Lòng tin về pháp môn Tịnh độ – Lòng tin đưa bạn đến bến bờ giác ngộ
Lòng tin về pháp môn Tịnh độ. Đó là điều then chốt giúp bạn tiếp tục trên con đường tu tập giải thoát. Có tin thì bạn mới làm nghiêm túc và thường xuyên. Có nghiêm túc và thường xuyên bạn mới đạt được những kết quả nhất định.
Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói có cõi Tịnh Độ (Pure Land) nơi đức Phật A Di Đà (Amitabha) đang an trú, vì vậy chúng ta tin tưởng điều này. Đức Phật A Di Đà nói với chúng ta là cõi nước của Ngài vô cùng tươi đẹp.
Lòng Tin Vào Tịnh Độ
Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói có cõi Tịnh Độ (Pure Land) nơi đức Phật A Di Đà (Amitabha) đang an trú, vì vậy chúng ta tin tưởng điều này. Đức Phật A Di Đà nói với chúng ta là cõi nước của Ngài vô cùng tươi đẹp. Nếu bạn muốn tu pháp môn Tịnh Độ, đầu tiên bạn cần hiểu rõ về pháp môn này, như vậy bạn mới có thể thực tập được. Sự thành tựu của bạn sẽ tùy thuộc vào mức độ hiểu biết sâu sắc của bạn về pháp môn này. Bạn cần phải hiểu là tại sao đức Phật A Di Đà muốn giảng nói Kinh A Di Đà, như vậy bạn mới có niềm tin để thực tập. Bạn phải biết tại sao bạn muốn đến cõi Tịnh Độ. Bạn cảm giác thế nào về việc đến đó? Bạn có tự tin và phát đại nguyện không?
Bạn cần thực tập ngay nơi tâm mình. Sau khi bạn đã tin tưởng vào cõi Tịnh Độ ở bên ngoài thì bạn sẽ tin tưởng có cõi Tịnh Độ ở bên trong tâm của mình. Cuối cùng rồi thì bạn sẽ thấy cả thế giới là cõi Cực Lạc.
Bạn biết là có Mỹ châu, dầu bạn chưa bao giờ đến đó; nhưng bạn biết một ngày nào đó mình sẽ đi đến đó. Cũng thế đối với Cõi Tịnh Độ.
Nếu bạn quyết đến cõi Tịnh Độ, thì ngay bây giờ, bạn phải tin rằng có cõi Tịnh Độ. Như vậy, bạn sẽ trở nên tự tin, để có thể tu tập được. Một người đạt đến sự giải thoát, giác ngộ, thì vị ấy có thể đến hay đi vào cõi Tịnh Độ theo ý muốn. Tôi chưa giác ngộ, nhưng trong những giấc mơ, tôi đã thường đến đó.
Trách nhiệm là ở chúng ta. Bởi chúng ta đã làm những việc bất thiện cho nên chúng ta mới sanh ra ở thế giới đau khổ này; chúng ta có mặt ở đây để tu sửa những hành động bất thiện trong quá khứ của mình. Để một ngày kia, chúng ta lại có thể trở về cõi Tịnh Độ.
Có ba điều cần phải được vun trồng trong Pháp môn Tịnh Độ. Thứ nhất, phải có tín tâm, để tin rằng có cõi Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà. Thứ hai, bạn phải lập nguyện ước đi đến đó, và thứ ba là bạn thực hành.
Thí dụ, đầu tiên bạn tin rằng có chùa Phổ Quang Sơn (Fo Kuang Shan) ở niềm nam Đài Loan. Kế đó bạn phải lập nguyện ước đi đến đó. Bạn có thể đến đó bằng máy bay, xe buýt hoặc xe riêng và bạn cần có tiền để mua vé và mọi thứ khác.
Cây Bằng Vàng Và Hồ Pha Lê
Bạn có muốn biết cõi Tịnh Độ ra sao không? Tôi hiểu bạn quan tâm muốn biết làm cách nào để thực tập pháp môn này hơn, nhưng nếu bạn muốn biết các cách thực hành, trước hết bạn cần phải biết cõi ấy ra sao đã. Nếu không, bạn có thể sẽ bỏ cuộc nửa chừng.
Cõi ấy đầy những cây bằng vàng và các hồ đẹp như pha lê. Nơi đấy bạn không cần lo lắng về nạn kẹt xe hay rớt máy bay. Có nhiều hoa sen; những hoa sen nhỏ cũng to lớn như đảo Đài Loan. Nơi đấy rất tiện nghi và bạn có thể ngồi trên hoa sen nếu muốn. Bạn có thể đi đây đó theo ý muốn, hoàn toàn tự do, không cần thẻ thông hành. Nếu bạn thích mặc y phục đẹp, thì tự nhiên bạn được mặc đẹp. Nếu bạn muốn ăn ngon, lập tức chúng sẽ hiện ra ngay trước mặt. Mỗi khi bạn nghĩ về điều gì, bạn sẽ được như ước muốn.
