Trầm hương, đó có phải là mùi hương đến từ thiên đường?
Đó là một mùi hương đến từ thiên đường
Không chỉ dành cho bạn, hay cho tôi
Trầm hương, dành cho tất cả chúng ta
Có người cho trầm hương là mùi hương có thể kết nối các cõi với nhau. Từ đó mà bao huyền thoại đã sinh ra. Bao nhiều câu chuyện kì bí, bao tác dụng được lưu truyền. Và theo đó, giá trầm hương cứ thế lên thẳng đứng một cách không tưởng.
Mà cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà trầm hương có cái giá đắt hơn cả vàng ròng! Nếu có thổi giá, cũng chỉ thổi được mấy tháng mấy năm, chứ chẳng thể thổi giá đến mấy chục năm như thế!
Trầm, vẫn cuộn vào dòng đời những không gian kì bí, những câu chuyện hư thực khó lý giải. Và người dùng trầm, vẫn lặng lẽ mà thưởng thức, những dư âm khó quên của một hương vị đặc biệt mà không thể miêu tả cụ thể thành lời. Phải chăng, đó là dư vị của trời?
Vị của trầm có thể nói là chủ đề thú vị nhất. Thường thường, nếm vị trầm tự nhiên, trong sách báo hay miêu tả nó có đủ 5 vị: ngọt , mặn, chua, cay, đắng. Nhưng, sự thực là, mỗi người nếm đều có miêu tả của riêng mình. Có người chỉ thấy vị mặn hơi hăng cay, có kẻ thấy vị mặn ngọt hơi nồng. Có người lại thấy đắng chát hơi dịu…Và cả mùi hương của trầm cũng kì bí như vậy. Chẳng ai có thể mô tả rõ trầm…mùi gì? Mùi gỗ? Mùi thơm? Mùi hăng hắc? Mùi hơi mặn?…Rõ ràng cùng ngồi chung một căn phòng, dùng chung một lư trầm, mà cũng chẳng ai có thể miêu tả rõ ràng hay giống nhau! Giống như những thầy bói mù xem voi ngày nào, bây giờ chúng ta đủ cả mắt cả mũi cả vị, mà còn chẳng nhận diện được rõ ràng. Đó, còn không phải hương vị của trời!
Trầm hương thì có rất nhiều tác dụng, cứ hư hư thực thực chẳng kiểm chứng. Có kẻ còn cho chẳng hơn gì khúc củi. Nào trừ tà, nào khử ô uế, nào kết nối với cõi khác, nào đem lại bình an và may mắn…Và tác dụng như thế nào, chỉ có những người đã từng được trải nghiệm mới có thể nói được.
Gọi chung là trầm hương, nhưng thực ra trầm hương được chia ra làm mấy hạng.
– Hạng nhất là kỳ nam hay còn gọi là kỳ
Là loại trầm hương có phẩm cấp cao nhất, cho nhiều dầu, nhẹ, mềm, dẻo, nhuyễn, khi nếm có đủ vị chua, cay, đắng, ngọt; tỏa mùi thơm tự nhiên, khi đốt hương thơm đặc biệt, khói xanh, bay thẳng và dài lên không trung. Kỳ nam được chia thành 4 loại:
+ Bạch kỳ: Sắc trắng ngà, xám nhạt, vô cùng qúy hiếm, ít khi có, đắt giá nhất.
+ Thanh kỳ: Sắc xanh xám, ánh lục, rất qúy hiếm, đắt giá sau bạch kỳ.
+ Huỳnh kỳ: Sắc vàng sẩm, vàng nâu, qúy hiếm và đắt giá sau thanh kỳ.
+ Hắc kỳ: Sắc đen chàm, hắc ín, qúy và đắt giá sau huỳnh kỳ.
Sách xưa xếp loại kỳ nam: nhất Bạch, nhì Thanh, tam Huỳnh, tứ Hắc.
– Hạng hai là trầm:
Là lọai trầm hương ít dầu, nặng, vị đắng, hầu hết khi đốt mới tỏa mùi thơm, khói màu trắng, bay quanh rồi tan ngay. Theo phẩm cấp, trầm được xếp thành 6 loại :
+ Loại 1, sắc sáp trắng, giá trị cao nhất trong 6 loại trầm;
+ Loại 2, sắc xanh đầu vịt , giá trị sau lọai 1;
+ Loại 3, sắc sáp xanh , gía trị sau lọai 2;
+ Loại 4, sắc sáp vàng, giá trị sau lọai 3;
+ Loại 5, sắc vằn lông hổ, giá trị sau lọai 4 ;
+ Loại 6, sắc vàng đốm dầu, giá trị thấp nhất trong 6 loại trầm.
Sách xưa chia trầm hương thành 5 loại: Hoàng lạp trầm, Hoàng trầm, Giác trầm, Tiến hương, Kê cốt hương, trong đó Hoàng lạp trầm là tốt nhất.
– Hạng ba là tốc
Phần lớn tốc có mức nhiễm dầu ít hơn trầm, chủ yếu là từ bên ngòai và dài
theo thớ gỗ. Có khỏang vài chục lọai tốc, với các tên gọi như: Tốc kiến, tốc đá, tốc cá ngừ, tốc hương, tốc lọn, tốc dây, tốc đỉa… Tuy nhiên, có thể xếp các dạng tốc thành 4 nhóm như sau:
+ Tốc đỉa, là nhóm tốc có mức độ nhiễm dầu nhiều trong các thớ gỗ, dạng nhỏ, cở ngón tay, đầu đũa con hoặc như con đỉa.
