Biết được là một chuyện, còn học được hay không lại là chuyện khác!
Chào các bạn,
Khi tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa truyền đạo, gặp Lương Vũ Đế là vua nổi tiếng về xây chùa, in sách, nuôi sư, Tổ nói chuyện và thấy Lương Vũ Đế ngớ ngẩn quá, Tổ biết mình chưa gặp đúng thời, bèn về động thiếu thất bên cạnh chùa Thiếu Lâm, ngồi nhìn vách núi 9 năm. Rốt cuộc có một người đến xin Tổ nhận làm đệ tử. Trời tuyết đổ, Huệ Khả, 40 tuổi, kiên nhẫn đứng trước cửa động nhiều ngày đêm, tuyết lên đến ngập gối. Tổ vẫn chẳng ngó ngàng gì. Để tỏ lòng thành, Huệ Khả lấy dao chặt một cánh tay của mình, và có đoạn đối thoại bất hủ này với Tổ:
Bồ-đề-đạt-ma ngồi nhìn vách tường, sư dầm tuyết, rút dao tự chặt cánh tay, nói: “Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con.”
Đạt-ma bảo: “Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho.”
Sư đáp: “Con không thấy tâm đâu cả.”
Đạt-ma đáp: “Ta đã an tâm cho con.”
Huệ Khả được nhận làm đệ tử và sau sáu năm được Tổ truyền y bát, làm Nhị Tổ Thiền tông Trung Hoa.
Ngày xưa muốn học là khó vậy đó các bạn. Chẳng thầy nào muốn nhận nhiều học trò, chỉ một vài học trò, thuộc hạng có quyết tâm cao mới được nhận.
Tại sao như vậy?
Vì học đạo, khó hiểu chỉ là chuyện nhỏ, luyện tập bằng thực hành mới là chuyện lớn. Đa số người không muốn thực hành vô chấp một chiều đối với tất cả mọi sự, từ tâm một chiều với tất cả mọi người, tĩnh lặng trong tất cả mọi hoàn cảnh… Chỉ một số rất nhỏ người có thể có quyết tâm học đạo. Sau này nếu thầy nào có hằng trăm hay hằng nghìn học trò, thì đời sau cũng chỉ nghe tên một hai học trò.
Học đời sống tâm linh thật khó thế đó. Nhưng tại sao phải khó?
Vì hai lý do:
1. Số người có thể học đúng cách, kiên trì cho đến lúc đạt đạo rất ít.
2. Số ít người này lại là cột trụ của giáo pháp. Giáo pháp có thể sống sót qua ngàn năm là nhờ các vị thầy chính tông, học đường chính tông, và thực hành giáo pháp chính tông. Cho nên tuyển chọn những người này phải có chuẩn cực cao.
Ngày nay chúng ta may mắn hơn ngày xưa ở chỗ ta có kinh sách đầy rẫy trong nhà và trên Internet, vấn đề đọc không khó khăn như ngày xưa. Đây là ân huệ lớn cho chúng ta.
Thầy ngày nay cũng tràn ngập và thường nhận mọi người cho đến hàng trăm hàng ngàn. Nhưng đây lại là vô phúc, vì chẳng có chuẩn nghiêm chỉnh nào cả, chưa kể là thầy có hiểu pháp được đến đâu.
Ngày nay chẳng có thầy nào nghiêm khắc như ngày xưa. Chúng ta theo kiểu dân chủ, “Cậu muốn học thì học, không thì thôi. Lớn cả rồi.”
Cho nên, mỗi chúng ta phải tự quyết định về đời sống tâm linh của mình. Chẳng ai ép ta điều gì cả. Có điều mình chắc chắn là giáo pháp sẽ không bao giờ chết, vẫn luôn luôn có một hai người giữ giáo pháp sống trọn. Năng lượng tích cực lớn của giáo pháp chân truyền bảo đảm rằng nơi đâu đó, tại một góc nào đó trên thế giới, có một người để giáo pháp đến và đâm chồi nẩy lộc.
Mấy ngày trước ĐCN chạm mức 10 triệu lượt đọc. Cứ cho trung bình là mỗi người đọc ĐCN 100 lần, thì có được 100 nghìn độc giả. Và mỗi độc giả xem như ít nhất là đọc bài mình một vài lần. Trong số 100 nghìn người đó các bạn nghĩ là bao nhiêu người đi rất sát mình. Theo nhận xét của mình thì chừng 10 người. Cũng có thể ít hơn. Nhưng mình không muốn nhiều, 12 người như 12 đại đệ tử của Chúa Giêsu hay 10 đại đệ tử của Phật Thích Ca là đủ.
Nhưng điểm chính mình muốn khuyến khích các bạn với bài này là từ “căn cơ”. Người có căn cơ tạm giải thích là người có vốn tâm linh sẵn để có thể hiểu và say mê những lời dạy tâm linh, và do đó thực hành để mà đạt đạo. Căn cơ được xem là vốn có sẵn, các thầy không thể tạo ra được. Nhưng mình nghĩ là mình biết cách khai mở căn cơ cho các bạn: Các bạn càng yêu người, căn cơ của bạn càng tỏ lộ mạnh.
Cả Chúa và Phật đều dạy yêu người một chiều, vô điều kiện, tại mọi nơi, vào mọi lúc. Nếu các bạn thực hành tình yêu này, thì căn cơ sâu thẳm của bạn sẽ được nổi lên và hiển lộ trong ý thức bạn, để bạn có thể thấy được và hiểu được những vấn đề tâm linh sâu sắc.
Hãy dùng lợi thế chúng ta có ngày nay. Đó là nguồn tri thức nằm trên mỗi đầu ngón tay của ta, và trong trái tim yêu người của ta. Hợp hai phần này, các bạn có thể làm mình ngạc nhiên, vì có thể đếm được 100 người đồng hành chặt chẽ với mình thay vì chỉ 10 người.
Chúc các bạn đầy ánh sáng trí tuệ.
Mến,
Hoành
© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com