Không có gì quý hơn tình huynh đệ – bạn bè

Chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc

Có một lần tôi đi xem một cuộc triển lãm xác chết ở San Diego. Người ta ướp những xác chết của hàng trăm người trẻ nam và nữ, và trình bày trong một chỗ giống như chỗ thực tập thiền quán. Người ta ướp rất khéo nên giữ lại được những nét đẹp của người trẻ. Có một xác đang đứng trong tư thế đánh golf rất hùng tráng nhưng cứng đơ. Trong khi xem triển lãm chúng ta thấy đời là vô thường. Là người trẻ chúng ta cũng có thể chết như những người trẻ này. Vì vậy trong khi ta còn hình hài, còn sức khỏe; trong khi ta còn đi đứng được, còn cúi xuống được thì ta phải có hạnh phúc. Đợi đến khi hình hài ta cứng đơ như vậy thì đã hơi trể rồi.

Niệm là nhớ, nhờ có chánh niệm nên ta mới biết trân quý những gì ta có trong giây phút hiện tại. Hạnh phúc có được là nhờ ta có chánh niệm, cho nên ở Làng Mai chúng ta thường nói: chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc. Chúng ta không đi tìm hạnh phúc nơi tiền bạc, danh vọng, quyền hành, sắc dục mà chúng ta tìm hạnh phúc ở chánh niệm. Chánh niệm là một nguồn suối hạnh phúc bất tận chúng ta có thể chế tác ra trong khi đi, đứng, nằm, ngồi.

Thực tập thiền đi một trăm phần trăm
chuong-chua-lang-maiNgày hôm qua trong buổi lễ đối thú an cư chúng ta đã đồng ý với nhau rằng trong khóa an cư này chúng ta sẽ thực tập nghiêm chỉnh thiền đi. Chúng ta cũng biết rằng nếu ta thực tập 100% thì rất dễ, còn nếu ta chỉ thực tập nửa vời thì sẽ không thành công. Và nếu thực tập thành công thiền đi thì chúng ta sẽ thực tập những chuyện khác dễ dàng hơn.

Xuất sĩ cũng như cư sĩ, chúng ta đã quyết định phải thực tập thiền đi 100%, có nghĩa là hễ bước chân đi là phải có chánh niệm. Muốn có chánh niệm thì chúng ta phải ngưng sự suy nghĩ, tại vì tư duy làm chúng ta bay bổng lên không trung, hay kéo ta đi về quá khứ hoặc đi đến tương lai. Tư duy, tuy đôi khi cũng hay nhưng rất có hại. Thường thì nó kéo ta về hướng thất niệm. Tâm trí ta bị phân tán, ta suy nghĩ lung tung. Phương cách hay nhất để làm ngưng lại sự suy nghĩ là cột tâm vào hơi thở, dùng hơi thở làm đối tượng duy nhất của tâm gọi là tâm nhất điểm. Tâm nhất điểm là định. Tâm ta chỉ để ý tới hơi thở và ta phối hợp hơi thở đó với bước chân. Hơi thở vào đi theo với một hay hai bước chân, hơi thở ra đi theo với một, hai, ba hay bốn bước. Khi ta cột hơi thở vào bước chân thì tự nhiên tư duy sẽ ngưng lại. Tùy theo ta muốn ta có thể an trú trong “không tư duy” đó trong thời gian 10, 15 hay 20 phút.

Trong thiền phái Tào Động có nói: Tư duy cái mà ta không tư duy được thì làm sao mà tư duy? lương cá bất tư lương để, bất tư lương để như hà tư lương? How can you conceive of something that cannot be conceived? Not thinking, not conceiving is the secret of meditation. Tư là tư duy, lương (hay hượng) là đo lường. Thực tại không thể nắm được bằng tư duy. Trong khi đi chúng ta phải thực tập phi tư lương 非 思 量. Ta cột tâm vào hơi thở, vào bước chân. Đó là niệm và định. Niệm là nhớ hơi thở, nhớ bước chân. Định là ở với hơi thờ, ở với bước chân. Có niệm và định thì ta tiếp xúc được với tuệ: ta đang còn sống, ta đang đi trên Đất Mẹ mầu nhiệm. Mỗi bước chân có thể có hỷ, lạc và tự do. Đó là thảnh thơi. Chữ thảnh thơi (moksa, vimukti) có nghĩa là tự do (freedom), là không bị ràng buộc, lôi kéo, đè ép. Có thảnh thơi thì ta mới có hạnh phúc.

Trở về giây phút hiện tại

Trong chúng ta có những người bị ràng buộc bởi quá khứ, họ không thể quên được quá khứ. Họ có những đau buồn trong quá khứ và cứ trở về quá khứ để nhai lại đau buồn đó mà không thoát ra được. Họ không có thảnh thơi, không có tự do. Ví dụ một thiếu nữ bị hãm hiếp trong thời còn thơ ấu, và nỗi đau buồn đó còn hằn trong thân và tâm của cô. Hằng ngày cô không có khả năng sống trong giây phút hiện tại. Cô không thấy trời xanh rất đẹp, cô không thấy được mây trắng rất xinh, cô không thấy được hoa nở, cô không nghe được tiếng chim hót và tiếng thông reo. Người đó bị quá khứ trấn ngự. Muốn đừng bị quá khứ trấn ngự nữa thì người đó phải phá bỏ ngục tù quá khứ và trở về giây phút hiện tại. Cô có thể nhờ một người khác nhắc cô rằng chuyện bị hãm hiếp đã xảy ra trong quá khứ. Chuyện đó bây giờ không còn nữa, bây giờ cô đang có an ninh, cô phải tự nhắc mình: Bây giờ không có chuyện đó nữa, nó đã là quá khứ. Nhưng tại vì quá khứ đó giống như một cuốn phim quay ở dưới tiềm thức và mình cứ chui vào để xem cuốn phim đó để đau khổ rồi khóc. Đó không phải là sự thật, nó chỉ là những cuốn phim. Trong khi đó thì hiện tại là sự thật. Trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở là những chuyện có thật. Mình không có khả năng sống với những sự thật đó mà cứ chui vào trong hầm tối để coi lại cuốn phim, coi lại và coi lại nữa. Mình không có thảnh thơi, không có tự do.

Khi thở một hơi kéo dài chừng ba hay bốn giây mà mình để hết tâm vào trong hơi thở thì trong thời gian ba hay bốn giây đó mình buông được quá khứ và mình có tự do. Tâm nhất điểm (one pointed mind) có nghĩa là tâm chỉ có một đối tượng là hơi thở vào. Nếu trong hơi thở vào đó có niệm và định, mình hoàn toàn chuyên chú vào hơi thở thì trong bốn giây đó mình có tự do tại vì mình buông bỏ được quá khứ.

Tương lai cũng vậy, nó cũng ràng buộc mình. Mình không biết ngày mai ra sao? Có ai để cho mình nương tựa không? Cái gì sẽ xảy ra cho mình? Mình buồn khổ cho tương lai, tương lai trở thành tù ngục cho dù nó chưa tới và mình sợ hãi tương lai. Quá khứ hay tương lai đều là những sợi dây ràng buộc. Khi mình bắt đầu thở và chỉ chú tâm vào hơi thở thì trong một, hai, ba hay bốn giây đó mình buông hết quá khứ. Mình chỉ ở trong giây phút hiện tại, tại vì hơi thở vào đó đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Mà nếu có được tự do trong bốn giây thì mình sẽ có được tự do trong tám giây, tại vì khi thở ra mình cũng chú tâm vài hơi thở ra và không để tâm trở về quá khứ hay đi tới tương lai. Tư duy thường kéo mình về quá khứ hay tương lai nên mình phải chấm dứt tư duy.

nắm-tayKhi có tự do thì ta có hạnh phúc. Hạnh phúc là tiếp xúc được với những cái hay, cái đẹp, cái mầu nhiệm, cái tươi mát, cái nuôi dưỡng đang có trong giây phút hiện tại. Mỗi người trong chúng ta là một chiến sĩ. Ta phải dùng gươm trí tuệ để chặt đứt những sợi dây ràng buộc ta với quá khứ hay cột ta vào tương lai. Tự do là sự thực tập của chúng ta. Không phải sau khi thực tập mười năm thì chúng ta mới có tự do. Tự do đó, tuy còn ít, nhưng chúng ta có thể có liền được. Ngồi một mình ta có thể nói chuyện với em bé trong mình. Em bé đó muốn ta chú ý tới, nó hay kéo ta trở về quá khứ để gặm nhấm lại những đau thương. Ta phải trở về với em bé đó để nói chuyện với nó: Em bé ơi, tôi biết là em đang có đó trong tôi. Vì em đòi sự chú ý nên tôi đã trở về với em đây. Em bị thương rất nặng. Nhưng em nên nhớ rằng tôi cũng là em và em đã trưởng thành. Chuyện đau buồn của em là chuyện quá khứ. Hiện tại rất đẹp, có trời xanh, mây trắng, thông reo, hoa nở. Em phải cầm tay tôi ra khỏi quá khứ và đi vào trong giây phút hiện tại.

Tăng thân, những người tu với mình, giúp mình làm chuyện đó. Chúng ta giúp nhau đi ra khỏi ngục tù của quá khứ hay sự lo lắng về tương lai để an trú trong hiện tại. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân đều có khả năng đem lại sự giải thoát, đem lại tự do. Niệm, định, tuệ là một thanh gươm rất sắc có thể chặt đứt những sợi dây. Hơi thở hay bước chân của mình có thể là những lưỡi gươm cắt đứt những sợi dây ràng buộc mình với quá khứ hay với tương lai.

Nếu nói chuyện trong khi đi là mình để câu chuyện hay sự suy tư kéo mình về quá khứ, kéo mình tới tương lai. Mình không có cơ hội để tranh đấu cho tự do. Có thảnh thơi, tự do rồi thì mình mới có an lạc, hạnh phúc. An lạc không phải là cái xa vời mình đạt được sau sáu năm thực tập. Mỗi hơi thở mà có chánh niệm và chánh định đều đem tới an lạc, tại vì mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại.

Không có gì quý hơn tình huynh đệ

Ở Việt Nam người ta nói rằng ba thứ mà chúng ta đi tìm là độc lập, tự do và hạnh phúc. Chúng ta có thể hiểu ba chữ đó theo kiểu tu tập của chúng ta. Độc lập là không bị nô lệ cho quá khứ, cho tương lai, cho những đam mê của mình. Đó là những điều kiện căn bản để có tự do. Ta không tùy thuộc vào một cái khác hay là tùy thuộc vào một người khác. Chúng ta không cho rằng nếu không có cái đó hay không có người đó thì ta không có hạnh phúc. Chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có độc lập không? Tôi có cần đòi hỏi phải có một người khác hay có cái này, cái kia thì tôi mới có hạnh phúc không? Có độc lập rồi thì tự nhiên ta có tự do, ta không vướng bận, ta không bị ràng buộc bởi quá khứ, bởi tương lai. Ta thênh thang tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc có đầy trong mình và chung quanh mình. Đó là độc lập, tự do, hạnh phúc.

co-xanh-chaymoc

Ở Pháp người ta có ba chữ: liberté, fraternité, égalité. Những chữ này hiểu theo pháp môn của chúng ta cũng rất hay. Liberté là thảnh thơi, tự do, tự do đối với những đam mê, giận hờn, tuyệt vọng, đau thương của quá khứ và đối với những lo lắng về tương lai. Ta đã có tự do đó chưa hay là ta đã tranh đấu cho tự do nào ở bên ngoài? Tự do ở đây không phải là tự do chính trị mà là tự do tâm linh thật sự trong đời sống hằng ngày. Ta có được bao nhiêu tự do đối với những phiền não của mình? Ta phải tự hỏi như vậy. Ta có bị ràng buộc bởi cái lo, cái giận hay bởi sầu khổ của quá khứ và lo lắng cho tương lai không? Nếu không có tự do thì làm sao ta có hạnh phúc? Mà tự do là sự thực tập chứ không phải là món quà được gửi tới bằng bưu điện.

Fraternité hay tình huynh đệ rất hay. Nhưng ở Pháp các nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà khoa học có xây dựng tình huynh đệ hay không? Chúng ta ở Làng Mai biết rằng tình huynh đệ là quan trọng nhất. Nếu không có tình huynh đệ thì không có gì nuôi dưỡng để mình có thể thực hiện được ước mơ của mình. Ở Làng Mai, tất cả những gì mình làm, mình nói đều phải có mục đích xây dựng tình huynh đệ. Có tình huynh đệ thì có tất cả, không có tình huynh đệ thì không có gì hết.

Năm 2005 tôi được về Việt Nam lần đầu sau 40 năm lưu đày. Các nhà báo hỏi tôi ngay ở phi trường Charles de Gaulle và khi tới Việt Nam họ vẫn tiếp tục hỏi:

– Thầy có muốn nói gì không? Xin thầy cho biết ý kiến về tình trạng ở Việt Nam.

Tôi nói:

– Tôi mới chân ướt chân ráo về tới đây. Tôi đã thấy gì đâu mà nói. Tôi phải ở lâu ngày, phải trải nghiệm rồi mới nói được. Nhưng hình như có một cái tôi nói được, đó là “tình huynh đệ là cái cao quý nhất“. Bác Hồ nói “không có gì quý hơn độc lập tự do“, còn tôi thì nói “không có gì quý hơn tình huynh đệ“.

Đó là kinh nghiệm của đời mình, nếu không có tình huynh đệ thì không làm được gì hết. Nếu ở Làng Mai mà không có tình huynh đệ giữa các thầy, các sư cô và các phật tử cư sĩ thì thử hỏi chúng ta có làm được gì không? Chúng ta không thể tổ chức được cả khóa tu. Không có tình huynh đệ thì làm sao có độc lập tự do? Có tình huynh đệ mới có đoàn kết, có tình thương yêu để nuôi dưỡng mình. Khóa tu đầu tiên cho người xuất sĩ tại chùa Từ Hiếu ở Huế có đề tài là “Xây dựng tình huynh đệ”.

Tình huynh đệ là bản chất của một đoàn thể tu học. Nhìn lại đoàn thể tu học mà Bụt đã xây dựng thì chúng ta thấy có tình huynh đệ trong đó. Các thầy lớn luôn luôn chăm sóc cho các thầy trẻ. Điều này làm cho Bụt rất hạnh phúc.

Chữ fraternité (brotherhood) cũng có nghĩa là tăng thân, là một đoàn thể tu học. Khi một số các cha, các thầy ở với nhau để cùng tu học thì đoàn thể đó được gọi là la fraternité. Phật giáo có chữ lục hòa trong một đoàn thể hòa hợp hạnh phúc. Ba chữ liberté-fraternité-egalité rất hay nhưng hình như nó chỉ còn là chữ thôi mà không còn có ý nghĩa thực tế nữa. Các nhà chính trị la ó tấn công khi họ nói về nhau cho chúng ta thấy không còn chút gì là fraternité cả. Họ lên án, bêu xấu nhau ngay trong cùng một đảng phái. Chúng ta phải làm thế nào để phục hồi tình huynh đệ (fraternité) ngay trong những tổ chức chính trị.

Giấc mơ nhỏ bé: bình đẳng cơ hội

Egalité là công bằng, là bình đẳng. Người ta thường nói chúng ta sinh ra bình đẳng với nhau, nhưng sự thật thì không như vậy. Nếu ta có một bà mẹ nghèo thì ta đã không có bình đẳng rồi. Có những đứa con có cơ hội đi học đến tốt nghiệp đại học và có những đứa con không bao giờ được học hơn cấp tiểu học. Vì vậy chúng ta sinh ra là đã không bình đẳng, nói rằng ta sinh ra bình đẳng là không đúng với sự thật.

Chữ bình đẳng ở đây không có nghĩa là có tài năng như nhau hay có sự hưởng thụ bằng nhau. Sự thật là chúng ta nhìn thấy có những người quá giàu và có những người quá nghèo. Mục đích của chủ nghĩa cộng sản là: tất cả đều là của chung. Nhưng các ở nước cộng sản hiện nay như Việt Nam hay Trung Quốc thì người giàu lại quá giàu và người nghèo thì lại quá nghèo. Đứng về phương diện cơ hội thì chúng ta không có égalité.

tu-si-chaymoc

Chữ égalité ở đây chúng ta phải hiểu là có cơ hội bằng nhau. Dù sinh ra ở miền Nam hay miền Bắc, dù có một bà mẹ da đen hay da trắng, dù sinh ra trong một gia đình công nhân hay gia đình triệu phú thì ta phải có được cơ hội bằng nhau. Ta phải được nuôi dưỡng, phải được uống sữa. Ở nhiều nước trẻ con không có sữa uống. Nếu bà mẹ không có sữa thì em bé hoàn toàn không có cơ hội và không lớn lên được.

