Đau khổ của loài người có nguồn gốc thực sự từ đâu
Chúng ta đã có nói, căng thẳng như là yếu tố luôn góp mặt trong nguyên nhân gây ra những đau khổ như lo lắng, sợ hãi, bạo động, gia đình tan vỡ, gia đình lứa đôi tan vỡ, ly dị, tự tử, chiến tranh, sung đột, khủng bố, môi trường phá hoại, địa cầu hâm nóng…
Còn rất nhiều nỗi đau khổ trong lòng mỗi người, mà chúng ta không thể kể hết ở đây.
Theo nhận thức của những nhà chính trị, các nhà kinh tế, các nhà cách mạng, khổ là nghèo đói, bệnh tật, thất nghiệp, bất công xã hội, nô lệ, kỳ thị,…Nhưng nếu quán chiếu cho sâu, họ cũng thấy được rằng, những cái mà họ cho là khổ không nằm ngoài mối quan hệ với những nỗi khổ trong tự thân. Giả sử, dù không có nghèo đói, không có bệnh tật, không có thất nghiệp, không có bất công xã hội, nhưng vẫn có những căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bạo động, chiến tranh như thường. Khổ vẫn có như thường. Nếu chúng ta không có căng thẳng, không lo lắng, không sợ hãi, không bạo động, tự nhiên nghèo đói, bệnh tật, thất nghiệp sẽ được giảm bớt. Chúng ta cần phải nhìn nhận một cách sâu sắc để biết được cái nào đích thực là khổ. Ví dụ, một người tranh đấu chống nạn thất nghiệp để có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đấu tranh để có tự do, vì theo họ: thất nghiệp, không có cơm ăn, áo mặc, nhà ở,…là khổ. Nhưng có thể trong họ vẫn có sự lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, giận hờn, và họ vẫn khổ, cho dù họ có đấu tranh thành công để có được việc làm, để có được tự do. Cho nên, cái khổ có nhiều mặt. Và khi đề cập đến tập đế, chúng ta có thể nói, nó là con đường bát tà –Tức là con đường không có mặt của chánh kiến, chánh tư duy. Nó là nguyên nhân đưa đến đau khổ. Nhờ biết được nguyên nhân khổ đau, mình chuyển hóa được khổ đau –Diệt đế. Diệt đế là sự vắng mặt của khổ đau, sự vắng mặt của bóng tối. Khổ đau vắng mặt thì hạnh phúc có mặt. Bóng tối vắng mặt thì ánh sáng có mặt. Hạnh phúc là ngược lại với căng thẳng –Thư giãn. Hạnh phúc là ngược lại với lo lắng –Vô ưu. Hạnh phúc là ngược lại với sợ hãi –Vô úy. Hạnh phúc không thể có mặt của yếu tố bạo động, yếu tố tan vỡ. Diệt đế là hạnh phúc, nhưng khổ đau cũng có thể đang có mặt một phần nào đó. Công nhận khổ đế không có nghĩa là không có hạnh phúc. Công nhận có bùn không có nghĩa là không sen trong bùn.
Trong đời sống, rất nhiều người không có sự thư giãn. Khi tới Làng Mai, mình cần học thư giãn. Ví dụ, tập đi thiền hành là cơ hội để tập thư giãn. Sự căng thẳng và thư giản đi đôi với nhau, và có mặt cùng một lúc. Vấn đề là cái nào nhiều, cái nào ít mà thôi. Trong chúng ta có sự căng thẳng, nhưng cũng có thể có sự thư giản. Tuỳ cách sống của mình mà ta có nhiều sự căng thẳng hay nhiều sự thư giản. Trong giây phút hiện tại, trong ta vừa có bùn, vừa có sen; vừa có rác, vừa có hoa. Nếu nói khổ đế là một sự thật thì diệt đế cũng là một sự thật. Cuộc đời có những đau khổ, nhưng cuộc đời cũng đang có những hạnh phúc.
Khi nói đến tứ diệu đế như chỉ toàn là đau khổ thì chưa đúng. Tứ diệu đế nói, có khổ đau, nhưng cũng có hạnh phúc. Vấn đề là làm thế nào để bớt khổ đau thêm hạnh phúc trong cuộc sống. Nhìn cho kỹ, khổ đau cũng đóng một vai trò nào đó để tạo dựng hạnh phúc.
Sáng nay ngồi thiền, Thầy cảm thấy rất hạnh phúc và hạnh phúc là một chuyện có thật. Khi nói tới đến tứ diệu, nếu nghĩ rằng tứ diệu đế chỉ có đau khổ thôi thì không đúng. Tứ diệu đế nói rằng có đau khổ nhưng đồng thời hạnh phúc cũng đang có mặt. Nhìn cho kỹ thì đau khổ cũng đóng một vai trò nào đó để tạo dựng hạnh phúc. Vấn đề là làm thế nào để vơi bớt khổ đau và tăng trưởng hạnh phúc. Luân lý đạo đức là những nguyên tắc, những phương pháp hành động để giảm thiểu khổ đau và nuôi lớn đạo đức, cho nên không hẳn là tiêu diệt khổ đau mới có hạnh phúc.
Vào khoảng 6 giờ sáng trên bầu trời có cả mảng sáng và mảng tối, sáng tối đan xen vào nhau. Đau khổ và hạnh phúc cũng vậy, nó nương vào nhau. Trong tuệ giác tương tức thì cái này được làm bằng cái kia và cái kia được làm bằng cái này thử hữu tức bỉ hữu thử vô tức bỉ vô. Giống như sen với bùn, nếu không bùn thì không có sen. Cho rằng tất cả chỉ là khổ là một ý niệm sai lầm. Bụt nói rằng: “Con ơi, có những khổ đau và con phải quán chiếu để chặt đứt khổ đau”. Chứ Bụt không hề nói tất tần tật đều khổ. Nếu là nhà thần học, vì thương Bụt quá nên khi nghe Bụt nói đời là khổ nên mình tìm đủ mọi cách để chứng mình đời là khổ, để cho Bụt đúng, ai dè làm như vậy là hại Bụt chỉ vì mình không hiểu được lời Bụt.
Công nhận khổ đau đang có mặt và cho rằng tất cả đều là khổ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Sai lầm đầu tiên là cho rằng mọi thứ là khổ. Sai lầm thứ hai là tưởng rằng chỉ khi nào khổ đau vắng mặt hoàn toàn thì khi ấy mới thực sự có hạnh phúc.
Tuy cuộc đời có khổ đau nhưng nhờ tu tập ta tìm được những giây phút rất hạnh phúc. Cho dù đang trong hoàn cảnh khốn khó tới mấy thì vẫn luôn còn đó những điều kiện hạnh phúc, tuy ít ỏi nhưng nó có đó. Ngược lại nếu cho rằng đời toàn niềm vui cũng không đúng. Đời có khổ có vui, cái khổ đang đóng một vai trò nào đó để làm ra cái vui. Nếu không đói thì mình ăn sẽ không ngon. Nhờ có cái đói ta mới cảm thấy hạnh phúc khi được ăn.
Trong kinh có nói năm uẩn là khổ. Người xưa diễn tả khổ là: Sinh, già, bệnh, chết. Sinh ra là khổ, già là khổ, bệnh tật là khổ, chết là khổ. Ham muốn mà không được là khổ, ghét bỏ mà bị gần gũi là khổ và năm thủ uẩn là khổ. Thủ có nghĩa là bị kẹt, bị vướng mắc vào và uẩn là năm yếu tố tạo nên con người gồm có: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức (hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Nếu bị kẹt vào năm uẩn, bị dính mắc vào cho nó là của mình thì lúc đó mới khổ. Năm uẩn không khổ nhưng năm thủ uẩn mới khổ. Đức Thế Tôn nhờ có năm uẩn mà ngày hôm nay chúng ta mới có giáo pháp để hành trì. Ngài cũng có năm uẩn nhưng Ngài không khổ bởi vì Ngài không bị kẹt, không cho rằng năm uẩn là vật sở hữu của mình, nhờ đó nên ngài được tự do. Uẩn của ngài không phải là thủ uẩn. Các pháp không phải là khổ nhưng vì kẹt vào các pháp nên mới khổ.
Nguồn: langmai.org