May mắn là gì? Hạnh phúc là gì? Phải chăng là tiền bạc đầy nhà, kim cương đầy tay, vàng bạc đầy cổ?
May mắn là gì? Hạnh phúc là gì? Không ai định nghĩa rõ ràng được. Nhưng con người ta lại cứ đi tìm hoài những cái người ta cho là hạnh phúc. Để rồi dễ bị lạc loài, dễ chán nản và chìm trong đau khổ vì chẳng phải thứ họ thực sự muốn tìm. Ta, con người trí tuệ, nên dừng lại mà định nghĩa cho chân thực cái hạnh phúc là gì? Để rồi luôn tươi trẻ, luôn hồn nhiên với cái hạnh phúc chân thực ấy!
Ta có đôi mắt vô bệnh và không bị khuyết tật là ta đã có hạnh phúc và đã có nhiều may mắn.
Ta đem đôi mắt ấy mà nhìn mọi hình sắc giữa cuộc đời với tâm không thành kiến, không ganh tỵ, không chiếm hữu, với tâm hiểu biết và thương yêu, với tâm hỷ xả, thì hạnh phúc của ta là không thể nghĩ bàn và phước đức của ta sẽ tăng lên vô tận.
Ta đem đôi mắt ấy, để chia sẻ và cảm thông với những bất hạnh của những người mù, với những người mắt bị bệnh hoạn và khuyết tật, với những người tay chân đang bị cột trói, xiềng xích, đang bị tra tấn cực hình, với những người đang bị sa vào màng lưới tội lỗi, hay đang bị rơi vào những hầm hố tà kiến.Ta đem đôi mắt ấy để chia sẻ và cảm thông đối với những chúng sanh đang tranh nhau để sống, đang giành giựt nhau để tồn tại, mạnh được yếu thua mà những khổ đau và bất hạnh của họ, chưa bao giờ có một cơ hội nào để dừng lại và chuyển hướng.
Ta có đôi tai vô bệnh và không bị khuyết tật là ta đã có hạnh phúc và đã có quá nhiều may mắn ở trong đời.
Ta đem đôi tai ấy mà nghe mọi âm thanh giữa cuộc đời, với tâm không thành kiến, không ganh tỵ, không chiếm hữu. Nghe với tâm hiểu biết sâu, với tâm thương yêu rộng, với tâm bao dung và hỷ xả, thì hạnh phúc của ta là không thể nghĩ bàn, phước đức của ta sẽ là vô tận.
Ta đem đôi tai ấy, để chia sẻ và cảm thông với những bất hạnh của những người bị điếc, với những người tai bị bệnh hoạn và khuyết tật, với những người bị âm thanh ngọng lựu, thô cứng, với những người có âm thanh độc ác và những loài chúng sanh có những âm thanh không lành mạnh, với những âm thanh vang lên, kêu lên từ những tra tấn cực hình, từ những sợ hãi, lo lắng, thất vọng và khổ đau của tất cả muôn loài.
Ta đem đôi tai ấy để nghe âm thanh mầu nhiệm của gió, của nước, của lửa, của đất, của núi rừng, của biển cả, của trăng sao, của mây ngàn, của tâm thức, của vạn hữu sinh diệt vô thường, của âm thanh thanh tịnh từ các bậc chân nhân và âm thanh khi phát khởi đại nguyện của các bậc Bồ tát.
Ta có mũi vô bệnh và không bị khuyết tật là ta đã có hạnh phúc và đã có quá nhiều may mắn. Ta đem mũi ấy mà hít thở không khí của thiên nhiên đã ban tặng.
“Thở vào, ta biết ta đang thở vào; thở ra, ta biết ta đang thở ra. Thở vào, ta biết, ta đang đưa dưỡng khí đi vào trong thân thể ta; thở ra, ta biết, ta đang đưa những khí không lành mạnh đi ra khỏi thân thể ta”.
Ta thở vào và ra như vậy mỗi ngày, với ý thức toàn thân an tịnh là ta đưa thân đi về với tâm, ta đưa tâm đi về với thân, thân và tâm có mặt trong nhau, và nhất như cùng nhau trong đại định.
Thở vào ta tiếp xúc với sự trong sáng của thân tâm ta, thở ra ta đem sự trong sáng ấy hiến tặng cho cuộc đời.
Thở vào, ta tiếp xúc và ngửi được hương vị của cuộc sống trong ta; thở ra ta tiếp xúc và ngửi được hương vị của cuộc sống ngoài ta.
Ta đem cái mũi có khả năng thở và ngửi ấy, mà thở những sanh khí của thiên nhiên và ngửi những hương thơm của cuộc sống, thì hạnh phúc của ta không thể nghĩ bàn và phước đức của ta không thể kể xiết.
Ta đem cái mũi có khả năng thở và ngửi ấy, để chia sẻ và cảm thông với những bất hạnh của những người mũi bị điếc, bị bệnh, bị khuyết tật, hay những người mũi đang bị thở những không khí ô nhiễm, bị độc hại, bị tanh nồng, bị xú uế hay bị thở và ngửi những không khí không đầm ấm trong gia đình và bất an ngoài xã hội.
Ta đem mũi ấy, để thở và ngửi những hương vị mầu nhiệm của gió, của nước, của lửa, của đất, của núi rừng, của biển cả, của trăng sao, của mây ngàn, của dòng sông xanh tĩnh lặng, của tâm thức bình an, và hương thơm tỏa ra từ các bậc có giới đức, có thiền định sâu xa và có tuệ giác quán chiếu chính xác, rộng sâu và cùng khắp.
Ta có cái lưỡi vô bệnh và không bị khuyết tật là ta đã có hạnh phúc và đã có quá nhiều may mắn.
Ta đem lưỡi ấy mà tiếp nhận thức ăn độc hại và nói những lời không lành mạnh là thật uổng phí cho ta.
Nên, ta nguyện chỉ ăn những thức ăn lành mạnh, không gây thiệt hại cho ta và người, không gây ra những oán thù giữa ta và muôn vật. Ta nguyện chỉ nói những gì chân thật, lợi ích, không nói những lời nói có nội dung phù phiếm và ba hoa và nguyện không nói những lời nói gây ra oán thù giữa ta và người trong đời này và đời sau.
Ta nguyện đem cái lưỡi có nhiều phước báu ấy, mà nói những lời đúng sự thật, nói những lời không tranh cãi, nói những lời trước sau như một để hiến tặng cho đời.
Ta có một thân thể vô bệnh, với các quan năng nhận thức không bị khuyết tật là ta đã có quá nhiều hạnh phúc và may mắn.
Ta đem thân ấy mà thực hành tình thương, tôn trọng và bảo vệ sự sống cho muôn loài. Ta đem thân ấy mà thực hành và bảo vệ công lý. Ta đem thân ấy mà sống nếp sống an hòa, lành mạnh để nuôi dưỡng khí tiết cho ta và để hiến tặng cho đời những gì tốt đẹp.
Ta nguyện đem thân ấy mà cảm thông và chia sẻ đối với những ai có thân thể đang đầy bệnh tật và nghiệp chướng, xin nguyện cho những người ấy có được thân thể kiện khương, thọ mạng lâu dài, mỗi khi họ xả thân và thọ thân đều được tự tại như ý và khiến cho bất cứ ai mỗi khi nhìn thấy sự xả thân và thọ thân của người ấy đều phát tâm tu tập, sinh khởi được chất liệu của trí tuệ và từ bi.
Ta có tâm ý không bị điên đảo trong nhận thức, không bị tán loạn trong tư duy, không bị lãng quên trong nhớ nghĩ và không bị sai lầm trong phán đoán là ta có quá nhiều may mắn và hạnh phúc.
Ta nguyện đem tâm ấy mà an trú vào thiền định, khiến cho các phiền não không còn chi phối, khiến cho các loại ái kiến và ái nghiệp không còn khởi sinh, khiến cho các ý niệm về ngã và ngã sở không thể phát khởi.
Ta nguyện đem tâm ấy, mà an trú vào nghĩa “không” của tất cả pháp, khiến cho tâm ý của ta không bị khuynh động bởi cái sinh và cái diệt, bởi cái có và cái không, bởi cái đến và cái đi, bởi cái tan và cái tụ, bởi cái đồng nhất và cái dị biệt của vạn hữu.
Ta nguyện đem tâm bất động ấy, mà hiến tặng cho đời và dựng xây quê hương Tịnh Độ bằng tất cả chất liệu của đại bi và đại trí.
Với thiền quán, ta phải thấy thân và tâm ta như vậy, nguyện sống thật xứng đáng và thăng hoa đối với những gì ta đã có, để ở đâu và lúc nào ta cũng mỉm cười và thong dong với mọi sự sống.