Cõi Tịnh Độ cũng được gọi là cõi Cực Lạc. Tôi là người hạnh phúc nhất và giàu nhất trên thế giới. Mỗi ngày nơi làm việc, tôi nghe tụng niệm và tâm trí tôi đầy bao Cực Lạc khi đang làm việc. Khi đi, tôi như đang bước trên các cánh hoa sen, vì vậy tôi luôn luôn hạnh phúc. Khi chết, tôi sẽ đến cõi Tịnh Độ; tuy nhiên, tôi biết rõ rằng ngay hiện tại tôi cũng đang sống ở cõi Tịnh Độ.
Hãy Để Tự Nhiên
Tôi đang cố gắng sống một cách an lạc. Mỗi khi ai đó muốn tranh cãi về điều gì, tôi tự nhủ: “Hãy bỏ đi, hãy để tự nhiên”. Từ từ, tôi cố gắng dẹp bỏ mọi vấn đề để mỗi ngày đều sống an lạc. Trong đời sống hằng ngày tôi ráng chỉ nói những điều tốt lành về mọi người.
Ngày kia, tôi mơ thấy mình đến cõi Tịnh Độ. Nơi đó có bảy báu, và một người đã đưa tôi đi xem chúng. Tôi chọn lấy một và thốt lên : “Thật là đẹp!” Khi tôi quay lại, tôi thấy đức Phật A Di Đà. Tôi cũng thấy cây báu của đức Phật.
Một lần khác tôi mơ thấy những cây kim cương và tôi tự hỏi tại sao kim cương lại mọc trên cây. Tôi thấy một cô bé trong cõi của đức Phật A Di Đà, và hỏi cô bé ấy nếu tôi có thể đem về một cây. Tôi chọn lấy một cây cao khoảng chừng 0,3 mét. Ở cuối thân cây là một hoa sen và hoa sen này tôi xin dành tặng cho bạn.
Ba năm trước đây, tôi đã viếng một bảo tàng viện, nơi đó có nhiều châu báu quý giá. Người hướng dẫn hỏi tôi có muốn đến gần hơn để xem không. Tôi nói với anh ta là không cần thiết lắm, vì những châu báu hiếm quý đều ở cõi Tịnh Độ. Tôi muốn nói kho báu nằm ở trong tâm tôi, vì thế tôi không cần đến những viên kim cương giả tạo.
Tất cả những gì được diễn tả trong Kinh A-Di-Đà đều là sự thật. Đó không phải là điều mà bạn bắt buộc phải tin, đấy là sự thật, cõi Tịnh Độ là có thật. Có một con tàu đi đến cõi Tịnh Độ, và tôi cũng đã mơ thấy nó. Tất cả những giấc mơ này làm tăng trưởng thêm niềm tin của tôi vào cõi Tịnh Độ. Thế bạn có muốn đến cõi Tịnh Độ không?
Trong mười năm, tôi đã dùng đất sét, nặn tượng của các vị Bồ Tát Đại Thế Chí, Quan Âm, Phổ Hiền và Văn Thù Sư Lợi. Sau những tượng này, tôi đã nặn tượng đức Phật A Di Đà. Tôi nặn tượng Phật A Di Đà để lễ lạy và chiêm ngưỡng Ngài, để tạo công đức đi vào cõi Tịnh Độ. Trong một giấc mơ, tôi thấy tượng A Di Đà từ từ biến thành gạo và điều này làm tôi nhận thấy rằng gạo giúp cho cơ thể chúng ta mạnh khoẻ.
Thực Tập
Tôi cảm thấy đức Phật A Di Đà đã phù hộ giúp đỡ tôi trong công phu tu tập của mình. Sau khi nặn tượng đức Phật A Di Đà xong, tôi làm một tượng Quan Âm nữa và hai tượng Ma Ha Tát, những vị đang bảo vệ cõi Tịnh Độ. Khi tôi nặn xong ba tượng này, tôi bắt đầu nghiên cứu kinh điển. Tôi đọc về pháp môn Niệm Phật, làm thế nào để tập trung tư tưởng và làm sao để tưởng nghĩ đến cõi Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà.
Khi tôi khám phá ra Kinh A-Di-Đà, tôi bắt đầu tụng đọc mỗi ngày 15 lần. Những giấc mơ của tôi tương ứng với nội dung của bài kinh. Trong cõi Tịnh Độ, có khoảng sáu, hoặc bảy thứ bậc và tôi tiếp tục thực tập cho đến khi tôi đạt đến bậc cao nhất. Tôi niệm hồng danh Phật A Di Đà mỗi khi tôi làm việc và không bận rộn lắm. Sau 5 giờ chiều, khi trở về phòng của mình, tôi lại tụng kinh lần nữa.
Một khi bạn đã thuộc kinh, bạn có thể đọc tụng trong vòng 5 phút. Trên đường từ văn phòng về phòng riêng, tôi đọc được ba lần. Tôi cũng tụng chú A-Di-Đà. Sau 30,000 lần lập đi lập lại, bạn biết rằng đức Phật A Di Đà đã ở trong tâm trí bạn, nhưng điều này không phải làm được trong một ngày. Bài kinh dạy tôi biết phải luôn nghĩ đến sự vĩ đại của Phật A Di Đà.