+ Tốc dây, là nhóm tốc có mức độ nhiễm dầu xen, tạo nhiều vòng giữa các thớ gỗ, thường có dạng tròn, dài, dáng rễ cây.
+ Tốc hương, là nhóm tốc có mức độ nhiễm dầu dạng mảnh, mùi thơm nổi trội hơn các lọai tốc khác.
+ Tốc pi, là nhóm tốc có mức độ nhiễm dầu mỏng, bao quanh bên ngòai các thớ gỗ theo dạng hình tháp, hình ống lớn.
Trong 4 nhóm tốc thì tốc đỉa được đánh giá cao hơn về chất lượng.
Trong các hạng trên, có lẽ kì nam ít được biết đến do giá thành quá cao và độ quý hiếm của nó. Có phu tìm trầm cả đời chưa được biết kỳ nam là gì. Còn bình thường, trầm hay được sử dụng là trầm hạng hai và hạng 3. Do giá thành không quá cao và cũng thường thấy hơn cả.
Trầm, có tiếng nói riêng của mình, mà phải bình thản và tinh tế lắm, người ta mới nhận ra được tiếng nói linh thiêng ấy. Bởi khi mới sử dụng, người ta chỉ thấy một đám khói nghi ngút không khác gì…hun khói!!! Chẳng nồng nàn như hương hoa, quyến luyến ấm áp như hương gỗ, càng không sặc sụa và gây ấn tượng mạnh như mùi hương hóa chất tổng hợp ngày nay.
Phải dùng đến mấy lần, người ta mới dần nhận ra, trong đám khói sương kì ảo ấy, từng dư vị một. Mà mỗi lần dùng tiếp theo, người ta lại có thể nhận ra một mùi vị khác nhau. Chẳng thể gọi tên, nhưng lại biết ngay là trầm. Đến lạ kì mà chẳng tài nào giải thích nổi! Ngay cùng một con người mà còn thấy mùi hương không giống nhau, huống chi là người khác. Bảo sao trầm chẳng kì bí.
Và hương trầm, cũng không dành cho những tâm hồn nóng vội. Dùng trầm không giống như dùng bất cứ một loại hương thơm nào khác. Không phải đốt lên lấy khói thơm như người ta vẫn tưởng. Thực ra, nếu chỉ đốt lên lấy hương thơm, trầm thua xa nhiều loại hương khác. Nhưng cái đặc biệt của trầm là ở sau khi đốt. Là ở sau khi dùng một thời gian, cả gian phòng sẽ nồng ấm hương trầm thoang thảng dù chẳng còn dùng nữa. Hương trầm cứ quấn quýt trong cả gian phòng, trong từng đồ đạc và đặc biệt là chiếc lư. Dù không dùng vẫn bền bỉ tỏa hương nhẹ nhàng ấm ngọt.
Chẳng thế mà người ta quý trầm, người ta hay ví trầm với vương giả, với cao sang thoát tục. Chẳng phải bởi tính chất đặc biệt này. Hương trầm, không nồng đậm khoe khoang, mà ngấm rất lâu, rất ấm. Cho dù không dùng nữa thì mùi hương ấy vẫn nhẹ nhàng lan tỏa dâng tặng cho đời.
Đó là câu chuyện của mùi hương. Còn câu chuyện của công dụng trầm còn là một đề tài bàn luận dài nữa. Trầm hương có khả năng khử uế trược, âm khí rất mạnh. Căn phòng dùng trầm thường xuyên luôn có mùi hương nồng ấm lan tỏa. Tất cả các mùi ẩm mốc hay khó chịu đều hết hẳn. Hương trầm, còn giúp người dùng cảm thấy thoái mái dễ chịu. Giúp định thần và làm dịu cảm xúc, chẳng thế mà trầm rất được ưa chuộng trong những không gian thiền định như thiền viện hay đền chùa ngày xưa. Trầm đi cả vào trong những câu kinh bài kệ từ ngàn xưa:
“Trầm hương xông ngát điện
Sen nở Bụt hiện thân
Pháp giới thành thanh tịnh
Chúng sanh lắng nghiệp trần.”
Dùng trầm, lại khiến người ta trầm ngâm mà liên tưởng đến cảnh đời.
Người ta cứ vội vã như vậy, xô bồ như vậy. Chỉ nhìn thấy những cái trước mắt. Như hương hoa nở tàn chóng vánh. Nở nhanh, thơm đậm đà, rồi cũng tan biết rất nhanh vào hư không mà chẳng để lại dấu vết gì. Đó, là cái giá của “cái lợi trước mắt”. Có nhanh đấy, có gây ấn tượng đấy, nhưng rồi cũng lụi tàn nhanh như khi nó đến mà thôi.
Có mấy ai sống đủ trầm lặng, đủ sâu sắc như trầm. Để mà biết có trước có sau. Biết được đằng sau những cái lợi ích nhỏ nhoi là cả một mối nguy hại lớn đang chờ. Mấy người hiểu được rằng. Có những thứ không thanh, không sắc, không cầu kì hoa lệ. Mùi hương của nó có thể không thơm ngay như cúc hay nhài. Mà hương thơm ấy cứ lặng lẽ ngấm dần vào không khí. Lặng lẽ làm việc của mình. Còn kết quả thì đến rất từ từ. Phải một thời gian sau, người ta mới chợt nhận ra mùi hương ấp ám thủy chung đó đã hoàn thành công việc của mình từ bao giờ. Đã nâng đỡ mình bao tháng ngày, và vẫn còn tỏa hương quấn quýt đến nao lòng dù chẳng còn được thắp lên. Đời, có mấy ai…