩ và hành động của bản thân. Điều này được chứng minh khi một số nhà tâm lý trường Đại học California (Mỹ) chỉ ra, yếu tố di truyền và hoàn cảnh sống chỉ tác động khoảng 50% đến hạnh phúc của một con người. Việc tạo ra những thói quen cũng là một phần sẽ giúp bạn xây dựng một hạnh phúc cho riêng mình.
Trong một công trình nghiên cứu khác, nhà tâm lý học Martin Seligman thuộc trường ĐH Pennsylvania (Mỹ) đã phân loại hàng trăm đối tượng tham gia nghiên cứu thành ba nhóm người mưu cầu hạnh phúc khác nhau. Đó là:
Cuộc sống vui vẻ: Những người thuộc nhóm này tìm kiếm hạnh phúc bằng tìm kiếm niềm vui. Họ biết tận hưởng và kéo dài niềm vui của của mình. Những người này thường được mô tả là “những người đi tìm sự sung sướng”.
Cuộc sống bận rộn: Là những người cảm thấy hạnh phúc khi làm việc cật lực bằng đam mê. Họ thường bị công việc cuốn hút đến mức đôi khi có thể trông lạnh lẽo và vô cảm và đối với họ thời gian dường như ngừng trôi khi họ chú tâm vào công việc.
Cuộc sống đầy ý nghĩa: Những người thuộc nhóm này sử dụng những điểm mạnh để phấn đấu vì điều gì đó mà họ tin sẽ đóng góp vào một lợi ích lớn hơn. Thiện tâm là động cơ thúc đẩy bên trong đối với họ.
Theo ông Seligman, những người mưu cầu một cuộc sống vui vẻ hạnh phúc song ít hơn những người sống bằng đam mê công việc và nhóm người theo đuổi một cuộc sống đầy ý nghĩa.
Dù chỉ là một công trình nghiên cứu đơn lẻ, song kết quả nghiên cứu của nhà tâm lý Seligman cho thấy nếu bạn tập trung năng lượng và tâm trí tìm kiếm hạnh phúc thì điều đó sẽ tác động lớn đến “trái ngọt” hạnh phúc mà bạn đạt được. Nhóm những người có cuộc sống bận rộn và cuộc sống đầy ý nghĩa có điểm chung giống nhau là họ vô cùng đam mê và sử dụng điểm mạnh của mình để hoàn thiện mình và thế giới xung quanh họ.
Trên thực tế, những người hạnh phúc rất chủ động và biết rõ mình muốn gì và cần làm gì. Nếu bạn muốn noi gương họ, hãy tạo dựng những thói quen lành mạnh sau đây:
1. Tự tạo ra niềm vui, hạnh phúc cho mình
Đối với những người từng trải, hạnh phúc không phải là thứ “từ trên trời rơi xuống” mà chính là điều mình tự tạo ra và do mình cảm nhận.
Bạn hãy đừng ngồi đó chờ đợi. Hãy chủ động và hành động!
Mỗi giây phút bạn thụ động chờ đợi cũng có nghĩa là từng đấy thời gian bạn có thể sử dụng để tìm lời giải cho một vấn đề nào đó trên con đường tìm đến hạnh phúc. Những người hạnh phúc nhất chưa hẳn là may mắn nhất, ưa nhìn nhất mà họ chính là những người không chỉ muốn hạnh phúc mà nỗ lực để có nó.
Nếu bạn muốn tạo ra hạnh phúc cho riêng mình, hãy bắt đầu bằng việc coi đó là một điều ưu tiên trong cuộc sống của mình.
2. Chọn bạn mà chơi
Niềm vui, hạnh phúc cũng có tính “lây truyền”. Nếu bạn được sống cạnh bên những người lạc quan, bạn cũng sẽ tự tin, yêu đời, học hỏi nhiều điều để có thể trở nên hạnh phúc. Hay nói cách khác, kết giao với những người lạc quan, tích cực, bạn sẽ tiếp thêm được những nguồn năng lượng tích cực.
Và kết quả sẽ là ngược lại nếu bạn giao du với những người tiêu cực.
3. Ngủ đủ
Giấc ngủ có ý nghĩa quan trọng để nâng cao tâm trạng, sự tập trung và tự chủ. Nó giúp “quét dọn” não và rũ bỏ những protein độc hại tích tụ trong ngày như sản phẩm phụ của hoạt động thần kinh thông thường.
Một giấc ngủ đủ và sâu sẽ giúp bạn thức dậy một cách tỉnh táo và sảng khoái. Ngược lại, năng lượng, khả năng tập trung chú ý và bộ nhớ sẽ giảm nếu bạn không ngủ đủ.
Tuy không phải là việc làm dễ trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, song hãy tập một thói quen đơn giản, có ích cho cơ thể đó là tắt máy tính và lên giường đi ngủ không quá muộn để đảm bảo năng lượng đón chào một ngày mới.
4. Sống với thực tại
Có những chuyện buồn hay nỗi đau cần lãng quên để đi tiếp, bạn cần phải sống với thực tại để phát huy được hết tiềm năng của mình. Dù hối tiếc đến đâu, bạn cũng không thể lay chuyển quá khứ và lo ngại thế nào bạn cũng không thể làm chuyển đổi tương lai.
