Làm sao để vận may luôn đến với mình? Câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi
Làm sao để vận may luôn đến với mình? Tại sao luôn có người may mắn đến vậy. Câu chuyện về chàng thanh niên cùng sự chăm chỉ và lòng hào hiệp dưới đây sẽ giúp bạn tìm câu trả lời:
Hãy cùng đọc câu chuyện sau về vận may dưới đây:
Đây là câu chuyện có thật về một thanh niên nghèo lập nghiệp. Cậu sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cuộc sống thanh đạm. Tuy nhiên cho dù vậy cậu vẫn luôn lạc quan và sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh. Một ngày nọ cả cha và mẹ lần lượt lâm trọng bệnh và nằm liệt giường, cậu thanh niên buộc phải bỏ học để kiếm kế sinh nhai còn phụng dưỡng cha mẹ già.
Một ngày nọ cậu thanh niên ra ngoài để kiếm việc, vốn là người cẩn thận nên cậu vừa đi vừa nhìn đường, vừa quan sát xung quanh. Bỗng dưng cậu nhìn thấy mấy đồng xu rớt trên đường, đường vắng vẻ không có ai nên cậu đã nhặt đồng xu lên với ý định nếu ai mất tiền quay lại cậu sẽ đem trả họ.
Tuy nhiên chờ mãi không có ai tới nên cậu đi tiếp, tới gần một khu vườn rộng. Cậu nghe thấy người làm vườn than phiền khát nước mà không mang gì theo để giải khát. Thấy vậy cậu thanh niên đã dùng số xu nhặt được mua một cốc trà nhỏ mời người làm vườn uống tạm. Người làm vườn cảm ơn cậu bằng những bó hoa tươi thắm.
Cậu thanh niên cầm bó hoa và đi tiếp, qua chợ cậu gặp một số người, họ khen hoa đẹp. Thấy vậy cậu đem tặng luôn bó hoa cho họ, vì “dù sao tôi cũng được tặng thôi”. Nhưng mọi người đều không nỡ lấy không của cậu, ai ai cũng đưa cậu ít tiền. Vậy là cậu có 8 đồng trong túi.
Bỗng dưng trời trở gió, vườn cây nơi cậu đi qua ngập tràn lá và cành cây gãy vì gió mạnh. Ông chủ vườn cây đang cần người dọn dẹp, cậu tới gần và hỏi: “Nếu tôi giúp dọn sạch chỗ này, ông sẽ cho tôi mang hết lá và cành cây về chứ?”
Gia chủ thấy quá hời nên nói luôn: “Cậu cứ việc lấy hết đi”.
Khi cậu thanh niên thu gom lá và cành cây khô, một nhóm trẻ gần đó to tiếng rồi đánh lộn lẫn nhau. Nghe thấy vậy, cậu bèn chạy tới, dùng 8 đồng có trong túi mua kẹo cho chúng và dặn bọn trẻ hãy giảng hòa và yêu thương nhau. Lũ trẻ rất vui sướng vì được cho kẹo, thấy cậu một mình lụi hụi với đống cành và lá cây, bèn hò nhau tới giúp bó lại cho gọn để mang về.
Khi cậu thanh niên chuẩn bị đưa đống cành và lá về nhà, một phụ nữ làm ở căng tin đi qua.
Người phụ nữ nhìn thấy số lá và cành cây bèn thốt lên: “Chỗ này mà dùng để đun thì tốt quá, ít khói, chúng tôi nhiều người bị suyễn mà số củi ở nhà ăn khi cháy bốc khói quá nhiều”.
Cậu thanh niên thấy vậy bèn bảo: “Vậy mời chị lấy đi, tôi cũng không cần lắm đâu”.
Người phụ nữ cảm ơn cậu thanh niên rồi bảo: “Làm sao tôi có thể lấy không của cậu?” Rồi bà đưa cho cậu thanh niên 16 đồng và đem số cành cây đi.
Cậu thanh niên cầm 16 đồng trong tay lòng thầm vui sướng vì mình đã kiếm được chút gì đó về phụ cha mẹ. Cậu quyết định mở một quầy bán trà nho nhỏ gần nhà, do đúng vào lúc tiết trời hè nóng nực, hẳn ai ai cũng khát và sẽ mua trà của cậu. Tuy nhiên cậu bán rất rẻ, rẻ hơn nhiều so với những tiệm khác để vừa kiếm thêm chút phụng dưỡng cha mẹ, vừa giúp người qua đường giải cơn khát với số tiền ít ỏi. Chỗ cậu bán trà gần bãi cỏ thường xuyên có 500 công nhân ngày nào cũng làm việc, và họ là khách quen của cậu, nhiều khi cậu còn đãi họ miễn phí.
Mỗi ngày họ đều mỉm cười thân thiện với cậu.
Rồi một hôm có một doanh nhân đi qua, khát nước nên cũng dừng lại mua trà. Ông nghe đồn có cậu thanh niên khá “khờ khạo” khi mở quầy bán trà với giá rất rẻ và đãi không những công nhân gần đó. Doanh nhân nhìn cậu rồi nói: “Ngày mai có một vài nhà buôn đem 400 con ngựa tới đây, hãy chuẩn bị trà để cho họ giải khát”.
Nghe vậy cậu bèn nghĩ: “Nhiều ngựa thật, chắc là chúng cũng đói, mà ngựa ăn cỏ”. Cậu bèn nói với những công nhân cắt cỏ ngay cạnh. Họ bèn đưa hết số cỏ vừa cắt cho cậu. Cậu thanh niên đếm được tổng cộng 500 bó cỏ.
Ngày hôm sau người bán ngựa tới quầy trà của cậu giải khát và thấy rất nhiều cỏ khô ở đó nên đã hỏi mua.
Cậu thanh niên nói với họ: “Tôi không mất tiền mua cỏ, mời các ông cứ lấy cho ngựa ăn”.
Tuy nhiên những người buôn ngựa đều mỉm cười, uống trà và trả cậu 1000 đồng rồi mang 500 bó cỏ khô đi.
Vài năm sau, tiệm trà của cậu thanh niên ngày càng nổi tiếng, tiếng lành đồn xa, người người khắp nơi đổ về để giải khát và thăm chàng trai tốt bụng. Cậu đã lập nghiệp thành công.
Người xưa có câu: “Tiên tích đức, hậu tầm long” nghĩa là trước phải có đức, phải tu nhân tích đức, sau mới nghĩ đến chuyện tìm sự giàu sang phú quý (tầm long nghĩa là tìm long mạch tốt để tạo sự phát đạt, giàu sang). Lại có câu: “Có đức mặc sức mà ăn” cũng với ý nghĩa tương tự. Chữ Đức, hay nói đúng hơn, ăn ở có Đức là điều rất quan trọng. Cho nên trong Tử vi, mặc dù đặc biệt coi trọng “số phận” con người, nhưng vẫn có câu: “Đức năng thắng số’’, cũng là nhằm nhắc nhở người đời hãy biết lấy Đức làm trọng, vừa giúp ích cho xã hội, vừa tạo nên “số phận” tốt hơn cho chính mình.
Phật giáo coi chữ Đức là hành động, suy nghĩ và lời nói thiện.. để từ đó có được sự từ bi, hỷ xả, mang điều tốt đẹp đến cho mọi người. Hơn nữa, Đạo Phật còn có quan niệm về sự luân hồi, nghĩa là có sự nối tiếp nhân quả của Đức từ tiền kiếp trong quá khứ. Vì vậy mới có lời khuyên rằng: Ăn ở hiền lành để phúc cho con; hoặc có lời răn: Đời cha ăn mặn, đời con khát nước…
Sự thành công của con người không phải dễ dàng, ngoài sự nhanh nhẹn, thông minh, biết nắm bắt cơ hội thì cốt lõi nằm ở đức tính nhân hậu và khoáng đạt. Cứ mở rộng tấm lòng giúp đỡ người khác không toan tính thì ắt sẽ được người giúp lại.
Nguồn: Phunutoday.vn