Đôi lúc tôi hành một pháp tu đặc biệt, trong vòng một tuần lễ tôi chỉ niệm hồng danh đức Phật A Di Đà. Nhiều người họp lại, kinh hành và niệm hồng danh Phật. Khi trở lại chổ ngồi, tôi thấy đức Phật A Di Đà thật to lớn, vĩ đại đến nỗi tôi chỉ thấy kim thân Phật, không thấy kim thủ của Ngài.
Trong các giấc mơ, tôi thấy tượng Phật A Di Đà và Quán Âm và tôi đã đảnh lễ. Các tượng đang toạ lạc dưới những tàng cây, trên một bàn thờ thật đẹp. Đức Phật A Di Đà ngồi trên toà sen, nắm lấy tay tôi, như một người mẹ đang nắm tay con.
Mỗi ngày tôi lễ Phật nhiều lần. Trong phòng riêng, tôi có một bàn thờ nhỏ với nhiều tượng của các vị Bồ Tát mà mỗi ngày tôi lễ lạy trên 100 lần.
Bằng cách niệm hồng danh Phật và tụng kinh tôi sẽ tạo được nhiều công đức. Tất cả những công đức mà tôi có được, tôi xin hồi hướng cho tất cả mọi người và rồi tôi sẽ đi đến cõi Tịnh Độ.
Tôi Là Người Giàu Có Nhất
Khi có thời gian, tôi thực tập và tôi cũng giúp tu viện bằng cách làm các việc văn phòng. Tôi đã là người tu sĩ trên 10 năm rồi; trước đó, tôi làm kế toán viên cho một văn phòng ở Đài Bắc (Taipei). Tôi đã muốn học hỏi về Phật giáo, để trở thành một tu sĩ Phật giáo, nhưng chưa tìm ra nơi nào thích hợp. Tôi mơ đến một ngọn núi và có cảm giác là đức Phật ngụ tại nơi đó. Nơi đó giống như một thế giới hoa sen, nhưng ở Đài Loan có rất nhiều núi, tôi không biết phải tìm ở đâu hay đi đâu.
Trước tiên tôi đến ni viện Yungmin, nơi mà Ngài Hư Vân (Hiu Wan) thường giảng dạy, nhưng tôi đã quá lớn tuổi để mà gia nhập khóa tu học đó. Tôi đã 31 tuổi, mà khoá học ấy chỉ dành cho những người dưới 30 tuổi. Sau đó tôi nghe nói về Phổ Quang Sơn, nơi các ni dưới 35 tuổi đều có thể vào học. Vì vậy tôi lên đường và gia nhập vào khoá học này.
Ngày nọ, tôi tụng kinh Quán Âm, và sau khi xong tôi đi dạo, vừa ngước nhìn lên các đỉnh núi. Tôi mhận thấy các dãy núi này rất quen thuộc. Chúng chính là những ngọn núi tôi đã mơ trước đây. Tôi quay trở lại và đảnh lễ đức Quán Âm, vì tôi hiểu rằng mình đã tìm được nơi đang kiếm tìm.
Trong khoá học, tôi phải học về nghệ thuật Phật giáo. Tôi không thích môn này lắm, vì tôi nghĩ mình không có khiếu mỹ thuật, nhưng bà thầy của tôi lại rất hào hứng. Tôi hỏi bà làm sao vẽ và nặn một cái hoa sen, và từ đó, tôi bắt đầu có nhiều hứng thú trong việc nặn tượng. Sau khi khắc được hoa sen, tôi quyết định nắn tượng Phật.
Tôi làm kế toán nên phải đếm tiền, nhưng không có vấn đề gì, vì mỗi đồng tiền tôi đếm, tôi niệm hồng danh Phật A Di Đà, A Di Đà Phật! Trong tâm trí tôi, tất cả đều là Phật A Di Đà. Tôi rất hạnhh phúc, tôi là người giàu có nhất. Mọi nơi trong nhà tôi, trong tâm tôi đều là Phật A Di Đà. Cây cối ở bên ngoài, bên trong tôi, mọi thứ đều là Tịnh Độ.
Bạn cần phải có niềm tin và thực hành. Rồi tôi sẽ gặp lại bạn ở cõi Tịnh Độ. Bất cứ ai nếu thực tập theo lời Phật dạy và thiền quán đều có thể đi đến đó. Thiền không rời khỏi việc tụng niệm. Sự thực hành pháp môn Tịnh Độ và pháp môn Thiền không khác, bạn có thể thực tập cả hai cùng một lúc. Thiền không rời Tịnh Độ, và Tịnh Độ không khác Thiền. Vì thế bạn có thể đến cõi Tịnh Độ và chúng ta có thể gặp nhau ở đấy.
Nguồn: phathoc.net