Như nhà văn Mark Twain từng nói: “Lo lắng giống như trả một món nợ mà bạn không nợ”. Để sống với thực tại, bạn cần đối mặt với quá khứ, rút kinh nghiệm từ bài học quá khứ, giải quyết những vấn đề tồn đọng và tìm cho mình định hướng mới để hướng về tương lai.
5. Học cách hài lòng với bản thân
Đừng so sánh hay ghen tị với hạnh phúc, thành công của những người khác. Hãy học cách biết mình là ai và ghi nhận những ưu điểm của mình.
Các công trình nghiên cứu cho thấy, học cách yêu mến bản thân làm tăng khả năng đưa ra sự lựa chọn đúng đắn đồng thời tăng sức mạnh tinh thần và làm giảm xu hướng thụ động.
6. Cảm kích những gì mình có
Việc dành thời gian để cảm kích và sống tốt với những gì mình đang có không chỉ là một việc làm đúng mà còn giúp nâng cao tâm trạng của mình vì nó làm giảm tuyến hormone gây ra stress 23%.
Theo nghiên cứu của Trường Đại học California, những người có thói quen hàng ngày biết ơn những gì mình đang có thường có tâm trạng, năng lượng và thể trạng tốt hơn.
7. Tập thể dục
Khoa học đã chứng minh, tập thể dục sẽ giúp giải toả stress, giữ chúng ta khoẻ mạnh và nâng cao sự tự tin để cảm thụ hạnh phúc.
30 phút tập thể dục là món quà hàng ngày bạn có thể tự “thưởng” cho mình. Có sức khoẻ thực chất là một điều hạnh phúc giản dị.
8. Học cách tha thứ và bỏ qua
Tha thứ, bỏ qua là cách tốt nhất để tránh sự thù hận bởi những cảm xúc tiêu cực có thể dẫn đến stress vốn không tốt cho sức khoẻ của bạn. Tuy nhiên, tha thứ không có nghĩa là cho người đã làm điều gì đó sai trái với bạn có cơ hội lặp lại.
Những người hạnh phúc sẽ không để bị “sa lầy” vào những rắc rối do người khác gây ra cũng như để người khác chi phối tình cảm của mình vì thế họ có thể dễ dàng bỏ qua song họ biết bảo vệ mình khỏi những tổn hại trong tương lai.
9. Biết lắng nghe và chia sẻ cảm xúc
Tìm cách cố gắng kìm nén cảm xúc là điều không tốt cho cơ thể. Việc học cách sống cởi mở, biết chia sẻ cảm xúc của mình với đúng người, đúng lúc sẽ giảm mức độ stress và giúp cho bạn có tâm trạng tốt hơn.
Không chỉ dừng lại vậy, người hạnh phúc là người biết lắng nghe, chia sẻ nỗi bất hạnh của người khác. Một nghiên cứu cho thấy tuổi thọ và khả năng thể hiện cảm xúc có tương quan với nhau.
10. Có tư duy phát triển
Trong cuốn sách “Mindset” (Tư duy), bà Carol S.Dweck, nhà tâm lý học hàng đầu thế giới và là giảng viên kỳ cựu thuộc trường Đại học Stanford, chỉ ra rằng con người chúng ta thường có hai luồng tư duy: tư duy đóng khung và tư duy phát triển.
Hai loại tư duy này sẽ quyết định đến chất lượng cuộc sống của bạn. Tư duy đóng khung là hình thức tư duy bảo thủ và cố hữu. Nếu bạn theo lối tư duy này, bạn chỉ tin mình là người có vậy thôi và không thể thay đổi. Điều này tạo ra những vấn đề khi bạn gặp thử thách vì những gì xuất hiện vượt quá khả năng của bạn có thể khiến bạn cảm thấy vô vọng và choáng ngợp.
Trái lại, những người có tư tưởng phát triển và cầu tiến tin rằng họ có thể tiến bộ nếu nỗ lực. Điều đó khiến họ thấy hạnh phúc hơn vì họ có khả năng tốt hơn để tháo gỡ khó khăn. Họ thường vượt trội những người có tư tưởng đóng khung vì họ dám đối mặt với thách thức và coi đó là cơ hội để học hỏi điều gì đó mới.
11. Luôn có cái nhìn lạc quan
Hãy sống theo phương châm: “Suy nghĩ tiêu cực có thể huỷ hoại cuộc đời của một người. Vậy tôi sẽ cố gắng suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống”.
Có một cái nhìn tích cực, lạc quan về tương lai không chỉ khiến bạn vui và hạnh phúc hơn mà còn nâng cao khả năng hoạt động hiệu quả của bạn. Hãy đừng để những ý nghĩ tiêu cực chi phối con người bạn. Nếu thất bại xảy ra, bạn cần nhìn nhận những mặt tích cực của vấn đề và phân tích lại vấn đề một cách thấu đáo để rút ra bài học kinh nghiệm cho những lần tiếp theo.
Như Alexander Graham Bell, nhà phát minh ra chiếc điện thoại đầu tiên, từng nói: “Khi một cánh cửa khép lại, sẽ có một cánh cửa khác đã mở ra”.
Nguồn: cafef.vn