Hiện nay ở Việt Nam, Làng Mai đang có những tác viên xã hội mà mục đích là vào thôn quê để giúp cho bất cứ trẻ con nào mỗi ngày ít nhất phải có được một ly sữa. Giấc mơ của Làng Mai rất nhỏ bé: Làm sao để mỗi em bé mỗi ngày có được một ly sữa. Chữ bình đẳng ở đây chúng ta phải hiểu như một cơ hội: một em bé sinh ra phải có được cơ hội như những em bé khác. Đó là giấc mơ của chúng ta: em bé nào sinh ra cũng có sữa uống, cũng được nuôi dưỡng đàng hoàng, cũng có cơ hội học tiểu học, học trung học, học đại học.

Nhưng tất cả những giấc mơ đó làm sao có nếu chúng ta không có tình huynh đệ. Có tình huynh đệ thì chúng ta mới có sức mạnh để tu tập, để tranh đấu. Tu tập, tranh đấu để có tự do ở ngoài và ở trong ta, tự do ở trong đối với những phiền não, tuyệt vọng, đối với những ngục tù của quá khứ hay những lo lắng về tương lai.

Quyết định trong tự do

Trong đời sống hằng ngày chúng ta thường bị đặt trước tình trạng phải đi đến quyết định và chúng ta quyết định một cách rất hấp tấp. Chúng ta quyết định trong tình trạng không có tự do. Nếu ta đi đến quyết định trong khi tâm ta không nhẹ nhàng, thanh thản thì quyết định đó sẽ đưa tới khổ đau cho ta và cho người khác. Khi đang giận mà ta quyết định thì quyết định đó đang bị sự giận hờn chế ngự. Khi quyết định trong lúc ta đang lo lắng, bất an thì quyết định đó không thể nào sáng suốt tại vì ta không có tự do. Mình quyết định tự tử là tại vì mình đang bị tình trạng tuyệt vọng hay giận hờn trào lên. Đôi khi mình tự tử là để trừng phạt người kia.

Sự thực tập của chúng ta là sự thực tập tự do (the practice of freedom). Khi thở vào mà mình chuyên tâm đi theo hơi thở vào thì tự nhiên mình buông bỏ quá khứ, lo lắng và mình có được một chút tự do. Và thở ra được với chánh niệm thì mình nuôi dưỡng tự do lớn lên. Thực tập trong năm, bảy phút thì tự nhiên mình có đủ tự do để đi đến một quyết định. Nguyên tắc là: khi không có tự do thì chúng ta đừng quyết định. Dù cho mọi người nói mình phải quyết định liền nhưng mình phải từ chối tại vì mình không có tự do, không có thảnh thơi, bình an để quyết định. Đi tới một quyết định sai lầm thì mình sẽ đau khổ suốt đời và làm cho người kia đau khổ suốt đời, cho nên tự do là một yếu tố rất quan trọng của hạnh phúc.

Chúng ta đã quyết định trong mùa An Cư Kiết Đông năm nay mình sẽ thực tập thiền đi rất đúng mức. Trong khi đi mình phải ngưng sự suy nghĩ, sự nói năng. Mình phải cột tâm vào hơi thở, vào bước chân. Mình không khổ trong khi thực tập. Nếu thật sự có niệm, định, tuệ thì mình sẽ tiếp xúc với trời xanh, mây trắng, với những mầu nhiệm của sự sống trong mình và chung quanh mình. Mỗi bước chân phải có thảnh thơi và an lạc. Sự thực tập của quý vị là đi như thế nào để mỗi bước chân có thể chế tác được an lạc, tự do. Khi ta cảm thấy được mỗi bước chân cho ta an lạc, hạnh phúc tức là ta đang thực tập đúng. Cái thảnh thơi, an lạc đó là sự bắt đầu của Niết bàn. Trong kinh Niết bàn được định nghĩa là sự thảnh thơi, an lạc, là sự vắng mặt của những phiền não như giận, buồn, tuyệt vọng, lo lắng. Chúng ta đừng nghĩ Niết bàn là cái gì xa xôi, ảo tưởng. Nó là tự do mà mình có thể đạt được bằng bước chân và bằng hơi thở. Khi cần nói mình có thể ngừng lại nói cho đã, nói xong thì mình đi tiếp. Chúng ta chỉ làm một chuyện thôi, đừng nên bắt cá hai tay. Khi thấy một hành giả quên thực tập thì mình dừng lại nhìn, mỉm cười và xá để nhắc người đó nhớ thực tập. Chúng ta phải giúp nhau.

Thích Nhất Hạnh
Nguồn: langmai.org

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay