Câu truyện về Trầm Hương và những bí ẩn cung đình chưa từng được tiết lộ

Bí ẩn trầm hương – Kỳ 1: Vài dòng lịch sử  

Trầm hương luôn mang trong mình những bí ẩn kỳ vĩ mà ít người có thể lý giải. Bây giờ, người ta chủ yếu tò mò về Trầm chỉ là giá cả của nó. Cái thứ đấy là gì mà đắt hơn cả vàng ròng vậy?

So với giá cả trên mây xanh thì những tri thức về trầm hương vẫn còn dưới mặt đất. Người ta biết quá ít về nó. Tri thức về trầm hương nghèo nàn đến mức sách vở chỉ trích qua trích lại 2 tài liệu, xưa nhất là của Lê Quý Đôn (Phủ biên tạp lục), gần nhất là của Đỗ Tất Lợi. Còn tài liệu khoa học trên thế giới thì chủ yếu nói về đặc tính của cây dó, liệt kê các hoạt chất và một số dược lý của trầm, chưa ai nói được cặn kẽ trầm được hình thành như thế nào, có những giá trị độc đáo gì mà giá của nó mắc đến như vậy. Trên thế giới, giá bán cao nhất 1 kg trầm hương có thể lên tới 160 triệu đồng, còn giá 1 kg kỳ nam thì lên đến mức hoang tưởng: 7 tỉ đồng. Sự kỳ dị đó của giá cả, cộng với sự thiếu trách nhiệm trong quản lý tài nguyên thiên nhiên đã khiến cho trầm hương vốn không bao giờ thiếu trên rừng núi chúng ta suốt hơn 4.000 năm qua, đã gần như bị tuyệt chủng chỉ trong vòng 35 năm.

“Trong đau thương dó biến thành trầm”, tôi từng đọc ở đâu đó câu thơ này, nó khiến ta suy tư về lẽ sinh tồn của đời người. Trầm đã hình thành đúng như thế. Khi nào thân cây dó bị một vết thương (do va đập, do bị côn trùng đục, bị bom đạn…), xung quanh vết thương đó lâu ngày biến thành trầm. Vì hiểu được “nguyên lý” này nên ngày nay người ta có thể làm trầm “nhân tạo”, tức là trồng cây dó rồi tạo ra vết thương, cấy hóa chất vào để gây tác động cho ra trầm. Đến nay, nhiều người đã trồng dó và đã lấy được trầm theo phương pháp trên, tuy trầm nhân tạo có mùi thơm của trầm nhưng giá trị như thế nào thì vẫn còn mù mờ.

Thực ra, tôi không quan tâm mấy đến trầm hương, ngoài sự liên tưởng về cái “đau thương” nói trên. Cho đến khi tôi gặp được một kỳ nhân dụng trầm tôi mới hiểu sự “đau thương” đó có quá nhiều bí ẩn.

trầm hương
Rừng gió bầu

Đó là ông Nguyễn Phúc Ưng Viên. Là cháu nội hoàng tử thứ 12 con vua Minh Mệnh, ông Ưng Viên gọi vua Minh Mệnh bằng ông cố. Theo “đế hệ thi” của vua Minh Mệnh thì hàng “Ưng” ngang với vua Hàm Nghi và là hàng ông nội của vua Bảo Đại. Hàng “Ưng” nay chỉ còn vỏn vẹn 3 vị: ông Ưng Linh hiện ở Đà Nẵng gần 90 tuổi, ông Ưng Ân ở Huế gần 80, ông Ưng Viên trẻ nhất, mới xấp xỉ 70. Giải thích về thứ bậc và tuổi tác của mình trong dòng họ, ông bảo: “Tôi thuộc dòng thứ”.

Ông Ưng Viên sống ở TP.HCM như một ẩn sĩ âm thầm chữa bệnh cứu người. Từng có thời gian tiếp cận khá sâu vào ngành y của người Mỹ, nhưng ông không theo nghề bác sĩ mà chuyên tâm ứng dụng thuốc nam – xin lưu ý là thuốc nam chứ không phải thuốc bắc. Cả nhà ông không bao giờ sử dụng thuốc tây, kể cả đối với những vật nuôi như con heo con gà. Ông bảo dân tộc Việt từ một nhóm nhỏ mấy ngàn người, đã dựa vào thiên nhiên mà sống, mà sinh sôi phát triển mà mở rộng bờ cõi, đến nay đã lên tới hơn 80 triệu người, dân tộc đó ắt phải biết cách phòng và chữa bệnh bằng chính những gì mình có. Thuốc tây mới du nhập vào khoảng 150 năm nay thôi. Thế giới có biết bao nhiêu là trận dịch chết người hàng loạt, còn trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Việt Nam có một trận dịch nào khiến nhiều người chết không? Chết hàng loạt vì đói thì có, còn chết hàng loạt vì dịch thì không.

La sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã từng nhắc vua Quang Trung rằng nước Nam ta sẽ còn phụ thuộc vào Trung Quốc chừng nào vẫn còn phụ thuộc vào thuốc bắc.Ông cũng không coi trọng thuốc bắc bằng thuốc nam. Ông bảo từ ngàn năm trước người Việt hằng năm phải cống nạp các thầy thuốc giỏi cho Trung Quốc. “Dòng họ tôi, chỉ riêng thời nhà Đinh đã phải cống nạp đến 18 thầy thuốc giỏi sang Tàu”, ông nói.

Tổ chức Y tế thế giới ngày nay cũng khuyến nghị loài người nên áp dụng những thức ăn – dược liệu hữu ích của các dân tộc có lịch sử lâu đời để chăm sóc sức khỏe. Việc sử dụng tảo Spirulina từ châu Phi cho cả thế giới là một minh chứng.

Tôi phải giới thiệu sơ qua một chút “lý lịch” của ông Ưng Viên, không phải để nhấn mạnh cái gốc hoàng tộc của con người này,  mà vì nó liên quan đến tư cách “dụng trầm” và y thuật của ông. Mọi người đều biết, Lê Quý Đôn ở Đàng Ngoài, mà trầm thì xuất từ Trung Bộ, nên dù là một nhà bác học nhưng Lê Quý Đôn chỉ có thể khảo sát qua tư liệu cổ và hỏi thêm một số người khai thác trầm để viết sách, ông không thể có cơ hội trải nghiệm với trầm. Còn nhà Nguyễn, chính là gia tộc dụng trầm số 1, tính từ Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên) trở đi.

Có những cuộc tương ngộ làm nên lịch sử. Riêng cuộc tương ngộ giữa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Bỉnh Khiêm thì làm nên một cuộc xoay trời chuyển đất. Đọc sử sách ta chỉ biết đến lời khuyên nổi tiếng “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm nói với Nguyễn Hoàng, nghe lời khuyên đó mà họ Nguyễn được bảo toàn để cho Việt Nam có thêm một nửa giang sơn gấm vóc. Nhưng không lẽ Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ giúp cho Chúa Tiên một lời khuyên thôi sao? Sử sách không ghi thêm điều gì nữa. Sử sách cũng chỉ cho biết Nguyễn Bỉnh Khiêm là ông Trạng Trình tinh thông dịch số, là nhà nho yêu nước thương dân, là một ẩn sĩ “thu ăn măng trúc đông ăn giá”, là một nhà tiên tri. Chỉ là nhà tiên tri sao có thể khiến được cả ba nhà Mạc, Trịnh, Nguyễn đều đến xin tham vấn trong những thời điểm ngặt nghèo? Nhà tiên tri, dù nổi tiếng đến đâu cũng chỉ có thể thuyết phục được người thường, đâu có thể khiến nổi các bậc đế vương đem sự nghiệp tiền đồ của mình mà gửi gắm. Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn còn là sự bí ẩn của lịch sử.

Cho đến một buổi trưa ông Ưng Viên đãi tôi ăn món thịt dê do chính ông nấu. Tôi chưa bao giờ được ăn món thịt dê ngon như vậy. Nó ngon dĩ nhiên là do sự thiện nghệ của người nấu, nhưng nó còn ngon hơn vì câu chuyện được nghe. Ông Ưng Viên nói một trong những thứ mà Chúa Tiên mang vào Nam là những đàn dê, việc này do chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đề nghị. Dê là con vật độc đáo, không những có giá trị y thực phục vụ sức khỏe cho dân chúng, mà còn rất tiện ích cho hậu cần quân sự. Dê dễ nuôi, có thể dẫn các đàn dê theo quân, khi có chiến sự chúng ở đâu nằm im ở đó không chạy nhặng xị như trâu bò gà vịt, lại dễ phân phối trong quân, một con dê có thể phục vụ gọn bữa ăn cho một “tiểu đội”. Cha ông của ông Ưng Viên dặn dò con cháu ngoài việc nhớ ơn và thờ phụng tổ tiên mình, còn phải nhớ ơn và thờ phụng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đề xuất với Chúa Nguyễn từ chiến lược chiến thuật, từ chuyện quân cơ, hậu cần cho đến những chuyện cụ thể liên quan đến bảo vệ sức khỏe cho quân dân như món ăn, bài thuốc để làm hành trang Nam tiến. Trong đó có chuyện “dụng trầm”.

Nhà Nguyễn để lại nhiều di sản, có thứ để lại cho lịch sử, có thứ chỉ để lại cho con cháu. Những ai nói công thức rượu Minh Mệnh đã bị thất truyền là nhầm to. Hoàng tử Vĩnh Giu con vua Thành Thái, thuộc  hàng cháu nội ông Ưng Viên, lúc khốn khó đã bỏ rượu cho các nhà hàng để sinh sống, đó là rượu Minh Mệnh chính hiệu. Ông Ưng Viên cho hay ông Vĩnh Giu có giữ bí quyết làm men nhưng không biết làm rượu, chính ông đã làm rượu giúp cho ông Vĩnh Giu. Rượu cung đình nhà Nguyễn có tới 175 dòng men, hơn 3.000 loại rượu. Ông Vĩnh Giu lưu giữ được 30% dòng men, ông Ưng Viên giữ được 70%. Chỉ riêng hai ông gộp lại cũng đã đủ 175 dòng, không có dòng men nào thất truyền cả, chỉ có điều là chúng không được truyền ra ngoài.

Còn việc dụng trầm thì kế thừa tri thức của tiền nhân do Nguyễn Bỉnh Khiêm truyền lại, nhà Nguyễn đã có gần 400 năm ứng dụng trầm hương trong y học và đời sống, kể cả phục vụ quốc phòng, rồi hoàn thiện pho y lý về trầm hương, đồng thời có chính sách hữu hiệu bảo vệ triệt để nguồn tài nguyên trân quý ấy. Ông Ưng Viên kế thừa đủ di sản dụng trầm của dòng họ, do ông nội ông truyền lại, những bí quyết đó cũng không truyền ra ngoài.

Sưu tầm

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay