Câu chuyện đằng sau nhân quả (phần 3) – Ai cũng phải kiếm sống
Dù Thắng rất cao tay, các vụ cướp giật đều không để lại manh mối, nhưng rồi anh ta vẫn bị bắt. Trong một lần cướp túi của một người phụ nữ ở ga Hà Nội, Thắng bị một chiến sĩ đặc công đánh ngã và bắt đưa vào đồn công an.
Vào trại, Thắng cải tạo rất tốt nên được giảm án. Anh ta biết cách tốt nhất để được sớm ra khỏi trại là cải tạo thật tốt. Nhưng ra trại Thắng sẽ làm gì? Ai cũng phải kiếm sống và cách kiếm sống duy nhất của Thắng là trộm cướp. Nếu vô phương kiếm sống thì Thắng sẽ lại đi trộm cướp. Vì lý do này mà tôi nảy ra ý định tìm kiếm việc làm cho Thắng và lớp đàn em của anh ta. Tôi có một người bạn thân đang làm ở Sở giao thông công chính thành phố. Tôi nói suy nghĩ của mình với bạn tôi. Và anh bạn ấy nói: “Việc làm thì không thiếu, nhất là lao động phổ thông. Thắng và các chiến hữu của anh ta có thể làm bảo vệ ở các chợ và các bến xe. Đây là lấy độc trị độc. Bọn này thừa kinh nghiệm để trị những thằng hay trộm cắp ở chợ và các bến xe. Nhưng họ phải được tổ chức lại thành tổ đội chặt chẽ, làm việc có quy củ và có kỷ cương, có chữ tín, mất một con gà trong chợ cũng phải đền, phải như thế mới làm bảo vệ được”.
Khi tôi trao đổi với Thắng về ý kiến này thì Thắng đồng ý ngay. “Cùng bất đắc dĩ chúng em mới phải đi trộm cướp chứ sung sướng gì đâu. Cánh cửa nhà tù lúc nào cũng mở sẵn trước mặt. Và rồi chúng em cũng còn phải xây dựng gia đình, có vợ, có con chứ không thể lông bông như thế này mãi. Nếu có một công việc hẳn hoi, một mức thu nhập ổn định và khả dĩ thì còn gì bằng. Em sẽ tổ chức đội bảo vệ, làm việc thật nghiêm chỉnh, có kỷ cương”. Và Thắng đã làm như thế. Anh tổ chức đội bảo vệ, có đồng phục và phù hiệu, ký hợp đồng với các quầy hàng, các gian hàng, nếu để mất một cái kim, sợi chỉ thì đội bảo vệ sẽ phải đền tiền. Bà con tiểu thương ở chợ hàng tháng đóng tiền để nuôi đội bảo vệ. Thắng họp toàn đội, quán triệt mục tiêu sống tử tế. Anh nói: “Một thời gian dài chúng ta đã sống không tử tế và kết cục cũng chẳng tốt đẹp gì. Bây giờ phải tập sống tử tế, làm việc nghiêm túc, sống đứng đắn, không được ăn mặc bê tha, không được văng tục. Mọi người phải coi bà con tiểu thương ở chợ và hành khách ở bến xe là thượng đế, phải hết lòng phục vụ họ, vì họ nuôi chúng ta. Khi họ gặp khó khăn thì mình phải hết lòng giúp đỡ, bất kể chuyện gì. “Gái có công, chồng chẳng phụ”, đừng so đo thiệt hơn”. Ngoài công tác bảo vệ, đội của Thắng còn làm thêm nhiệm vụ vệ sĩ. Ai cần được bảo vệ, đội của Thắng sẵn sàng có mặt. Một vị cán bộ ở miền Nam ra Hà Nội họp, trưa ngồi ăn ở nhà hàng chả cá Lã Vọng không may bị đánh cắp chiếc cặp số. Trong cặp có 15.000 USD và một số tài liệu quan trọng. Với vị này, số tiền đó không quan trọng bằng số tài liệu kia. Mất tài liệu thì ông ta cũng mất chức luôn. Ông ta nhờ Thắng giúp đỡ để lấy lại chiếc cặp và tài liệu. Thắng thừa biết bọn tiểu yêu ở từng khu phố, biết mặt, biết tên, biết số điện thoại. Anh gọi bọn chúng đến: “Trộm tài liệu tối mật là tù mọt gông. Khôn hồn mang cái cặp đó ra đây”. Chỉ đơn giản thế thôi mà cái cặp đã được thu hồi trả lại người mất.
(Còn nữa)
Khánh Hoàng
Theo giadinh.net