Nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.
Không tranh biện không phải vì không biết tranh biện, càng không phải yếu thế hay hèn nhát. Không tranh biện là không có gì cần nói, đúng sai để mà làm gì? Ta không tranh với đời đúng sai, càng không cần giải thích với đời những gì ta làm. Bởi thời gian tranh đấu, thời gian giải thích đã khiến ta không còn thời gian mà làm nữa rồi.
Lời chân thành thường không hoa mỹ, lời hoa mỹ thường kém chân thành… đó là điều không phải ai cũng biết.
Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử viết rằng: “Đạo của bậc Thành nhân là làm mà không tranh”. Câu nói này khiến nhiều người bừng tỉnh đại ngộ. Suy ngẫm một chút, lời ấy thật đúng! Lời nói ngọt, lời khéo không phải là một loại tài năng chân chính. Nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.
Cũng trong Đạo đức kinh, có nói: “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện”, ý nói là lời thành thật không nhất định sẽ êm tai, lời nói êm tai không nhất định sẽ thành thật. Người tốt sẽ không nói lời hoa mỹ, người nói lời hoa mỹ không nhất định là người tốt. Người hiểu đạo không cần phải là người học rộng, người học rộng biết nhiều chưa chắc đã là người hiểu đạo.
Trong quá khứ, có một người có khả năng tranh biện và anh ta thường thắng trong các cuộc tranh biện. Lúc đó, anh ta nghĩ rằng đó là tài năng của anh ta. Anh ta không suy nghĩ một cách cẩn thận về mối quan hệ giữa tranh biện và vấn đề phân biệt thiện ác. Sau này, anh ta gặp một số người tu luyện, những người nhẫn nhịn không tranh biện, và có một cảnh giới tư tưởng khác biệt. Lúc ấy anh ta mới nhận ra sự khác biệt to lớn giữa hai loại người.
Khổng Tử giảng trong “Luận ngữ – Lí Nhân”: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành” (Tạm dịch: Bậc quân tử thường chậm trong lời nói nhưng hành động thì nhanh nhạy). Trong “Luận ngữ – Học Nhi”, Khổng Tử lại giảng: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vu sự nhi thận vu ngôn.” (Tạm dịch: Bậc quân tử ăn nhưng không cầu ăn no, ở không cầu an, nhanh nhẹn, minh mẫn trong việc làm nhưng rất thận trọng về lời nói). Từ điều này có thể thấy, con người sống trong nhân gian nên nói ít làm nhiều.
Nếu chúng ta suy nghĩ về điều đó một cách cẩn thận, thì sẽ thấy rằng một người tốt với nhiều khả năng không cần phải đi tranh biện với người khác. Họ sẽ không chỉ dùng lời nói để chứng minh mình là đúng. Thậm chí dẫu họ có bị phỉ báng trước mặt hay bị công kích cá nhân, họ có thể chứng minh họ vô tội và thanh bạch bằng chính hành động của họ. Những người có thể nhẫn nhịn không tranh biện thường thường là những người làm việc một cách lặng lẽ, họ đều mang tâm ‘dữ thế vô tranh’ (không tranh với đời).
Điều đầu tiên phải chú ý trong lời nói là tránh không nói những điều to tát và nói khoác lác. Không nên chỉ trích người khác, lấy thiện đãi người, gặp điều không hay thì nhẫn nhịn không tranh biện. Đây là những điều mà bậc chính nhân quân tử làm.
Do vậy, rõ ràng là chúng ta nên nói ít hơn và làm nhiều hơn.
Nguồn: phunutoday.vn