Con người khổ quá thường kêu trời, lẽ ra phải kêu mình mới đúng!
Hiện đời chúng ta có chứng thực được lý luân hồi này. Như quả địa cầu đang quay hết sáng tới tối, hết tối tới sáng. Quay như vậy là luân hồi. Trong con người chúng ta máu từ tim chảy đến khắp lục phủ ngũ tạng, rồi từ lục phủ ngũ tạng chảy về tim. Ra vào, ra vào lẩn quẩn như thế nên gọi là luân hồi. Như vậy từ địa cầu, từ bản thân, từ tâm niệm chúng ta, đều đi theo chiều hướng luân hồi. Nhiều người không hiểu, tưởng luân hồi là cái gì huyền bí. Sự thật nó như vậy.
Thấy được lý luân hồi, nhân quả chúng ta còn sợ sệt nữa không? Sợ ai? Thường thường sợ là sợ ai đó hành mình. Nhưng bây giờ chính ta là chủ nhân tạo ra mọi hoàn cảnh cho mình, thì còn sợ ai nữa. Có sợ chăng là sợ mình không tạo nghiệp lành lại đi tạo nghiệp dữ. Không ai muốn mình khổ cả, vì thế chúng ta phải tạo nhân lành để tránh khổ, được vui chứ!
Như vậy, đạo Phật cho chúng ta quyền quyết định hoàn toàn, không ai chen vô hết, không phải trời Phật can thiệp vào. Con người khổ quá thường kêu trời, lẽ ra phải kêu mình mới đúng. Tại sao hồi xưa mình ngu tạo nghiệp dữ để bây giờ chịu khổ như vầy. Hiểu thế mới hối hận ăn năn sám hối chừa cải. Còn kêu trời, đổ thừa trời thì không nhận phần lỗi về mình, không chịu trách nhiệm về những hành vi mình đã tạo ra trước đó.
Chúng ta gặp khổ lại đổ trách nhiệm ở một đấng nào, điều này đúng không? Không đúng. Biết tất cả tốt xấu, hay dở đều do mình tạo, ta nhận lấy trách nhiệm về mình. Đó là lẽ thật. Biết nhận lấy trách nhiệm để sửa là khéo tu. Còn không nhận trách nhiệm, cứ theo đà cũ oán hờn, thù hận là chưa biết tu. Người tu phải sáng suốt, biết rõ những gì ta lỡ tạo phải can đảm nhận, chớ không đổ trút cho người khác.
Phật tử học Phật rồi, thấy được trách nhiệm đối với mình, với nghiệp quá khứ đã gây tạo. Gặp cảnh khổ ta không kêu trời kêu đất, chỉ cười vì biết hồi xưa ngu dại mình tạo nhân này, nên bây giờ gặp quả đây. Ngày nay ta không tạo mà gặp cảnh xấu thì biết đây là quả ngu dại từ đời trước. Bây giờ phải ráng ăn năn sám hối. Nếu người gặp cảnh vui, làm gì cũng thành công thì không nên tự hào. Tự biết nhờ hồi xưa biết tu, biết làm lành nên bây giờ gặp cảnh tốt. Nghĩ thế càng gắng làm lành, không ngạo mạn tự cao. Có bỗng dưng được đâu mà ngạo mạn, đây là công của mình từ trước. Người biết tu rồi đứng trong xã hội rất vững vàng.
Người tin được nhân quả có can đảm không? Dám nhận trách nhiệm, không đổ thừa ai hết là can đảm. Do biết nhân quả, can đảm nhận hết những xấu dở để sửa mình, điều hay tốt cố gắng thêm lên. Hiểu đúng tin đúng như vậy, có giác ngộ không? Có giác ngộ chút chút nên nói là con Phật. Học Phật, bước đầu chúng ta phải nhận định cho thật thấu đáo, nếu không sẽ giống như người thế gian có bệnh nhát nhúa, hay đổ thừa. Việt Nam ta có những câu ca dao rất hợp lý nhân quả:
Bởi chưng kiếp trước khéo tu,
Ngày nay con cháu võng dù nghênh ngang.
Ông bà mình thấy rõ luật nhân quả. Sở dĩ ngày nay được tốt là tại hồi trước mình khéo tu. Ngày nay bị xấu là tại hồi trước mình không khéo tu, chớ có gì đâu. Phật tử mà không giác chút nào hết thì không phải là Phật tử, chỉ là kẻ tu mù thôi.
HT. Thích Thanh Từ