Câu chuyện về chàng tiến sĩ bên Mỹ và hành trình đến với Phật pháp

Anh, một tiến sĩ toán học thông minh, tài giỏi, có việc làm trong hệ thống an ninh quốc phòng của chính phủ Mỹ. Anh có ước mơ của bao người, vậy mà anh bỏ tất cả để đi tu. Nhiều người chửi anh dở hơi, nhiều người tiếc nuối, kẻ cười thầm. Chỉ anh hiểu, anh cần gì, anh đi tìm cái gì, anh hạnh phúc ra sao…

Chúng tôi viết đôi dòng về cuộc đời anh như là một câu chuyện nhỏ về sự vận hành và ràng buộc trong thế giới nhân duyên Phật pháp, chắc chắn rằng khi một hạt giống nhỏ Phật pháp rớt vào tâm ai thì cũng đến lúc nó trổ quả… nguyện cầu ai ai cũng được bình an trong hơi ấm từ bi của đức Phật.

Ngày anh tốt nghiệp thủ khoa tiến sĩ toán học tại một trường đại học hàng đầu của Mỹ ở tuổi 34 thì cũng chính là ngày mà cả dòng họ của anh mở tiệc ăn mừng, với dòng họ, anh là một tấm gương của sự nỗ lực và trí tuệ, là một biểu tượng cho các con cháu trong nhà và cũng là niềm hi vọng lớn lao của tất cả mọi người. Sau đó anh được chính phủ Mỹ bố trí cho một công việc trong hệ thống an ninh quốc phòng và dĩ nhiên với trình độ và đầu óc như một thiên tài thì công việc của anh vô cùng đơn giản, anh không cần làm gì cả, không đến cơ quan mọi ngày giống như bao người khác, công việc không áp lực và cũng không ai đòi hỏi ở anh cái gì, anh chỉ ở nhà nghiên cứu chế tác ra các công trình mới và ít nhất mỗi năm có một ý tưởng phát minh mới trình cho chính phủ là đủ rồi, nước Mỹ họ trọng dụng chất xám của anh chứ họ không đòi hỏi quá nhiều ở sức lực. Và dĩ nhiên lương bổng và các chế độ phụ trợ thì vô cùng đặc biệt.

Anh kể rằng, cả dòng họ qua Mỹ định cư năm anh 22 tuổi, khi đang học năm cuối của Đại học Bách Khoa Sài Gòn, những ngày đầu qua Mỹ, anh khó khăn trăm bề để hòa nhập vào cuộc sống tấp nập của xứ người, đất nước họ giống như một con tàu điện ngầm hiện đại lúc nào cũng phải chạy, chạy mãi, bất kì một ai đứng lại là bị xã hội bỏ lại phía sau. Giáo dục của Mỹ khác xa Việt Nam mình lắm, họ chỉ trập trung vào ba môn chính là Toán, Công nghệ thông tin và Văn học sử; Anh bảo, Lịch sử Mỹ không hay bằng sử Việt Nam mình, nhưng cách họ viết sách và giảng dạy đã biến lịch sử thành một môn vô cùng hấp dẫn và bắt buộc bất cứ ai đến Mỹ phải học lịch sử Mỹ, vì họ cho rằng, lịch sử là nền tảng của văn hóa, văn hóa còn thì đất nước còn, văn hóa mất thì dù quân sự chính trị có mạnh đến đâu trước sau gì cũng mất nước, vì chú trọng và nghiêm túc trong trong việc học Sử đã khiến cho bất cứ ai cũng dễ bị thấm nhuần văn hóa bản địa và dù nước Mỹ có pha trộn hàng trăm chủng người trên thế giới đến nhập cư sinh sống thì họ không bao giờ lo mất nước.

Về phần Sư:

Sư biết anh từ khi anh còn là một cậu học sinh tiểu học thông minh với nét thư sinh trên khuôn mặt trẻ thơ, mỗi buổi tối cuối tuần mẹ anh hay dẫn anh đi chùa tụng kinh và thường được Sư xoa đầu bảo “là Phật tử, ráng học cho giỏi nghe con”. Bẵng một thời gian lớn lên, anh đi học rồi xuất ngoại và cũng không bao giờ còn biết đi chùa nữa. Rồi nhân duyên, Sư cũng rời xa quê hương, sang Pháp để nhận Phật sự mới. Khi biết anh đã tốt nghiệp và đi làm, sợ dòng đời cuốn mất đi một con người siêu xuất, Sư đã dành nhiều thời gian để tạo nhân duyên đưa anh trở về với đạo Phật. Mỗi lần Sư có Phật sự sang Mỹ, dù bận cỡ nào Sư cũng nghé nhà thăm mẹ anh, và mỗi lần như thế mẹ anh vô cùng hạnh phúc, Sư dạy cho mẹ pháp môn niệm Phật, hướng dẫn mẹ tu hành trong những ngày già yếu, và cũng nhờ có Sư mà mẹ anh đã có một tuổi già an lạc với Phật pháp. Từ nhỏ đến lớn, anh lo học và không biết tình yêu là gì và anh cũng không có gia đình, với anh, mẹ là tất cả cuộc đời mình. Chứng kiến Sư phụ năm xưa giờ này đã hơn 70 tuổi mà lần nào đi Phật sự cũng ghé thăm mẹ, anh mang ơn Sư rất nhiều.

Năm đó, anh quyết định bay sang Pháp đảnh lễ Sư và thưa rõ ý nguyện của mình, anh bày tỏ rằng anh mang ơn Sư quá lớn vì Sư đã độ mẹ anh, giúp mẹ sống an lạc mỗi ngày, cái điều mà bản thân anh và tất cả anh em trong nhà dù cho giàu có, công danh đến đâu cũng không thể làm được. Anh thưa với Sư rằng anh muốn đáp lại ân đức to lớn của Sư, bất kì Sư muốn làm Phật sự gì, xây cất chùa hay mọi thứ, tốn bao nhiêu tiền, anh sẽ cúng dường tất cả…Sư cười, Sư bảo:

Sư xuất gia từ lúc mới sinh ra được mấy ngày, cả đời tu của Sư, Sư không cần tiền. Nhưng Sư có công việc cần con giúp!

Nói rồi Sư lấy bộ sách “Vi Diệu Pháp” dày cộm gồm ba tập bằng anh ngữ đưa cho anh rồi bảo:

– Sư định dịch bộ sách này ra Việt ngữ để Phật tử làm tài liệu tu học, nhưng Sư bận quá, tuổi lại già, con giúp Sư dịch nó nhé!

Anh vô cùng hoan hỷ, tưởng Sư nhờ việc gì to lớn lắm, chỉ là dịch sách thôi, đối với anh, anh thông nhiều thứ tiếng thì việc chuyển ngữ từ tiếng Anh sang Việt đâu gì là khó khăn. Cầm bộ sách ba tập với gần hai ngàn trang, anh dự tính là cứ đọc và chuyển ngữ thì khoảng vài tuần xong. Anh thưa với Sư:

– Dạ, chậm nhất 1 tháng con sẽ gửi toàn bộ bản dịch, dâng lên Sư, và nếu Sư muốn xuất bản, con sẽ lo phần đó luôn ạ!

Sư lại cười:

– Con dịch một tháng hay mấy tháng không quan trọng, con dịch bao lâu cũng được, miễn sao con hoàn thành công việc, đừng bỏ cuộc giữa chừng là coi như con đền ơn Sư rồi.

Anh quỳ bên Sư và thưa rằng:

– Bạch Sư phụ, dù bất kì hoàn cảnh nào, con sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Sư phụ đã giao cho con!

Đảnh lễ Sư xong anh mang bộ sách về Mỹ và bắt đầu chuyển dịch.

Tất nhiên là việc dịch sách không hề ảnh hưởng gì đến công việc ở cơ quan anh vì anh không phải đi làm hàng ngày như mọi người.

Ngày đầu tiên, mở sách ra dịch, anh thốt lên: “Sư phụ ơi, chết con rồi! sao mà con dịch nổi đây!”. Anh bối rối, ngơ ngác, lạc lõng…anh cứ ngỡ chỉ là chuyển ngữ bình thường thôi, ngờ đâu, ngay trang đầu tiên, cái gì là Tâm vương, tâm sở, sắc pháp…cái gì là Nhân chế định, Thọ uẩn, Vô vi…

Tiếp sang trang thứ hai và những trang nữa, cái gì là A tăng kỳ kiếp, Trung gián kiếp, Ngũ tịnh cư thiên, Sắc cứu cánh…

Hàng trăm thuật ngữ xa lạ hoàn toàn cứ đập liên tục vào mắt anh… ngơ ngác, lạ lẫm, hoang mang…chữ nghĩa tiếng Anh thì không có chữ nào mà anh không biết, nhưng rốt cuộc anh không biết một chữ gì cả!

Đọc một hồi mấy chục trang liên tiếp mà chẳng thể hiểu nổi “Vi Diệu Pháp” là cái gì nữa, ngay lúc đó, anh định bỏ cuộc! Nhưng nhớ lời Sư dặn và làm người thất hứa cũng không phải là bản chất của anh, anh lại quyết tâm kiên trì…nhưng cứ đọc tiếp lại cứ rơi vào hoang mang, bế tắc và ngõ cục, anh nhận ra rằng việc này nó không đơn giản như anh nghĩ trong vài tuần là xong, và anh càng hiểu được thâm ý của Sư dặn anh “con dịch bao lâu cũng được”.

Những ngày sau đó và nhiều ngày nữa, anh mang nỗi lòng nặng trĩu về nhiệm vụ của mình, lần đầu tiên anh cảm thấy bị áp lực và khó khăn như vậy. và rồi anh hiểu rằng, anh không thể làm một cách dĩ hữu, không thể làm qua loa, và anh cũng không thể dịch được bộ sách ấy khi trong đầu trống rỗng về Phật pháp.

Anh book chuyến bay vội về Sài Gòn, lang thang hết tất cả cách nhà sách Phật giáo, bao nhiêu quyển giáo lý căn bản, các tác phẩm Phật học, các bộ kinh và nhất là cách sách về Vi Diệu Pháp…Anh gom được năm va-ly sách lớn. Trở lại Mỹ, anh đóng cửa nghiền ngẫm tất cả các kinh sách, đọc chỗ nào không hiểu anh lên mạng nghe quý Thầy giảng về bài pháp đó…và cũng bắt đầu từ đó, người ta không còn thấy anh đi dạo nhiều, không còn thấy anh đi du lịch hay tham gia các hoạt động giải trí khác nữa, anh vẫn sống nhưng hầu như không nói chuyện nhiều với ai, gặp ai anh cũng cười nhẹ và nếu có ai hỏi gì, anh cũng chỉ trả lời vắn tắt mà thôi, anh không quan tâm quá nhiều đến xã hội và cũng không tranh luận vấn đề gì với ai, anh cũng từ chối rất nhiều cuộc hội thảo quốc tế hay các diễn đàn của nước Mỹ…cứ vậy đó, không ai biết anh đang làm gì, có người thì đoán rằng anh đang nghiên cứu công trình gì đó lớn lắm đây! Anh mặc kệ tất cả…

Xuyên suốt ba năm nghiên cứu hết các tác phẩm Phật giáo mà anh có, cộng với một năm dịch bộ sách Vi Diệu Pháp nữa..bốn năm như vậy, anh bay trở lại Pháp mang bản dịch trình cho Sư.

Ngày gặp lại, Sư đã già hơn nhiều lắm, sức khỏe lại kém hơn nhưng đôi mắt Sư vẫn sáng ngời như ngày nào, còn anh, anh đã già dặn và trưởng thành hơn rất nhiều:

Quỳ dưới chân Sư phụ cũng y cái nơi mà bốn năm trước anh quỳ nơi đây, trình Sư phụ bản dịch xong và anh thưa rằng:

–  Bạch Sư, con muốn xuất gia!

Sư không ngạc nhiên và cũng không hỏi nhiều, có lẽ Sư đã đoán được tất cả, Sư hạnh phúc nhìn anh, hạnh phúc vì đã đưa được một con người tài giỏi về lại với Phật pháp. Sư lại bảo:

– Chưa vội xuất gia đâu con, sắp tới, trường Đại học Phật giáo quốc tế […] sẽ khai giảng khóa mới, con thi vào đó học đi, rồi học xong Sư sẽ tính cho con.

Anh cuối lạy Sư phụ với tấm lòng vô cùng biết ơn và hạnh phúc.

Trở về Mỹ, anh quyết định xin nghỉ việc sau hơn sáu năm công tác và sắp xếp đi học Phật học. Tin anh nghỉ việc như một tiếng sét giáng xuống dòng họ, ai cũng bàng hoàng tiếc nuối và ra sức ngăn cản, nhưng ở xã hội Mỹ, dù là gì đi nữa thì không ai có quyền áp đặt hay ngăn cản ý nguyện của người khác, đó là phạm pháp luật, hơn nữa, khi nghe anh nói vậy, mẹ anh, người duy nhất hoan hỷ và ủng hộ anh tuyệt đối…

Tôi gặp lại anh ở mái trường Phật học quốc tế, giữa cộng đồng sinh viên quốc tế đang du học có cả người xuất gia lẫn tại gia ở nhiều nước trên thế giới, là người đồng hương và đồng chí nguyện, chúng tôi trở nên thân thiết, anh hay bảo: “đến một ngày con sẽ giống như Thầy” (tức là trở thành người xuất gia). Chúng tôi hay trao đổi với nhau về đề tài Phật giáo và khoa học vì tôi biết rằng nói về khoa học, không ai giỏi hơn anh và dĩ nhiên tôi học từ anh rất nhiều điều về thế giới thật mà con người đang theo đuổi..

Có một lần anh hỏi tôi:

–  Thầy có biết tại sao các nhà khoa học, những người càng giỏi, nhìn họ bù xù đầu tóc, như người bị điên không?

Tôi trả lời không chút suy nghĩ:

–  Vì họ học nhiều nên tư tưởng bị chiếm lĩnh bởi đề tài của họ nghiên cứu, thành ra họ không quan tâm đến xung quanh, nên nhìn họ khác dị…cũng như mình, những ngày thi học kỳ, quên ăn, quên tắm mà có hay biết gì đâu.

– Dạ, không phải đâu thầy:

– Chính con cũng đã từng sắp bị điên rồi thầy ạ, không phải vì học nhiều mà quên chăm sóc bản thân. Ở đỉnh cao của sự nghiên cứu, hầu như mười người là điên hết cả mười. Bởi vì khoa học như một mớ hỗn độn các chân lý, chẳng có cái nào là đúng sự thật, tất cả chỉ đặt trên nền tảng các hệ thống lý thuyết của người đi trước rồi bây giờ dựa vào đó mà nghiên cứu, mà các lý thuyết trước kia cũng chỉ là quan điểm, công trình của người xưa, chưa chắc đã đúng. Khi nghiên cứu đến đỉnh cao, thấy tất cả điều mình học lâu nay là sai lầm vì thực tế không phải vậy, hệ thống quan điểm của các nhà bác học vẫn sai lầm…

Trạng thái nhận thấy cái việc mình dốc toàn lực mấy chục năm vất vả học tập, để khi nhận ra nó không có kết luận nào chính xác, nó lại rơi vào mênh mông không có giải đáp…ai cũng bị khủng hoảng và điên thôi.

Bản thân con khi nghiên cứu về thiên nhiên vũ trụ, đến kỳ hạn cuối năm phải trình kết quả, rất nhiều lần không biết phải trình cái gì vì sự thật khi nghiên cứu thấy tất cả vô nghĩa, không có thật. Nhưng với áp lực từ chính phủ và nhà tài trợ, không công bố thành phẩm nghiên cứu suốt năm qua là một điều rất khó chấp nhận, đành vậy, sếp bảo rằng, thôi, cứ công bố đại rằng, “Chúng tôi tìm được hành tinh đó, cách mấy triệu năm ánh sáng, có sự sống…”. Sự thật thì hàng năm có rất nhiều công bố khoa học, nhưng phần lớn đều là giả tạo hết…

Anh lại tiếp tục:

–  Tất cả Phật nói hết rồi, muốn biết về vũ trụ, học Phật học là chuẩn nhất.

– Có một năm, chúng con nhận đề tài, nghiên cứu xem thật sự Trái Đất phải cấu tạo từ 7 lớp như xưa nay kết luận không? Nhưng rồi nghiên cứu, thí nghiệm cũng không biết được, tất cả chỉ đoán là như vậy thôi, chứ không thể nào khoan thủng tận vào bên trong mà xác định chính xác được…rồi khi con đọc Vi Diệu Pháp, Phật dạy trái đất có hai phần thôi, bên trong là khối sắt thép bao bọc địa ngục, bên ngoài là lớp mềm của đất và nước hòa lẫn mà mình đang sống, con tin hoàn toàn điều đó, vì chính con đã nghiên cứu về Trái Đất mà cũng đi đến ngõ cụt..

Lần khác, khi tôi và anh đến cúng dường bữa ăn sáng nơi một trường hạ an cư với hơn một ngàn vị năm trăm vị tăng ni, trong lúc chờ đến giờ dâng vật phẩm, tôi nói vui “cũng may anh hiểu Phật pháp, chứ không, làm gì có cơ hội đi cúng dường an cư như thế này?”. Anh lại nhẹ nhàng:

– Khi con đi học và nghĩ, cái ngày con tốt nghiệp tiến sĩ Mỹ, chắc huy hoàng lắm, rồi mỗi ngày đi làm, cuỗi tuần giải trí, lương tháng cao…chắc hạnh phúc lắm. Nhưng rồi ngày nhận bằng, thấy nó chỉ là một tờ giấy chứ không khác hơn, đi nước này nước kia dự bao nhiêu hội thảo diễn đàn, rồi thấy có hạnh phúc gì đâu, làm việc, cuối tuần giải trí…như một cái máy, không có chút gì huy hoàng cả, cuộc sống thấy bình thường như bao người bình thường khác..

– Cũng nhờ năm xưa còn bé, mỗi tối mẹ dẫn đi chùa tụng kinh, lần nào tụng kinh xong, Sư phụ cũng dành 15 phút nói chuyện, nhắc nhở mọi người tu hành…bao nhiêu năm con không đi chùa, nhưng lời dặn của Sư phụ vẫn hiện rõ ràng trong tâm, nhất là lúc con gặp khó khăn…mà ngày đó Sư phụ giảng pháp hay lắm, mỗi tối có 15 phút, Sư phụ kể một mẫu chuyện về đức Phật, rồi rút lại dạy sơ sơ mấy điều…vậy mà tụi ham đi chùa để nghe kể chuyện lắm…

Tôi hạnh phúc và vui mừng cho anh vì cuối cùng anh đã tìm được con đường đúng đắng cho mình, anh và tôi cùng học tại trường Phật học và anh vẫn miệt mài dịch các tác phẩm Phật giáo ra Việt văn để đóng góp cho tư liệu Phật giáo nước nhà. Anh đến với Phật giáo bằng những hạt mầm nhỏ nhoi thời thơ ấu và kết tinh của trí tuệ của một con người cần cù và khiêm tốn.

Hôm nay là ngày 16 tháng 9 âm lịch, chính là ngày Đại Lễ Thadingyut. Thuở Phật còn tại thế, mùa an cư thứ bảy Phật lên cung trời Tivatiṃsa (Đao Lợi Thiên) để thuyết Vi Diệu Pháp cho chư thiên cũng là để độ cho mẹ của Ngài, hoàng hậu Māhāmāyadevī (Ma-ya). Sau khi sinh thái tử Siddhattha được bảy ngày, Mẫu hậu qua đời và tái sinh thành một vị thiên nam với tên gọi Santusita tại cung trời Đẩu Suất, vì để đền ơn huyết sữa của mẹ, đức Thế Tôn đã dành mùa an cư thứ bảy lên cõi trời độ mẹ. Ngày đức Thế Tôn trở về trần gian đúng vào ngày 16 tháng 9, dân chúng đã đốt hàng triệu ngọn nến để cung rước và đón mừng Phật, và ngày lễ đó mang tên Thadingyut đã được giữ gìn từ thuở ấy đến hôm nay ở các nước Phật giáo. Hôm nay, trong này đặc biệt này, ở các nước Phật giáo vui như là ngày Tết, dân chúng khắp nơi đổ về chùa mang theo đèn và hoa ngập tràn để mừng ngày Phật về trần gian.

Trong niềm hân hoan ấy, chúng tôi viết đôi dòng về cuộc đời anh như là một câu chuyện nhỏ về sự vận hành và ràng buộc trong thế giới nhân duyên Phật pháp, chắc chắn rằng khi một hạt giống nhỏ Phật pháp rớt vào tâm ai thì cũng đến lúc nó trổ quả… nguyện cầu ai ai cũng được bình an trong hơi ấm từ bi của đức Phật.

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay